Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ

GN - Sau nhiều năm trăn trở phải làm một việc gì đó để vơi đi một phần đau thương, mất mát của gia đình đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh, ông đã đề ra kế hoạch sẽ đi tìm mộ liệt sĩ. Năm tháng trôi qua, người lính già ấy đã tìm được hơn 1.000 ngôi mộ từ khắp nơi trên cả nước để đưa về với thân nhân của đồng đội...

Giấc mơ tìm đồng đội

Dù là con một trong gia đình trí thức tại xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) nhưng ông Lê Trường Giang (sinh năm 1945) lại quyết định xin nhập ngũ đội thanh niên xung phong tình nguyện tại Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân khu 4 (khu vực Bắc Trung Bộ). Hơn hai tháng huấn luyện, tháng 10-1964, ông cùng đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu. Tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cụ thể tháng 5-1968, bắn rơi một chiếc máy bay trực thăng Mỹ, được đơn vị tuyên dương khen thưởng quân hàm Trung tá.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Giang tiếp tục được phân công ở lại phục vụ trong quân đội. Đến năm 1977, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu tại biên giới vùng Tây Nam Bộ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Campuchia.

Năm 1991, ông về nghỉ hưu, sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh phường 13, quận Tân Bình (TP.HCM). Trong những tháng ngày nghỉ hưu, ông vẫn tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực tại địa phương nơi mình sinh sống. Năm 1998, ông được nhân dân khu phố 5, phường 13 bầu làm Tổ trưởng tổ khu phố và giữ nhiệm vụ này 20 năm liền.

ANH (2).jpg

Ông Lê Trường Giang (đội mũ) trong một chuyến đi tìm hài cốt đồng đội

Trở về với cuộc sống đời thường, ông trăn trở và mơ ước làm sao để tìm lại đồng đội của mình năm xưa đã hy sinh. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 16 của ông thường đóng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Củ Chi, đây là chiến trường ác liệt nhất thời bấy giờ. Là một cán bộ trinh sát, ông thường xuyên khảo sát kỹ địa bàn chiến trường, khu vực của các trận đánh và biết một số nơi chôn cất đồng đội mình.

Năm 2007, ông Lê Trường Giang đến Phòng Chính sách Quân khu (QK7) liên hệ, để tìm hiểu nắm lấy một số danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 16. Nắm được thông tin, ông đến liên hệ với từng gia đình để ghi nhận thêm thông tin để từ đó định hướng tìm mộ theo hai hướng. Thứ nhất, sẽ tìm mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ rồi báo về cho gia đình và địa phương của họ. Thứ hai, sẽ tìm mộ chưa được quy tập, vẫn đang nằm rải rác ở rừng núi, thôn, xóm, nơi từng diễn ra nhiều trận đánh mà các chiến sĩ đã hy sinh.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông đã xin giấy giới thiệu của Hội Cựu chiến binh TP.HCM, đến các sở, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, khu vực ven Sài Gòn để tìm mộ liệt sĩ. Mỗi chuyến đi như thế, ông luôn lập hai bộ hồ sơ. Bộ hồ sơ gốc do Trung đoàn 16 QK7 và các sở, phòng LĐ-TB&XH địa phương cung cấp, còn bộ hồ sơ thứ hai là do các đồng đội cũ và người dân cung cấp để tiện cho việc tìm kiếm.

Có hồ sơ rồi mang so sánh đối chiếu, nếu dữ liệu nào trùng khớp thì báo về địa phương và gia đình thân nhân. Những trường hợp không trùng khớp, thông tin sai lệch thì ông lại tìm về đơn vị địa phương để so sánh, đối chiếu.

Ông Giang nói: “Hầu hết trong hồ sơ lưu hoặc trên mộ của liệt sĩ chỉ ghi họ tên, năm sinh (không có ngày, tháng), còn quê quán chỉ ghi huyện, tỉnh (không ghi rõ thôn, xã), và ghi năm mất (không ghi ngày, tháng trận đánh). Việc đối chiếu có khi phải đi lại nhiều lần, so sánh đối chiếu từng chi tiết, trong khi đó tôi lại là thương binh tuổi già, sức yếu, phải đi xe ôm, xe đò, xe buýt… nhưng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được, để giúp đỡ nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đi nhận mộ”.

Không thể kể hết gian nan từ hành trình đi tìm mộ liệt sĩ mà ông Lê Trường Giang đã trải qua. Chỉ biết rằng gần chục năm qua, ông đã tìm thấy hơn 1.000 ngôi mộ ở nhiều nơi, góp phần xoa dịu nỗi đau cho hàng ngàn gia đình. Cho đến nay, hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của ông dường như vẫn chưa có điểm dừng.

Giúp đỡ gia đình thương binh nặng

Là hội viên Hội Cựu chiến binh, ông còn tham gia tích cực các hoạt động nghĩa tình đồng đội, với tâm niệm là chia sẻ những khó khăn của đồng chí, đồng đội của mình để họ ổn định cuộc sống. Cụ thể là trường hợp ông Phạm Thế Liễn, quê xã Phong Châu, huyện Đông Hưng (Thái Bình), thương binh nặng 81% bị chất độc da cam, là bạn chiến đấu cũ của ông, hiện đang thường trú tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh (Bình Phước).

ANH (1).jpg

Ông Giang luôn trăn trở cho đời sống khó khăn của thương binh nặng

Bản thân ông đã đi vận động cựu chiến binh Trung đoàn 16 và cựu chiến binh phường 13, quận Tân Bình giúp đỡ, xây dựng được một căn nhà tình nghĩa. “Nhận được nhà tình nghĩa, gia đình đồng chí Liễn có được cuộc sống ổn định. Nhưng khi chuyển hộ khẩu vào Bình Phước sinh sống, thì không may ông Liễn bị đột quỵ ngay tại quê nhà, liệt nửa người và không nói được, thế là vợ con đồng chí ấy lại trở về quê chăm sóc chồng”, ông Giang nói.

Năm 2010, ông Giang cùng vợ ra tỉnh Thái Bình thấy gia đình đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, nhà rách, vách nát không có tiền chữa bệnh, ba người con đều bị chất độc da cam (do bị di truyền của bố), một đứa đã chết, vợ lại ốm đau bệnh tật liên miên. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, chính quyền địa phương và bà con thôn xóm chỉ hỗ trợ được một phần không đáng kể.

Thấy được hoàn cảnh gia đình đồng đội khó khăn như vậy, ông đã bàn bạc với vợ và các con: “Nhà ta nghèo nhưng nhà chú ấy còn nghèo hơn. Vì tình cảm đồng chí, đồng đội và tình người, các con hãy cùng bố mẹ mở rộng lòng thương người, gia đình ta đưa chú Liễn vào trong này chữa bệnh nhé”, ông Giang kể lại.

Cả gia đình đều nhất trí với quan điểm trên rồi đưa đồng đội mình vào TP.HCM chữa bệnh. Trong suốt thời gian đó, ngày ngày ông Giang đều lấy xe máy chở đồng đội của mình đến bệnh viện điều trị. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, hơn ba tháng điều trị, sức khỏe ông Liễn dần dần hồi phục, đi lại một mình và tự nói được chầm chậm.

Gia đình ông Liễn xin chuyển về căn nhà tình nghĩa ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nhưng không may đã bị kẻ trộm bẻ khóa vào lấy hết đồ đạc. Thế là vợ chồng ông Giang lại bàn kế hoạch đi mua sắm đầy đủ những tiện nghi, đồ đạc gia đình cho đồng đội.

Ông Giang có năm người con, trong đó có ba gái và hai trai đều tốt nghiệp đại học và đã kết nạp vào Đảng CSVN. Người con gái đầu hiện đang là Thiếu tá, công tác tại Quân y viện 7A - QK7. Con trai thứ hai cũng là Đại úy, công tác tại Công an TP.HCM. Người con thứ ba hiện đang du học tại Úc, vợ ông làm nội trợ tại nhà. Noi gương cha, các con ông Giang hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM…

Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo

Chia sẻ về ông Giang, Đại tá Tạ Quang Việt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 13, quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết: “Đồng chí Lê Trường Giang là một trong những tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bao nhiêu năm qua nhưng đâu đây vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh và khó khăn của chiến tranh để lại, nhận thấy điều đó, một mình đồng chí Giang đi hết nơi này đến nơi khác mong sao tìm lại phần mộ của đồng đội của mình năm xưa để đưa về với thân nhân liệt sĩ.

Không những thế, rất nhiều lần đồng chí ấy còn vận động Hội Cựu chiến binh của phường quyên góp tiền bạc giúp đỡ những gia đình thương binh nặng. Có thể nói, đồng chí Giang là một trong những tấm gương sáng để cho thế hệ trẻ học hỏi và phát huy trong đời sống hiện nay của chính mình”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày