"Hành trình theo dấu chân xưa" - Tái hiện cuộc thiên đô trong lịch sử dân tộc

Giác Ngộ - Sáng 1-10, đất trời Hoa Lư mưa sùi sụt tiễn thuyền rồng triều đình nhà Lý dời bến Hoàng Long mở đầu cho cuộc hành trình về Thăng Long. Đây là chương trình Lễ hội “Hành trình theo dấu người xưa” với một chuỗi các sự kiện văn hoá - tâm linh liên kết nhau một cách hệ thống dựa trên những dữ liệu về cuộc “thiên đô” cách đây 1.000 năm.  

Hoa Lư “sống lại” 3 triều đại

Chiều tối 30-9, hơn 1 vạn người đã về cố đô Hoa Lư để sống lại những thời khắc thiêng liêng của dân tộc cùng Lễ hội “Hành trình theo dấu người xưa” - lễ hội mở màn cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

dido-1.gif
dido-2.gif
dido-4.gif

Kinh đô Hoa Lư với 42 năm tồn tại, trải qua 3 vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý. Một nghìn năm đã trôi qua, cố đô vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, in đậm trong tâm thức của người dân đất Việt hôm nay và con cháu mai sau. Về cố đô Hoa Lư giờ đây, được chiêm ngưỡng thêm nhiều công trình mới hoàn thành rất hoành tráng bề thế, đó là những nghi môn, phương đình kiến trúc theo lối cổ xưa. Cờ, phướn tung bay mọi nẻo đường dẫn về quảng trường trước đền vua Lê, đền vua Đinh. Khu vực chính diễn ra lễ hội là khoảng sân rộng tương đương với mặt bằng của khu vực Hoàng thành ở Hà Nội ngày nay. Sân khấu được dựng lên lộng lẫy với những dàn trống to trống nhỏ, 2 con rồng kết bằng hoa có kích thước to lớn chầu vào sân khấu tăng thêm sự uy nghiêm. Trong bạt ngàn sắc màu của cờ, hoa, điểm nhấn gây ấn tượng cho du khách còn phải kể đến 2 tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa được công nhận kỷ lục Việt Nam, đó là “Thiên đô chiếu” và “Hồn thiêng Đại Việt”. Đây cũng là 2 kỷ vật được tác tạo bởi tấm lòng và tâm huyết của người dân Hoa Lư dâng tặng thủ đô dịp Đại lễ.

dido-5.gif
dido-6.gif
dido-7.gif
dido-8.gif

Công trình nghệ thuật thư pháp kỷ lục “Chiếu dời đô” có khối lượng gần 5 tấn, được chế tác từ gỗ nguyên khối, do nhà điêu khắc Trần Tụy và nghệ nhân chạm khắc Vũ Quý thực hiện, đạt kích thước dài 458cm, cao 385cm. Tác phẩm gồm 2 mặt: Mặt trước trình bày nguyên bản chữ Hán "Chiếu dời đô" do nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách thể hiện, mặt sau là bản dịch phiên âm và bản dịch ra tiếng Việt, tiếng Anh của tác phẩm này. Phần khung được làm bằng gỗ tự nhiên, phần chữ được các nghệ nhân (trong đó có nghệ nhân Thế Long - người làng gò đồng Đại Bái, Bắc Ninh) gò tay với chất liệu là đồng, mạ vàng. Chiều cao mỗi chữ là 10cm, được gắn bằng bulông nghệ thuật bắt chắc chắn trên 12 tấm gỗ hương tự nhiên quý hiếm của Việt Nam,  tượng trưng cho 12 tháng của bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông với mong muốn tác phẩm sẽ "thuận" theo sự tuần hoàn của thời gian để có thể tồn tại vĩnh hằng với vũ trụ. “Hồn thiêng Đại Việt" là bức tranh thêu bằng tay thể hiện đề tài lịch sử các thời vua Đinh, Lê và Lý với kinh đô Hoa Lư, được xây dựng gồm bảy chương, kích thước dài 35m, cao 3,5m, khối lượng 250kg làm bằng chất liệu vải lanh Italy, tiêu hao hết 185kg chỉ màu các loại. Để làm được bức tranh này, Công ty Đông Thành đã huy động hàng ngàn thợ thêu đất cố đô thực hiện trong vòng một năm. Trong đó có nhiều người thợ tài hoa bậc nhất thông qua các cuộc thi lựa chọn người tài để dệt nên những đường kim, mũi chỉ nhẹ nhàng, tinh tế, uyển chuyển; đồng thời phối màu và liên kết các chương mục chặt chẽ trở thành một câu chuyện nói lên quá trình hình thành và phát triển của các triều vua.

dido-10.gif
dido-11.gif
dido-12.gif

Chiều 30-9, đoàn đại biểu của Chính phủ, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã làm lễ dâng hương tại Nhà bia trước khu vực lễ đài. Buổi tối, khán giả Ninh Bình được thưởng thức đêm nghệ thuật hành trình theo dấu người xưa vô cùng ấn tượng. Tới dự và thưởng lãm có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cùng đông đảo quan khách của Trung ương và địa phương. Dường như hùng khí thiêng liêng của toàn dân tộc với hàng nghìn năm lịch sử đã tụ về đây: “Linh trong tâm khảm mỗi người/ Thiêng trong thế nước ngàn đời dựng xây”. Chương trình nghệ thuật quy mô, hoành tráng với hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên và hàng ngàn người dân tham gia biểu diễn. Chương trình do Nhà hát chèo Hà Nội thực hiện với sự hỗ trợ, tham gia biểu diễn của Nhà hát chèo Ninh Bình, Nhà hát chèo Hưng Yên và một số đoàn nghệ thuật khác. Cả một “triều đình” nhà Lý đã được thành lập bởi Đoàn chèo Hà Nội với đủ vua tôi, hoàng hậu, khanh tướng, quốc sư và các cung nữ, quân lính. Nghệ sĩ Quốc Anh đóng vai vua Lý Thái Tổ, đã tái tạo nên một hình mẫu đẹp, gần gũi hơn với tưởng tượng của người dân về vị vua nổi tiếng lịch sử nước ta. Trong không gian linh thiêng, các màn múa hát, trống hội nổi lên ngợi ca Hoa Lư - Ninh Bình - miền đất ba vua, ngợi ca võ công của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và tầm nhìn anh minh của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn khi quyết định dời đô về Đại La… Lịch sử được tái hiện bằng hình ảnh, màu sắc và ánh sáng để sống lại những truyền thuyết về tuổi thơ Đinh Bộ Lĩnh, về Thái hậu Dương Vân Nga trao vương quyền từ nhà Đinh sang vị tướng tài ba Lê Hoàn. Hình ảnh Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được tái hiện hào sảng, rồi công cuộc dời đô tạo đà cho đất nước lớn mạnh không ngừng… Phần nhạc nền mang màu sắc world music cho đêm diễn được các nhạc sĩ An Thuyên, Đỗ Bảo, An Hiếu... thể hiện công phu, tinh tế. Trong số các nghệ sĩ tham gia chương trình này có thể kể đến ca sĩ Tấn Minh, Ngọc Anh, Phương Thảo, các nghệ sĩ múa, chèo, võ thuật và nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật địa phương.

Tái hiện hành trình thiên đô

Nửa đêm về sáng ngày 1-10-2010, đất trời Hoa Lư đổ mưa tầm tã, nên hành trình dời đô theo dấu chân vua Lý Thái Tổ đã chậm lại đến 8g30 mới xuất phát. Nhà vua, Thiền sư Vạn Hạnh và quần thần đã được rước xuống bến sông Sào Khê. Từ đây, đoàn thuyền bắt đầu hành trình qua các dòng sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Đào, sông Hồng về đất Thăng Long mừng Đại lễ nghìn năm.

dido-13.gif
dido-14.gif
dido-15.gif
dido-17.gif
dido-18.gif
dido-20.gif
dido-22.gif
dido-21.gif
 
dido-23.gif
dido-25.gif
dido-28.gif
dido-29.gif
dido-30.gif
dido-31.gif
dido-33.gif

Các nhà nghiên cứu lịch sử đã xác định được khá chi tiết hành trình thiên đô của Lý Thái Tổ và bộ máy triều đình nhà Lý bằng đường thủy cách đây 1.000 năm. Đoàn thuyền dời đô xuất phát ở bến Sào Khê trong khu vực cố đô Hoa Lưa. Từ bến Đền, đoàn thuyền tiến về phía Đông, qua chùa Nhất Trụ, nơi có cây kinh Phật lớn bằng đá do Nam Việt vương Đinh Liễn dựng năm 973. Đoàn thuyền ngược lên phía Bắc, thông ra sông Hoàng Long, rồi xuôi hướng Đông Nam về ngã ba Gián Khẩu. Từ ngã ba Gián Khẩu, thuyền rồng của vua Lý Thái Tổ rẽ vào sông Đáy ngược lên phía Bắc. Men theo sông Đáy quanh huyện Gia Viễn, Ninh Bình đoàn thuyền sang huyện Thanh Liêm, Hà Nam rồi vào Phủ Lý. Từ đây từng đoàn thuyền nối nhau rẽ sang sông Châu (Châu Giang). Ra khỏi Phủ Lý, đoàn thuyền giảm tốc độ đi quanh ranh giới giữa các huyện Bình Lục, Duy Tiên rồi Lý Nhân. Đến vùng đất đồng bằng Bắc Bộ, bỗng thấy nổi lên ở phía Tây bờ sông Châu một trái núi ba ngọn. Đó chính là núi Đọi. Trước đây, vua Lê Đại Hành đã từng đến vùng Đọi Sơn này làm lễ Cày tịch điền... Tương truyền, từ trên núi Đọi, người dân trông rõ đoàn thuyền của vua Lý Thái Tổ đi trên sông Châu. Vốn là làng có nghề truyền thống làm trống nổi tiếng, từng làm trống trận, trống thiết triều... cho tới phục vụ dân thập phương nên người dân mừng rỡ mang trống, chiêng ra đánh nghênh đón. Sau khi mở tiệc thiết vua và bách quan dân chúng, một số người thợ trống đã cùng theo đoàn thuyền về Đại La và lập nên phố nghề làm trống tức là phố Hàng Trống sau này. Trên dọc hành trình vua thiên đô xưa, mỗi làng xóm, địa danh mà vua đi qua đều được người dân chào đón, dâng tiến những sản vật và những sản phẩm làng nghề. Các làng quê cũng cung tiến những nghệ nhân giỏi theo vua về kinh lập nên những phố nghề: Hàng Trống, Hàng Bạc Hàng Lược, Hàng Thùng… Rồi những làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, nghề lĩnh ở Xích Chài, Kim Hoàn ở Định Công, dệt lĩnh Bái Ân… Đa phần các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, nơi thuyền vua Lý Thái Tổ cập bến chính là bến Đông Bộ Đầu, nay là Dốc Hàng Than. Tại đây, điềm Rồng Vàng xuất hiện và vua đã đổi tên Đại La thành kinh đô Thăng Long.

dido-34.gif
dido-35.gif
dido-36.gif
dido-37.gif

Trên dọc hành trình theo dấu người xưa, chiều tối 1-10, Vua, Thiền sư Vạn Hạnh, Hoàng hậu và các nghệ sĩ dừng chân ở bến cầu Yên Lệnh và ở ngã ba Mỏ Neo (Hưng Yên) để cùng người dân giao lưu trên bến, dưới thuyền. Tại đây, nhân dân Hưng Yên đón đoàn rước trong không khí tưng bừng của Tuần lễ Văn hóa Phố Hiến. Đêm nghệ thuật thứ 2 của hành trình diễn ra tại Quảng trường Trung tâm tỉnh Hưng Yên với sự hội tụ của 300 nghệ sĩ vào tối 1-10.

Chiều 2-10, trong không khí Hà Nội đang tưng bừng với hàng loạt hoạt động mừng Thăng Long thiên niên kỷ, hành trình “Theo dấu người xưa” sẽ từ Hưng Yên về bến Chương Dương Độ - Hà Nội. Ở đây, khi đoàn xa giá về đến nơi, bước qua cổng chào tượng trưng cho cổng thành Đại La, chương trình nghệ thuật “Thăng Long” sẽ được tái hiện với cảnh rồng vàng được kết bằng bóng bay sẽ bay lượn lên trời cao.

Ngoài hành trình về Thăng Long bằng thuyền, chiều 1-10-2010, đoàn rước “Thiên đô chiếu” đi bằng đường bộ từ Hoa Lư theo Quốc lộ 1 để về Thăng Long.  Đoàn rước gồm 3 xe hoa: xe hoa chở tượng vua Lý Thái Tổ, tiếp đến xe hoa chở tượng Thiền sư Vạn Hạnh  (2 xe hoa này vốn là các xe hoa đã xuất hiện trong Lễ cung nghinh các vua nhà Lý và chư vị lịch đại Tổ sư từ Đình Bảng về Hoàng thành Thăng Long trong Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội diễn ra vào cuối tháng Bảy âm lịch vừa qua) và một xe hoa chở tác phẩm Thiên đô chiếu. Đoàn rước được mở đầu và khoá đuôi bởi xe cảnh sát hú còi dẹp đường, nên tất cả mọi phương tiện giao thông đi cùng chiều đều phải đi sau đoàn rước, không xe nào được vượt lên, tạo thành đoàn xe dài hàng km. Vì đoàn xe đi rất chậm để cho người dân hai bên đường chiêm bái, nên quãng đường từ Hoa Lư về Hà Nội chỉ khoảng 80km, nhưng phải đi mất 7 giờ đồng hồ mới về tới nơi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tinh thần nhập thế, phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật - Ảnh: Minh Lộc/BGN

Giúp nhau đi qua những ngày nắng hạn

GNO - Trong những ngày tháng Tư này, tình hình hạn hán gay gắt, hạn mặn xâm nhập sâu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng ngọt hóa Gò Công nói riêng đã gây nên tình trạng nhiều nơi thiếu nước để sinh hoạt trầm trọng, đời sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.
Các em tham dự khóa tu "Về với Phật" tại chùa Phước Long (H.Củ Chi, TP.HCM)

Về chùa học làm người có ích

GNO - Mỗi tháng một lần, vào ngày chủ nhật được ấn định, các em học sinh ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM lại trở về chùa Phước Long (số 27, đường 723) tham gia khóa tu “Về với Phật”. Về chùa, các em không chỉ được vui chơi, học kỹ năng sống, mà còn học và thực hành làm người có ích.
Phân ưu

Phân ưu

Được tin cụ ông Lê Doãn Long, thân phụ của anh Lê Doãn Bằng (pháp danh Pháp Thiện), nhân viên của Báo Giác Ngộ đã qua đời tại quê nhà (Thanh Hóa), hưởng thọ 71 tuổi.

Thông tin hàng ngày