Hạt giống Bồ-đề của ba chưa mất…

GNO - Mùa Vu lan về… Ánh nắng oi bức mùa hạ qua đi nhường chỗ cho từng cơn mưa rào dai dẳng. Nhìn hạt mưa tí tách rơi bên cửa sổ làm con xúc động khi nghĩ về ba.

Ai đó nói rằng mẹ ấm áp đảm đang còn ba lạnh lùng nghiêm khắc nhưng đối với con, ba là người dịu dàng. Ai đó nói rằng tình mẫu tử cao cả hơn tình phụ tử vì mẹ mười tháng mang nặng đẻ đau, ba năm khó nhọc cho bú mớm… nhưng với con, ba không chỉ là trụ cột gia đình kiếm tiền nuôi con khôn lớn mà còn là người thầy tâm linh đầu tiên hướng con đến ngôi Tam bảo, đi theo con đường giác ngộ của Phật-đà.

anh 14.3.jpeg


Ba đã gieo hạt Bồ-đề cho con - Ảnh minh họa

Ba con… từng là tu sĩ nhưng vì nhân duyên với mẹ mà xin thầy xả giới hoàn tục. Phật tử ở nơi này rất có thành kiến với bất cứ ai trở ra con đường xuất thế, họ cho rằng đó phản bội Phật giáo nên mỉa mai, dèm pha đủ điều nhưng ba vẫn âm thầm chịu đựng (xin nói rõ đây không phải do phạm giới bị trục xuất - TG). Ba nói đó là quả báo vì không nghe lời thầy tổ, chỉ một phút thất niệm mà phải rẽ vào con đường đầy chông gai. Đức Như Lai, Ngài dạy: “Ái dục là nguồn gốc của mọi khổ đau”. Nhưng khi nhận ra… đã muộn rồi!

Tình yêu là thứ phù du tạm bợ chứ có bền vững đâu. Khi mới quen thì đâu cũng đẹp, ở lâu ngày chày tháng mới thấy cái dở của nhau. Cho nên, người ta nói hôn nhân lâu dài cần có sự nhẫn nhịn và bao dung, như thế gia đình mới êm ấm.

Lúc nhỏ, con rất sợ ba mẹ bất hòa cãi vã. Khi một người không kiểm soát được cơn giận, năng lượng tiêu cực của họ, lời nói đầy ác ý đủ gây tổn thương sâu sắc đến đối phương. Mẹ con nóng tánh, hay cằn nhằn nhưng ba vẫn im lặng lắng nghe, bình thản. Có lúc khó chịu hỏi ba sao không trả lời lại, câu nói lần ấy, đến giờ con không quên được: “Nhịn một chút mà được yên, đời mẹ con chịu khổ nhiều rồi, cuộc sống mưu sinh vất vả mới hình thành tính cách như thế, các con phải hiểu và thương mẹ nhiều hơn!”. Chữ Nhẫn là bài học đầu tiên con học được ở ba.

Tuy không sống trong đời phạm hạnh nhưng hạt giống Bồ-đề của ba chưa mất, lòng tin Tam bảo vẫn tràn đầy. Nhờ ba hướng dẫn mà gia đình bên ngoại biết đến Phật pháp, mẹ cũng trở nên hiền hòa hơn cùng với chị em con bây giờ đã là cư sĩ thuần thành. Tuổi thơ con là chuỗi ngày bình yên khi được ba mẹ dần về chùa lễ Phật tụng kinh; là một ngày say mê đọc truyện cổ Phật giáo mà ba thỉnh; là từng bước chân dạo dưới mái hiên chùa lắng nghe tiếng đại hồng chung vang vọng… và dạo ấy con đã xem ngôi chùa là nhà thứ hai của con.

*

Không thuốc lá, rượu chè, đi làm về dù mệt ba vẫn chăm nom cho nhà cửa và con cái từ những việc nhỏ nhất; tính siêng năng chịu khó ấy có lẽ được tôi luyện khi còn tập sự ở ngôi già lam ngày nào. Khoảng thời gian tu tập với thầy tổ, huynh đệ là hạnh phúc nhất mà sau này mỗi khi nhớ lại ba luôn cảm thấy nuối tiếc. Vì thế ba luôn ca ngợi con đường xuất thế và ao ước con có thể bước tiếp trên hành trình mà mình từng bỏ lỡ.

Và rồi ngày đó cũng đến - cái ngày con cảm nhận được sự vô thường của cuộc đời, khát khao đi theo bước chân tỉnh giác của Đức Thế Tôn, con xin ba mẹ chấp thuận cho con thế phát xuất gia. Mẹ buồn lắm nhưng có ba ở bên động viên an ủi. Ba vui mừng đồng ý nhưng không giấu nổi sự cô đơn trong ánh mắt. Tình cảm cha mẹ với con cái gắn kết với nhau gần hai mươi năm trời sao mà cắt đứt liền được. “Từ đây con phải tự chăm sóc bản thân, cha mẹ không ở cạnh khi đau ốm nữa; phải dũng cảm bước đi dù con đường phía trước có khó khăn thế nào, cha mẹ không đi được cùng con nhưng chắc chắn một điều: cha mẹ là hậu thuẫn tốt nhất ủng hộ con trên lộ trình tu tập!”. Tình yêu thương của ba mẹ là vậy, thật lớn lao biết chừng nào…

Mùa Vu lan, con được cài lên chiếc áo giải thoát một bông hồng vàng, nghe bài cảm niệm của Phật tử mà lệ rơi tự lúc nào không hay. Là người xuất gia, tình thân không chỉ vỏn vẹn trong phạm vi gia đình mà bủa rộng khắp thế gian; nhưng sao quên được ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục, đặc biệt là ba - người giúp con ươm mầm Bồ-đề, mồi lửa trí tuệ, vị thầy tâm linh trợ duyên cho con trên đường giác ngộ.

Lời cảm ơn không bao giờ là đủ, chỉ có thực hành Chánh pháp, chuyển hóa phiền não mới phần nào đền trả được ân trọng của song thân. Con sẽ tinh tấn hơn nữa để ngày nào đó cha mẹ thấy con là cảm nhận được hình ảnh Tăng đoàn thanh tịnh đang hiện hữu và lòng tin Tam bảo của người ngày càng đậm sâu.

*

Nếu ai đó có cái nhìn chẳng mấy thiện cảm hay thị phi tốt xấu về người xuất gia bỏ cuộc giữa chừng thì xin ngừng lại. Thay vì trách móc, buồn bã sao ta không trải tình thương đến người? Đừng vì hành động cố chấp mà làm họ không dám đến chùa lần nữa, ai trong chúng ta biết rõ nhân - duyên - quả của họ? Tu tiến hay lùi do bản thân có làm chủ được trước cám dỗ hay không, chẳng may hành trình chưa trọn vẹn cũng đừng vội nản lòng, đừng bao giờ đánh mất niềm tin với Tam bảo vì một ngày nào đó hạnh phúc cũng sẽ đến với ta. Cuộc đời của ba là ví dụ như thế.

Thích nữ Lệ Duyên
(Củ Chi, TP.HCM)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

Từ 23-7 đến 18-8, tòa soạn đã nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường, Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4 bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu, Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng, Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh Phương, Nguyện Pháp, Kim Ngân, Lê Anh Quốc, Thích nữ Nhuận Nguyện, Nguyễn Đình Thu, Thích nữ Từ Phương, Hạnh Tâm, Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh, Đức Thành, Nguyện Pháp, Trần Đăng Huy, Thanh Vân, Kim Dung, Thích nữ Tuệ Quang, Nguyên Hiếu…

Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan hỷ chờ đợi.

Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày