GN - Mùa đông năm nay mưa không nhiều, vắng bão và ít gió. Thế mà ông cụ Đa cứ ngồi lo ngay ngáy, bữa ăn chỉ xơi chừng một bát cơm là ngưng. Bà cụ bưng chén lên, định xới thêm cơm cho ông nhưng ông đã kịp gác đôi đũa ngang trên chén ngăn lại.
Tang ma - Tranh minh họa
- No rồi bà. Gần chết ăn chi cho nhiều.
- Già rồi lo chi chết ông - Bà cụ nhai nốt miếng cơm rồi nói như an ủi, như biết trước rằng đấy là một quy luật tất yếu và sẵn sàng chấp nhận.
- Tui chẳng lo chết. Chỉ sợ, là sợ chết trước bà thôi.
- Lỡ tui chết trước thiệt. Ông sống một mình chắc cũng buồn lắm?
- Tui chỉ mong được chết sau bà. Để còn lo cái hậu sự cho bà thật đàng hoàng.
- Ui dào. Thế ông với tui chết một lần, khỏi cù nài nghe.
Cụ Đa móm mém cười, run run nhấc đôi đũa.
- Ừ, bà nói nghe trơn ruột. Thế thì cho tui thêm lưng bát nữa.
*
Ông cụ Đa và cụ bà năm nay đã gần tám chục tuổi. Ở làng, hai cụ như hai cây đại thụ, già mà bền bỉ sống khỏe. Ông bà đều nhai trầu đỏ nên răng vẫn còn kha khá. Ông hay nói đùa với cụ bà: “Răng tui với răng bà cộng lại vừa đủ một hàm”. Hai ông bà sống với nhau trong căn nhà ba gian rường cột gỗ, vách vôi vữa cũ. Đấy là căn nhà hương hỏa truyền từ đời ông cụ cố để lại. Bác Sanh, con trai duy nhất của ông bà thì đã ở trên phố, cách làng ba chục cây số.
Bác Sanh là cán bộ cấp tỉnh, chức vụ nhỏ thôi. Bác Hoa, vợ bác Sanh, mở một quán bán hàng ăn uống nhậu nhẹt. Nghe nói bác Sanh làm “quan” liêm khiết, lại vốn gốc gác nông dân nên hiền lành, vì thế bác bị bà vợ “xỏ mũi” dắt đi. Tức bác gái bảo gì bác trai làm nấy. Công việc bán buôn khách khứa của bác gái bận rộn suốt nên mỗi năm hai vợ chồng cũng chỉ đáo về làng dăm ba lần. Đó là dịp Tết và một số ngày cúng giỗ quan trọng.
Ông bà cụ Đa có năm sào ruộng đất hợp tác chia cho. Cách đây năm năm ông bà yếu không làm nữa thì giao một người cháu họ làm rồi đong cho đủ lúa ăn quanh năm. Vườn nhà rộng, ông bà trồng thêm hoa màu để vừa ăn vừa bán được chút ít mua mắm muối. Bác Sanh ở trên phố, mỗi lần về lại “cấp” cho bà cụ Đa một ít tiền. Khoản trách nhiệm phí này do bác gái chủ chi và đưa cho bác Sanh, dặn: ông bà già rồi, tiêu tiền không mấy, chừng đó là được rồi. Bác Sanh hầu như chả bao giờ có tiền dư dật trong túi, bác gái nắm tài khoản hết, thành ra có muốn dúi thêm cho bà cụ Đa cũng chịu.
Người làng bảo ông bà cụ Đa sướng, có con cái làm cán bộ trên tỉnh chu cấp, chỉ việc ăn rồi ngồi chơi. Ông cụ cũng chả lấy đó làm phiền lòng. Ừ, thì người ta nói thế là khen con mình có hiếu. Còn hơn khối ông bà già ngắc ngứ tuổi rồi vẫn phải còng lưng tự nuôi lấy thân. Nói đâu xa xôi, ở cuối làng có ông cụ Thược, năm nay đã bảy mươi tuổi vẫn còn đi làm thợ đụng kiếm cơm. Thợ đụng là đụng đâu làm đó, người ta kêu gì làm nấy, từ chặt tre chẻ củi cho đến xúc đất đào ao. Nghĩ đi nghĩ lại, cụ Đa vẫn thấy mình có phúc.
Bác Sanh có hai con gái, một đã ra trường đi dạy, một đang học cấp ba. Hai cô cháu gái ít khi về thăm ông bà nội. Cô chị bảo về quê chán lắm, nhà ông bà nội thấp lè tè, cái chỗ nằm cũng chẳng nên thân. Cô út thì nói em ớn nhất là thấy bà nội nhai trầu, cứ nhổ bèn bẹt ra sàn nhà đỏ như nước kinh. Nhìn mà ghê. Đối với hai cô, thì ông bà nội quả xa lạ. Họ được sinh ra ở phố, lớn lên ở phố và trong suy nghĩ của họ, cái nhà ba gian ở dưới quê chỉ dành cho người nông dân loèn quèn. Họ không có khái niệm quê cha. Có chăng thì cái mảnh đất ấy chỉ là nơi buộc họ phải về thăm vào dịp Tết, theo sự bắt buộc của bố mẹ.
Bác Hoa cũng không muốn con cái về dưới quê nhiều. Có lần hồi cô út mới lên năm tuổi, khi về quê chơi, bà cụ Đa ôm lấy cô hôn yêu vào má, nước trầu dính đỏ một vết lên lớp da cháu. Bác Hoa đã vội bồng cô út đi rửa sạch, rồi nói bà đừng có làm thế, mất vệ sinh lắm.
Cụ Đa ông và cả cụ bà đều mong con cháu về chơi. Mỗi lần cây bưởi sau vườn ra trái, bà cụ đều nhủ ông lấy dây chuối, buộc đánh dấu năm trái ngon nhất để dành cho cháu. Thế mà hết mùa bưởi, cả cây bẻ trụi trái chúng nó vẫn chưa về.
Nhiều khi ngồi buồn, bà cụ Đa chửi đổng: “Tổ cha nó chứ, lâu lâu chẳng ghé về chơi”. Ông cụ Đa bảo, bà này hay, chúng nó bận học suốt, có đâu về được. Bà lại được thể: “Học cho lắm chỉ tổ đau óc!”. Ông cười: “Đấy là do ngày xưa mình không học. Mà nhiều khi học không vào nên nghĩ thế thôi. Chứ chúng nó đi học là sáng óc sáng dạ ra. Đau chi”.
*
Ông cụ Đa có tính lo xa. Cách đây năm năm, ông đã đi xuống cồn Mai, bãi đất nghĩa trang ở làng, chọn một miếng đất đủ cho hai phần mộ. Ông cắm tre xung quanh. Cái đó người quê gọi là đất “thành phần”. Có người nói ông lo chi chuyện xa xôi, trông còn mạnh khỏe thế ăn thêm ba chục mùa lúa vẫn chưa chết chứ cứ sợ. Ông cười, bảo sống lâu thì cực chứ sướng sung chi. Sống lâu đến khi chết không khéo hết đất chôn, nên phải chọn từ bữa nay.
Có người lại bảo con ông làm quan trên tỉnh, chết nó đưa đi hỏa thiêu thành tro than rồi gửi chôn trên nghĩa trang thành phố cho sạch sẽ, chôn dưới đất làng nước nó ngâm chẳng lạnh lẽo à. Ông cười, nói sống ở đây thì chết ở đây, có bà con xóm làng, bỏ đi đâu chỉ thêm quạnh quẽ.
Ông cụ Đa tính chờ bác Sanh về, đặt ý với anh ấy là xây cho ông bà cái tường táp-lô quanh đất thành phần. Ở giữa xây cái hộp quách, để khi ông bà chết thì chỉ việc thả cái hòm xuống là xong việc. Cụ bà vừa nhai trầu, vừa bảo:
- Đang sống sờ sờ ông cứ suốt ngày lo chuyện chết.
- Không lo trước đến khi nằm xuống biết ai lo cho - ông thở hắt ra nói.
Bà đưa cho ông miếng trầu mới têm xong rồi nói:
- Ông nhai đi cho vui. Còn có xóm làng, chả lẽ ông chết họ để xác ông thối rình lên đó mà lo.
- Xóm làng đưa ra tới cồn là thương mình lắm rồi. Chứ ai mà đi xây lăng cho mình.
Thực ra, ông cụ Đa lo chuyện cái lăng cho mình cũng có lý. Bởi nhiều lần xuống cồn Mai, ông đều thấy mấy cái mồ đất bị trâu bò húc tan cả. Đấy là mấy phần mộ của người không có con cái, hoặc con cái ở xa không về lo chu đáo. Ông thấy thương lắm. Người ở quê sống đã cực, bão gió thiên tai có khi làm sập nhà nát cửa, thế nhưng chết đi ai cũng muốn được mồ yên mả đẹp.
*
Mưa đậm, gió lạnh tràn về bất ngờ khiến bà cụ Đa lên suyễn, ho lộc hộc cả ngày, cứ như sắp đi. Ông cụ Đa sang hàng xóm gọi nhờ điện thoại lên cho bác Sanh. Giọng run run líu lưỡi, nói lập cập chữ được chữ mất vì hàm răng cái còn cái rụng. Bác Hoa bắt điện. Nghe xong không phản ứng gì. Cũng chả báo với chồng. Nghĩ, bà cụ còn khỏe thế chết đâu được. Chẳng qua trời lạnh quá tuổi già ho hen cũng chuyện thường.
Đúng là bà cụ chưa về với tiên tổ được, nhưng sau trận ốm cụ quỵ hẳn, suốt ngày nằm trên giường. Coi bộ cũng chả sống thêm bao lâu nữa. Cũng may là bà ốm nặng nhưng ông còn khá khỏe, chăm lo cho bà được. Cứ như tới cái lúc người trong nhà bị quy luật muôn đời quật ngã thì người còn lại phải mạnh mẽ lên. Huống chi ông với bà đã gần sáu chục năm ăn ở với nhau. Thương nhau mặn mà. Canh nhau từng hơi thở trong những đêm khó ngủ. Ông đút cháo cho bà, vệ sinh cho bà hàng ngày. Thỉnh thoảng có mấy người cháu trong họ tộc tới đỡ đần. Họ cảm thương ông. Nhưng ông vẫn nhướng mắt lên cười, tỏ vẻ lạc quan. Ông nói sống chết có số. Tui với bà ấy sống tới chừng này tuổi là số lớn lắm rồi. Chẳng tiếc nuối chi nữa. Có điều rất mong anh Sanh anh ấy về xây ngoẻn cái lăng cho xong. Để vài bữa bà ấy đi thì cũng có chỗ ấm áp mà nằm dưới đất.
Ông cụ Đa lại sang gọi nhờ điện thoại lên phố cho bác Sanh. Ông rống hết sức nói trong điện thoại: “Chúng tôi chết đến nơi rồi, anh chị coi về chôn cho với”. Bác Hoa nghe xong nói với chồng: “Ông cứ oang oảng thế thì chết đâu được”. Thế nhưng hôm sau hai vợ chồng bác Sanh cũng về làng.
Cụ Đa lại nói chuyện xây lăng. Bác Sanh quay sang vợ, hỏi ý mẹ mày thế nào. Bác gái bảo hẵng đã bố ơi. Xây thì dễ, nhưng làm thế thiên hạ lại bảo vợ chồng con ác, muốn ông bà chết quách cho xong hay sao mà đi xây lăng. Nói xong, bác gái kéo bác trai ra ngoài: “Thầy bói bảo năm nay mà động đến đất đai mồ mả là việc bán buôn sẽ khó khăn”.
Gần Tết thì bà cụ Đa mất. Tám chục tuổi tròn. Bà nhắm mắt đi khỏe re sau bữa tối. Trước khi mất bà nhai được miếng rau khoai ngon lành. Nghe bảo tỉnh táo và ăn được là dấu hiệu của những phút sống cuối cùng. Đám tang cụ bà, cụ Đa muốn khóc lắm nhưng già quá rồi không khóc được. Ông ngồi một chỗ, có ai tới an ủi ông đều bảo: “May là tôi còn sống để lo được hậu sự này cho bà. Chỉ tiếc chưa xây được cái lăng”.
Đám xong xuôi, hai vợ chồng bác Sanh muốn đón ông cụ Đa lên phố ở. Nhưng ông không chịu, nói tui ở lại đây với bà con xóm làng, hương khói cho tổ tiên, chiều còn xuống mộ chơi với bà nữa chứ. Bác Hoa quảy đi, nói cụ gàn, sướng không ưng, cứ ưng cực. Rồi bác gái nói với bác Sanh: “Giá như ở ngoài Hà Nội, đưa cụ vô trại dưỡng lão có khi lại hay”.
Năm ngày sau khi cụ bà mất, ông cụ Đa cũng đi theo luôn. Đi rất nhẹ nhàng. Người ta bảo cụ đang khỏe thế mà mất, thật lạ. Có người lý giải do nhịp sinh học. Hai ông bà sống với nhau cả đời, hai cơ thể như cùng một nhịp, khi cái này ngưng thì cái kia cũng ngưng theo. Ông bà như thế là trọn tình trọn nghĩa với nhau. Thôi thế cũng là phúc.
Chỉ có bác Hoa rống lên: “Trùng tang. Đại họa. Ông bà rủ nhau đi kiểu này thì còn khổ lây tới con cháu nữa đây”.