Hãy chung tay xây dựng cho cuộc sống được tốt đẹp, thanh bình hơn

Giác Ngộ - Theo truyền thống các nước Phật giáo Nguyên thủy, ngày lễ Đản sanh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được mọi người biết đến với cái tên thân thiết hơn, đó là ngày lễ Vesak. Tuy nhiên, trong ngày lễ này, họ không chỉ kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Phật mà còn là dịp kỷ niệm ngày thành đạo và nhập niết bàn của Ngài. Chính vì vậy mà lễ Vesak còn gọi là lễ Tam hợp.
hopphatdan.gif

Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc tại  Bangkok - Thái Lan

Thực ra, Vesak là tên của tháng thứ tư theo âm lịch của Ấn Độ xưa và ngày ấy là ngày tổ chức lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại, thiêng liêng trong cuộc đời của Đức Phật (Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết bàn) diễn ra vào ngày thứ 15 trong cùng một tháng âm lịch. Vào ngày này, hàng triệu tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới tổ chức lễ kỷ niệm, bày tỏ niềm tôn kính, tri ân sâu sắc đối với Đức Phật. Với lòng từ bi vô hạn, Ngài đã từ bỏ tất cả danh vọng, địa vị của một bậc đế vương để đi tìm chân lý, đạt được giác ngộ, và dành trọn cuộc đời còn lại của mình cho việc truyền bá Chánh pháp, dẫn dắt nhiều người hướng đến sự giác ngộ. Với tư cách là một nhà cải tổ xã hội, Ngài đã đưa ra những lý do chính đáng để mọi người thực hành tâm từ bi, hạnh bố thí đối với tất cả chúng sinh và vì hạnh phúc của tất cả.

Nhận thấy được sự vĩ đại của Đức Phật và giá trị siêu việt của giáo lý đạo Phật, cho nên trong bức thông điệp gởi cộng đồng Phật giáo nhân ngày lễ Vesak tháng 5-1986, nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Javier Perez de Cuellar, đã nói: "Trong khi kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật, đối với người Phật tử, dù bất cứ nơi đâu, cũng là một dịp may hiếm có để xiển dương thông điệp của Ngài về lòng từ bi và sự cống hiến để phụng sự nhân loại. Triết lý này chính là trọng tâm của bản tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc, và nên được lưu tâm trong tất cả mọi ý nghĩ của chúng ta, đặc biệt là trong Năm Quốc Tế Vì Hòa Bình này".

Nội dung của bức thông điệp ấy đã khơi đúng nỗi ưu tư của các nhà lãnh đạo Phật giáo, vì vậy trong Hội thảo Phật giáo Quốc tế tổ chức tại Sri Lanka vào tháng 11-1998, các vị đại biểu đã thảo một bản nghị quyết trình lên Liên Hiệp Quốc. Nội dung bản nghị quyết nhắm vào hai điểm chính sau đây:

1. Mong rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xem xét và thừa nhận ngày lễ Vesak, ngày trăng tròn tháng 5 của mỗi năm, là ngày lễ thiêng liêng nhất của người Phật tử, những người tổ chức lễ kỷ niệm vào ngày ấy nhằm kỷ niệm ngày đản sanh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật.

2. Cho phép có sự chuẩn bị thích đáng, không đòi hỏi kinh phí từ phía Liên Hiệp Quốc, để cho ngày lễ Vesak có tầm quốc tế được tổ chức tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc và tại các văn phòng của Liên Hiệp Quốc ở các nơi khác.

Vào ngày 28-10-1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đồng thuận thừa nhận ngày trăng tròn tháng 5 mỗi năm, ngày lễ Vesak, là ngày thiêng liêng nhất của tín đồ Phật giáo, ngày ấy được quốc tế công nhận và được xem là ngày lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Đây là một bước thăng tiến về vị thế và tầm quan trọng của Phật giáo đối với cộng đồng xã hội.

Bắt đầu từ năm 2000, các quốc gia Phật giáo đã có được vinh dự tài trợ cho các hoạt động của ngày lễ Vesak tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ. Năm 2004, Giáo hội Tăng già Thái Lan, dưới sự hỗ trợ của Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, đã đứng ra tổ chức lễ Vesak tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Và cũng trong năm ấy, đại học này cũng đã tổ chức Hội thảo lần đầu tiên nhân ngày lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới tại hội trường Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan. Hội thảo lần thứ nhất ấy nhắm vào việc nghiên cứu, thực tập, truyền bá và bảo vệ Phật giáo, và việc hợp tác tổ chức lễ Vesak tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và tại các văn phòng của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2005, ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc thay vì được tổ chức chính thức tại văn phòng Liên Hiệp Quốc ở châu Á Thái Bình Dương, đã được tổ chức tại hội trường Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan, kết hợp với lễ kỷ niệm 60 năm ngày Đức vua Thái Lan, vua Bhumibol, lên ngôi vua và cũng là lễ sinh nhật lần thứ 80 của Đức vua.

Năm 2006 và 2007, ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc cũng được chính thức tổ chức tại Thái Lan. Trong dịp Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2007 này, các vị đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã thương thuyết, bàn thảo với Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Đoàn Chủ tịch Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc để xin phép được tổ chức ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008 tại Việt Nam. Kết quả của quá trình thảo luận, thương thuyết là Việt Nam đã được chính thức đăng cai tổ chức ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008 và Hội thảo Phật giáo quốc tế nhân dịp Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ V.

Năm 2009, 2010, Thái Lan tiếp tục đăng cai tổ chức ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Và năm nay, năm 2011, ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc và Hội thảo Phật giáo Quốc tế lần thứ VIII lại được diễn ra tại Thái Lan, do Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya và Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đăng cai tổ chức. Ngày lễ Vesak và hội thảo sẽ chính thức diễn ra vào ngày 12-5 đến ngày 14-5 tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Ayutthaya, Thái Lan.

Các cuộc hội thảo Phật giáo quốc tế nhân ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc trước đây nhắm vào những chủ đề sau: Những đóng góp của Phật giáo cho nền hòa bình thế giới và sự phát triển bền vững; Những đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng bộ máy chính trị tốt; Cách tiếp cận của Phật giáo đối với sự mâu thuẫn chính trị và phát triển hòa bình, khủng hoảng môi trường và khủng hoảng kinh tế; Sự khôi phục toàn cầu theo quan điểm của Phật giáo. Trong năm nay, hội thảo tập trung vào chủ đề "Những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội" (Buddhist virtues for Social and Economic Development). Xuất phát từ chủ đề của hội thảo, trong bức thông điệp gởi đến Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2011, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, đã khẳng định: "Những giá trị cốt lõi của đạo Phật là một gia sản có thể được chia sẻ trong các cuộc hội đàm về tất cả những vấn nạn phức tạp mà nhân loại đang đối mặt ngày hôm nay. Những giá trị này rất quan trọng cho sự thiết lập những xã hội lành mạnh mà ở đó cởi mở đối với tính đa dạng và tạo nên tính phức hợp cao nhất". Với chủ đề này, hội thảo năm nay bàn thảo xung quanh bốn vấn đề cụ thể, đó là:

(a) Sự lãnh đạo của Phật giáo và việc phát triển kinh tế, xã hội: nhắm vào việc phân tích xem các quốc gia, các nhà lãnh đạo chính trị khác nhau đã vận dụng các nguyên tắc, giáo lý của đạo Phật như thế nào để lãnh đạo và xây dựng đất nước, và điều đó đã đem lại hiệu quả ra sao; bàn về các phẩm chất đạo đức của một nhà lãnh đạo tài ba…

(b) Xây dựng một xã hội hài hòa: luận bàn về những học thuyết, những quan điểm về cộng đồng, tập thể nhằm giúp cho mọi người hiểu và cảm thông, khoan dung với người khác.

(c) Khôi phục và bảo vệ môi trường: hướng vào những khái niệm về môi trường sinh thái và những khái niệm tương tự trong giáo lý của đạo Phật; về mối quan hệ giữa con người và môi trường sống; về mối liên hệ giữa nhân cách đạo đức của con người và việc bảo vệ môi trường…

(d) Trí tuệ đối với một xã hội tỉnh giác: nhắm đến việc phân tích và đưa ra các giải pháp dựa trên kinh điển của Phật giáo nhằm giúp mọi người vượt qua sự buồn chán; biện pháp để vượt qua sự cô đơn thông qua tình bạn ở một mức độ thăng hoa cao hơn bình thường; những đóng góp của Phật giáo đối với tâm lý học và khoa học thần kinh, phân tích về vấn đề tự tử trong xã hội; vận dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để truyền bá Phật giáo…

Diễn giả chính trong hội thảo lần này là Giáo sư Lewis Lancaster. Ông là một chuyên gia nghiên cứu về kinh điển Phật giáo và là học viên đầu tiên tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Đại học Wisconsin. Giáo sư Lewis đã giảng dạy tại Đại học California ở Berkeley hơn 33 năm qua. Ông là một giảng viên có uy tín, được mời giảng dạy tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt, ông đã xuất bản nhiều quyển sách, nhiều bài báo, bài tham luận về Phật giáo, liên quan đến việc chuyển thể định dạng văn bản của kinh điển trong Phật giáo. Giáo sư đã dày công nghiên cứu về vấn đề chuyển đổi kinh điển Phật giáo từ tiếng Phạn và tiếng Hán sang định dạng văn bản máy vi tính, cụ thể là chuyển sang định dạng cơ sở dữ liệu được lưu trữ chính trên các đĩa CD. Với vốn kinh nghiệm về tin học, Giáo sư Lewis đã thành lập hiệp hội các nhà học giả với tên gọi là "Sáng kiến tập bản đồ văn hóa điện tử" (Electronic Cultural Atlas Initiative) đặt trụ sở chính tại Phân hiệu Berkeley và có hàng nghìn hội viên trên khắp thế giới. Đến tham dự hội thảo lần này, Giáo sư Lewis Lancaster sẽ trình bày bài tham luận về vấn đề "Sự lãnh đạo của Phật giáo và việc phát triển kinh tế, xã hội".

Bên cạnh đó, tại hội thảo lần này còn có nhiều học giả, nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo, nhà hoạt động xã hội có uy tín trên thế giới tham dự và trình bày tham luận. Điển hình như: Tiến sĩ Sumet Tantivejkul, Tổng Thư ký Hội từ thiện Chaipattana, hoạt động dưới sự bảo trợ của đức vua Thái Lan, và là một viên chức của hoàng gia Thái Lan; Giáo sư François Chenet, giáo sư về triết học Ấn Độ và triết học so sánh tại Đại học Paris-Sorbonne, Pháp; Tiến sĩ Supachai Chearavanont, đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của Tập đoàn Chai Tai quốc tế từ năm 2002…

Thông qua ngày Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc và Hội thảo Phật giáo Quốc tế lần này, Ban tổ chức mong muốn rằng: Mọi người sẽ thực tập những nguyên tắc đạo đức của Phật giáo một cách nghiêm túc hơn để có thể tăng thêm sức mạnh của xã hội nhằm thực hiện những ý tưởng cao đẹp hơn; quan tâm nhiều hơn đến xã hội của chúng ta, không nên phá hoại môi trường và dần dần bổ sung vào những gì chúng ta đã lấy đi, cải thiện những thứ hiện đang tồn tại. Chúng ta có thể nghĩ về một xã hội tỉnh giác tương tự như là mô hình của một ngôi chùa hay một trung tâm thiền tập, ở đấy mọi người đều ý thức về sự có mặt của người khác, tránh gây hại đến các loài hữu tình, bồi đắp cho môi trường sống bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh để có thêm bóng mát và trái cây trong tương lai. Hãy chung tay xây dựng để cuộc sống của chúng ta được tốt đẹp, thanh bình hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày