Hết giận bố khi đọc bài kinh Vu lan

GN - Tôi nhớ năm 16 tuổi, cái tuổi bắt đầu biết cảm nhận suy tư về cuộc sống, mỗi lần bố mẹ cãi nhau là mỗi lần mình tổn thương, mỗi lần bố đánh mẹ là mỗi lần làm tôi thêm xa lánh và nỗi sợ hãi, ghét bố cứ thế lớn dần lên.

thanhluc.jpg


Tác giả (giữa) cùng với bố mẹ - Ảnh: NVCC

Lần đó, bố mẹ và tôi đuổi vịt lên đồng, chiếc xe máy chạy qua, đàn vịt sợ hãi lao tứ tung, bố mẹ chạy hầm hập dưới ruộng vật lộn với chúng, càng hối càng đuổi thì nó càng thêm hoảng, đón đằng này nó chạy đường kia làm nát hết lúa nhà người ta. Bố giận lắm, giận vì bất lực, mặt bố đỏ hừng hực, bố hét lên giận dữ lia gậy rầm rầm không thương tiếc, vịt bị hất lên rơi xuống nằm giãy giụa. Cơn giận vẫn chưa ngắt, bố quay sang cằn nhằn mẹ bằng những lời nói gay gắt không kiểm soát, mẹ cũng giận, mẹ nhịn không nổi và bố bùng lên như muốn nổ tung. Trong phút chốc giận dữ quên mình, bố gồng vai vút sào về phía mẹ, không kịp tránh, mẹ khụy xuống ôm bụng không thốt nên lời đau đớn.

Tôi đứng trơ người chết lặng, tim thắt lại, một nỗi đau tê tái bao trùm như muốn nổ tung. Và từ đó khoảng cách của bố và tôi ngày càng mênh mông vời vợi.

Khi có duyên được gặp thầy và ngày vào chùa Huống (Thái Nguyên) tu, tôi vẫn còn giận bố.

Ở chùa tu thời gian, tôi thấy an lạc dần - vì mỗi ngày không phải giáp mặt với sợ hãi, không phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau, không phải nín thở ngồi im thin thít khi bố say rượu chửi mắng, đập phá. Bố cũng hay gọi điện vì sợ tôi mới xa nhà nên chưa quen, vậy mà tôi vẫn ôm chặt những ký ức xưa nên có những lời nói trống không lạnh lẽo với bố, mặc dù mỗi lần như thế tôi thấy mình thật có lỗi.

Nỗi giận hờn vẫn đeo bám, cho đến một đêm tháng Bảy, tịch mịch an tĩnh, trong tiếng mõ trầm bổng du dương, từng câu từng chữ trong bài kinh Vu lan như dòng nước mát cam lồ, thấm sâu, xoa dịu đi nỗi đau đã bao ngày làm tôi khô cằn, tôi như người chợt tỉnh cơn mê, bao nhiêu những giận hờn xa cách trong phút chốc hóa thành hư vô, hai hàng nước mắt khẽ lăn dài trên đôi má. Thấy thương bố mẹ vô cùng.

Kể từ khi hiểu ra, tôi thương bố mẹ nhiều hơn, tự nhủ sẽ không bao giờ làm bố mẹ phải buồn, học cách làm mới mình, từ những lời nói trống không, gắt gỏng, lạnh lẽo, thành những lời có đầu có đuôi, có ái ngữ thương yêu, lễ phép với bố. Cũng kể từ đó (có lẽ từ khi con trai bố xuất gia) bố thay đổi hoàn toàn, bố bỏ rượu - không còn những lần say quên mình như trước, bố ăn chay trường, không còn nói những lời thô tục, bố mẹ chẳng bao giờ to tiếng với nhau, nhà đổi nghề sang trồng rau và hoa, bố mẹ đỡ vất vả hơn trước phần nào.

Hôm vừa rồi về thăm nhà, kể lại câu chuyện giận hờn hồi đó với bố, trước mặt cả nhà bố nói lời xin lỗi: “Hồi xưa bố chưa hiểu, nên còn tham, còn muốn nhiều thứ quá nên nhiều khi làm khổ mẹ và các con, con và mẹ có tha thứ cho bố không”. Khi nghe bố nói như thế, ai cũng rưng rưng...

Thích Thánh Lực

____________

* Bạn đọc có những chuyển biến tích cực nào từ sự học Phật? Xin mời chia sẻ câu chuyện của mình về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào và sẻ sử dụng những bài hay, có hình ảnh của nhân vật trong bài.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày