Hình ảnh điêu khắc trong kiến trúc Huế

Là một trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế... của cả nước suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, Kinh đô Huế có những công trình kiến trúc mỹ thuật cực kỳ tinh xảo.
Hình ảnh điêu khắc trong kiến trúc Huế ảnh 1
Xét về mặt nguồn gốc, kiến trúc cung đình Huế tiếp thu và kế thừa kiến trúc truyền thống Lý, Trần, Lê và từ trong sâu thẳm, người ta vẫn dễ dàng nhận ra tình yêu dân tộc, nét văn hoá đặc trưng của một đất nước có nền văn minh nông nghiệp lúa nước qua những hình ảnh trang trí trên các công trình kiến trúc.

Trong các công trình kiến trúc truyền thống tại Huế, đặc biệt là các công trình kiến trúc cung đình và những công trình mang ý nghĩa tôn giáo như đền, chùa, miếu mạo... thì mảng điêu khắc được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất tạo nên vẻ đẹp cho công trình.

Hình ảnh trang trí đầu tiên mà ta dễ dàng bắt gặp ở các công trình kiến trúc Huế là hình con rồng. Các dạng trang trí hình rồng phát triển theo từng thời kỳ, mang những đặc điểm mỹ thuật khác nhau. Trong kiến trúc truyền thống ở Việt Nam, hình tượng con rồng thể hiện cho tâm linh, gắn liền với vua. Trong quan niệm dân gian thì hình ảnh con rồng là biểu hiện ước mong mưa thuận gió hoà. Từ thời Lý, hình ảnh con rồng đã bắt đầu được trang trí trên bệ tháp. Huế một thời là kinh đô của cả nước nên hình rồng được chạm khắc ở hầu hết các công trình kiến trúc, từ kiến trúc cung đình đến kiến trúc dân gian.

Con vật thứ hai xuất hiện khá nhiều trong các công trình kiến trúc Huế, đó là con lân - được gọi đầy đủ là kỳ lân (trong dân gian gọi là con sấu). Kỳ lân là phát triển của long mã, biểu tượng cho sự kết hợp thời gian và không gian, cho sự an bình. Thường được trang trí trên cấu kiện gỗ ở chùa, thành bậc thềm ở các cung điện, lăng tẩm. Rùa là con vật xuất hiện cùng với long và lân trong các mô tip trang trí “long lân qui phụng”. Trong quan niệm cung đình, lân là hình ảnh biểu trưng cho sự bền vững của xã tắc. Trong quan niệm của dân gian, rùa là hình ảnh tượng trưng của sự sống lâu. Trong Văn miếu ở Hà Nội và Huế, hình tượng rùa được sử dụng như vật đỡ chân bia đề tên các vị khoa bảng.

Trong các trang trí mỹ thuật cung đình Huế, có nhiều hình ảnh rùa dân gian cũng xuất hiện nhiều, đó là hình rùa đội lá sen, rùa hoá sen, đây là những hình ảnh trang trí mang tính chất mỹ thuật dân gian rất xa xưa. Và nay, nếu cất công tìm kiếm ta sẽ bắt gặp nhiều ở các cổng trong Đại Nội Huế.

Phụng là vật tứ linh thứ tư cùng đi với long, lân và rùa. Phụng thường được trang trí ở các công trình dành cho nữ giới như cung điện, đền thờ, lăng tẩm. Ở Huế, có lăng mộ của bà Chiêu Nghi hiện vẫn còn hình Phụng được khắc rất sắc nét.

Cá là hình ảnh được chạm khắc khá nhiều trên các công trình kếin trúc ở Huế. Nhiều nhất là trên các cấu kiện bằng gỗ ở các đình, chùa, miếu mạo. Đó là hình ảnh những con cá rất sống động, đang quẫy đuôi, đang bơi luợn, uốn mình dưới làn nước trong xanh.

Một nền văn minh lúa nước, một đời sống nông nghiệp hiện diện thật gần gũi trong các mảng trang trí ở các công trình kiến trúc Huế . Ngoài các con vật kể trên, ta có thể bắt gặp hình ảnh con gà, con thỏ, con trâu được chạm khắc trên nhiều công trình. Đôi khi, ngắm nhìn thật kỹ hình ảnh của các con vật này, ta cũng nhận ra thêm được nhiều điều lý thú từ suy nghĩ về cuộc sống và mỹ thuật của cha ông ta ngày xưa./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày