GNO - Cách đây một tuần, trang 20 Báo Tuổi Trẻ ngày 3-7 đăng câu nói của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - phát biểu trong cuộc họp báo sau khi các lực lượng Bangladesh tiêu diệt những kẻ bắt cóc con tin rằng:
"Bất cứ ai theo đạo đều không thể hành động như vậy. Chúng không theo đạo nào cả, tôn giáo duy nhất của chúng là khủng bố".
Mong ước thế giới hòa bình, không bạo lực...
Cũng là ông Sheikh Hasina, trong phát ngôn ngay sau vụ tấn công khủng bố và bắt giữ con tin ở Dhaka ngày 1-7 đã nói: "Người Hồi giáo sao lại giết người vô tội vào tháng Ramadan? Chúng không phải người Hồi giáo, chúng là bọn khủng bố".
Ba ngày sau đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom kép tại Baghdad (Iraq) làm ít nhất 160 người thiệt mạng. Tổng cộng, có hơn 300 người đã thiệt mạng trong những vụ tấn công liên quan tới IS và Hồi giáo cực đoan trong tháng qua - tháng Ramadan thiêng liêng của người theo đạo Hồi - diễn ra ở Orlando (Mỹ) tới Dhaka, Iraq.
Một diễn biến khác, mới nhất, tại cuộc biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát tối 7-7 qua, ở thành phố Dallas tiểu bang Texas (Hoa Kỳ), 5 cảnh sát đã bị Micah Xavier Johnson, một cựu quân nhân da đen (25 tuổi) từng tham chiến ở Afghanistan dùng súng bắn tỉa hạ sát. Đây là vụ giết cảnh sát đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ, sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001.
Những vụ việc trên chỉ là những điểm nhấn "nóng", nổi bật tuần qua, còn bao nhiêu vụ khác ít lan tỏa hơn, vẫn đang tiếp diễn mỗi ngày ở đó đây với chung một động cơ bạo lực, bạo hành, giết người, trả thù...
Ai cũng nhân danh cái đúng (theo mình) để hành xử, ngay cả khi đó là giết người, nên mới có cảnh tương tàn, mới có chiến tranh. Khi trong lòng mỗi người luôn (chỉ biết) lấy hai chữ "đấu tranh" với cái xấu bên ngoài để sống mà quên tranh đấu với cái ác bên trong mình thì họ sẽ hành xử bạo lực.
Có lẽ vì thế mà Đức Dalai Lama thứ 14 đã nhận định: "Sự trả đũa hung bạo, phản ứng một cách hung hăng trước một cuộc tấn công - là một cái gì đó có gốc rễ sâu xa trong bản năng của con người".
Bản chất ấy chính là tham-sân-si cần chuyển hóa một cách đủ an toàn trước khi dấn thân làm một việc gì đó.
Thực tế, hòa bình hay sống bình yên ai cũng muốn - nhưng "gốc rễ sâu xa" trong mỗi người đã nhiều lần dập tắt mong muốn đẹp đó để làm những việc đi ngược lại giá trị hòa bình, nhân văn, gây hoang mang cho số đông. Vì thế, mọi tôn giáo và những tổ chức nhân văn đều chung quan điểm đánh giá về những kẻ thủ ác là bị nhồi sọ bởi "giáo điều" khủng bố, là hành động đi ngược lại văn minh của loài người.
Thiết nghĩ, mong ước, nguyện cầu "thế giới hòa bình" sẽ mãi chỉ là mong ước, nếu mỗi người không chuyển hóa được "chiến tranh" ở bên trong bản thân mình. Phải hòa giải với tự thân, xây dựng hòa bình từ "tiểu vũ trụ" - là chính mình - thì mới có thể làm cho thế giới hòa bình, thiết thực dựng xây cõi an lạc ngay thực địa này thôi.