GNO - Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế ) lại sôi động hẳn lên bởi không khí rộn ràng của tiếng đục, tiếng cưa, tiếng se giấy và cả tiếng cười rộn rã của những nghệ nhân làm hoa giấy. Từ khi ngành văn hóa nước ta chọn hoa sen làm “Quốc hoa” thì nghề làm hoa sen giấy ở Thanh Tiên sau hàng chục năm vắng bóng đã được phục chế, mà người có công đầu tiên phải kể đến là “họa sĩ hoa giấy” Thân Văn Huy. Với chủ trương phát triển, tôn tạo các làng nghề truyền thống của Nhà nước và sự quan tâm đầu tư đúng mức của chính quyền các cấp là cơ sở pháp lí, tạo động lực thúc đẩy các nghề truyền thống, trong đó có nghề hoa sen giấy Thanh Tiên phục hồi, phát huy và không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng, thị trường tiêu thụ…
Cách đây vài năm, khi mới được phục chế thì hoa sen giấy Thanh Tiên chủ yếu là để trưng bày ở nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu ở làng Thanh Tiên và ở khu nhà rường của họa sĩ Thân Văn Huy, và chỉ sản xuất khi xuân sắp về, tết sắp sang. Nay hoa sen giấy Thanh Tiên được các nghệ nhân ở đây làm quanh năm bởi nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng mở rộng. Hoa sen giấy Thanh Tiên ngày nay không chỉ góp mặt ở Festilval Huế, Festilval nghề truyền thống Huế, tham gia lễ hội áo dài Minh Hạnh; “sóng nước Tam Giang”; lễ hội Đền Huyền Trân công chúa; triển lãm ở “Thuận An biển gọi”, ở Hội vật truyền thống làng Sình… mà còn theo chân các du khách đi khắp mọi miền đất nước như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Hà Nội và ra cả nước ngoài như Mỹ, Pháp, Thái Lan…
Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của du khách, của người tiêu dùng gần xa, các nghệ nhân phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những hoa sen đẹp về mẫu mã, trang nhã về màu sắc, uyển chuyển về hình dáng. Ông Nguyễn Hóa, Trưởng thôn Thanh Tiên và cũng là người làm hoa sen nhiều nhất trong làng cho biết: “Trước đây, hoa chỉ để phục vụ cho các lễ hội truyền thống ở địa phương, ở tỉnh nên số lượng cũng khiêm tốn, mẫu mã cũng chưa đẹp lắm vì đang trong quá trình mày mò, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Nay thì đã tiến bộ nhiều”.
Anh Nguyễn Hiếu đang thực hiện 1 công đoạn làm hoa sen giấy - Ảnh: Võ Văn Dần
Đơn cử, cọng sen trước đây làm bằng thân cây hóp nên rất cứng, khó cắm vào lọ theo ý đồ của chủ nhân, nay cọng sen được làm bằng thân cây mây con lấy ở rừng nên rất uyển chuyển, có độ run giống hệt như sen thật. Đó là thành công bước đầu trong hành trình tìm kiếm, cải tạo của các nghệ nhân ở đây để hoa sen giấy ngày càng giống hơn, đẹp hơn như hoa sen thật.
Các công đoạn sản xuất hoa sen đơn giản hơn nhiều so với hoa giấy cổ truyền, nhưng đòi hỏi kỹ thuật và tính chuyên nghiệp cao hơn. Vì thế, ở Thanh Tiên không phải ai cũng làm được hoa sen giấy. Các công đoạn làm hoa sen gồm: 1. Nhuộm màu: nhuộm bằng thủ công, lấy cây cọ chấm phẩm rồi quét đều lên mặt giấy, trên đầu chóp sen phải đậm sau đó nhạt dần, nhạt dần xuống đến tận cuốn hoa.
Đây là công đoạn khó nhất trong quá trình làm hoa, phải nhuộm sao cho màu sắc tươi tắn, y hệt như hoa thật là điều không đơn giản, đòi hỏi kinh nghiệm của người làm. 2. Quấn giấy bỏ vào ống tre để dập (ép) để tạo ra cánh hoa sen. 3. Dán đầu cánh sen nhỏ lại để tạo nếp nhăn giống cánh hoa sen thật . 4. Ráp những cánh hoa lại vào trên một cọng que bằng cây mây. Tuy nhiên, để làm hoa sen giấy thì người làm gặp khó khăn nhất là nguyên liệu cây mây (bởi cây mây chỉ có ở trong rừng nên phụ thuộc vào người đi rừng để khai thác), mặt khác, chọn cọng mây phải nhỏ đều bằng đầu ngón tay út là công việc không phải dễ dàng.
Sinh viên Nguyễn Minh Hạnh (trái),
Nguyễn Minh Hường cũng phụ giúp gia đình - Ảnh: Võ Văn Dần
Để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống này, năm 2006 họa sĩ Thân Văn Huy đã trình xin lãnh đạo địa phương cho mở lớp đào tạo-truyền nghề làm hoa sen giấy cho các em học sinh trong làng, trong xã ngay tại nhà rường của họa sĩ ở làng Thanh Tiên và đã có hàng chục em theo học dưới sự “chỉ huy” của họa sĩ Thân Văn Huy và nghệ Nhân Nguyễn Hóa.
Hoa sen là hoa của nhà Phật. Sự tích Đức Phật đãng sanh bước ra 7 bước nở ra 7 tòa sen thơm ngát, biểu tượng của từ bi, trí tuệ, tình thương…tất cả đều trang nhã, tinh khiết như hoa sen. Vì thế, các nhà chùa, nhà sư ở trong tỉnh, ngoài tỉnh đều rất thích cắm trang trí, trưng bày hoa sen ở chùa, chánh điện. Qua lời giới thiệu của giới Phật tử gần xa, nhiều vị chân tu cũng đã tìm về Thanh Tiên để tận mắt chứng kiến các nghệ nhân hành nghề, rồi những đóa sen lại theo chân các thiền sư đến khắp các chùa Huế và cả phương xa. Chỉ ngần ấy thôi cũng hình dung được “sức sống”, sự lan tỏa của hoa sen giấy Thanh Tiên biết nhường nào.
Ngày thường, hoa sen giấy Thanh Tiên được bán với giá từ 8.000-9.000đ/cái, còn trong các lễ hội, tết Nguyên đán thì giá cao hơn: khoảng 10.000 - 12.000đ/cái. Ngoài chi phí các khoảng như giấy, phẩm, keo dán, cọng mây…thì người làm có lãi từ 30.000 – 50.000đ/ chục cái. Ông Hóa còn cho biết: Nếu cần mẫn làm suốt cả đêm ngày thì thu nhập khoảng 80.000đ/ người/ ngày. Dịp tết thì cao hơn: khoảng 100.000đ/ người/ ngày.
Một khung cảnh khá quen thuộc của người dân nơi này: hàng tuần, hàng tháng có rất nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đi đơn lẻ hoặc đi theo tua tuyến bằng nhiều phương tiện khác nhau, mà chủ yếu là bằng xe đạp, vừa thân thiện với môi trường, vừa thỏa thích ngắm cảnh đồng quê, vườn tược, mây trời. Họ dong dỏng trên những con đường làng uốn khúc quanh co dẫn vào làng hoa sen giấy để được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm nghề, để được tự do trao đổi, chuyện trò với người dân làng nghề, rồi còn được quay phim, chụp ảnh thỏa thích. Trông họ rất hớn hở, thích thú vô cùng. Phải chăng, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của những nghệ nhân hoa sen giấy nói riêng và người dân làng Thanh Tiên nói chung.
Hòa vào niềm vui chung của du khách đến từ Thụy Sĩ, tôi bất chợt nảy sinh ý thơ: “Ai về viếng cảnh Thanh Tiên – Có hoa sen giấy rất riêng quê mình ”. Ngoài ra, hoa sen giấy Thanh Tiên còn là nơi đến lí tưởng của các bạn sinh viên trường Cao đẳng du lịch Huế, trường Đại học Nghệ thuật-Đại học Huế, sinh viên khoa báo chí & tuyên truyền-trường Đại học Khoa học Huế. Các em đến đây để học tập, nghiên cứu, khám phá về sự kỳ thú của quá trình phục dựng hoa sen giấy, đồng thời được nghe các nghệ nhân trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm về quá trình phục dựng, tôn tạo, phát huy làng nghề hoa sen giấy.
Họa sĩ Thân Văn Huy đang giới thiệu
nghề truyền thống của dân làng cho tuổi trẻ - Ảnh: Võ Văn Dần
Trước đây, khi hoa sen chưa được phục chế thì người dân Thanh Tiên chỉ đơn thuần làm hoa giấy để thờ cúng ở các am miếu, trang bà, bếp thờ táo quân…và chỉ bán có một mùa. Đó là tết cổ truyền của dân tộc. Nay trước sự “hồi sinh”của hoa sen giấy, trước sự kiện nhà nước và các tầng lớp nhân dân quyết định chọn hoa sen làm “Quốc hoa”, người dân Thanh Tiên càng thêm có động lực, càng phấn khởi, tin tưởng về sự phát triển của làng nghề, về tương lai tươi sáng của cuộc sống của chính bản thân và gia đình họ.
Đồng thời hơn ai hết, chính người dân làng Thanh Tiên là chủ nhân góp phần tích cực vào quá trình gìn giữ, phát huy và phát triển nghề truyền thống của quê hương, đất nước trong dòng chảy chung của nền văn hóa đa sắc màu, đa dạng trong bối cảnh giao lưu, hợp tác, hội nhập với văn hóa thế giới nhưng vẫn “đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam”.