Hoa đào trong truyền thuyết và y học

Cây đào thực sự là một loại cây có ích cho cuộc sống, cả tinh thần lẫn thể chất. Rất xứng đáng là biểu tượng của mùa Xuân, của chính khí, của tình yêu và sức khỏe.

"Thiền sư Linh Vân tu đạo trên núi Vi Sơn, ngồi tham thiền trong rừng đào, bỗng một cơn gió thổi đến, hoa đào rơi rụng, ngài bỗng ngộ ra ánh sáng của đạo từ những cánh hoa đào rơi. Thế là Thiền sư đứng dậy, giũ những cánh hoa đào trên người rồi bước ra khỏi vườn đào..."

Giai thoại về hoa đào

Truyền thuyết thần thoại có liên quan đến hoa đào sớm nhất là câu chuyện Khoa Phụ đuổi theo mặt trời.

hoadao-1.jpg

Khoa Phụ là người khổng lồ, sinh trưởng ở vùng cực Bắc, nên quanh năm không thấy được mặt trời mọc trên biển cả tối tăm. Ông muốn chạy đuổi theo mặt trời. Cuối cùng cũng đuổi kịp mặt trời ở phía Tây, trên núi Yêm Tư. Nhưng ông bị ánh nắng còn sót lại của mặt trời làm cho bị thương, miệng khô khát nước và muốn tìm nước để uống. Ông liền uống một hơi cạn nước sông Hoàng Hà và Vị Thủy, mà vẫn không hết khát.

Thế là Khoa Phụ đi về hướng Bắc để tìm một cái đầm lớn, nhưng phía trước vẫn mờ mịt. Ông đã ngã quỵ trên đường và chết vì cơn khát. Trước khi chết, Khoa Phụ suy nghĩ, sau này có lẽ cũng có người đuổi theo mặt trời như mình. Để người đó không đến nỗi không có nước uống mà chết khát như ông, ông bèn ném cây gậy thần trong tay lên không trung. Gậy thần của ông lập tức biến thành một rừng đào.

Khoa Phụ biết rằng những anh hùng chinh phục mặt trời sau này, có thể nhờ vào những quả đào trong rừng đào này, mà không lặp lại bi kịch của mình để mất đi mạng sống, nên ông yên tâm nhắm mắt.

Trong thần thoại lại có truyền thuyết rằng: Biển lớn ở phía Đông có ngọn núi Đào Đô, trên núi có một cây đại thụ gọi là Đào Đô, khoảng cách giữa những cành cây là ba ngàn dặm. Ở trên cây có một con gà trời, mỗi ngày lúc mặt trời mọc lên từ trên biển đông thì con gà trời trên cây đào gáy vang, thế là bầy gà từ khắp nơi cũng gáy theo, "hùng kê nhất thanh thiên hạ bạch" (gà trống gáy lên một tiếng thì trời sáng), mọi người trên mặt đất đang ngủ, nghe tiếng gà gáy thì biết rằng một đêm đã qua, bình minh đã đến.

Núi Đào Đô còn gọi là núi Độ Sóc, cây đào to lớn uốn khúc cả ngàn dặm ở phương Đông bắc chính là Quỷ Môn quan. Canh giữ Quỷ Môn quan là hai vị thần có tên là Thần Trà và Uất Lũy. Hai vị thần này đều là những cao thủ bắt quỷ. Hàng ngày, họ đi khắp nơi để kiểm tra các loài quỷ, khi thấy ác quỷ tác oai tác quái hại người thì họ dùng dây lau trói chúng lại, bắt lên núi cho hổ ăn thịt.Vì thế bọn hung thần ác quỷ đều sợ hai vị thần này. Vào thời Hoàng Đế, người dân treo trước cửa hai miếng gỗ đào, trên đó vẽ hình hai vị Thần Trà và Uất Lũy để trừ ác quỷ. Đây chính là nguồn gốc của phong tục treo câu đối tết và hình tượng hai vị môn thần ở trước cửa khi đón năm mới, được lưu truyền từ mấy ngàn năm nay ở Trung Quốc và nhiều nước ở châu Á.

hoadao-2.jpg

Người đời sau lấy giấy thay gỗ viết lên những chữ câu chúc tốt lành và trừ khử tai họa, thay thế cho hình tượng của Thần Trà và Uất Lũy, nhưng ý nghĩa cũng giống như vẽ bùa để giữ bình an và xua đuổi vận xấu. Vì vậy câu đối tết còn gọi là "đào phù", là do có nguồn gốc như thế.

Người Trung Quốc thời cổ đại rất sùng bái cây đào, cho nên trong dân gian, kiếm làm bằng gỗ đào, gậy đào, trái đào, lá cây đào đều trở thành những bảo bối để trừ tà.

Có truyền thuyết cho rằng ở nơi tiên cảnh, cây đào tiên phải trải qua ba ngàn năm mới có quả, nên trở thành báu vật, ai ăn vào sẽ được trường sinh bất tử. Tây Vương Mẫu thường bày yến đào tiên ở Dao Trì để cùng chư tiên thưởng lãm. Đông Phương Sóc đã từng ba lần hái trộm đào tiên đem về cho vua Hán Vũ Đế để tăng cường tuổi thọ (Hán Vũ cố sự).

Má đào phai hết bởi xuân qua
Nếu lại đâm thì liền luống hoa
Yến sở Dao Trì đà có hẹn
Chớ cho Phương Sóc đến lân la.
Phương Sóc lân la, đã hở cơ
Ba phen trộm được há tình cờ
Có ai ướm hỏi Tây Vương Mẫu
Tin khá tin thì ngờ khá ngờ.

(Nguyễn Trãi - Hoa đào - Quốc âm thi tập)

Mỗi lần Xuân đến, hoa đào nở rộ, các con sông tan băng, nước chảy âm ỉ được gọi là "đào hoa tấn" (con nước hoa đào), cũng gọi là "đào hoa thủy", nên sau này nhà thơ Đỗ Phủ có câu: "Xuân ngạn đào hoa thủy. Tuyết phàm phong thụ lâm" (Dòng nước hoa đào đến bến xuân. Rừng cây phong trông như những cánh buồm tuyết).

Hoa đào là tượng trưng của mùa Xuân, không có hoa đào thì cũng không có mùa Xuân. Ở Trung Quốc, vào thời cổ đại, mỗi năm vào tháng trọng xuân thì hoa đào nở khắp núi, và cũng chính là mùa của các thanh niên nam nữ rộn ràng với chuyện yêu đương.

Sách Chu Lễ viết: "Trọng xuân lệnh hội nam nữ, bôn giả bất cấm". (Vào tháng trọng xuân, cho phép nam nữ gặp gỡ, không cấm qua lại với nhau). Đây là nói khi hoa đào nở, chính là lúc nam nữ tự do yêu đương.

Trong Thi kinh có bài: "Đào chi yêu yêu, chước chước kỳ hoa, chi tử vu qui, nghi kỳ thất gia" (Đào hoa tốt tươi, cánh hoa rực rỡ, con cái vu quy, lập thành gia thất). Đó là do người Trung Quốc thời cổ đại có tập tục xem mùa xuân hoa đào nở là tượng trưng cho tình yêu và hôn nhân.

Có nhiều truyền thuyết về tình yêu liên quan đến hoa đào nở vào những ngày tháng đầu xuân.

Thời Hán Minh Đế, năm Vĩnh Bình, có hai thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu, lên núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc đường. Tình cờ gặp được một rừng đào, họ hái những trái đào để ăn. Ăn xong thì cả hai người đều cảm thấy khỏe mạnh hơn trước. Men theo dòng suối giữa rừng đào đi lên phía trên thì gặp hai thiếu nữ tuyệt sắc. Hai nàng dẫn hai người về nhà, và mối lương duyên đã khiến hai nàng tiên trở thành vợ của họ.

Nhưng cuộc sống tiên cảnh trong rừng đào không làm vơi được nỗi nhớ quê nhà của hai chàng họ Lưu và họ Nguyễn. Hai chàng tìm cách về lại quê nhà. Và rốt cuộc, họ cũng trở về nơi trần thế. Nhưng chốn quê xưa giờ đây đã thay đổi hoàn toàn, không có người nào nhận ra họ. Một trăm ngày ở rừng đào nơi tiên cảnh bằng một trăm năm ở thế giới thực của nhân gian, còn rừng đào nơi tiên cảnh cũng đã thành thế giới mộng ảo không bao giờ quay lại được. Người phàm nếu như ngẫu nhiên đi lạc vào cõi tiên, sau khi trải qua cuộc sống thần tiên giống như trong giấc mơ, rồi cũng phải trở về thế giới thực tại ban đầu. Tiên cảnh cũng giống như một câu chuyện tình yêu không có hồi kết, để lại cho con người nỗi nhớ nhung thương cảm vô bờ.

Người đánh cá Vũ Lăng trong "Đào Hoa Nguyên Ký" của Đào Uyên Minh cũng không thể nào quay lại rừng đào nơi ông đã ngẫu nhiên đi lạc vào, cũng giống như ai đó cũng có thể giữ được tình yêu ngày xưa đã đánh mất.

hoadao-3.jpg

Cảnh đào nguyên hoa cỏ tươi tốt và đầy hương thơm đó cho ta biết rằng, ở nơi lạ lẫm xa xôi ấy tràn đầy lạc thú; nhưng thông qua Vũ Lăng, nhà thơ Đào Uyên Minh cũng muốn nói cho ta biết cái nơi đầy lạc thú ấy là nơi tuy có thể thấy được, mà không thể tìm lại được. Con người bất luận là ai, cuối cùng cũng sẽ giống như Vũ Lăng, sẽ trở về thế giới thực thuộc về mình.

Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong. 

(Thôi Hộ - Đề đô thành nam trung)

- Ngày này năm trước, trong cánh cửa này. - Khuôn mặt giai nhân cùng với hoa đào ửng đỏ. - Người cũ giờ không biết ở phương nào. - Nhưng hoa đào vẫn cười với gió đông như thuở trước.

Trong vườn đào ngẫu nhiên phút chốc gặp nhau, mến thương như thế nào chẳng rõ, nếu không phải là một chút rạo rực, một chút tin yêu, một chút chấp trước?

Cho dù Thôi lang có thể trở lại tìm được cánh cửa năm xưa. Cho dù trước cửa hoa đào vẫn nở như vậy, nhưng người dưới hoa bây giờ ở đâu? Khi dòng nước hoa đào tỏa hương thơm thoang thoảng chảy đi, thì cái khoảng trời riêng ấy biết tìm ở nơi đâu?

"Tằng hận hồng tiên hàm yến tử. Thiên liên tố phiến nhiễm đào hoa" (Từng hận lá thư hồng mà con chim én đã ngậm. Thương tiếc cho cánh cửa nhiễm sắc trắng của hoa đào). Nếu tình yêu giống như con chim én bay từ cây này sang cây khác thì ai có thể giữ được nó? Chính vì không có ai có thể giữ được con chim én, không cho bay đi, nên mới thương tiếc cho hoa đào rơi rụng trên cánh cửa chăng? Trong thời ly loạn, có bao nhiêu người lưu lạc tha hương, một mình than thở cho cuộc tình dang dở?

Tình yêu cũng giống như hoa đào, có người vì hoa đào mà mê muội, cũng có người nhờ hoa đào mà giác ngộ.

Thiền sư Linh Vân tu đạo trên núi Vi Sơn, ngồi tham thiền trong rừng đào, bỗng một cơn gió thổi đến, hoa đào rơi rụng, ngài bỗng ngộ ra ánh sáng của đạo từ những cánh hoa đào rơi. Thế là Thiền sư đứng dậy, giũ những cánh hoa đào trên người rồi bước ra khỏi vườn đào, làm một bài kệ rằng:

"Tam thập niên lai mịch kiếm khách. Cửu hồi lạc diệp hựu trừu chi. Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu. Trực đáo như kim canh bất nghi". (Ba mươi năm nay kiếm khách mải miết đi tìm. Trải qua chín lần lá rụng rồi nảy nụ. Từ sau khi thấy hoa đào rơi rụng cho đến nay. Lòng ta đã không còn nghi hoặc nữa).

Vì ngộ mà tin, vì tin nên ngộ, và không còn bị trói buộc bởi những thị phi cuộc đời.

Những người lãng tử cùng những kiếm khách đa tình say túy lúy, bên bờ dương liễu hay dưới ánh trăng tàn đêm gió lạnh, có hay chăng?

Trong truyền thuyết của văn hóa Trung Quốc, Hoa Thần Đào được phong cho Tức phu nhân. Bà là vợ của Tức hầu nước Sở thời Xuân Thu, họ Quỳ nên cũng gọi là Quỳ Tức. Trong cuộc chính biến đoạt quyền ở triều đình, Sở Văn Vương tiêu diệt nước của Tức hầu và muốn lấy Quỳ Tức làm vợ, nhưng bà chung thủy một lòng, không vì quyền thế của Sở Văn Vương mà thay lòng đổi dạ. Một ngày nọ nhân cơ hội Sở Văn Vương đi săn, bà âm thầm xuất cung, chạy trở về với Tức hầu. Trong tình hình hoàn cảnh chính trị thay đổi, tình yêu của bà và Tức hầu cũng giống như những cánh hoa đào rơi rụng. Tức hầu tự sát, bà cũng vì tình mà chết theo đúng vào khoảng tháng ba, lúc hoa đào nở rộ khắp nơi. Thế là người nước Sở gọi Tức phu nhân là Đào Hoa phu nhân, lập miếu thờ, tôn bà làm Hoa Thần Đào.

"Tịch mịch ứng thiên tuế, đào hoa tưởng nhất chi" (Dù cô đơn vắng vẻ ngàn năm, lòng vẫn tưởng nhớ một nhánh hoa đào). Dù cho hoa đào có vạn đóa thì cũng có người một mình thương tiếc một nhánh hoa đào, trong căn nhà nhỏ, dưới một đêm mưa. Cái phút chốc và cái vĩnh hằng, yêu và chết, cũng đều giống như đóa hoa đào bé nhỏ bay trong mưa gió.

Hoa đào: Dược liệu quý trong y học

Ngày nay, chúng ta biết rằng cây đào (Prunus persica (L.) Batsch.) có nguồn gốc ở vùng Bắc Trung Quốc và Mông Cổ, được trồng ở nhiều nước ôn đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, đào được trồng phổ biến ở trung du và miền núi Bắc Bộ để làm cảnh và làm thuốc.

Do trồng trọt lâu đời nên người ta đã tạo ra nhiều giống đào khác nhau như : đào bích có hoa màu đỏ thẫm, nhiều cánh xếp sít nhau; đào phai có hoa màu hồng, cây có nhiều hoa; đào bạch có hoa màu trắng, cây ít hoa. Ngoài ra, còn có loại đào ăn quả với hoa màu hồng nhạt, một lớp cánh, nên gọi là hoa đơn. Người ta thường ghép những mầm đào bích vào gốc đào phai để có hoa to, màu thẫm hơn. Chưng những cành đào tươi thắm vào dịp Tết Nguyên đán là một thú vui, một tập tục văn hóa của người Bắc Bộ.

Những bộ phận của cây đào được dùng làm thuốc là hoa đào, lá đào, cành đào, quả đào, nhân hạt đào, nhựa đào, rễ đào. Trong đó, nhân hạt đào (đào nhân) là vị thuốc thường dùng của Đông y. Hoa đào và lá đào thường được dùng trong các bài thuốc kinh nghiệm dân gian.

Theo Đông y, hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc, tác dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, tâm phúc thống (đau vùng tim), mụn nhọt…Ngày dùng 3-5g hoa khô, hãm nước sôi hoặc sắc uống.

Một số bài thuốc có dùng hoa đào như sau:

- Chữa phù thũng, đại tiện táo bón: Dùng hoa đào 3-5g hãm nước sôi hoặc sắc uống. Có thể dùng cánh hoa đào tươi 4g, gạo tẻ 100g, cả hai thứ trên nấu thành cháo loãng, để ăn, cách ngày làm một lần.

- Chữa sỏi đường tiết niệu: Hoa đào, kim tiền thảo, hạt mã đề, lượng bằng nhau. Rửa sạch, sấy khô, tán bột. Cho vào hũ sạch để bảo quản. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần dùng 8-10g, hòa với nước sôi khoảng 5 phút, uống trước bữa ăn.

- Chữa các vết nám trên da mặt: Hoa đào 10g, hoa sen 15g. Hai thứ phơi khô, tán nhỏ, chia 3 phần. Mỗi lần dùng một phần, cho vào trong cốc thủy tinh rồi pha nước sôi vào như pha trà. Ngâm khoảng 5 phút, uống trước bữa ăn.

- Chữa mụn trứng cá trên mặt: Hoa đào, hoa dành dành, hai thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, sấy khô, trộn đều rồi tán vụn. Hòa với nước vo gạo hoặc với mật ong để bôi lên các nốt mụn trứng cá trên mặt. Có thể hòa đều vào ghi-xê-rin để làm thuốc bôi . Sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh hướng dẫn dùng hoa đào và nhân hạt bí đao với liều lượng bằng nhau, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn, hòa với mật ong mà bôi.

- Chữa mụn lở ở da, chảy nước mủ vàng, rất ngứa: Hoa đào lượng vừa đủ dùng, rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần dùng 6g, hòa với nước đun sôi để còn ấm, uống sau khi ăn.

- Chữa các loại ung nhọt: Lấy hoa đào lượng vừa đủ dùng, rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ, ngâm vào giấm. Dùng nước thuốc này bôi lên các nốt ung nhọt. Ngày bôi 2-3 lần.

- Phụ nữ muốn có được làn da trắng trẻo, nhu nhuận, mịn màng, có thể dùng bài thuốc Ngọc nhan tán sau đây: Hoa đào 200g, đông qua nhân (nhân hạt bí đao) 250g, bạch dương bì (vỏ cây bạch dương) 100g. Các vị đều rửa sạch, sấy hoặc phơi khô, tán bột, trộn thêm một chút đường trắng rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê sau bữa ăn.

Cũng có thể dùng hoa đào tươi 120g ngâm với 500ml rượu trắng, sau 7 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 10ml.

- Đào nhân được lấy từ hạch quả đào bằng cách đập vỡ vỏ, lấy nhân ở trong (thực ra đây mới là hạt đào), đem phơi hoặc sấy khô để dùng.

Đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình, tác dụng phá huyết, khử tích trệ, nhuận táo, hoạt trường, lợi tiểu. Nếu dùng sống, chữa kinh nguyệt bế tắc, sinh hòn cục, bụng dưới đầy, đau, vấp ngã ứ huyết. Nếu dùng chín, có tính hoạt huyết, chữa đại tiện khó do huyết táo. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc hồng hoa, ngưu tất, tô mộc, mần tưới, nghệ vàng, mỗi vị 8-15g, sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, kinh bế, đau bụng. Phụ nữ có thai không nên dùng đào nhân.

- Lá đào có vị đắng, tính bình, tác dụng làm tan ứ, giảm đau, lợi tiểu. Ngày dùng 15-30g tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước để uống. Dùng ngoài, lấy lá sắc nước hoặc vò nát, lấy nước tắm chữa ghẻ, sưng, ngứa, chốc lở; xát và ngâm chữa đau chân.

- Nhựa đào dùng chữa tiểu đường, tiểu ra dưỡng trấp. Chữa tiểu đường: Nhựa đào 20g, rửa sạch, tán nhỏ, uống với nước sắc râu bắp và địa cốt bì (mỗi thứ 30g). Chữa tiểu ra dưỡng trấp: Nhựa đào 12-15g, rửa sạch, tán nhỏ, uống với nước sắc dây tơ hồng 30g.

Như vậy, cây đào thực sự là một loại cây có ích cho cuộc sống, cả tinh thần lẫn thể chất. Rất xứng đáng là biểu tượng của mùa Xuân, của chính khí, của tình yêu và sức khỏe.l

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày