Hoa mướp trước sân

Giác Ngộ - Người ta thường nói, mỗi người có một sắc màu để yêu. Sắc màu là tính cách của mỗi con giáp đời sống. Riêng tôi, không hiểu sao, tôi yêu màu vàng quá. Nhưng không phải bất cứ màu vàng nào. Bởi có một màu vàng ám ảnh tuổi thơ tôi. Đó là màu hoa mướp trước sân…

Ngày xưa ở làng mạc quê tôi, người ta thường làm một cái giàn bằng tre ở trước sân cho dây bầu, dây bí leo lên. Vì thế mới có câu: “Bầu ơi! thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Bầu bí tàn rồi thì đến tháng Bảy mưa ngâu, dây mướp nở hoa. Có lẽ tháng Bảy và hoa mướp đã làm nên hồn vị quê hương. 

whoamuopimages.jpg

Hoa mướp - Ảnh minh họa

Bất cứ ai xa quê, cũng đều nhớ về cái màu vàng dân dã đó. Đẹp đến nao lòng, khi trong tiết tháng Bảy mưa phùn giăng nhẹ, và bất chợt nở nghiêng giàn những chùm hoa mướp cong cong. Thắt the và tươi mới. Nôn nao và tha thiết. Mỏng manh và sâu đậm, ghi vào hồn người thứ xúc cảm dịu nhẹ vây quanh lũy tre.

Nhớ về màu hoa mướp, như nhớ một người con gái hồn hậu yêu thương, quanh năm suốt tháng tảo tần với đồng bãi, ngô khoai. Và màu vàng là màu dậy thì, màu biết yêu bởi một tâm hồn trong trắng, lãng mạn. Một tình yêu dâng hiến đang bắt đầu với mưa dầm, với ngõ quê lầy lội dấu chân hò hẹn. “Nên tóc em ướt, nên mắt em ướt, nên em mềm như mây chiều đông” (*) Để rồi cầu Ô Thước bắc qua. 

Và trước sân nhà tôi, những quả mướp đầy đặn, dài và cong, lớn xuống, vắt vẻo giàn tre. Bà tôi giải thích, đó là những quả vú của trời cho những đứa con thế gian bú mớm. Và trong bữa ăn hàng ngày, khi nắp vung mở ra, mùi hương mướp thơm bay khắp làng. Mẹ tôi bưng thúng đi chợ cong cong mấy quả mướp đầy. Bút chì, lọ mực, trang sách đầu đời của tôi thường chỉ vào đấy; những quả mướp của một cuộc tình ong bướm, mà màu hoa vàng trước sân đã lặn vào trong máu huyết tôi, thành nỗi mất ngủ của những dằn vặt bỏ làng, xa quê vì miếng cơm manh áo.

Nhưng màu hoa mướp không chỉ có vậy. Đó là màu lận đận. Nếu mùa thu ốm yếu với gió mưa, thì hoa mướp như ngọn lửa sưởi ấm đôi bàn tay gầy guộc mẹ già. Và miền Trung bão lũ kéo về, nước ngập đầy sân, giàn mướp bị cơn bão xô ngã chúi. Hoa mướp tả tơi trôi theo nước bạc. Thuở nhỏ tôi thường thẫn thờ trước cảnh tượng giàn mướp sập chỏng chơ, mà thương mà tiếc. Chị tôi xăn quần lượm hoa mướp trôi. 

Mẹ ngắt vài ngọn mướp non đem luộc cho bữa trưa, ngồi xếp bằng trên phản gỗ ăn cơm vì nước lụt. Vừa ăn, vừa nhẩm cái vị khổ ải ngòn ngọt, nhân nhẩn và đăng đắng ấy, đã trở thành vị giác tuổi thơ của tôi. Nó chôn sâu trong tiềm thức, thật khó phai mờ.

Rồi mùa bão lũ qua đi, ba tôi sửa lại giàn mướp cho tươm tất. Nhưng nắng tháng Tám đã lọt qua giàn, mà buổi trưa màu bích ngọc lấm chấm hoa vàng không còn nữa. Đêm trăng ánh sáng vắt qua, ngồi dưới những chiếc ghế gỗ nhìn lũ đom đóm lập lòe, tôi lại nghe mùi mướp hương theo gió lan tỏa. 

Thì ra, nhà cô bé hàng xóm sau mùa bão lũ không còn gì để gói bánh trung thu, mẹ nấu một nồi chè mướp để lũ chúng tôi rước đèn xong là kéo về húp sùm sụp cái vị chè dân dã đó. Thi thoảng có một vài nụ mướp bỏ lẫn lộn, ăn nghe ngọt đắng thấu tâm can.

Không biết cô bạn hàng xóm ngày xưa, có bao giờ nhớ về màu hoa mướp trước sân không. Riêng tôi, nỗi nhớ dường như sâu thẳm, nên mỗi lần tháng Bảy về, tháng Tám ru mưa thì hương khói mùa Vu lan báo hiếu lại thầm đọng, thầm nhắc nhở tôi những mùa mưa ngâu của tuổi thơ sùi sụt. 

Và vầng trăng mùa Trung thu phá cỗ gói nhiều kỷ niệm đẹp biết bao! Nhà xưa giờ không còn nữa, nhưng trong hồn tôi hoa mướp vẫn nở vàng, một màu vàng đầy cảm giác nhớ nhung…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày