Hòa nhịp cùng anh linh sông núi 1.000 năm - Kỳ 2: Trải nghiệm cùng “Thăng Long - Ngàn năm thương nhớ”

Vũ Mạnh Cường
Vũ Mạnh Cường
Giác Ngộ - Ký sự Thăng Long - Ngàn năm thương nhớ do Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TP.HCM) phối hợp với Công ty Truyền thông BHD thực hiện với 140 tập, lần lượt phát sóng vào thứ Ba, Tư, Năm nhằm hướng tới ngày kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Với mong muốn kể lại những câu chuyện về Thăng Long - Hà Nội từ thời Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, bộ phim khai thác những đề tài của Hà Nội từ lịch sử, văn hóa nghệ thuật, Hà Nội 36 phố phường, người Hà Nội, đồng vọng Hà Nội...

MC Vũ Mạnh Cường đã có nhiều trải nghiệm trên hành trình đi tìm Thăng Long giữa Hà Nội 1.000 năm tuổi. Vũ Mạnh Cường đã chia sẻ nhiều điều thú vị với Giác Ngộ:

Trước hết và lớn lao hơn cả là niềm tự hào khi Cường được chọn tham gia ký sự này bởi quy mô (tới thời điểm này thì đây là ký sự dài hơi nhất Việt Nam) và ý nghĩa (đây là chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Truyền hình TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội).

- Trước khi thực hiện ký sự thì Vũ Mạnh Cường đã biết gì về Thăng Long - Hà Nội?

- Cường có dịp ra Hà Nội vài lần. Và thích lang thang khắp phố phường Hà Nội. Cường có vài người bạn ở Hà Nội. Qua họ, Cường biết về Hà Nội qua một góc nhìn khác, thân quen và gần gụi hơn. Nhưng đó là những kiến thức chắp vá, rời rạc…

- Và sau khi thực hiện "Thăng Long - Ngàn năm thương nhớ"?

- Những người bạn ở Hà Nội đã rất ngạc nhiên khi Cường có thể kể vanh vách lịch sử phát triển của nơi này hay nơi khác ở Hà Nội… Cả những nơi tưởng như rất đỗi thân thuộc với họ rồi, vậy mà đôi lúc vì không để ý nên họ cũng không rành rẽ như vậy… Và hơn hết, với Cường, giờ đây, Hà Nội đã trở thành một miền nhớ, để lúc nào cũng mong có dịp được trở lại Hà Nội.

- Điều gì làm Cường thích thú khi tham gia hành trình tìm về Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm?

- Đó là vẻ đẹp của Hà Nội. Một vẻ đẹp hiền hòa, thâm trầm hiện đại mà ẩn tàng trong đó biết bao nhiêu giá trị lịch sử, giá trị văn hóa. Cường cứ ngẩn ngơ trước những kiến trúc cổ kính và cả những câu chuyện kể xung quanh chúng.

-Lịch sử Thăng Long gắn với những danh nhân lịch sử của dân tộc và cả với Phật giáo, bạn thích danh nhân nào và giai thoại nào về Phật giáo trong câu chuyện "Ngàn năm thương nhớ"? Vì sao?

- Đó là Thiền sư Vạn Hạnh. Vì Người không chỉ là thầy của Lý Thái Tổ mà chính Người đã thuyết phục nhà vua xuống chiếu dời đô, tạo nên cơ nghiệp ngàn đời bền vững của dân tộc ta.

- Và kiến trúc chùa chiền nào mà ký sự đi qua để lại cho bạn ấn tượng?

- Chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam, nằm ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Những nét kiến trúc của chùa tương đối còn nguyên vẹn, cổ kính và trang nghiêm. Bên cạnh đó vị trí của chùa còn rất đẹp, nằm ngay bán đảo phía Đông của Hồ Tây… Tất cả tạo cho khách viếng thăm một cảm giác thật bình yên, tĩnh tại, một lòng hoài cổ…

-Vũ Mạnh Cường cũng là một người trẻ, và chắc bạn cũng tiếp xúc với nhiều bạn trẻ? Thế thì, Cường thấy những người trẻ quan tâm đến sự kiện 1.000 Thăng Long - Hà Nội thế nào?

- Gần đây cụm từ "1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" xuất hiện với tần suất dày đặc. Chính điều này khiến cho các bạn trẻ không thể không quan tâm. Tuy nhiên, đa số các bạn ở trạng thái "bị quan tâm" hơn là chủ động quan tâm, tìm hiểu. Nên cần lắm những cách tiếp cận trẻ trung hơn và thích hợp hơn. Ví như những cuộc thi về kiến thức lịch sử, những sân chơi cho giới trẻ liên quan đến chủ đề này…

 Nếu có một chia sẻ với các bạn trẻ, teen về đề tài này Cường sẽ nói điều gì? (về lịch sử, văn hóa…)

- Thủ đô 1.000 năm tuổi là một niềm tự hào mà không phải công dân của quốc gia nào cũng có được. Chúng ta đang sở hữu niềm vinh dự ấy. Và chắc chắn các bạn sẽ biết cách làm thế nào để nó lớn dậy, biến thành những hành động cụ thể, thiết thực và nhiều ý nghĩa!

- Cảm ơn Cường đã chia sẻ!

the huc.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày