Hòa thượng Thích Đạt Thanh Pháp chủ Phật giáo Nam Việt - Kỳ cuối: “Thủ chí bất di”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1192 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1192 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hòa thượng Thích Đạt Thanh là một vị cao tăng, Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Nam Việt, ngài đóng góp rất tích cực cho việc thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng-già Nam Việt.

Trước hết, người viết xin đính chánh: Bài trước người viết ghi rằng “chùa Long Quang chỉ lưu trữ hai bộ chứ không phải ba bộ…” nhưng gần đây, sau khi kiểm tra kỹ các thư tịch trong tàng kinh các của chùa Long Quang thì phát hiện thêm một bản viết tay vừa chữ Hán vừa chữ Nôm, có tên là Phật thuyết Vu lan bồn kinh giải thích. Như vậy, hiện tại chùa Long Quang còn lưu trữ ba thủ bản (sách viết tay bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm) với tên gọi và tác giả chính xác như sau:

1. Kim Vân Kiều tân truyện: Bản này có lẽ của Hòa thượng Thích Đạt Thanh

2. Phật thuyết Vu lan bồn kinh giải thích (xem hình số 1): Bản này có nét chữ khác với bản trên nên chưa biết là của ai.

3. Tổng yếu kết tập công văn toàn sự: Bản này của Hòa thượng Thiện Tuệ.

Người viết thành thật xin lỗi chư vị độc giả.

Về quyển Kim Vân Kiều tân truyện, như trong báo Giác Ngộ số 1190 (trang 13) đã giới thiệu: Ngoài phần chính là Kim Vân Kiều tân truyện còn có 5 phần khác:

1. Có lẽ là tài liệu được viết theo dạng mật mã, có 26 trang. Người viết chưa đọc được.

2. Bài thơ được viết bằng chữ Hán và có vài chỗ được viết bằng chữ Nôm, có 2 trang, đã được giới thiệu trên báo Giác Ngộ số 1190.

3. Bài chánh luận được viết bằng chữ Nôm và có vài chỗ được viết bằng chữ Hán, có khoảng 3 trang, đã được giới thiệu trên báo Giác Ngộ số 1191.

4. Tài liệu được viết theo dạng mật thư, có 1 trang (xem hình số 2)

5. Bài Kim Vân Kiều phú, có 8 trang.

Bài này chỉ giới thiệu vài nét về tài liệu số 4 vốn được viết theo dạng mật thư. Trong quyển Hội kín xứ An Nam có giới thiệu một tư liệu mang ký hiệu số 43 vốn là một bài thơ ở dạng mật thư (xem hình số 3) có cách viết vừa chữ Hán vừa chữ Nôm và cách trình bày giống như tư liệu này. Ở đây xin trích nguyên văn lời giới thiệu và lời dịch của tài liệu mật thư kia.

“Loại thứ hai thấy trong một bài (xem hình 43, tức hình số 3 của báo) được tìm thấy tại chùa An Linh (Gia Định) của nhà sư Nguyễn Văn Thiết (%3) phân phát cho các thành viên ông tuyển mộ”.

Sở dĩ tác giả người Pháp Georges Coulet giải mã được bài thơ này là nhờ vào sự giải thích của chính tác giả bài thơ, như Georges Coulet xác nhận: “không thể hiểu được nếu không được giải thích, điều nhận được từ nhà sư, người sở hữu bài thơ này”.

Sau khi giải thích cách đọc từng chữ, cuối cùng, tác giả giải độc bài thơ như sau: “Chín mùa thu bốn người bạn tổ chức lập hội. Lòng muốn ba lần, công việc thất bại. Hội lớn không đổ lỗi cho không có tâm. Suy nghĩ chín chắn, việc xấu không có kết quả. Năm ân làm cho vừa lòng. Ba tin mới nhớ không đổ lỗi. Trước kia bạn viết hai lá thư. Bây giờ viết cho bạn tám dòng”.

Dường như cách viết tài liệu mật mã trong thời kỳ chống thực dân tùy thuộc vào thời gian, địa phương mà có khác nhau. Rất may, tài liệu mật thư của Hòa thượng Thích Đạt Thanh xuất phát cùng một địa điểm với mật thư của Hòa thượng Nguyễn Văn Thiết chùa An Linh, cả hai đều ở tỉnh Gia Định. Nhìn cách viết của hai tài liệu mật thư, chúng ta thấy cũng có nhiều điểm giống nhau. Tóm lại, chúng ta có cách để giải độc tài liệu mật thư của Hòa thượng Thích Đạt Thanh. Tuy nhiên, để giải độc được tài liệu này cần phải có thời gian và cần phải tham khảo thêm nhiều tài liệu hơn nữa. Trước những khó khăn đó, người viết xin tạm dừng phần giới thiệu tài liệu mật thư của Hòa thượng Thích Đạt Thanh ở đây. Khi nào giải độc được, người viết sẽ giới thiệu chi tiết.

Về quyển Kim Vân Kiều tân truyệnKim Vân Kiều phú cũng khá dài và vấn đề này thuộc về lĩnh vực văn học nên người viết sẽ giới thiệu vào dịp khác nếu thời gian cho phép.

Trước khi kết thúc loạt bài viết về Hòa thượng Thích Đạt Thanh, người viết xin trình bày những điều quan trọng trong cuộc đời của ngài. Ngài là bậc cao tăng dấn thân vì công cuộc chấn hưng Phật pháp; là người công dân yêu nước, xả thân vì đại cuộc chống lại thực dân và đế quốc xâm lược. Ngài là tấm gương sáng trên con đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Cuộc đời ngài có những điểm đặc biệt cần lưu ý.

Trước hết là sự việc có liên quan đến việc thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (Tổng hội) ngày 6 đến 9-5-1951. Đây là dấu ấn lịch sử của Phật giáo Việt Nam: lần đầu tiên có Giáo hội thống nhất toàn quốc và ca khúc Phật giáo Việt Nam (là Đạo ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay) của nhạc sĩ Lê Cao Phan đã được ra đời trong sự kiện lịch sử này.

Để đi đến việc thành lập Tổng hội, ba vị cao tăng đại diện cho hàng xuất gia của ba miền đã cùng ký tên trong Lời hiệu triệu thống nhất Phật giáo: Hòa thượng Thích Đạt Thanh, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hòa thượng Thích Mật Ứng. Hai vị kia đều là Pháp chủ. Đức Pháp chủ Thích Tịnh Khiết đại diện cho Sơn môn Tăng-già Trung Việt, Đức Pháp chủ Thích Mật Ứng đại diện Phật giáo Tăng-già Bắc Việt. Riêng Hòa thượng Thích Đạt Thanh lúc bấy giờ không phải là Pháp chủ nên trong Lời hiệu triệu chỉ ghi: Sư cụ chùa Giác Ngộ và trong Lời hiệu triệu có đề cập đến 5 đoàn thể thì Nam Việt chỉ có Hội Phật học Nam Việt.

Nói cách khác, khi thành lập Tổng hội thì Nam Việt chưa thành lập Giáo hội Tăng-già như Trung Việt và Bắc Việt. Sự việc Hòa thượng Thích Đạt Thanh làm Trưởng đoàn đại biểu Phật giáo Nam Việt tham dự đại hội thành lập Tổng hội cho chúng ta thấy, có hai khả năng: Một, tuy Giáo hội Tăng-già Nam Việt chưa thành lập nhưng do tài năng và giới đức của mình mà Hòa thượng Thích Đạt Thanh được một số vị tôn đức và cư sĩ tin tưởng, cung thỉnh làm Trưởng đoàn. Hai, Hòa thượng Thích Đạt Thanh cảm nhận sự cần thiết của việc thành lập Tổng hội nên đã chủ động liên lạc với chư vị tôn đức ở Trung Việt và Bắc Việt, viết Lời hiệu triệu để thành lập Tổng hội. Người viết nhận thấy khả năng này cao hơn.

Điều thứ hai là việc từ nhiệm ngôi vị Pháp chủ. Sau khi Tổng hội thành lập được một tháng, ngày 5-6-1951, tại chùa Hưng Long, Giáo hội Tăng-già Nam Việt được thành lập và Giáo hội suy tôn Hòa thượng Thích Đạt Thanh lên ngôi vị Pháp chủ. Hai năm sau, ngày 8-3-1953, Đại hội Giáo hội Tăng-già Nam Việt suy tôn Hòa thượng Thích Huệ Quang lên ngôi vị Pháp chủ.

Hòa thượng Thích Đạt Thanh từ nhiệm và cúng chùa Giác Ngộ cho Giáo hội Tăng-già Nam Việt làm cơ sở giáo dục Tăng tài, ngài trở về quê hương Mười tám thôn vườn trầu. Sự việc từ nhiệm này cũng có lý do. Theo người viết, tuy tuổi cao, ngài vẫn bí mật tham gia các hoạt động yêu nước và không muốn việc làm này ảnh hưởng đến sinh hoạt của Giáo hội nên ngài từ nhiệm ngôi vị Pháp chủ. Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Phật giáo Việt Nam xưa và nay.

Điều thứ ba, việc ngài chủ trương tổ chức nghi lễ ứng phó đạo tràng để hướng quần chúng biết đến Phật giáo. Sự việc này cũng không đơn thuần là vì lý do tôn giáo mà còn có lý do quan trọng hơn nằm ở sau: hoạt động yêu nước chống lại thực dân xâm lược như quyển Hội kín xứ An Nam đã nhận định: “Vậy các ngôi chùa là những nơi ẩn náu tự nhiên của hội kín, khi nó bị chính quyền cảnh giới mà nó muốn tiếp tục tụ hợp yên bình. Hoặc những ngôi chùa thuận lợi cho lễ nghi trang trọng, để hội kín tập hợp được số lượng rất lớn các thành viên mà không bị người ngoài chú ý”.

Tóm lại, Hòa thượng Thích Đạt Thanh là một vị cao tăng, Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Nam Việt, ngài đóng góp rất tích cực cho việc thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng-già Nam Việt. Nhưng trên hết, ngài vẫn là một công dân yêu nước, người con ưu tú của Mười tám thôn vườn trầu nên lòng ái quốc của ngài trước sau như một. Tiến hay thoái đều đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết và luôn giữ vững ý chí kiên định của một công dân yêu nước, thể hiện qua hai tài liệu đã được trình bày, ngài luôn nhắc lại câu “Thủ chí bất di”: Giữ vững ý chí, không lay động.

Ký sự đã khép lại nhưng vẫn còn nhiều điều người viết chưa hiểu được. Ngài muốn gởi gắm điều gì khi chép lại Kim Vân Kiều tân truyện và làm bài Kim Vân Kiều phú? Phải chăng ngài muốn mượn truyện Kiều để bày tỏ nỗi lòng của mình đối với dân tộc, mượn Kiều để nói lên nỗi truân chuyên của chính mình và sau cùng hết, tin tưởng vào một ngày xán lạn, quang huy của dân tộc?

“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc

Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên

Cành xuân phải trao tay khi nước mất

Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên.

Bỗng quý cô Kiều như đời dân tộc

Chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường

Chàng Kim đã đến tìm, lau giọt khóc

Và lò trầm đêm ấy tỏa bay hương”.

Phương Ngoại am, ngày 5-3-2023

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày