Góp phần tìm hiểu thủ bản Kim Vân Kiều tân truyện và các tác phẩm của Hòa thượng Thích Đạt Thanh

Chân dung Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh
Chân dung Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tiếp theo 2 bài viết trước, về tiểu sử của Hòa thượng Thích Đạt Thanh - Pháp chủ Phật giáo Nam Việt đã công bố, đây là Phần III trong loạt bài về ngài, một trong những người có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và là nhà yêu nước trung kiên.

Trước khi tìm hiểu thủ bản Kim Vân Kiều tân truyện (Truyện Kiều), người viết xin giới thiệu bài thơ thất ngôn bát cú của Hòa thượng Thích Đạt Thanh.

Bài thơ này do chính Hòa thượng Đạt Thanh viết và được đăng trong ấn phẩm Phật giáo Việt Nam - Tập san Phật Giáo Thống nhất, do Hội Phật giáo Việt Nam xuất bản mùa Vu lan năm 1951, tức sau khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập và sau khi ngài được suy tôn Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt.

Thủ bút của Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh

Thủ bút của Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh

Phiên âm:

Phật lịch nhị thiên ngũ bách thập tứ niên tuế tại Tân Mão lục nguyệt tứ nhật

Giác tánh khai quyền bổn tự nhiên

Ngộ tâm hiển thật hữu nhơn duyên

Hòa an chúng đức giai thành lập

Thượng thí tăng già hóa đại thiên

Pháp nguyện chư tôn đồng hiệp lực

Chủ kỳ đàn tín đạt chơn nguyên

Nam bang Phật giáo trùng hưng đạo

Việt quốc tổ truyền hưởng vạn niên.

Nam Việt Tăng-già Pháp chủ Thích Đạt Thanh

Nay nói về quyển Truyện Kiều. Quyển này có kích thước 27x14cm, có tổng cộng 142 trang, được viết tay, bìa bằng vải, trang bìa mất hết chữ, bị hư mất một góc nên có nhiều chữ bị mất ở góc này. Về nội dung, có 6 phần chính như sau:

Hình như những trang đầu này được viết theo dạng mật mã. Hiện chưa đọc được: 26 trang.

Một lá thơ khoảng 200 chữ, được viết bằng chữ Hán. Hình như đây là lá thơ do chính Hòa thượng Đạt Thanh viết gởi cho nhà ái quốc, người bạn tri âm của mình: 2 trang.

Một lá thơ khoảng 500 chữ, được viết bằng chữ Nôm. Cuối lá thơ này có bài thơ chữ Hán thất ngôn bát cú. Nội dung: Lời nhắn nhủ của nhà ái quốc gởi cho bạn bè, gia đình, khuyên họ tin tưởng vào ngày toàn thắng của dân tộc: 3 trang.

Lá thơ được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm, viết theo dạng mật mã: 1 trang.

Ảnh bản Kim Vân Kiều tân truyện

Ảnh bản Kim Vân Kiều tân truyện

Kim Vân Kiều tân truyện: Trang đầu có bài thơ chữ Hán thất ngôn bát cú của cụ Phạm Quý Thích với câu đầu “Giai nhân bất thị đáo tiền đường”: 102 trang.

Kim Vân Kiều phú được viết bằng chữ Nôm: 8 trang.

Nay người viết sẽ đề cập từng phần một.

Những trang đầu: Như đã trình bày, phần đầu có 26 trang, hình như được viết theo dạng mật mã (xem hình). Hiện tại người viết chưa đọc được nên rất mong được các bậc thức giả chỉ giáo.

Đây là tờ đầu tiên của quyển Kim Vân Kiều tân truyện, có tất cả 26 trang như vậy.

Lá thơ gởi cho các nhà ái quốc, khoảng 200 chữ, 2 trang, được viết bằng chữ Hán nhưng có vài chữ Nôm và thỉnh thoảng đặt câu theo chữ Nôm.

Phiên âm:

Quan sơn diêu trở viễn cách vân hà

Ngã kim bằng tự thọ võng la

Duy thời vận tại hồ thiên dã

Kim phân cách ngô tình lệ há

Nhật nhật hoài thiết thiết ti ti

Nghĩa đệ huynh vạn khổ na tường

Tình kim thạch thiên lao mạc nại

Câu chỉ tín minh sơn thệ hải

Chữ đồng tâm chí bất khả di

Thời hiểm nguy thiên lý nan kì

Vận bất đạt vô trì lập tảo

Thế thượng nhân thường điên đảo

Nguyệt thượng hữu doanh hư

Ngô tâm thường niệm niệm tư tư

Nguyện chư hữu thủy chung như nhất

Chu Văn Vương bĩ cực thời diệc hữu thái lai

Khất đệ huynh mạc khả ai hoài

Cầu huynh đệ gia y tấn thực

Chữ thiên cơ nan thức

Câu họa phúc vô kì

Nguyện kim bằng thủ chí bất di

… nan tương cứu.

Sác hành khứ tựu khắc cốt minh tâm.

Cổ Bá Nha tuyệt ngã huyền cầm.

Giai ...

Chúc ngô đẳng đệ huynh cộng hội

Cổ hà nhân kim diệc hà nhân

Lộ phùng vạn hải thiên sơn

Chúc đệ huynh bình an khang thái

Thị hạnh thị đảo

Tạm dịch:

Núi sông ngăn cách, mây ám muôn trùng.

Bạn tri âm vì đại nghĩa mà thân vương lao ngục.

Thời vận này chỉ còn trông thiên mệnh.

Xưa dấn thân trên con đường ái quốc, nay mỗi người mỗi cảnh phân ly.

Nghĩ đến tình cảm xưa mà không ngăn được dòng bi lệ.

Ngày qua ngày, luôn nhớ bạn nên tỏ bày tâm sự.

Nghĩa đệ huynh chịu trăm ngàn đau khổ, không ai thấu hiểu.

Tình bằng hữu sắt son chung thủy dù gặp muôn ức hiểm nguy cũng không sao ngăn cách.

Chúng ta đã khắc sâu chữ Tín vào non cao biển rộng

Quyết đồng tâm hiệp lực, dù gặp trở ngại nào cũng không lay chuyển được ý chí.

Thời thế hiểm nguy mà con đường thiên lý thì xa vời vợi

Vận chưa đạt được nên càng không nên chậm trễ.

Thấy lòng người thay đổi bất thường

Như mặt trăng có khi tròn khi khuyết

Nên tôi luôn luôn có tâm nguyện duy nhất

Cầu cho huynh đệ chúng ta luôn giữ vững ý chí, thủy chung như nhất.

Ngày xưa, Chu Văn Vương (1154-1046 Tr.TL) bị Trụ vương giam ở ngục Dữu Lý tăm tối nhưng sau khi thoát cảnh ngục tù, đem quân tiêu diệt nhà Thương để con cháu thành lập nhà Chu hiển vinh sau này.

Tôi xin các huynh đệ hãy nhớ đến sự tích của Chu Văn Vương và không nên bi quan, thối chí.

Cầu cho gia đình anh em luôn đầy đủ ấm no để anh em an tâm dấn thân trên con đường phục quốc.

Chữ thiên cơ khó biết

Câu họa phúc chẳng hay

Chỉ cầu nguyện cho bạn tri âm giữ vững ý chí bất khuất, thủy chung như nhất.

... (bị mất mấy chữ)... khó cứu được.

Đã đến giờ lên đường, hãy ghi trong tim, khắc trong xương:

Cho dù khổ nhục thế nào, chúng ta cũng luôn luôn là huynh đệ tri âm, tri kỷ như đôi bạn Bá Nha - Tử Kỳ. Khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ huyền cầm và không ai còn nghe được khúc cao sơn lưu thủy nữa. Hãy giữ tấm lòng sắt son của người yêu nước tới giây phút cuối.

Đều ... (bị mất mấy chữ) ...

Chúc nguyện đất nước quang huy, huynh đệ chúng ta có ngày gặp lại.

Ngày xưa dấn thân vào con đường ái quốc, chúng ta mang theo mình hùng tâm tráng chí thế nào thì ngày nay cũng giữ nguyên tráng chí hùng tâm thế ấy.

Trên con đường hoạt động yêu nước, cho dù có gặp ngàn núi đao, vạn biển lửa nhưng tôi luôn cầu mong huynh đệ bình an, khang thái.

Nếu được như thế thì hạnh phúc biết bao!

Đó là lời cầu nguyện chí thành của tôi.

(Còn tiếp)

Xem bài trước: Viết lại tiểu sử Hòa thượng Thích Đạt Thanh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày