Hòa thượng Thích Đạt Thanh - Pháp chủ Phật giáo Nam Việt

Hòa thượng Thích Đạt Thanh - vị Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Nam Việt, là một trong những người có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và là nhà yêu nước trung kiên - nhưng lại là người dường như bị lớp bụi thời gian làm cho mờ nhạt. Khi viết về tiểu sử của ngài, có những người viết không chính xác, lại tô vẽ thêm những ánh hào quang không thuộc về ngài. Trong khi có những đóng góp rất quý báu của ngài cho đạo pháp và dân tộc thì hoàn toàn bị lãng quên.
Hòa thượng Thích Đạt Thanh - vị Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Nam Việt, là một trong những người có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và là nhà yêu nước trung kiên - nhưng lại là người dường như bị lớp bụi thời gian làm cho mờ nhạt. Khi viết về tiểu sử của ngài, có những người viết không chính xác, lại tô vẽ thêm những ánh hào quang không thuộc về ngài. Trong khi có những đóng góp rất quý báu của ngài cho đạo pháp và dân tộc thì hoàn toàn bị lãng quên.
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh - Pháp chủ Phật giáo Nam Việt1, vị danh Tăng có những đóng góp mang tính nền tảng cho công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, nhà hoạt động yêu nước can trường. 

Nhân tưởng niệm 50 năm ngày ngài viên tịch, Báo Giác Ngộ trân trọng giới thiệu biên khảo của Thượng tọa Thích Giác Dũng, Tiến sĩ Phật học, Trưởng khoa Luật học Phật giáo thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.

***

PHẦN 1

GÓP PHẦN LÀM SÁNG TỎ TỎ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TIỂU SỬ CỦA NGÀI

Đúng 50 năm trước, tức năm 1973, là năm có thể nói là đại tang đối với Phật giáo Việt Nam khi có tới 5 vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo viên tịch.

Ngày 23-1-1973 (20 tháng Chạp năm Nhâm Tý): Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang), viên tịch.

Ngày 14-2-1973 (12 tháng Giêng năm Quý Sửu): Hòa thượng Thích Đạt Thanh, nguyên2 Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Nam Việt, viên tịch.

Ngày 25-2-1973 (23 tháng Giêng năm Quý Sửu): Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, nguyên Pháp chủ Phật giáo Trung Việt, Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang), viên tịch.

Ngày 17-4-1973 (15 tháng 3 năm Quý Sửu): Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội trưởng sáng lập Hội Phật học Nam Việt, từ trần.

Ngày 15-11-1973 (20 tháng 10 năm Quý Sửu): Hòa thượng Thích Tâm Giác, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Việt Nam Quốc Tự), viên tịch.

Trong số 5 vị lãnh đạo Phật giáo vừa nêu trên, Hòa thượng Thích Đạt Thanh - vị Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Nam Việt, là một trong những người có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và là nhà yêu nước trung kiên - nhưng lại là người dường như bị lớp bụi thời gian làm cho mờ nhạt. Khi viết về tiểu sử của ngài, có những người viết không chính xác, lại tô vẽ thêm những ánh hào quang không thuộc về ngài. Trong khi có những đóng góp rất quý báu của ngài cho đạo pháp và dân tộc thì hoàn toàn bị lãng quên.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1189 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1189 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Nhân dịp tưởng niệm 50 năm ngày viên tịch của ngài, trong nhân duyên về thời gian và tư liệu cho phép, người viết cố gắng làm sáng tỏ một số vấn đề có liên quan đến tiểu sử của ngài, trình bày những tư liệu mới phát hiện có liên quan đến hoạt động yêu nước của ngài. Vì có nhiều tư liệu cần đăng tải và nội dung khá dài nên bài viết được chia làm ba phần. Phần 1 này sẽ góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến tiểu sử của Hòa thượng.

Về năm sinh

Trước hết, liên quan đến năm sinh của ngài, Tiểu sử danh tăng Việt Nam tập 2 ghi ngài sinh năm Quý Sửu (1853)3 nhưng linh vị và bia tháp tại chùa Long Quang4 thì ghi ngài sinh năm Đinh Sửu (1877). Lại nữa, theo văn bia của phần mộ cụ ông thân sinh của ngài thì cụ ông sinh năm Mậu Thân (1848)5; và theo bia tháp của cụ bà thân sinh của ngài thì cụ bà cũng sinh năm Mậu Thân (1848)6. Dựa vào các văn bia của tháp và mộ phần vừa trình bày ở trên thì năm sinh của Hòa thượng phải là 1877 chứ không thể 1853. Bởi lẽ, cả cụ ông và cụ bà đều sinh năm 1848 mà năm 1853 hạ sinh ra ngài thì lúc đó cả hai cụ mới có 5 tuổi!

Như vậy rõ ràng, hai cụ hạ sinh ra ngài vào năm 1877, lúc đó hai cụ 29 tuổi. Như vậy thì mới hợp lý. Tóm lại, Hòa thượng Đạt Thanh sinh năm Đinh Sửu (1877) chứ không phải năm Quý Sửu (1853).

Bia, bảo tháp Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh tại chùa Long Quang (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn
Bia, bảo tháp Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh tại chùa Long Quang (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn

Tác phẩm

Kế đến, về công việc sáng tác và phiên dịch, Tiểu sử danh tăng Việt Nam ghi:

“Sinh thời, ngài sáng tác, phiên dịch rất nhiều kinh sách, phần lớn bị thất lạc hoặc mối mọt làm hư hao. Nay chỉ còn lại một bộ Lục Vân Tiên tân truyện viết bằng chữ Nôm, một bộ Du Dà đại khoa, một bộ Vu lan thích nghĩa. Tất cả đều lưu trữ tại chùa Long Quang, Bà Điểm.”7.

Thực ra, ngày nay, chùa Long Quang chỉ lưu trữ hai bộ chứ không phải ba bộ và tên sách hoàn toàn khác với ghi chép vừa được trích dẫn. Cả hai bộ này đều là bản viết tay (thủ bản) và nét chữ của hai bộ này khác nhau. Tên sách và tình hình cụ thể của hai quyển sách đó như sau:

Bộ thứ nhất: Tờ bìa ghi như sau:

Hàng giữa: (chữ lớn): Tổng yếu kết tập công văn toàn sự, Thiện Tuệ. (chữ nhỏ): Bính Thân niên… (có một số chữ vì giấy bị mất một góc nên không đọc được).

Hàng bên phải: Nguyên sinh Canh Tý niên ngũ thập thất tuế.

Hàng bên trái: Gia Định tỉnh Bình Hòa xã.

Như vậy, tên đầy đủ của quyển sách chép tay này là Tổng yếu kết tập công văn toàn sự nghĩa là quyển sách sưu tầm toàn bộ những công văn sớ điệp như sớ cầu an, cầu siêu,… quan trọng chứ không phải Du Dà đại khoa như Tiểu sử danh tăng Việt Nam đã ghi. Và người sưu tập công văn này là một vị có tên là Thiện Tuệ, sinh năm Canh Tý (1840 hoặc 1900) và khi sao chép bộ công văn này, ngài Thiện Tuệ 57 tuổi và năm đó là năm Bính Thân (1896 hoặc 1956).

Tổng hợp tất cả thông tin được ghi trên bìa quyển sách này, chúng ta có được diện mạo cụ thể: Tên của quyển sách: Tổng yếu kết tập công văn toàn sự. Quyển này do ngài Thiện Tuệ sao chép vào năm Bính Thân (1896 hoặc 1956). Ngài Thiện Tuệ sinh năm Canh Tý (1840 hoặc 1900) tại xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định.

Trong khi Hòa thượng Đạt Thanh sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Tân Thới Tây, tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. So sánh nét chữ, năm sinh và nơi sinh, chúng ta có thể khẳng định, người sao chép quyển Tổng yếu kết tập công văn toàn sự này không phải là Hòa thượng Đạt Thanh.

Còn bộ thứ hai mà quyển Tiểu sử danh tăng Việt Nam ghi là “Lục Vân Tiên tân truyện viết bằng chữ Nôm” thì thật ra không phải là Lục Vân Tiên tân truyện mà là Kim Vân Kiều tân truyện, và dĩ nhiên được viết bằng chữ Nôm.

Quyển này cũng là một quyển sách chép tay Truyện Kiều đang lưu hành đương thời. Nhưng vấn đề cần chú ý ở đây là: Ai là người chép lại quyển Truyện Kiều này? Mục đích sao chép quyển Truyện Kiều này là gì? và nội dung của toàn bộ quyển Kim Vân Kiều tân truyện này là gì? Đây là những vấn đề khá dài và khá phức tạp nên người viết sẽ trình bày riêng ở phần thứ hai: Góp phần tìm hiểu thủ bản Kim Vân Kiều tân truyện hiện đang lưu giữ tại chùa Long Quang.

Phương Ngoại am, 2-2-2023

(Còn tiếp)

(Xem bài tiếp theo)

----------------------------------------------

1Người viết sử dụng từ ngữ mà tạp chí Viên Âm thời bấy giờ sử dụng.

2Hòa thượng Thích Đạt Thanh làm Pháp chủ từ năm 1951 đến năm 1953. Khi viên tịch, Ngài không còn là Pháp chủ nên người viết để nguyên Pháp chủ.

3 Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, NXB.Tôn Giáo, năm 2002, trang 375.

4 Địa chỉ : Số 30/2, đường Phan Văn Hớn, ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh.

5 Thân phụ của Hòa thượng là cụ ông Võ Tự Kiểng, pháp danh Minh Cảnh, sinh năm Mậu Thân (1848), từ trần ngày 11 tháng 5 năm Mậu Thân (1908). Mộ phần và bia chí của cụ ông thân sinh do chính tay Hòa thượng dựng, đang được tôn trí tại chùa Long Quang, địa chỉ như trên.

6 Thân mẫu của Hòa thượng là cụ bà Hà Thị Tông, pháp danh Như Tông, tự Diệu Nho, sinh năm Mậu Thân (1848). Sau này cụ bà xuất gia tại chùa Phước Tường (TP.Thủ Đức), nơi người em thứ 6 của Hòa thượng Đạt Thanh là Hòa thượng Như Quới, tự Bửu Quý, hiệu Pháp Ấn (sinh năm Mậu Tý (1888), viên tịch ngày 7-10-Bính Tuất (1946)) làm trụ trì nên khi cụ bà từ trần, Hòa thượng Như Quới đã xây tháp cúng cụ.

7 Sách đã dẫn, trang 386.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày