Viết lại tiểu sử Hòa thượng Thích Đạt Thanh

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1189 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1189 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Như đã đề cập, Hòa thượng Thích Đạt Thanh - vị Pháp chủ đầu tiên của Phật giáo Nam Việt1, là một trong những người có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và là nhà yêu nước trung kiên.

Nhưng NHỮNG GÌ ĐÃ VIẾT về tiểu sử của ngài phổ biến một số nơi, in trong một số sách có nhiều chi tiết không chính xác, lại tô vẽ thêm những ánh hào quang không thuộc về ngài. Trong khi có những đóng góp rất quý báu của ngài cho đạo pháp và dân tộc thì hoàn toàn bị lãng quên.

PHẦN II

VIẾT LẠI TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT THANH

Dựa trên những sử liệu chúng tôi có được, có thể tóm tắt tiểu sử của Hòa thượng Thích Đạt Thanh như sau:

Hòa thượng Thích Đạt Thanh, pháp hiệu Như Thông2, thế danh Võ Minh Thông (sau này đổi thành Võ Bửu Đạt), sinh năm 1877 (Đinh Sửu) tại làng Tân Thới Thượng3, tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (ngày nay là xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh). Bảo tháp của ngài hiện tọa lạc tại chùa Long Quang, số 30-2, đường Phan Văn Hớn, ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh.

Thân phụ của ngài là cụ ông Võ Tự Kiểng, pháp danh Minh Cảnh, tự Thiện Tim, sinh năm 1848 (Mậu Thân), mất năm 1908 (Mậu Thân), mộ phần hiện tọa lạc tại chùa Long Quang, địa chỉ như trên.

Thân mẫu là cụ bà Hà Thị Tông, pháp danh Như Tông, tự Diệu Nho, sinh năm 1848 (Mậu Thân), mất năm 1930 (Canh Ngọ). Cụ bà sau này xuất gia tại chùa Phước Tường nên khi mất được xây tháp và tháp hiện tọa lạc tại chùa Phước Tường, số 6, đường 102, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh.

Hòa thượng Đạt Thanh sinh trong gia đình có 7 anh em. Ngài là người con thứ tư trong gia đình.

Người anh cả tên Võ Văn Bường, hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu lúc khoảng 20 tuổi4.

Người em thứ năm sinh năm 1885 (Ất Dậu), pháp danh Như Mật, tự Bửu Châu, hiệu Chánh Luật, trụ trì chùa Tân Hưng (Bình Dương), viên tịch ngày 9 tháng 12 năm Tân Mão (1951), nhập tháp tại chùa Phước Tường.

Người em thứ 6 sinh năm 1888 (Mậu Tý), pháp danh Như Quới, tự Bửu Quý, hiệu Pháp Ấn, trụ trì chùa Phước Tường, viên tịch ngày 7 tháng 10 năm Bính Tuất (1946), nhập tháp tại chùa Phước Tường.

Người em út pháp danh Như Ngộ, hiệu Thiện Ngộ, hiện còn long vị thờ tại chùa Long Quang. Chưa biết thêm thông tin gì khác5.

Năm 1889 (12 tuổi), ngài xuất gia tại chùa Linh Nguyên (ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), thờ Tổ Minh Phương - Chơn Hương làm Thầy, được Tổ ban pháp danh là Như Thông, pháp tự Bửu Đạt.

Năm 1891 (14 tuổi), ngài tham học tại chùa Giác Lâm, y chỉ và cầu pháp với Tổ Minh Vi - Mật Hạnh, được Tổ Minh Vi - Mật Hạnh ban pháp hiệu Đạt Thanh và cho thọ giới Cụ túc năm 1896.

Năm 1919, Tổ Minh Phương viên tịch, ngài được tứ chúng công cử trụ trì tổ đình Linh Nguyên. Sau đó, ngài giao quyền trụ trì lại cho sư đệ là Như Đạt - Thiên Cang. Ngài trở về xây dựng ngôi chùa vốn đã được song thân cải gia vi tự và lấy tên Long Quang để hành đạo.

Ngoài việc tổ chức các trường Hương (an cư kiết hạ), chứng minh các đại giới đàn, ngài hoạt động rất tích cực trong việc ứng phó đạo tràng thông qua các nghi lễ đàn tràng để đưa quần chúng đến với Phật giáo và cũng qua các đàn tràng này, ngài liên kết những nhà yêu nước, tổ chức các hoạt động chống lại thực dân xâm lược.

Năm 1941 (64 tuổi), ngài bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo.

Năm 1945 (70 tuổi), ngài cùng 6 người bạn tù kết bè vượt ngục. Trên đường vượt biển, gặp sóng to gió lớn, 4 người bị nước cuốn trôi. Sau 3 đêm 2 ngày lênh đênh trên biển cả, 3 người còn lại (trong đó có ngài) được tàu của ông Lê Trung Cận, một Phật tử thuần thành, cứu vớt. Khi về đến đất liền, ngài lưu trú tại nhà ông Lê Trung Cận ở Rạch Giá và đổi tên Võ Minh Thông thành Võ Bửu Đạt.

Thời gian này, để tránh truy lùng, ngài luôn di chuyển và lưu trú tại rất nhiều ngôi chùa khác nhau. Tại miền Tây, ngài lưu trú tại các chùa: Châu Long (Châu Đốc), Tây An (Châu Đốc), Sắc tứ Thập Phương (Rạch Giá), Sắc tứ Tam Bảo (Rạch Giá), Phước Lâm (Sa Đéc), Bình An (Long Xuyên),... Tại Sài Gòn, ngài lưu trú tại các chùa: Chưởng Thánh, Long Thạnh, Trường Thạnh, Tịnh Độ, Giác Hải, Giác Lâm, Giác Viên, Tập Phước, Long Phước, Sùng Đức, Phước Tường, Bình Hòa,...

Năm 1949 (74 tuổi), ông Trần Phú Hữu (tức đội Hữu) đã thỉnh ngài về trụ trì chùa Giác Ngộ (92 đường Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.Hồ Chí Minh). Năm sau ngài tổ chức giới đàn tại đây và làm Đàn đầu Hòa thượng.

Tháng 4 năm 1951 (76 tuổi), ngài cùng Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Pháp chủ Phật giáo Trung Việt và Hòa thượng Thích Mật Ứng, Pháp chủ Phật giáo Bắc Việt, ký tờ Hiệu triệu thống nhất Phật giáo.

Tháng 5 năm 1951, ngài làm Trưởng đoàn của Phật giáo Nam Việt tham dự Đại hội thống nhất Phật giáo tại chùa Từ Đàm (Huế) để thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Tháng 6 năm 1951, Đại hội thành lập Giáo hội Tăng-già Nam Việt được tổ chức tại chùa Hưng Long (nay thuộc Q.10, TP.Hồ Chí Minh), ngài được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ.

Tháng 3 năm 1953 (78 tuổi), tại Đại hội Giáo hội Tăng-già Nam Việt, ngài truyền ngôi vị Pháp chủ lại cho Hòa thượng Thích Huệ Quang. Sau đại hội này, ngài cùng Hòa thượng Thích Minh Trực (trụ trì chùa Phật Bửu, Q.3, TP.Hồ Chí Minh) sang Campuchia thành lập Hội Phật giáo Việt Nam tại Campuchia.

Sau năm 1953, ngài trở về trùng tu và trụ trì chùa Long Quang. Thời gian này, ngoài việc ứng phó đạo tràng, làm đàn đầu các giới đàn, ngài vẫn liên tục trợ giúp các hoạt động yêu nước. Hòa thượng Thích Trí Khai (sinh năm 1940, làm thị giả của ngài từ năm 1960 đến 1968, hiện là viện chủ chùa Linh Pháp, ấp Giồng lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là giao liên của ngài, nhiều lần vận chuyển các vật phẩm cần thiết như giấy mực, máy đánh chữ,... từ chùa Long Quang của ngài đến các nhà yêu nước ở Long An6.

Năm 1971 (94 tuổi), được sự phát tâm tiến cúng của Phật tử Phạm Thị Phương, chủ nhà in Văn Hóa, Sài Gòn, ngài mua đất, kiến tạo chùa Long Nguyên (lấy chữ Long của Long Quang và Nguyên của Linh Nguyên), địa chỉ ngày nay: 103 Bà Hom, P.13, Q.6, TP.Hồ Chí Minh.

Ngài viên tịch ngày 12 tháng Giêng năm Quý Sửu (14-2-1973), hưởng thọ 97 tuổi. Bảo tháp của ngài được tôn thờ tại chùa Long Quang, Hóc Môn ngày nay.

Sau khi ngài viên tịch, đệ tử của ngài là Hòa thượng Thích Hồng Quang, trụ trì chùa Long Viên (441 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) tổ chức lễ giỗ vào đúng ngày viên tịch của ngài là ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Chùa Long Quang (Hóc Môn) tổ chức giỗ vào sáng 13 tháng Giêng. Còn chùa Hồng Liên (Q.12, vị trụ trì trước đây: Hòa thượng Thích Hồng Văn, hiệu Bửu Thinh, là đệ tử của ngài) thì tổ chức vào chiều 13 tháng Giêng.

Vì chùa Long Quang tổ chức lễ giỗ của ngài vào ngày 13 nên năm 1997, khi đại trùng tu bảo tháp của ngài, Hòa thượng Thích Thiện Đắc, trụ trì chùa Linh Tiên (Thủ Đức) cho làm lại bia mới và ghi ngày viên tịch của ngài ngày 13 tháng Giêng cho phù hợp với lễ giỗ hàng năm của chùa. Nhưng thực ra, ngài viên tịch vào 12 tháng Giêng năm Quý Sửu như trên đã trình bày.

Hiện tại, Hòa thượng Thích Đạt Thanh còn lưu lại một bài thơ thất ngôn bát cú và một quyển Kim Vân Kiều tân truyện, bản viết tay. Quyển này rất quý vì trong đó còn có một số tài liệu liên quan đến hoạt động yêu nước của ngài, giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm tư và tình cảm của người con đất Việt trên con đường phụng sự quê hương và dân tộc.

(Còn tiếp)

(Bấm vào đây để xem bài trước)

----------------------------------------

1 Người viết sử dụng từ ngữ mà tạp chí Viên Âm thời bấy giờ sử dụng.

2 Theo bia tháp và long vị, pháp hiệu của ngài là Như Thông chứ không phải Như Bửu như Tiểu sử danh tăng Việt Nam (tr.375) đã ghi.

3 Tiểu sử danh tăng Việt Nam (tr.375) ghi là làng Tân Thới Tây.

4 Tiểu sử danh tăng Việt Nam (tr.375) ghi ông Bường hy sinh năm 1947. Ghi như vầy không chính xác. Nếu ông Bường hy sinh năm 1947 thì lúc đó ông đã trên 70 tuổi và chắc chắn ông đã có gia đình, con cháu và phải được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Nhưng theo thầy Thích Trung Tín, thế danh Võ Trọng Lễ, hiện đang trụ trì chùa Long Quang và là truyền nhân của dòng họ Võ thì : Theo ghi chép trong dòng họ thì ông Võ Văn Bường hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu khi ông khoảng 20 tuổi, chưa lập gia đình nên hiện giờ không có con cháu.

5 Tiểu sử của 4 vị này, ghi theo lời kể của thầy Thích Trung Tín, hiện trụ trì chùa Long Quang.

6 Người viết gặp và phỏng vấn Hòa thượng Thích Trí Khai tại chùa Linh Pháp, ngày 25-1-2023, có sự hiện diện của Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Linh Pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Năm thứ báu khó có được ở đời

Năm thứ báu khó có được ở đời

GNO - Phái đoàn các vị Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly khi đi đến Đức Phật đang ngự trong vườn xoài Am-bà-bà-lê được xem như biểu tượng của sự xa hoa, sang trọng, quý phái bậc nhất đương thời. Thậm chí Thế Tôn còn ví họ như “chư Thiên Đao-lợi khi đi dạo công viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy”.
Đức Dalai Lama thứ XIV

Hãy xem mình là khách viễn du

GNO - Khoảng chừng 50 năm nữa thì tôi, Tenzin Gyatso, một tu sĩ Phật giáo, sẽ chỉ còn là ký ức. Thật vậy, chưa chắc rằng người đang đọc những dòng chữ này, sẽ còn có mặt một thế kỷ sau. Thời gian trôi qua bất chấp.

Thông tin hàng ngày