Hòa thượng Thích Lệ Trang: "Tâm hiếu hòa quyện trong truyền thống dân tộc và Phật giáo"

Hòa thượng Thích Lệ Trang đăng tòa khai thị trong Pháp hội Vu lan - Báo hiếu tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Hòa thượng Thích Lệ Trang đăng tòa khai thị trong Pháp hội Vu lan - Báo hiếu tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 10-7-Giáp Thìn (13-8-2024), tại Việt Nam Quốc Tự diễn ra trang nghiêm Lễ khai đàn Pháp hội Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2568 do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN phối hợp Ban Nghi lễ, Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM và Ban Quản trị Việt Nam Quốc Tự tổ chức.

Trong không khí trang nghiêm của Pháp hội Vu lan tại Việt Nam Quốc Tự, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức đã đăng tòa khai thị về Ý nghĩa của Đại lễ Vu lan - Báo hiếu trong đạo Phật đến hội chúng.

Đàn tràng Vu lan được trần thiết trang nghiêm tại hội trường Việt Nam Quốc Tự

Đàn tràng Vu lan được trần thiết trang nghiêm tại hội trường Việt Nam Quốc Tự


Khai đàn Pháp hội Vu lan - Báo hiếu tại Việt Nam Quốc Tự - Video do Giác Ngộ TV thực hiện

Sự hòa quyện của tâm hiếu trong truyền thống Phật giáo và dân tộc

Theo đó, Hòa thượng cho biết Vu lan - Báo hiếu gợi lên sự bao dung, biết ơn của một người con hiếu thảo, khi sự hiếu gợi lên thì tự khắc họ sẽ biết mình phải làm gì để cha mẹ được hạnh phúc. Đó là truyền thống, là nếp nhà của dân tộc Việt Nam. Đạo Phật đến với dân tộc Việt Nam hòa quyện với nét đẹp văn hóa đó, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Chính vì vậy, đạo Phật là đạo hiếu, tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật.

Trong đạo Phật, người Phật tử là người biết tri ân, báo ân với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, Tổ quốc; tình thương trong đạo Phật được ban rải đến chúng sinh xuất phát từ tâm hiếu này nên gọi là từ bi. Người học Phật là bắt chước hạnh của Đức Phật, khởi đầu bằng hạnh hiếu, để từ đó sống có hiếu, có tình nghĩa, có bao dung và từ bi. Vì thế, ngày Vu lan trở thành đạo lý của con người. Nét đẹp tri ân, báo ân, sự hiếu kính là nét đẹp muôn đời, cho dù người đó ở ý thức hệ nào, ở tôn giáo nào đều khởi đoan đạo hiếu trong đời sống.

Chư tôn đức tham dự tại đàn tràng Vu lan

Chư tôn đức tham dự tại đàn tràng Vu lan

Ân Tổ quốc, tổ tiên, cha mẹ, huynh đệ, vợ chồng là nền tảng hiếu kính tốt đẹp ở mỗi người dân, Phật giáo Việt Nam đã từ bao đời nay tiếp nhận sự cao quý của Phật Tổ, của dân tộc nên hàng năm, Giáo hội các cấp, các tổ chức, cá nhân với nhiều phương tiện, hình thức, lễ nghi khác nhau để bày tỏ sự hiếu kính nhưng đều có cùng chung một mục đích là để có cơ hội ngồi cùng nhau ôn lại những tấm gương hiếu hạnh của dân tộc, của Đức Mục Kiền Liên. Qua đó, nhắc nhở người Phật tử chúng ta tu học và áp dụng văn hóa, truyền thống hiếu ân trong đời sống để có hạnh phúc và niềm an lạc.

Trong lời khai thị, Hòa thượng Trưởng ban Trị sự TP.HCM nhắc lại nhân duyên Đại lễ Vu lan năm 2022, tại Việt Nam Quốc Tự, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN, Chứng minh Đạo sư Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã quang lâm chứng minh; đồng thời được đồng hành của lãnh đạo GHPGVN các cấp, sự yểm trợ của lãnh đạo các cơ quan chức năng, Phật tử, đồng bào các giới, từ đó đến nay, hàng năm Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đều tổ chức lễ tri ân - tưởng niệm. Qua đó, tại Việt Nam Quốc Tự không chỉ dừng lại ở Đại lễ Vu lan mà còn là ngày giỗ hội hàng năm dành cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu, đồng bào đã tử vong trong đại dịch Covid-19.

Chế tác năng lượng yêu thương, hạnh phúc

Hòa thượng nhắn nhủ đến toàn thể đạo tràng, chỉ có sự tu tập, cùng nhau tụng kinh, hành trì mới thấy được sự lặng im bên trong. Từ đó, chúng ta mới chế tác được năng lượng an lành, chỉ khi có từ bi thì lời nói và hành động mới chế tác được năng lược an lành cho bản thân để chế tác nên từ trường tác động đến mọi cảnh giới, lan tỏa thông điệp hiếu kính, lòng biết ơn.

Đôi khi cha mẹ không cần chúng ta làm những điều to tát mà chỉ là những cử chỉ, hành động quan tâm, sự hiểu biết, lời thăm hỏi... thì đã làm cho cha mẹ hạnh phúc.

Phật tử tham dự Pháp hội Vu lan - Báo hiếu tại Việt Nam Quốc Tự

Phật tử tham dự Pháp hội Vu lan - Báo hiếu tại Việt Nam Quốc Tự

Hạnh phúc của đạo Phật thường nhắc nhở không phải là hạnh phúc riêng mà là hạnh phúc chung của tập thể. Vì thế, khi chúng ta ngồi lại cùng nhau tu tập, ôn lại những tấm gương hiếu hạnh, sẽ đánh thức lòng hiếu kính của mỗi chúng ta. Từ đó, chúng ta có sự hiếu kính, thơm thảo qua lời nói, hành động và có sự hiến tặng, sự lan tỏa. Thông điệp của hạnh phúc, yêu thương có được từ sự tu tập đem lại.

Việc làm của người con Phật là sự tự tu, tự độ, sau đó mới lan tỏa năng lượng bình an cho những người xung quanh được tiếp nhận năng lượng đó.

Cùng nhau tu tập khởi niệm về tri ân báo ân trong mùa Vu lan

Cùng nhau tu tập khởi niệm về tri ân báo ân trong mùa Vu lan

Chân lý vô thường của đạo Phật không có gì là tiêu cực cũng không là gì phải sợ hãi, vô thường cũng không phải là điều tích cực mà chúng ta phải hiểu biết về nó để đón nhận sự luôn luôn biến đổi. Chính vì lẽ, hiểu vô thường nên chúng ta trân trọng trọn vẹn sự hiển hiện ân tình, hiếu kính với cha mẹ ngay trong thời khắc này, ở đây. Người học Phật chính là học sự tỉnh thức của chân lý vô thường, cho nên sự hiếu kính có yếu tố tỉnh thức. Do vậy, người tri ân, báo ân cũng sống trong sự tỉnh thức thì mới có được hạnh phúc.

Hòa thượng chia sẻ rằng pháp hội Vu lan tại Việt Nam Quốc Tự chính là cơ hội để mọi người tham dự cùng nhau quán chiếu, tu tập trong sự tỉnh thức nhằm lan tỏa thông điệp yêu thương, hạnh phúc đến cho cha mẹ hiện tiền và cầu nguyện đến tổ tiên, cha mẹ đã khuất được nhẹ nhàng ở cõi an lành.

Sau lời khai thị, Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, cùng chư tôn đức Ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM cử hành các nghi thức khai đàn Pháp hội Vu lan - Báo hiếu trang nghiêm tại Việt Nam Quốc Tự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày