Hòa thượng Thích Minh Nhật: "Phát huy nội lực Phật giáo Bình Thuận, ưu tiên nhân sự trẻ kế thừa"

Chư Tăng Ni tỉnh Bình Thuận tạ pháp khóa An cư kiết hạ Phật lịch 2566
Chư Tăng Ni tỉnh Bình Thuận tạ pháp khóa An cư kiết hạ Phật lịch 2566
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phật giáo Bình Thuận từ khi thành lập (1982) cho đến nay, luôn nỗ lực xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong của Giáo hội.

Chư Tăng Ni tỉnh nhà luôn đồng hành, hội nhập không ngừng trên con đường đổi mới đi lên của Giáo hội nói chung, với tinh thần “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”.

Dành cho báo Giác Ngộ cuộc trao đổi trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, Hòa thượng Thích Minh Nhật, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận, Trưởng ban Tổ chức Đại hội cho biết:

Hòa thượng Thích Minh Nhật, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận

Hòa thượng Thích Minh Nhật, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận

- Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Tăng Ni, Phật tử các cấp Giáo hội trực thuộc, các hệ phái, từ Ban Trị sự tỉnh, đến các vị Phật giáo huyện, thị xã, thành phố, các ban chuyên môn, Trường Trung cấp Phật học đã tích cực hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, chung tay góp sức trong các Phật sự chung, hoàn thành những Phật sự đề ra trong nhiệm kỳ.

Cụ thể, Phật giáo tỉnh đã kiện toàn nhân sự, chuyên môn hóa đội ngũ lãnh đạo, tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện (10/10) trong toàn tỉnh.

Tổng số Tăng Ni trong tỉnh hiện nay là 992 vị, gồm đầy đủ hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, với 294 cơ sở tự viện. Trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo tỉnh thành lập mới 18 cơ sở, bổ nhiệm trụ trì 48 tự viện.

Mỗi năm, Phật giáo tỉnh có hơn 800 Tăng Ni tham gia an cư tập trung. Ban Trị sự tỉnh tổ chức tại trường hạ Tòng Lâm Vạn Thiện những buổi sinh hoạt Giáo hội, bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì ngắn hạn cho hành giả học tập. Tại 22 điểm an cư trong toàn tỉnh đều có kết hợp tu Bát quan trai cho Phật tử.

Trường Trung cấp Phật học tỉnh được thành lập năm 1992, liên tục đào tạo 12 khóa học. Hiện đang đào tạo khóa XI với 47 vị và khóa XII 42 Tăng Ni sinh. Với phương châm “văn, tư, tu”, Tăng Ni sinh nội trú hoàn toàn miễn phí. Sau khi tốt nghiệp, có 161 Tăng Ni sinh được giới thiệu theo học chương trình tại Học viện Phật giáo VN trong cả nước và các trường cao đẳng Phật học trong cả nước; có 6 Tăng Ni du học tại Đài Loan, 5 Tăng Ni du học tại Ấn Độ.

Hiện toàn tỉnh có 138 đạo tràng cho Phật tử như: Lớp giáo lý, đạo tràng niệm Phật, tọa thiền, Bát quan trai giới, Thập thiện, Pháp Hoa, Dược Sư, Vô lượng thọ… trung bình có từ 30 đến 300 Phật tử. Toàn tỉnh có 35 đơn vị Gia đình Phật tử chính thức sinh hoạt với GHPGVN, 487 huynh trưởng và 1.955 đoàn sinh.

Ban Hoằng pháp cũng đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động Phật sự ý nghĩa như: Giao lưu thuyết giảng ở nhiều đạo tràng tu học trong tỉnh; tổ chức những buổi pháp đàm, nâng cao kỹ năng hoằng pháp cho thành viên, đáp ứng nhu cầu thính pháp của đại đa số quần chúng Phật tử, nhất là ở miền núi, hải đảo, các đạo tràng nơi đây đều có sự hiện diện của thành viên Ban Hoằng pháp đến thuyết giảng.

Các tự viện xây dựng mới và trùng tu, tôn tạo cũng được chư tôn đức Ban Văn hóa tham mưu, chú trọng theo lối kiến trúc văn hóa truyền thống Phật giáo với số lượng là 48 cơ sở. Ngoài ra, công trình biên tập, sưu khảo và xuất bản cuốn Lược sử danh tăng Bình Thuận qua các Thiền phái Lâm Tế cũng được Ban thực hiện thành tựu - là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027.

Công tác an sinh xã hội, cứu trợ thiên tai lũ lụt, xây nhà tình thương, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ Hội Người khuyết tật, Hội Khuyến học, quỹ Vì người nghèo, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Hội Chữ thập đỏ, tiếp bước cho em đến trường, phát cháo cho các bệnh viện, cứu trợ thiên tai, dịch bệnh... được Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực. Tổng công tác từ thiện trong nhiệm kỳ thực hiện hơn 209 tỷ đồng.

* Là một tỉnh thuộc miền duyên hải Nam Trung Bộ, đời sống vẫn còn khó khăn, vậy những ngoại duyên đó có ảnh hưởng, làm hạn chế công tác điều hành Phật sự tại tỉnh nhà không, thưa Hòa thượng?

- Tất nhiên là có. Trong những cơ hội mở ra thì đều luôn có những thách thức, ngoài những yếu tố khách quan còn những vấn đề chủ quan, vậy nên không sao tránh khỏi những khó khăn, hạn chế nhất định.

Thứ nhất là vấn đề nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý hành chính Giáo hội, như chúng ta đã thấy, đa phần Tăng Ni “việc dạy nghề”, tự nghiên cứu học hỏi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên đôi khi xử lý công việc Phật sự còn hạn chế.

Thứ hai, vấn đề quản lý Tăng Ni, tự viện, do điều kiện lịch sử để lại, một số cơ sở chưa đăng ký tham gia vào Giáo hội, nên việc thống kê quản lý gặp khó khăn.

Ngày nay, người xuất gia ngày càng đông, nhu cầu Tăng Ni tự dựng am thất rất nhiều. Một số vị do chưa nắm rõ những quy định của pháp luật liên quan nên dẫn đến vi phạm các vấn đề xây dựng, cư trú. Chúng tôi thiết nghĩ, nhằm tạo điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử có nơi tu học và hoằng pháp đúng pháp luật, Giáo hội cần có cơ chế xây dựng lộ trình việc thành lập tự viện từ cơ sở nhỏ như tịnh thất rồi khi đủ các điều kiện thì chuyển đổi thành chùa, tịnh xá, thiền viện, tu viện mang tầm quy mô hơn vừa để cho thuận tiện trong việc điều hành quản lý được tốt hơn.

* Hòa thượng có thể chia sẻ về hướng phát triển Phật sự trong nhiệm kỳ 2022-2027, hoạt động nào sẽ chú trọng?

- Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Thuận trong nhiệm kỳ mới sẽ đặt trọng tâm chú trọng vào việc cho Tăng Ni sinh hoạt tu tập để phát triển Giới – Định – Tuệ thông qua các kỳ bố-tát, an cư.

Đồng thời chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn để Tăng Ni chấp hành và thực hiện tốt Hiến chương Giáo hội, Nội quy Tăng sự Trung ương, qua đó, nắm bắt, quản lý tốt việc các cơ sở tự viện và Tăng Ni sinh hoạt ngoài Giáo hội.

Con người là nhân tố quyết định cho sự thành bại của tổ chức Giáo hội, do đó công tác đào tạo Tăng Ni sẽ được quan tâm chú trọng giáo dục đạo đức, nâng cao chất lượng tu học, để tạo đội ngũ kế thừa của Giáo hội có tâm, có tầm. Song song đó, Phật giáo tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng vật chất tại Trường Trung cấp Phật học, củng cố đội ngũ giáo thọ có năng lực nghiệp vụ chuyên môn.

Tiếp nữa, Ban Trị sự sẽ tập trung đào tạo tập huấn nâng cao nghiệp vụ, đội ngũ hành chính văn phòng Phật giáo để thích ứng phù hợp với sự phát triển của xu thế thời hội nhập của xã hội.

* Vậy công tác giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ như thế nào?

- Việc giới thiệu nhân sự cho nhiệm kỳ 2022-2027 được thực hiện đúng quy định, quy trình theo như nội dung thông tư hướng dẫn của Trung ương Giáo hội. Tiến trình giới thiệu, suy cử và hiệp thương nhân sự được diễn ra một cách công khai, minh bạch, thanh tịnh trong tinh thần đoàn kết, nhất trí cao của tập thể Ban Trị sự.

Nhân sự của nhiệm kỳ mới đáp ứng đủ các tiêu chí như: Đạo hạnh, độ tuổi, trình độ học vấn, uy tín và công đức đối với Giáo hội. Do đó, ngoài việc ưu tiên những vị tôn túc đã có kinh nghiệm thâm niên từ những nhiệm kỳ trước, Ban Trị sự vẫn coi trọng những nhân sự là Tăng Ni trẻ có đạo hạnh, trình độ học vấn chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hy vọng đây sẽ là luồng sinh khí mới trong công tác quản lý và điều hành Phật sự tại địa phương trong nhiệm kỳ 2022-2027.

Kính cảm ơn những chia sẻ của Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng Lào khất thực theo truyền thống ở Luang Prabang

Tam tịnh nhục

GNO - Ngày nay khi nói đến ăn chay, đa phần người Phật tử Việt theo truyền thống Phật giáo Bắc tông thường nghĩ rằng ăn chay là thọ dụng những thực phẩm thuần thực vật, không ăn thịt cá và các gia vị cay nồng như hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu. Tuy nhiên, vào thời Thế Tôn quan niệm chay tịnh chỉ mang ý nghĩa...
Giác linh đài cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn tại chùa Thanh Hà

Đà Nẵng: Lễ tưởng niệm Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn

GNO - Sáng nay 30-4 (22-3-Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn tại chùa Thanh Hà (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, trụ trì chùa Thanh Hà và chùa Pháp Lâm.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Kiềm chế các căn

GNO - Kiềm chế các căn có nghĩa là đảm bảo rằng chúng hòa hợp với các đối tượng của chúng.

Thông tin hàng ngày