Hoà thượng Thích Thanh Tứ qua góc nhìn đồng đạo

Trong lúc xã hội đủ những màu sắc ồn ào, thì Hoà thượng vẫn kiên định con đường của Phật giáo. Tất cả công hạnh của Hoà thượng từ khi tuổi chưa tròn đôi mươi đến nay đã đầy đủ ý nghĩa để Hoà thượng nhận Giáo hội ấy, Phật giáo ấy, trách nhiệm ấy là của mình, do mình và bởi mình.

LTS: Sáng 26/11, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Thanh Tứ đã viên tịch ở tuổi 85. Đại lão Hhòa thượng từng là đại biểu Quốc hội và vừa được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Tuần Việt Nam mới nhận được một bài viết của Đại đức Thích Thanh Thắng, Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN về người đồng đạo vừa viên tịch. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết cùng độc giả.

Hơn một năm nay, sức khoẻ của Hoà thượng Thích Thanh Tứ luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Tăng Ni, Phật tử trong cả nước. Dù biết vào một ngày không xa Hoà thượng sẽ thuận thế vô thường, nhưng tin Hoà thượng viên tịch vẫn làm xao động mặt hồ Gươm tĩnh lặng. Chùa Quán Sứ lịch sử sẽ viết tiếp một trang sử về những bậc tọa chủ đã dấn thân nhập thế để bảo vệ Phật pháp và non sông.

30 năm trước, với cương vị Phó Thư ký Ban Vận động Thống nhất Phật giáo, Hoà thượng đã có đóng góp to lớn vào việc thống nhất 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo để thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Và trong 10 năm ở cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, Hoà thượng đã thúc đẩy Phật giáo miền Bắc không ngừng phát triển. Hàng loạt các Ban Trị sự, Ban Đại diện Phật giáo được thành lập.

Gần đây nhất, một tỉnh mà Phật giáo có lịch sử lâu đời như Nghệ An đã thành lập được Ban Trị sự. Bao năm qua, Phật giáo Nghệ An gần như bị xoá trắng với hàng trăm ngôi chùa hoang phế, nhưng Phật tử vẫn kiên nhẫn, nào tị hiềm gì so với vô vàn những mất mát tang thương của dân tộc Việt Nam. Hoà thượng đã nhìn ra điều đó, nên tất cả nỗ lực cho những Phật sự cuối cùng của ngài đều nhận được sự đồng tình của Tăng Ni, Phật tử.

Ít nhiều ai cũng biết rằng mọi sinh hoạt tôn giáo, dù chẳng mấy khi nhận được sự chú ý của dư luận báo chí, nhưng lại được xem là những sinh hoạt đặc biệt, đáng lưu tâm trong xã hội.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ trong Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Đảng, Nhà nước trao tặng
Hòa thượng Thích Thanh Tứ trong Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
do Đảng, Nhà nước trao tặng

Không khó để nhận biết về Hòa thượng qua những dòng tiểu sử và những lời truyền miệng, rằng Hoà thượng là một nhà sư cách mạng. Một số người còn gọi Hoà thượng là nhà sư "quốc doanh". Hiển nhiên "cách mạng" là "quốc doanh", và Hoà thượng chưa từng có ý phủ nhận điều đó. Những người có ý chí tiên phong luôn là những người của "cách mạng" và thuộc về "cách mạng".

Ở chỗ mười mắt trông vào, mười tay chỉ vào, bấy nhiêu cũng là những gì đầy đủ nhất về một con người "cách mạng" như Hoà thượng. Cuộc đời Hoà thượng, cả trong đời tu lẫn đời thực đều trải qua rất nhiều gian truân, thử thách.

Xin ngược dòng thời gian để nhìn về một con người khi còn là Sa di (sư bác - ở tuổi 18), đã có thể cùng nhân dân đứng lên phá kho thóc Nhật để cứu đói. Thực dân Pháp đã đưa Hoà thượng vào danh sách quan tâm đặc biệt. Những ngày tháng Hoà thượng bị giam cầm trong nhà tù Hoả Lò, một địa ngục trần gian của thực dân Pháp, thử hỏi có còn đau khổ nào hơn? Hoả Lò không chỉ là nơi vùi giập tinh thần dân quyền, dân chủ, dân sinh, mà còn là nơi đàn áp tính độc lập, tự chủ của người Việt.

Đầu những năm 90, khi còn là học tăng ở chùa Vĩnh Nghiêm (TP.Hồ Chí Minh), anh em trẻ miền Bắc chúng tôi có đôi lần được hầu Hoà thượng thọ trai. Nhưng đó chỉ là cái duyên thoáng qua, không để lại trong tôi ấn tượng gì nhiều. Sau này, những giai thoại chung quanh cuộc đời của Hoà thượng cứ lớn dần, bao trùm theo cả hai chiều thuận - nghịch. Đến nay, tôi mới thực sự có một "điểm nhìn" riêng về Hoà thượng.

Phật giáo miền Bắc - những gì khởi sắc cũng đã khởi sắc. Nhưng để có được sự khởi sắc một cách "khế cơ, khế lý, khế thời" ấy, không thể kể đến vai trò của Hoà thượng. Với tính cách mạnh mẽ, quyết là làm..., không phải Hoà thượng không vận dụng linh hoạt tinh thần Phật giáo trong dòng biến chuyển của thời thế.

Khổng Tử có nói: "Đạo chẳng thi hành ra được, Ta biết vậy rồi. Ấy vì người trí thì thái quá, còn kẻ ngu thì với chẳng kịp". Người trí mà nôn nóng thái quá thì sẽ làm hỏng việc đạo. Phật giáo miền Bắc có bối cảnh khác biệt với Phật giáo miền Trung, miền Nam, cứ ngỡ rằng "chậm", nhưng cũng đã vượt lên để hành đạo đúng thời điểm, khéo léo và tài tình. Đó cũng chính là tinh thần "Khi đi gió cuốn mây bay. Khi đứng núi yên non vững" của người Phật tử Việt Nam.

Hoà thượng ra đi, người ta sẽ không thể không nói đến một khoảng trống trong vai trò của một người cầm chịch, dù thực tiễn lịch sử đã minh chứng Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc.

Niềm tin mà người ta có với nhau dù ở vị thế nào, quan hệ nào cũng đầy những thời cơ và thách thức. Cảm nhận về thời thế lẽ nào lại không cảm nhận qua từng hành động, lời nói nơi hàng lãnh đạo của mình.

Không ít người từng buồn khi thấy cái chức danh Chủ tịch Hội đồng Trị sự suốt 5 nhiệm kỳ (25 năm) không đổi, thì sự ra đi của Hoà thượng Thích Thanh Tứ vào lúc này là một mất mát lớn cho Phật giáo miền Bắc và không dễ có mấy người bù đắp được khoảng trống ấy.

Nếu không có đủ uy tín và hùng lực để kéo những suy nghĩ khác biệt về với mình, phục vụ cho lợi ích chung, thì khái niệm đoàn kết chỉ như một cái bánh vẽ, và sẽ mãi là cái bánh vẽ trong tâm lý của người Việt mình, cho dù họ là tăng hay tục, có đạo hay không có đạo.

Dù Hoà thượng giữ nhiều vai trò, chức vụ, nhiều người tìm về bên mình để nhận làm đệ tử với đầy đủ nghĩa gần, nghĩa xa, nhưng tôi vẫn nhận thấy Hoà thượng là một người cô đơn. Không phải cái cô đơn thông thường của những chức sắc đầy quyền uy bị thất sủng.

Hoà thượng mang trong mình nỗi cô đơn của một người luôn vượt lên, thoát ra khỏi nghịch cảnh loạn ly, để đóng tròn vai là một nhà sư cách mạng. Cuối cùng Hoà thượng cũng có thể xem trò đời như một màn kéo. Hoà thượng đã tu giữa chợ đời, chợ chính trị, chợ quyền bính...

Trong lúc xã hội đủ những màu sắc ồn ào, thì Hoà thượng vẫn kiên định con đường của Phật giáo. Tất cả công hạnh của Hoà thượng từ khi tuổi chưa tròn đôi mươi đến nay đã đầy đủ ý nghĩa để Hoà thượng nhận Giáo hội ấy, Phật giáo ấy, trách nhiệm ấy là của mình, do mình và bởi mình.

Sự lớn mạnh của tổ chức Giáo hội qua mỗi nhiệm kỳ, trước tiên là sự lớn mạnh trong quản lý các cấp hành chính theo ngành dọc. Và Hoà thượng là cầu nối cho những ngại ngùng, dị biệt giữa Phật giáo và chính quyền, giữa đạo và đời. Thời đại Lý - Trần là thời đại "chính giáo hợp nhất". Dù thế mạnh yếu của mỗi thời đại khác nhau, song Hoà thượng cũng đã làm được những điều để ngày mai Phật giáo có thể tiếp tục con đường nhập thế.

Tôi ấn tượng với khái niệm "hộ quốc an dân" và sự theo đuổi của Hoà thượng cho con đường "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Tôi tin chắc, chưa ai có đủ nhiệt huyết để hoà vào dòng chảy ấy một cách đầy tự tin và quyết đoán như Hoà thượng. Con đường Hoà thượng chọn lựa ấy thênh thang, tự tại, hay là con đường để trả giá và trả nghiệp?

Có sự đổi thay huy hoàng nào mà không phải trả giá và trả nghiệp cơ chứ? Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục. Những lời thiệt hơn của nhân thế có đáng gì khi trong nhận thức của người Phật tử luôn xác quyết rằng quyền lực không bằng nghiệp lực. Đó cũng là lẽ sự thịnh suy tất yếu mà Thiền sư Mãn Giác đã nói. Sóng gió còn nhiều. Một bước ngoặt cho sự tự điều chỉnh vẫn đang chờ đón ở phía trước...

Một cái quả bị chín ép thì quả ấy sẽ không đủ vị ngọt. Những năm tháng cuối đời, Hoà thượng đã để lại nhiều ấn tượng mạnh, chẳng phải vì nó gắn với những cuộc lễ lịch sử đầy màu sắc của Phật giáo, mà bởi chưa bao giờ những từ "hộ quốc an dân" để chỉ cho tinh thần Phật giáo Việt Nam được nhắc nhiều đến thế.

Không phải ở chùa to Phật lớn, bốn chữ "hộ quốc an dân" ấy phải chuyển tải được tinh thần từ bi, cứu độ của Phật giáo. Cũng như bao danh tăng khác, sự nghiệp của Hoà thượng cũng kết thúc trên một chiếc đơn trong một căn phòng nhỏ nơi chùa Quán Sứ.

Còn tinh thần xuyên suốt của một bậc danh tăng vẫn là khi thì "hộ quốc an dân", lúc lại "hộ giáo khai quyền". Chẳng trọng kẻ tu lâu, không khinh người sơ học. Bởi xét trong các chiều thuận - nghịch, con người phải sống ở nhiều cung bậc cảm xúc, thì không kể ít hay nhiều tuổi, trí truệ sẽ định hướng cho họ chọn lựa những gì lợi ích nhất cho dân tộc của mình.

Tôi vốn ít có cảm xúc với những từ "thâu thần nhập diệt", "an nhiên thị tịch" mỗi khi ở đâu đó vang lên lời khấp báo về một vị danh tăng vắng thế trong bệnh tật. Bởi vậy, khi biết tin Hoà thượng Thích Thanh Tứ viên tịch, tôi lại thấy cuộc đời Hoà thượng chân thực hơn bao giờ hết.

Trước đó, trong lễ mừng thọ Hoà thượng, Nhà nước đã tặng thưởng cho ngài Huân chương Hồ Chí Minh. Nhưng chiếc huân chương ấy đến trong lúc Hoà thượng đã hiểu rõ thời khắc sinh tử của mình mới thực sự là một giá trị vô ngã.

Thế nên, quây quần bên Hoà thượng trong giờ phút lâm chung không phải là những phần thưởng cao quý, hay những danh hiệu dài lê thê, mà là những Tăng Ni, Phật tử đủ khắp mọi miền kịp về bên Hoà thượng. Vẫn là tiếng mõ lời kinh, những câu niệm Phật và những dòng nước mắt nồng ấm tiếc thương, Hoà thượng đã tiếp xúc trọn vẹn với đạo tình ấy và bình thản ra đi - công viên, quả mãn.

Nam mô A Di Đà Phật!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày