Hoài niệm Tết

GNO - Trong không khí chuyển mình của những ngày sắp vào xuân, mọi hoạt động đời sống trở nên vội vàng hối hả, trong lòng ai cũng cảm thấy nôn nao kỳ lạ. Mọi người nỗ lực hoàn tất công việc để kết thúc một năm nhọc nhằn vất vả, tổng kết những thành tựu đạt được, khẩn trương chào đón năm mới mở ra vận hội mới với những khởi đầu mới.

xa1-134646067.jpg

Không gian hoài niệm Tết - Ảnh: Internet

Những người tha hương mừng vui lẫn bồi hồi khi sắp được về thăm quê sum họp với gia đình, người ở quê sắp thỏa nỗi nhớ mong người thân xa xứ. Ông bà cha mẹ sắp gặp lại con cháu; vợ chồng, anh em bè bạn sắp gặp lại nhau, có cơ hội ngồi lại bên nhau đổi trao chia sẻ những tâm sự vui buồn. Trong cuộc mưu sinh đầy gian khó, trong thời gian xa cách nhớ nhung có nhiều điều để nói lắm, bên chén rượu chung trà ngày Tết mặc sức tâm sự hàn huyên. Có thể gọi ngày Tết là ngày đoàn tụ, ngày đoàn viên, bởi dù ở đâu, đang làm gì thì mọi người cũng về quây quần bên nhau trong ngày Tết.

Ngày Tết là ngày đoàn viên và mùa xuân là mùa khởi đầu cho năm mới. Một năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Mùa xuân là mùa hẹn ước cho những khởi đầu tốt đẹp, là thời gian tuổi già nhìn lại những năm tháng đã qua của mình, và tuổi trẻ hướng đến tương lai với tuổi đời tràn đầy nhựa sống. Mùa xuân còn là mùa hẹn ước của tình yêu đôi lứa, mùa của mầm xanh lộc biếc, mùa của hoa trái yêu thương.

Có lẽ Tết mỗi năm mỗi khác dù không khác cho mấy, và trong tình cảm và nhận thức của mỗi người, Tết năm nay không giống Tết năm qua. Đó là điều chắc chắn. Trong ký ức mỗi người vẫn luôn giữ hình ảnh của những cái Tết đã qua thậm chí là những cái Tết rất xa xưa nữa.

Đối với tôi cũng thế, những ngày xưa khó quên dù cuộc sống lúc ấy không như bây giờ. Ngày ấy còn nghèo lắm nhưng Tết vẫn đẹp vẫn vui, bây giờ nghĩ lại lòng vẫn ngập tràn cảm xúc.

Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày mồng Một đầu năm mới, nhưng cái không khí Tết đã có từ tháng Chạp năm cũ. Người xưa cho rằng Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Táo) cho đến mồng 7 tháng Giêng (lễ Hạ nêu). Tôi còn nhớ, ngày trước ở quê mới tháng 11 âm lịch đã có người vào tận từng nhà trong thôn xóm bán lá bùa dựng nêu, quần áo giấy thờ cúng vị độ mạng, tranh tượng, liễn đối thờ thần tài, thổ thần… (theo văn hóa tín ngưỡng dân gian). Người dân quê sợ rằng nếu không mua sớm, đợi đến cận Tết bận rộn dễ quên, sẽ không có bùa để dựng nêu đón năm mới. Dựng nêu là tập tục cổ truyền có ý nghĩa quan trọng trong ngày Tết (theo tín niệm dân gian ngày trước).

Thường thì đến Rằm tháng Chạp nhà nào cũng lặt lá mai trước cửa. Đó là thời điểm thích hợp lặt lá để cây mai ra hoa đúng Tết. Tuy nhiên tùy thời tiết mỗi năm mà thay đổi. Cũng theo nhịp sinh hoạt chung của những ngày cuối năm chuẩn bị đón Tết, anh em tôi háo hức dọn dẹp, sửa sang, trang hoàng nhà cửa. Năm nào cũng thế, đến ngày 21, 22 âm lịch thì anh em xúm lại quét mạng nhện, sơn phết, chùi lư hương, chưng đèn để nhà cửa và nơi thờ phụng tổ tiên sạch đẹp, chuẩn bị lễ đưa ông Táo (thần bếp - theo phong tục cổ truyền) vào ngày 23 âm lịch và rước ông bà ngày cuối năm (29 hoặc 30 tháng Chạp, tùy năm, có lễ cúng gia tiên, rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu).

Năm nào cũng thế, đến tháng Chạp là mẹ tôi lo làm bánh mứt để chuẩn bị quà Tết và đãi khách trong mấy ngày xuân, nào là mứt chùm duột, mứt dừa, chuối khô ngào đường… Mứt chùm duột là món mứt mà mẹ tôi làm ai cũng thích, chua chua ngọt ngọt lại dai dai, màu sắc thắm đượm, quả mứt đỏ trong suốt. Đến hăm mấy Tết, mẹ tôi lại làm một hủ dưa cải chua để ăn với bánh tráng, đồ xào, thịt kho trong ba ngày Tết. Ngày Tết có nhiều tập tục cổ truyền, trong đó có tục trước lúc giao thừa phải chứa gạo, muối và nước đầy lu với ước nguyện năm mới đủ đầy sung túc. Trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên phải có một cành mai (với ý nghĩa may mắn) và một mâm ngũ quả (năm loại quả là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung với ý nghĩa: mong cầu tiền bạc vừa đủ xài và nhà cửa luôn sung túc).

Bữa cơm gia đình cuối năm rất vui và ấm cúng. Vào ngày 30 Tết, sau khi cúng tổ tiên ông bà, mọi người trong gia đình ngồi quây quần bên nhau dùng bữa trong không khí rộn ràng, thân mật. Đêm giao thừa không ai ngủ cả vì chờ thời khắc đón năm mới. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn nhang đèn, mâm quả để làm lễ đón chư Thiên. Trẻ con đứa nào cũng nôn nóng chờ thời khắc giao thừa bước sang năm mới để được mặc quần áo mới, chúc Tết ông bà cha mẹ và được lì xì, được ăn bánh kẹo. Lũ trẻ mặc bộ quần áo còn thơm mùi vải mới cảm thấy thích lắm, cứ xun xoe chạy khắp nơi khoe với bạn bè.

Năm nào cũng thế, sáng sớm ngày mồng Một Tết anh em tôi tề tựu lên nhà trên mừng tuổi cha mẹ, sau câu chúc mỗi đứa chúng tôi được một phong bao lì xì, đứa nào cũng vui lắm. Những xúc cảm ngày xưa vẫn còn nguyên trong tôi mỗi khi nhớ đến.

Không khí đón Tết ngày xưa khác với bây giờ. Ngày xưa sắp đến Tết lòng cảm thấy nôn nao, tâm trạng khấp khởi vui mừng, người lớn thấy mình như trẻ lại, trẻ con thấy mình như lớn thêm lên. Tết xưa và nay khác nhau ở chỗ không khí chuẩn bị đón Tết trong những ngày cuối năm. Ngày nay không cần phải bận tâm nhiều việc để chuẩn bị cho ngày Tết vì mọi thứ đều có sẵn, cứ mang tiền ra chợ mua về, cũng chính vì thế mà mùa Tết kém vui vì thiếu đi cái không khí náo nức hăm hở chuẩn bị trong những ngày gần Tết. Chính sự bồi hồi, háo hức, phấn khởi khi Tết đến, sự khẩn trương chuẩn bị chu đáo cho ngày Tết đã làm cho ngày Tết có không khí vui hơn ngày bình thường; và chính các hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa nhân văn đã làm cho ngày Tết trở nên quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần.

Tết là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hưởng thụ, sum họp gia đình, gặp gỡ bè bạn. Trong cảm thức mọi người, ngày Tết không chỉ có vui vì được đi đây đi đó, ăn uống vui chơi, hội hè đình đám, mà còn vui vì tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp có cơ hội gắn bó thêm hơn. Ngày Tết còn là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, lòng hiếu thảo đối với tổ tiên ông bà cha mẹ, chính vì thế mà ngày Tết có ý nghĩa hết sức thiêng liêng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày