GN - “Từ ngôi chùa xập xệ, hố bom, mồ mả chằng chịt khắp vườn, sau 26 năm chịu thương, chịu khó gắn bó hoằng pháp cho bà con, giờ đây NS.Thích nữ Tắc Mẫn đã gầy dựng nên chùa Pháp Hưng trở thành đạo tràng trang nghiêm. Không gian ảm đạm đã không còn mà thay vào đó là chánh điện, giảng đường... đã được xây dựng khang trang, sự ấm cúng đến từ câu kinh tiếng kệ của bà con Phật tử vang lên hàng ngày”- ông Chiếu Kim, 75 tuổi, nhà gần chùa đã kể cho tôi nghe về vị Ni sư mà Phật tử trong làng luôn kính trọng mỗi khi nhắc đến.
Thương lắm… mới ở được!
Theo ông Chiếu Kim, trong thời kỳ chiến tranh, giặc bỏ bom miền quê, HT.Thích Tắc Châu, người khai sơn chùa Pháp Hưng (ấp Thuận Tây, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) rời chùa đi chạy giặc ở Sài Gòn. Hòa bình lập lại, biết bao lần Hòa thượng đưa đệ tử về trụ trì nhưng ở chưa đầy ba tháng là đi vì điều kiện quá khắc nghiệt. Tưởng rằng, khát khao “chùa có sư” của Phật tử nơi đây đã tắt lịm nhưng rồi tin vui đã đến khi SC.Thích nữ Tắc Mẫn (giờ đã là Ni sư) về chùa đảm nhiệm chức trụ trì.
Hoằng pháp ở vùng đất khó, người trụ trì bao giờ cũng đối diện với nhiều thách thức. Trước nghịch duyên, có người dễ dàng buông xuôi, có người rời chùa nhưng NS.Thích nữ Tắc Mẫn thì chưa bao giờ. “Trong một lần đến thỉnh an, sư phụ (HT.Thích Tắc Châu - NV) ngỏ lời kêu tôi về chăm sóc, giữ ấm cho chùa làng.
Sư phụ nói đi nói lại hoài là bà con khát khao Phật pháp lắm mà sư nào về rồi cũng ra đi vì chịu cực không nổi. “Hay là con về đó thử coi hoằng pháp được không, biết đâu con có duyên thì sao!”. Nghe sư phụ nói thế, tôi đồng ý về chùa...” - NS.Thích nữ Tắc Mẫn tâm sự. Nhân duyên đưa đẩy, Ni sư Tắc Mẫn về chùa đơn giản như thế, nhưng để hoằng pháp, trụ được nơi đây thì không hề đơn giản chút nào.
NS.Thích nữ Tắc Mẫn
Một bác Phật tử nói với tôi, những năm 1987 mà về đây thì thương lắm mới ở được. Bác và những Phật tử lớn tuổi sống gần chùa vẫn còn nhớ như in, năm Ni sư về đây, vùng đất này còn hoang vu, mồ mả trong khuôn viên chùa nhiều vô kể.
Mái ngói lợp chỗ có chỗ không, lá dừng vách tốc lên gần hết. Không có giường, mùng, mỗi lần ngủ, Ni sư phải trải tấm bạt nằm dưới đất ẩm thấp, vừa bị muỗi mòng cắn, vừa phải hứng chịu sương trời. Sợ nhất là lúc chiều xế bóng, con rạch phía sau chùa nước lên lạnh người, cú đêm về đậu trên những bụi cây đước kêu ai oán làm cho không gian thêm ảm đạm.
Từ chái lá nơi trụ trì ở, muốn đến chánh điện tụng kinh phải đi ngang qua những ngôi mộ và khoảng đất trống trơn trợt, đầy bùn lầy. Cho dù mưa gió, giông bão, đêm nào Ni sư cũng lên chánh điện tụng kinh.
Hỏi Ni sư không sợ sao? Nhoẻn miệng cười, Ni sư thiệt thà bảo: “Nói thật lúc mới về, tôi trăn trở rất nhiều nhưng nghĩ đến việc, mình cũng bỏ đi thì đến bao giờ nơi này mới ấm? Vậy là lấy hết can đảm, đốt đèn dầu, tôi lên chánh điện tụng kinh.
Trên đường lên chánh điện, tôi chỉ biết niệm Phật theo bản năng rồi phát nguyện độ trì cho các hương linh ở đây và cũng mong quý vị nghe kinh, ủng hộ cho tôi hoằng pháp nơi này. Tôi tự trấn an, làm việc chơn chánh ắt có người thương. Khi tụng kinh, tôi dùng tâm từ mà tụng. Tụng được thời kinh rồi, trên đường trở về phòng ngủ, tôi không còn cảm giác ‘lạnh người’ nữa”.
Có ý chí là có tất cả…
Từ ngày có trụ trì, cứ chiều đến là bà con dắt díu đến chùa cầu an. Nhà nghèo lắm nhưng cô, dì, chú, bác đi chợ thay phiên nhau nhín tiền mua cho Ni sư miếng đậu hủ. Nhà có hũ chao, đào được mấy củ khoai mì để dành ăn độn, bà con cũng để dành, bớt cữ ăn đem đến cúng dường.
Ni sư bảo: “Thấy cô bác lớn tuổi hàng ông bà, cha mẹ nhịn ăn, đem đồ đến cho chùa, lúc đầu tôi không dám nhận. Nhưng, mọi người bảo Ni sư nhận đi, ăn cho có sức tu tập, dìu dắt cho tụi con, biết rằng ở đây cực lắm nhưng Sư cô đừng bỏ tụi con. Mấy hôm Sư cô về thành phố an cư, tụi con sợ lắm. Sợ Sư cô đi không về đây nữa. Nghe mọi người nói, tôi xúc động rớt nước mắt. Từ giây phút đó, tôi quyết tâm dù cực mấy cũng ở đây tu tập, hoằng pháp”.
Chùa Pháp Hưng
Làm sao để hàng ngày có tiền mua dầu đốt đèn tụng kinh, xa hơn là xây chùa vững chắc cho bà con tu học? Trăn trở mãi, cuối cùng Ni sư quyết định xắn tay áo lên làm. Vùng đất này là đất phèn không trồng lúa được, Nư cô cần mẫn cuốc từng vồng đất trồng rau, bán kiếm tiền. Sau thời kinh khuya, 5 giờ sáng là Ni sư đi cuốc vồng, xách nước tưới rau.
Rau bán ở chợ quê giá rẻ mà ít người mua, Ni sư chịu khó bắt xe lên tận Sài Gòn bỏ mối. Chùa nghèo, Phật tử cũng không dư dả, trước rằm vài ngày, sẵn đường lên Sài Gòn bán rau, Ni sư ghé qua chùa của sư phụ mình xin gạo để về có mà nấu cơm cúng Phật, tặng cho bà con nghèo.
Tiền bán rau, tiền Phật tử gần xa cúng dường, Ni sư dành dụm lấp dần từng cái hố sâu hoắm do bom đạn để lại, rồi đến con rạch phía sau chùa. Cái gì làm được là Ni sư làm, cái gì không làm được mới mướn đến công thợ, máy móc. Những ngày giáp Tết, Ni sư mua me, gừng về làm mứt… lấy công làm lời. Chắt chiu từng chút một, Ni sư mua thêm đất, rồi trùng tu chùa cho bà con có chỗ tu học.
Chăm lo cho thế hệ sau...
Theo thời gian, sau 4 lần trùng tu, giờ đây chùa Pháp Hưng được xây dựng khang trang, đủ điều kiện cho 400 Phật tử tu học và đường sá đến chùa cũng được nâng cấp. Cho đến bây giờ, nơi đây còn là vùng quê nên đời sống, phương tiện mưu sinh của bà con nghèo còn nhiều hạn hẹp. Có không ít em trong độ tuổi đi học thiếu tiền học phí, sách vở đến trường. Nhiều gia đình muốn con mình nghỉ học để đi làm thuê... thấy vậy, Ni sư động viên phụ huynh các em, rồi hỗ trợ tiền, áo quần, tập vở để các em đến lớp.
“Lúc đầu thì vài em, dần dần số lượng ngày một tăng, xin mạnh thường quân riết rồi cũng khó. Mà mỗi lần tựu trường, phát học bổng cho em này, bỏ em kia thì tội quá nên mấy năm nay, Ni sư chịu cực, nấu các món ăn, bán buffet gây quỹ để giúp các em” - cô Ngọc Tho, giáo viên Trường THCS Long Hòa (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), người đã gắn bó với Ni sư trong các chương trình chăm lo cho học sinh nghèo, cho biết.
Phát nguyện trọn đời về vùng sâu, vùng xa hoằng pháp độ sanh, khi các chương trình tu học của Phật tử lớn tuổi đi vào nề nếp, Ni sư lại trăn trở đến việc làm thế nào để trao cho các em thanh thiếu niên kỹ năng sống vững vàng.
Nhiều năm nay, Ni sư cùng các đệ tử của mình thường xuyên tổ chức khóa tu và các chương trình vui chơi vào ngày lễ, rằm lớn để các em về chùa gieo duyên với Tam bảo. Mỗi lần tổ chức như thế, nhà chùa khá vất vả, đặc biệt muốn hoằng pháp tốt cho các em, vị trụ trì phải tìm hiểu chúng đang cần điều gì và thường vướng phải lỗi gì mà chọn những bài giảng phù hợp.
Để làm được như vậy, vị trụ trì phải dành nhiều thời gian nghiên cứu. “Cực nhưng cũng cố gắng làm, tôi dấn thân làm, vừa giúp thế hệ đi sau có nền tảng đạo đức, vừa rèn luyện bản thân mình. Tôi luôn hiểu, tu mà không hành, không hoằng pháp thì không được” - Ni sư luôn dạy những đệ tử mình như vậy.
“Từ ngày về đây hoằng pháp đến bây giờ, Ni sư luôn cố gắng đem lại những điều tốt đẹp nhất cho bà con, Phật tử nên khi nhắc đến Ni sư hầu như ai cũng dành nhiều tình cảm thân mến, gần gũi lẫn sự kính trọng” - ông Phan Văn Hai, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thuận Thành cho biết.
“Chùa Pháp Hưng được xây dựng khang trang, có đạo tràng Phật tử tu tập ổn định như ngày hôm nay là do một tay NS.Thích nữ Tắc Mẫn chèo lái. Trong công tác hoằng pháp độ sanh và từ thiện xã hội, Ni sư rất chịu thương, chịu khó. Ngày xưa và bây giờ vẫn vậy, việc gì có ích cho Phật pháp, Phật tử là Ni sư dốc sức, thành tâm phát nguyện thực hiện. Tu hành khổ hạnh, đến với Phật tử, người nghèo bằng cả tấm lòng nên người dân địa phương rất quý mến Ni sư. Gần bước sang tuổi 64 nhưng Ni sư vẫn miệt mài cống hiến cho đạo, cho đời. NS.Thích nữ Tắc Mẫn hiện nay là Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo huyện” - HT.Thích Huệ Bạch, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Cần Giuộc, cho biết. |