6 giờ 30 sáng nay 1-8 (22 giờ 30, 31-7 giờ Brazil), kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO họp tại thủ đô Rio de Janeiro của Brazil, đã thông qua Nghị quyết công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.
Hoàng thành Thăng Long đã trở thành di sản thế giới
trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Đây là món quà vô giá, sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và thủ đô Hà Nội trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Khu Trung tâm
Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo.
Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật như chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí. Trước hết, những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.
Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.
Tiếp đó, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một ngàn năm.
Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Ngoài ra, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ.
Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Từ năm 2006, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương, sự quyết tâm cao và cố gắng nỗ lực, hiệu quả của thành phố Hà Nội, đặc biệt là sự tham gia rất nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Hồ sơ được đăng ký từ tháng 9-2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1-2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn IOCMOS và đến nay đã được Ủy ban Di sản thế giới (gồm 21 nước thành viên) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân Việt Nam, sự tri ân công đức với tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau; cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thủ đô và đất nước.
Vinh dự này cũng đặt ra những nhiệm vụ và trách nhiệm to lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di sản, trước mắt là tập trung tổ chức tốt việc đón nhân dân và du khách trong nước, quốc tế đến tham quan di sản nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.