GNO - Ngày 10-5-2013, bầu trời vẫn còn mờ nhạt, muôn loài đều tĩnh lặng, mùi khói dâu lượn lờ trong không khí thành phố cổ Lhasa. Quần chúng chuyển kinh từ các nơi đổ về, tay không ngừng lay động ống chuyển kinh, lần chuỗi, niệm Lục tự chân ngôn, bắt đầu hoạt động ngày đầu tiên lễ hội "Tát Ca Đạt Ngõa".
Ngày thứ nhất lễ "Tát Ca Đạt Ngõa"
Ngày rằm tháng tư theo lịch Tạng là "tiết Tát Ca Đạt Ngõa" (萨嘎达瓦节 Sagadawa) - là ngày lễ đặc biệt của Tây Tạng, Tạng ngữ gọi là "Đê Tú Nguyệt" (氐宿: Đê Tú là một trong 28 vì tinh tú của Tử vi Tây Tạng), là ngày Đản sanh, Thành đạo, Viên tịch của đức Thích Ca Mâu Ni - người sáng lập Phật giáo. Vì vậy, Tín đồ Phật giáo Tây Tạng xem tháng này là tháng may mắn và tháng kiết tường, trong thời gian hoạt động, các tín đồ thức dậy rất sớm để chuyển kinh, lễ Phật, đốt nhành dâu, làm việc thiện....
Các ngôi tự viện quanh vùng cũng tổ chức hàng loạt hoạt động Phật sự để kỷ niệm và cầu nguyện; theo thời gian, dần dần các hoạt động này đã chuyển biến thành Chuyển Sơn qui mô nhất (转山: là một nghi thức hoạt động tôn giáo vừa trang nghiêm vừa thiêng liêng thịnh hành nhất ở Tây Tạng).
Tiết Tát Ca Đạt Ngõa còn gọi là ngày Kiết tường. Tín chúng của Phật giáo Nam truyền gọi ngày này là ngày Vesak, nghĩa là ngày trăng tròn. Cố Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc Triệu Phác Sơ đã từng đề xướng, các tự viện Phật giáo Hán truyền cũng nên lấy ngày 15 tháng 4 âm lịch làm ngày kỷ niệm Đức Phật, gọi là: Ngày Phật kiết tường.
Ngày này, tất cả các tự viện Phật giáo trên toàn quốc đều phải tổ chức đại lễ Phật Đản, để thể hiện tính nhất trí và tính trang nghiêm của Phật pháp, cũng là để tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết giữa các tín đồ Phật giáo với dân tộc
Ông Đan Tăng - Phó chủ tịch nhiệm kỳ 9 Liên đoàn văn học Trung Quốc có một cửa hàng kinh doanh Thangka trong khu phố cổ. Trong cửa hàng bày biện rất nhiều tượng Phật từ bi trang nghiêm, tranh Thangka tinh xảo. Đan Tăng nói, theo truyền thống, tháng Sagadawa, mỗi ngày nên đi chuyển kinh, lễ Phật, nhưng vì có rất nhiều khách hành hương thỉnh tượng Phật và tranh Thangka, cho nên tôi đành phải mua một vài bó hoa tươi cúng dường Phật Tổ và Bồ tát.
Những bước chân vội vã của người dự lễ
Chuyển kinh là một hình thức cầu nguyện của Phật giáo Tạng truyền, tức là đi vòng theo tuyến đường đã ước định. Toàn lộ tuyến chuyển kinh của Lhasa có 3 con đường: Một là "Nang Khoách" (囊廓), đường này vây quanh điện chính chùa Đại Chiêu, Pháp luân dựng đầy toàn lộ trình, dài khoảng 500 m, là tuyến nội hoàn, Tạng ngữ gọi là "Nang Khoách" là bên trong vành đai. Thứ hai là "Bát Khoách" bao quanh chùa Đại Chiêu, tổng chiều dài 1000 m, là tuyến Trung Hoàn, Tạng ngữ gọi là Trung Hoàn, giữa vành đai; Thứ ba là "Lâm Khoách", bao quanh khu vực thành phố cổ Lhasa, dài khoảng 5000 m, tuyến Ngoại Hoàn, Tạng ngữ gọi là "Lâm Khoách", nghĩa là bên ngoài vành đai.
Mỗi ngày dòng người chuyển kinh ở đường Nang Khoách và Bát Khoách không gián đoạn, đường Lâm Khoách là tuyến đường chuyển kinh vào những ngày quan trọng.
Theo bước chân của các thiện nam tín nữ, các phóng viên đã nhìn thấy từng luồng khói từ các cành dâu đang bao phủ trên ba tuyến đường chuyển kinh: "Bát Khoách", "Lâm Khoách" và "Tư Khoách". Các tuyến đường này vây quanh chùa Đại Chiêu (Jokhang), cung điện Potala - thành phố cổ Lhasa, tín đồ và quần chúng chuyển kinh cầu nguyện liên miên bất tuyệt.
Con đường chuyển kinh nằm ở Bát Khoách sạch hơn bao giờ hết. Vào lúc 9 giờ đêm, đội thi công tăng ca bảo vệ khu phố cổ Thành phố Lhasa liên tục trải đá phiến mặt đường. Theo nhân viên thi công giới thiệu, để thuận lợi cho việc thông hành của các tín hữu, họ còn có trách nhiệm quét dọn làm sạch cát còn lại, tưới nước trên mặt đường.
Dốc Thiên Phật núi Dược Vương - Lhasa được xây dựng vào thế kỷ 14, là con đường tắt của "Lâm Khoách". Một năm trước, con đường chuyển kinh này vẫn còn đầy đá vụn và rất hẹp, vào mùa mưa khắp nơi lầy lội, hiện nay được bao phủ bởi đá phiến, cài đặt một hàng rào an toàn.
Đường chuyển kinh rất dài
"Lâm Khoách" là đường chuyển kinh dài nhất của Thánh thành Lhasa, toàn bộ cuộc hành trình đòi hỏi phải từ 2-3 tiếng đồng hồ. Cảnh sát địa phương Lhasa, các khu xã, đường phố... đã thiết lập trạm phục vụ dân chúng bên tuyến đường chuyển kinh, cung cấp cho họ các loại nước ngọt, nước uống, và thuốc men...
Pháp sư Ni Mã Thứ Nhân - Chủ nhiệm văn phòng đối ngoại, Phó chủ nhiệm Hội ủy viên Quản lý chùa Đại Chiêu, Phó thư ký kiêm Phó Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Thành phố Lhasa Tây Tạng nói "Những lời dạy của Đức Phật là lòng từ bi và lòng vị tha, vạn vật đều có tánh linh, bất kỳ sinh mạng nào cũng đều bình đẳng. Trong thời gian Sagadawa, các tín hữu ăn chay, tích đức, làm viêc thiện, không làm hại bất kỳ sinh linh nào, phát bồ đề tâm, và làm bất cứ việc lành nào cũng đều được công đức vô lượng.