GN - Nhân mùa an cư cấm túc của chư Tăng, tôi thay lời Trung ương Giáo hội vấn an chư tôn đức. Trong mùa an cư năm nay có những nét đặc biệt mà Tăng Ni cần để tâm.
Chúng ta nhận thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trưởng thành, đặc biệt là lễ Phật đản năm nay, Giáo hội đã đăng cai tổ chức lễ Vesak 2014, đây là lần thứ hai Đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam. Như quý vị đều biết việc tổ chức Đại lễ như vậy tốn kém lớn, cho nên từ trước đến nay, chỉ có hoàng gia Thái Lan bảo trợ cho Phật giáo Thái Lan tổ chức.
Chư Tăng cấm túc an cư - Ảnh minh họa
Riêng tại Việt Nam, trong thời kỳ cụ Nguyễn Minh Triết làm Chủ tịch nước, Chính phủ đã đăng cai tổ chức lễ Vesak 2008. Nhưng lần này không phải Chính phủ đứng ra tổ chức, mà chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak và chi phí do Giáo hội chúng ta đài thọ. Điều đáng mừng là năm nay, chúng ta đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak tại cố đô Hoa Lư. Phải nói đó là bước trưởng thành của Giáo hội với thế hệ Tăng Ni trẻ có tài đức đã làm nên kỳ tích này.
Đại lễ Vesak được tổ chức tại Hoa Lư nhằm nói lên sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ dựng nước và giữ nước. Hoa Lư là cố đô đầu tiên do vua Đinh Tiên Hoàng lập nên và Pháp sư Ngô Chân Lưu làm cố vấn cho nhà vua. Như vậy, chúng ta thấy đã có sự đóng góp của Phật giáo cho việc dựng nước Đại Cồ Việt. Trong lịch sử nước ta, suốt chiều dài từ thời dựng nước đến nay, hơn một ngàn năm, có lúc Phật giáo phát triển, nhưng cũng có lúc Phật giáo suy đồi.
Thời kỳ Phật giáo phát triển là nhờ Tăng Ni có học và tu. Lúc suy đồi, vì Tăng Ni thiếu học, thiếu tu, quan trọng là thiếu tu. Thật vậy, vì thiếu tu, chúng ta mất nội lực bên trong, nên sức thu hút quần chúng không còn và sức hộ niệm của Phật che chở chúng ta không có, lực bảo vệ của Hộ pháp Long thiên cũng không có, khiến cho sinh hoạt của Phật giáo rơi vào tình trạng suy yếu. Lịch sử cho thấy rõ khi nào Phật giáo phát triển mạnh về việc học và tu thì chẳng những Phật giáo mạnh mà đất nước cũng hùng mạnh. Khi Phật giáo yếu kém phần tu học là Phật giáo suy đồi. Và từ tình trạng suy đồi dẫn đến phân hóa, đưa đến mất nước. Vì vậy, trong thời kỳ Pháp đô hộ nước ta hơn 80 năm, Phật giáo đã xuống đến tầng thấp nhất trong lịch sử, thậm chí có nhiều nơi dân chúng không biết Phật giáo là gì, hoặc nhiều nơi chỉ còn hình thức người tu, nhưng những người tu hình thức không hiểu nghĩa lý kinh do Phật nói và cũng không hiểu những kinh tụng hàng ngày Phật nói gì. Trong giai đoạn Phật giáo suy đồi thời Pháp thuộc thì một ông thầy chỉ học được kinh Di Đà bằng chữ Nho để cầu siêu và kinh Phổ môn để cầu an, có thể thêm một quyển kinh nhỏ là kinh Vu lan. Chư Tăng chỉ học ba quyển kinh này bằng chữ Hán, nhưng cũng không hiểu nghĩa kinh. Đó là thời kỳ Phật giáo suy đồi, cũng còn hình thức tu và các chùa trong làng, nhưng người dân hiểu đạo Phật và quý trọng đạo Phật thì gần như không có.
May mắn là đã xuất hiện các vị cao tăng khơi dậy phong trào chấn hưng Phật giáo. Khởi đầu từ Hòa thượng Khánh Hòa đề xướng phong trào này, đã ra tờ báo Từ Bi Âm bằng chữ Quốc ngữ, nhờ đó Tăng Ni mới đọc và hiểu được nghĩa lý đạo Phật. Ở chùa Hội Khánh này cũng có Hòa thượng Từ Văn là bậc cao tăng ở trong phong trào chấn hưng Phật giáo.
Phong trào chấn hưng Phật giáo chủ trương Tăng Ni phải có học và tu. Phải học mới biết để tu, không học mà tu là tu mù, không thể đạt kết quả tốt. Còn các thầy có học mà không tu được ví như cái đãy sách, ôm sách nhưng không biết cái gì trong đó.
Khi phong trào học Phật nổi lên, có hai trung tâm đào tạo Tăng tài là Lưỡng Xuyên Phật học và Thiên Thai ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Hai trung tâm này đào tạo số lớn Tăng Ni có học và có tu, tức học trước, tu sau và tu trong Chánh pháp. Về sau, chúng ta tiến một bước cao hơn, chánh thức thành lập Phật học đường. Ở phía Nam có Hòa thượng Trí Tịnh thành lập Phật học đường Liên Hải, nhưng chỉ có một thầy tám trò. Hòa thượng Huyền Dung lập Phật học đường Sùng Đức, nhưng chỉ có bốn, năm học Tăng và Hòa thượng Trí Hữu lập Phật học đường Ứng Quang có một thầy một trò. Tuy gọi là Phật học đường, nhưng ba trường này không có nhiều Tăng Ni sinh theo học như ngày nay. Tuy nhiên, dù trường không đông học Tăng, nhưng toàn là người quyết tâm học và tu, nên đã tạo thành hạt nhân giúp cho Phật giáo phát triển sau này.
Hòa thượng Thiện Hòa đã tập trung ba Phật học đường này, lập thành Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang và tôi đã xuất thân từ trường này. Nhưng đây cũng là việc mới, vì các Hòa thượng nghĩ rằng nếu chỉ chuyên học kinh thì không đủ. Thật vậy, xã hội mỗi ngày một phát triển lên, nhưng chúng ta cố chấp theo Kinh tạng Nikaya được kiết tập cách đây hai ngàn năm thì càng xa rời sinh hoạt thực tế của con người. Mặc dù là kinh điển Đại thừa đi nữa thì cũng là tư tưởng Phật học ở hai ngàn năm trước, tức tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã được kết hợp từ Phật giáo Nguyên thủy với văn minh Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc truyền sang. Vì vậy, phải có tầm nhìn rộng hơn, đó là Phật giáo chúng ta tồn tại trong xã hội, chứ không phải tồn tại riêng lẻ. Quan niệm bảo thủ theo đó cái gì của riêng mình đúng, cái khác sai, gọi là Tiểu thừa thì tự cô lập mình. Tầm nhìn mới cho chúng ta thấy trong xã hội điều gì tốt, hay, chúng ta phải học, đó là chủ trương của Phật giáo phát triển. Từ đó, ngoài giáo lý căn bản, tu sĩ có thêm ngũ minh là năm thứ mà chúng ta phải biết, nhưng trong ngũ minh, quan trọng là nội minh, tức giáo lý quan trọng nhất và phải thực tập giáo lý để đạt được giác ngộ giải thoát. Nếu quên phần này, đời sống tu hành của chúng ta cũng mất theo.
Về phần nội minh, chúng ta học, hiểu và thực tập pháp Phật để đạt được quả vị thấp nhất là Tu-đà-hoàn cho đến quả vị cao nhất là A-la-hán, thì không còn bị cuộc đời này chi phối, không còn lệ thuộc cuộc sống, chúng ta chủ động hoàn toàn cuộc sống, bấy giờ Phật mới khuyên chúng ta đi giáo hóa chúng sanh.
Thực tế cho thấy Tăng Ni học kinh điển Đại thừa nhiều khi chạy theo văn minh bên ngoài, quên mất phần tu chứng, nên dễ bị ảnh hưởng xã hội bên ngoài; vì chúng ta tiếp xúc với người và tiếp thu tư tưởng của họ rồi đem vào lòng mình phiền não, nói chung là bốn chữ vui buồn vinh nhục. Như vậy, lâu ngày vui buồn vinh nhục phát triển trong cuộc sống của chúng ta thì tướng giải thoát mất, đó là sai lầm nguy hiểm. Tăng Ni không học nội điển và không áp dụng vào việc tu hành thì một thời gian sau cũng biết vui buồn, chạy theo danh lợi, dù còn khoác áo tu, nhưng tướng thế tục đã hiện ra vì tâm thế tục đã phát triển. Nhiều bạn tôi ban đầu tốt, nhưng vì học và hành theo thế gian, một thời gian sau biến thành người thế gian. Tôi có hai người bạn thân cùng sang Nhật tu học. Tôi chuyên nghiên cứu kinh Pháp hoa là nội điển. Một người bạn chuyên nghiên cứu kinh doanh và đỗ tiến sĩ kinh doanh. Một bạn khác chuyên ngành giáo dục và đỗ tiến sĩ giáo dục.
Người bạn học kinh doanh, dù ông này tu hành, nhưng trong đầu chỉ nghĩ về kinh doanh, viết luận án kinh doanh và thực tập kinh doanh ở các xí nghiệp. Như vậy, cuộc đời ông gắn liền với đời nhiều hơn gắn bó với đạo. Từ đó, chiếc áo tu còn mặc, nhưng suy nghĩ và việc làm hoàn toàn thế tục. Kết cuộc là một thời gian sau, ông đã bỏ áo tu, mặc áo thế tục cho gọn hơn, nghĩa là ông hoàn tục và lập gia đình. Ông có đi mà không về, ở Nhật luôn. Người thứ hai chuyên nghiên cứu giáo dục cũng thực tập dạy học ở các trường, sinh hoạt xã hội nhiều hơn sinh hoạt đạo dẫn đến hiểu biết về đời nhiều hơn hiểu đạo. Với tâm thế tục lần lần hiện tướng thế tục và hành động thế tục, cuối cùng ông này cũng hoàn tục. Nhưng nếu chúng ta nỗ lực tu và đạt quả vị A-la-hán, chắc chắn việc này không xảy ra.
Vì vậy, Phật khuyên học phải tu để đạt quả vị vô nhiễm thì hành đạo cứu đời, nhưng bản chất người tu không thay đổi; đó là điều Tăng Ni cần quan tâm nhiều nhất trong mùa an cư. Nếu không làm theo lời Phật dạy, bị thế tục lôi kéo, làm mất bản chất người tu. Chỉ còn hình thức tu sĩ, nhưng hồn tu không có, nên sức thuyết phục quần chúng không có và tất nhiên sự tôn kính của người đời đối với người tu không còn, tạo thành mầm mống suy đồi của Phật giáo.
Chúng ta nỗ lực tu sao cho đắc quả vị A-la-hán, được giải thoát thực sự sẽ tạo thành sức thuyết phục người một cách diệu kỳ. Lịch sử ghi rằng Mã Thắng Tỳ-kheo trầm lặng, ít nói, nhưng vì lòng luôn nghĩ đến giải thoát, nên tướng giải thoát hiện ra. Vì vậy, ngài không thuyết pháp, không giảng dạy, ôm bình vào thành, yên lặng đi khất thực. Bấy giờ, Xá Lợi Phất là nhà hùng biện, một vị đại luận sư bậc nhất trong thành Xá Vệ, không người nào tranh cãi hơn Xá Lợi Phất, nhưng nhìn thấy Mã Thắng yên lặng đi mà có sức thu hút ông. Ông liền đi theo ngài Mã Thắng, cảm thấy an lạc vô cùng, dù cả hai không nói gì.
Tu hành đắc nội minh là điều quan trọng. Chư Tăng có người nói nhiều, người nói ít, người không nói, nhưng nói hay không không quan trọng, mà phải có sức thuyết phục người tới, vì họ đến sống chung với hành giả cảm thấy an lạc. Thể hiện ý này, Phật nói rằng Tỳ-kheo đắc La-hán hiện tướng giải thoát, ở xa người thấy tướng giải thoát đẹp khiến họ muốn gần gũi và khi đến gần vị này, họ thấy an lạc, mát mẻ. Trong lòng vị Thánh Tăng an lạc nên ta nghĩ đến họ thì ta cũng được an lạc theo và họ nghĩ đến ta là truyền cho ta niềm an lạc, dù chưa nói nhưng đã truyền cho nhau sự an lạc. Tinh thần Đại thừa phát triển lý này rằng khi chúng ta nghĩ đến Phật sẽ nhận được lực Phật hộ niệm cho ta sáng suốt. Riêng tôi, siêng năng lạy Phật, đem Phật, pháp và hạnh Bồ-tát vào lòng thì lúc nào cũng được an vui giải thoát.
Tôi thấy có Tỳ-kheo sống đơn giản trong thảo am, không có chùa cao Phật lớn, nhưng người đến thấy an lạc như thiên đường, như vậy là biết họ đã đạt Thánh quả, nên họ không bị cuộc đời chi phối, lôi cuốn và họ có khả năng chuyển hóa tâm tham lam, hung dữ, chấp trước của người.
Tăng Ni cố gắng học nội điển và thực tập giáo lý để đạt Thánh quả A-la-hán, Phật giáo mới tồn tại và phát triển. Nhưng khi chúng ta có sức thu hút người tập trung lại thì làm sao giữ được mọi người sống trong Chánh pháp, làm sao dạy họ để họ đắc Thánh quả là điều quan trọng. Nghĩa là Tăng Ni phải nghĩ đến vấn đề giáo hóa. Phật đã thành công hoàn toàn trong việc giáo hóa độ sanh.
Thật vậy, khi Phật chưa đắc Thánh quả, năm anh em Kiều Trần Như không kính trọng Phật, còn xem thường Ngài, vì nghĩ rằng Ngài là công tử sống trong nhung lụa, nên tu khổ hạnh không nổi. Họ nhìn Sa-môn Cù Đàm như vậy, vì lúc đó Ngài chưa chứng quả vị gì. Sa-môn Cù Đàm đã từ bỏ năm anh em Kiều Trần Như và không tu khổ hạnh nữa. Ngài đi tìm các thiện tri thức để học.
Đầu tiên, Ngài gặp ông Kamala và được truyền pháp tu thiền quán, Ngài đã chứng được sơ thiền đến tứ thiền. Ngày nay, chúng ta thấy nhiều người thích học thiền và có nhiều khóa dạy thiền, nhưng người dạy không đắc thiền thì người học không thể đắc thiền. Chưa chứng quả mà biết nhiều, nói nhiều chỉ chuốc lấy phiền não nhiều. Kamala đắc thiền, nên Sa-môn Cù Đàm gặp ông là gặp tâm ông, tức trực nhận được pháp xả niệm thanh tịnh. Kamala dạy pháp thiền rất đơn giản. Trước tiên, ông dạy Sa-môn Cù Đàm rằng đừng nghĩ đến cuộc đời này, vì lúc bấy giờ, Ngài cố tìm phương pháp giải khổ cho chúng sanh. Nhưng Kamala bảo Ngài bỏ hết, đừng giữ gì trong lòng mới học đạo được. Điều này trong kinh Phật thường ví tâm như bình nước phải được súc sạch mới đem pháp giải thoát vô được.
Trên đường tìm đạo giải thoát, Sa-môn Cù Đàm luôn nghĩ rằng thân này là khổ, cuộc sống này là khổ, thân già nua cho đến kết thúc bằng cái chết đều khổ. Chúng ta học thiền Tứ niệm xứ coi chừng hiểu lầm điều này, cứ nghĩ cuộc đời là khổ và tất cả khổ đau này đem vào lòng mình thì làm sao hết khổ. Ông Kamala bảo bỏ tất cả ý nghĩ khổ, đừng nghĩ đến khổ thì nó sẽ mất.
Tôi có kinh nghiệm về pháp tu này. Năm 1963, trong phong trào tranh đấu của Phật giáo, tôi rất nhiệt tình, nhưng hoàn cảnh lúc đó quá khó, quá bức ngặt nên dẫn đến khổ đau cùng cực. May mắn, sau đó tôi sực tỉnh, nhận ra rằng con đường này không phải của Phật giáo. Vì vậy, năm 1965, tôi không nghĩ đến Giáo hội, không nghĩ đến đất nước, buông bỏ hết và trong suốt tám năm, tôi đã trầm mình trong giáo lý Phật, đem tất cả pháp Phật vô lòng, còn tất cả những thứ khác tôi loại bỏ. Có người hỏi tôi Phật giáo Việt Nam bây giờ ra sao. Tôi trả lời không biết. Hoàn toàn loại tất cả mọi việc, chỉ có hình ảnh Phật, giáo pháp Phật luôn ở trong lòng, nên tâm tôi được giải thoát an lạc; khác với trước kia cứ lo nghĩ Giáo hội phải làm sao, chính quyền đàn áp thì mình phải làm gì, nhưng tất cả những tính toán này làm tôi xuống đường và vào nhà lao, nên không giải thoát.
Tôi nhắc Tăng Ni tu hành phải đạt giải thoát thì làm gì cũng trên căn bản giải thoát. Năm 1973, tôi quyết tâm về nước làm việc cho Giáo hội cũng trên tâm lượng giải thoát, không phải trên tâm tham sân si phiền não. Trước kia muốn làm, nhưng không được, nên sanh tâm bực bội, bất kính, làm sao giải thoát. Tăng Ni trẻ nên nhớ ý này, vì mình hy sinh một cách tốt đẹp, nhưng lại thấy người lãnh đạo không vừa ý mình, nên sanh bất kính, như vậy là bất lợi cho mình.
Lấy giải thoát làm chính, bấy giờ chúng ta phục vụ Giáo hội, đóng góp cho xã hội. Làm việc cho Giáo hội là do Tăng sai, không phải do tôi muốn. Giáo hội cử tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp, tôi làm với tất cả tấm lòng, nên được Tăng Ni, Phật tử ủng hộ. Đến lúc Giáo hội bảo tôi nên làm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế thì tôi nghe theo. Như vậy, việc làm này của Tăng sai, của Giáo hội giao phó. Xã hội cần thì chúng ta làm; không cần, chúng ta nghỉ, buông tay. Làm hay không làm đều trụ giải thoát. Còn muốn làm nhưng không cho làm cũng khổ; không muốn làm nhưng bị ép làm, chúng ta cũng khổ.
Tăng Ni được giải thoát là chính, cứu đời giúp người là việc phụ; không phải ai cũng giúp được, lúc nào cũng làm được. Phật dạy rằng có người Ngài còn không cứu được, làm sao mình làm được. Vì vậy, chúng ta phải an trú giải thoát, nghiệp quả đến thì vui vẻ chấp nhận. Lịch sử cho thấy dòng họ Sakya đến thời kỳ diệt vong, vì nhân quả mà dòng họ này đã gây nên, khiến vua Lưu Ly tức giận, phải tiêu diệt.
Là người tu, làm hay không làm cũng sống trong giải thoát. Chúng ta kêu gọi Tăng Ni, ai cũng làm thì không đúng; nhưng tất cả ở yên trong chùa, không làm gì cũng không đúng, vì đó là chấp pháp. Thể hiện lý này, theo Đại thừa, người nào nên làm và người không cho làm. Đức Phật hành đạo cũng từng như thế. Chúng ta còn nhớ khi Phật đến Lộc Uyển, Ngài bảo năm anh em Kiều Trần Như lo tu thiền quán để đạt quả vị A-la-hán, để một mình Phật đi khất thực nuôi năm ông. Vì người chưa đắc La-hán mà cho đi khất thực là mang nghiệp và phiền não vào làng, làm ảnh hưởng không tốt cho đạo, ngày nay gọi đó là tệ nạn xã hội do tu sĩ giả khất thực gây ra. Tôi thấy những người khất thực như vậy, rõ ràng hiện tướng tham lam.
Người chưa giải thoát nên ở chùa tu, các thầy lo cho họ ăn học, tu cho đến trưởng thành, hoàn toàn vô nhiễm, mới cho đi hoằng hóa. Tôi nhớ Hòa thượng Minh Thành có nuôi ông đạo mặt mày sáng sủa, dễ thương. Hòa thượng sợ ông này tu không được. Tôi bảo Hòa thượng thử coi. Ở chùa bị Hòa thượng rầy la, dạy bảo đủ thứ chuyện, bây giờ cho bà Phật tử đến nói với ông đạo rằng thầy khó quá, về nhà bà ở, bà cho đi học, sau muốn tu cũng được, nếu không tu thì bà gả con gái cho. Ông đạo liền hỏi địa chỉ và ôm đồ đến nhà bà này. Bấy giờ bà mới nói rằng thầy biểu tôi thử ông thôi, ông như vậy thì tệ quá, đi đi!
Nuôi đệ tử, mình thử cho tiền của, sắc đẹp mà họ không sa ngã thì cho đi hành đạo. Gặp bực tức, khổ sở, coi họ chịu đựng được hay không. Còn hở một chút là buồn giận thì không được. Vượt qua thử thách, họ đứng vững, cho đi hoằng hóa được.
Khi năm thầy Tỳ-kheo đắc A-la-hán, Phật cho mỗi người đi một hướng giáo hóa chúng sanh cho người được giải thoát. Vì thầy nào cũng có tướng giải thoát, tâm giải thoát và có khả năng giáo hóa, nên cho đi. Chưa giải thoát thì không nên đi vào đời, còn được giải thoát mà không đi giáo hóa thì uổng phí công phu tu hành.
Mong rằng trong mùa an cư, Tăng Ni cố gắng thực tập giáo lý Phật để đạt được quả vị nào đó, không bị cuộc đời lôi cuốn làm ô nhiễm mới thay Phật vào đời giáo hóa chúng sanh. Chưa đủ công đức thì nên tu, tâm không bị ô nhiễm mới dấn thân hành đạo và trang bị cho mình một số khả năng chuyên môn gọi là ngũ minh, như làm thầy thuốc, làm nhà giáo, làm nhà khoa học, hay dạy ngoại ngữ, v.v…, nói chung, những gì xã hội cần, Phật giáo đều đóng góp tốt đẹp.
Phật giáo Nhật Bản mạnh vì đã có sự gầy dựng từ hàng ngàn năm trước. Trường đại học đầu tiên do Hoằng Pháp đại sư xây dựng. Ngài đã chế tác tiếng Nhật, đó là thanh minh và chế tác đồ vật cho xã hội dùng là dạy công xảo minh, dạy thuốc là y phương minh. Trường này đã dạy tất cả ngành nghề, đào tạo chư Tăng giúp đời. Muốn thành tựu như vậy, tất nhiên nội minh phải có và tùy theo nhu cầu xã hội mà phát triển ở những lãnh vực khác nhau.
Cầu nguyện Tăng Ni luôn sống an lạc trong Chánh pháp Phật.