NSGN - Luang Por Liem Thitadhammo, một Tăng sĩ Phật giáo theo truyền thống tu trong rừng (Forest Monastery), sinh ở tỉnh Sri Saket thuộc Đông bắc Thái Lan vào ngày 5 tháng 11, 1941. Sau khi thọ Đại giới ở tuổi 20, ngài tu học ở một số chùa làng khắp vùng Đông bắc cho đến khi gia nhập hệ phái tu trong rừng năm 1969. Ngài tu học dưới sự hướng dẫn của cao tăng Luang Pu Chah (Ajaan Chah), người sau này trở thành một trong những vị sư nổi tiếng nhất trong nước, và tiếng tăm, ảnh hưởng của vị này còn lan khắp thế giới, cho đến tận ngày nay.
Khi giúp đỡ người khác là ta đang xây đắp tâm từ, Ảnh minh họa
Khi giúp đỡ người khác là ta đang xây đắp tâm từ, Ảnh minh họa
Sống dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ của ngài Luang Pu Chah tại wat Nong Pah Pong, và tại tu viện ở tỉnh Ubon, Luang Por Liem nhanh chóng trở thành một trong những vị đệ tử thân cận nhất của ngài. Sau khi Luang Pu Chah trở bệnh nặng vào năm 1982, ngài giao cho Luang Por Liem điều hành tu viện. Không lâu sau, khi bạo bệnh khiến lão sư Luang Pu Chah không thể nói nữa, Tăng đoàn tại wat Nong Pah Pong đã chỉ định Luang Por Liem đảm nhiệm vai trò vị trụ trì. Luang Por Liem đã nhận lãnh trách nhiệm này cho đến hiện tại, duy trì truyền thống của sư phụ Luang Pu Chah và các phương cách tu tập cho Tăng, Ni, cư sĩ.
Phần này được tổng hợp từ một số cuộc hội thoại với cư sĩ Phật tử, Tăng Ni và Sa-di trong thời gian ngài Luang Por Liem viếng thăm Úc, tại tu viện Bodhivana.
* Thưa sư, khi ta sử dụng từ ngữ để niệm khi hành thiền (parikamma), thông thường ta có nên đọc lớn lên không?
Không thành vấn đề. Nếu ở một mình, ta có thể niệm lớn tiếng. Nhưng nếu có người khác bên cạnh, không cần phải làm như thế.
Khi thở vào, ta niệm “Bud–” và khi thở ra niệm “–dho”. Thuật ngữ Pali mà ta niệm ở đây là tên gọi người ta kính trọng. “Buddho” có nghĩa là người biết và tỉnh thức. Nó gợi đến sự tỉnh thức, giống như sau khi đã ngủ, ta tỉnh giấc và bắt đầu biết mọi thứ quanh ta. Cái mà ta sử dụng lúc đó là cái biết và sự tỉnh giác.
Một phương cách khác là chú tâm tỉnh giác, chú ý đến các trạng thái tâm, quán sát chúng để có được một số hiểu biết về các trải nghiệm của tâm. Quán sát tâm, Đức Phật dạy, đưa ta đến sự an toàn. Ta quán sát để thoát khỏi bẫy của ma vương. Ở đây ma vương ám chỉ đến một số cảm giác mà ta trải nghiệm trong tâm, gọi là trạng thái tâm lý. Đức Phật nói:
Ai biết quán sát tâm sẽ thoát khỏi sự buộc ràng của ma vương (Pháp cú 37).
* Thưa, con được biết sư có viếng các đám hỏa thiêu ở lò thiêu tại Melbourne. Về đề tài này, ta có thể quán tưởng thế nào để được lợi ích ạ?
Ta có thể xem những gì thấy được ở lò thiêu như một đề tài để tự quán chiếu. Thí dụ: hôm nay họ thiêu người này, nhưng ngày mai biết ai là người sẽ bị hỏa thiêu… có thể là tôi chăng?
Đây là những câu hỏi khôn ngoan vì chúng giúp ta trở nên thiện xảo trong việc đối mặt với thực tại trong cuộc sống. Khi các biến cố không thể tránh do quy luật thiên nhiên mang tới, ta sẽ không bị xáo trộn, bấn loạn.
Đức Phật khuyên ta tìm đến các lò thiêu để ta không đắm chìm trong dục lạc cho đến khi các cảm giác cuồng loạn chiếm hữu ta. Quán sát những thứ đó sẽ giúp ta giảm bớt tham và sân. Ta chứng kiến các cuộc hỏa thiêu để giảm bớt ảo tưởng của ngã mạn, “cái tôi” và “của tôi”. Tự vấn bản thân theo cách này có thể, ở một chừng mực nào đó, mang đến bình an cho tâm.
* Nếu quán tưởng về cái chết giống như thế, có khiến ta trở nên trầm cảm không thưa sư? Ta có cần thầy hướng dẫn, hoặc phải làm thế nào để trầm cảm không xảy ra?
Lúc mới bắt đầu thực hành, có thể có một số triệu chứng giống như trầm cảm phát sinh, nhưng khi ta đã quen thuộc với cách quán chiếu này một thời gian, thì sẽ có sự thay đổi.
Sư nhớ lúc còn trẻ có bạn bè. Ai cũng nghĩ tuổi trẻ cần vui chơi, hưởng thụ, nhưng khi sư bắt đầu nhắc đến cái chết, thì dường như ai cũng lảng ra, không ai muốn nói đến đề tài đó.
Người ta không muốn đối mặt với cái chết. Họ không muốn quan tâm. Họ coi đó là một điều cấm kỵ. Nhưng sư gợi lên đề tài này là để nhắc nhở họ, khiến họ quan tâm đến cái chết. Ở vùng Isahn, các nghi lễ dành cho người chết được gọi là “Good-house-festivals” (tạm dịch “Nghi lễ an cư”). Các nghi lễ này giúp ta trải nghiệm thực tại cuộc sống.
* Thưa, con nhìn thấy sư ngồi đó, mỉm cười, thư thái, tự tại, trạng thái tươi vui, nhưng khi quay nhìn lại bản thân, con thấy mình vẫn còn đau khổ, không thể mỉm cười nhiều. Đó có phải vì con chưa thực hành Pháp đúng cách không, thưa sư?
Có lẽ con biết điều đó rõ hơn ai hết… Tuy nhiên, có thể sự thực hành của con cần một số yếu tố hỗ trợ, để nó được mạnh mẽ hơn. Nếu có thêm sức mạnh, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
* Thưa sư, có phải việc thực hành nhiều khi giống như leo núi, dĩ nhiên là phải mệt nhọc, nhưng khi đã leo được lên đỉnh, mọi mệt nhọc sẽ qua đi?
Có thể là thế. Ngài Luang Pu Chah đã dùng một câu triết lý địa phương để nói về điều đó:
Nếu leo cây, bạn đừng nên chậm chạp, lưỡng lự hay tụt xuống. Nhưng nếu leo núi, bạn nên leo từ từ, chậm rãi.
* Thưa sư, có cách gì để trong khi thực hành ta luôn được hạnh phúc hay cũng phải có khổ đau?
Nếu ta ăn cơm, mục đích là để no. Nhưng nếu ăn không ngừng, không với mục đích gì, chắc chắn ta cũng sẽ no. Trong khi ăn, ta có ước muốn giải tỏa cơn đói, nhưng nếu cứ tiếp tục ăn, cơn đói cũng sẽ biến mất (dù ta có muốn hay không).
* Thưa sư, dầu ta vẫn phải trải nghiệm khổ đau trong khi thực hành, nhưng có thể ta cũng tạo được một số điều thiện. Vậy chúng con nên phát triển thiện lành ở đâu, xin sư cho một lời khuyên?
Sự thiện lành có nhiều hình thức, nhưng dưới bất cứ hình thức nào, nó chỉ có một mục đích: để giúp ta khỏi trải nghiệm khổ đau. Đức Phật gọi sự thiện lành đó là puñña .
Vậy puñña bao gồm những gì? Nó bao gồm sự hỗ trợ, giúp đỡ người khác. Thí dụ, khi nhìn thấy một tai nạn xảy ra trên đường đi, chúng ta có thể giúp đỡ. Khi giúp đỡ người khác là ta đang xây đắp tâm từ.
Ta cũng có thể tặng phẩm vật cho người khác. Nhưng ở Thái Lan, người ta sợ phải giúp đỡ kẻ bị tai nạn trên đường. Ngày xưa, con người chân thật và đáng tin cậy. Ngày nay, người ta không còn thân thiện mấy.
Ngày nay, nếu ta giúp đỡ mà không suy xét, rủi như không có người làm chứng, ta có thể bị kết tội là kẻ gây tai nạn. Đó là lý do tại sao ngày nay người ta hay nghi ngờ và cẩn trọng trong việc giúp đỡ người khác. Đây là dấu hiệu của một xã hội đang chuyển đổi nơi con người không còn tin cậy lẫn nhau nữa. Dầu vậy, giúp đỡ người cũng là một cách để tạo dựng thiện lành và sự hỗ trợ lẫn nhau.
Để thực hành tránh làm điều ác, tránh khỏi con đường đưa đến “các thảm họa địa ngục”, ta chọn con đường làm phát khởi các tình cảm thiện lành. Thực ra, tất cả những gì con người sáng tạo ra đều để mang lại lợi ích cho chúng sanh, nhưng nếu chúng được dùng sai mục đích thì bất lợi và nguy hại. Thí dụ, các loại thuốc như morphine hay cà-phê, được sử dụng khắp nơi. Nhưng nếu dùng sai mục đích, người tiêu thụ sẽ trở nên điên loạn, lờ mờ và hệ thống thần kinh của họ sẽ bị mất thăng bằng. Chúng ta cần biết điều gì tốt, điều gì không. Chắc chắn là Đức Phật phải có lý do khi Ngài dạy ta phải tránh những thứ đưa đến bạo động hay xung đột, nhưng quyết tâm làm điều lành. Đây là vấn đề của sự chú tâm.
Ngay bước đầu tiên trong việc tu tập là thực hành giữ giới. Sau đó ta mới phát triển việc hành thiền, duy trì chánh niệm - thí dụ, chánh niệm về các oai nghi của thân. Xa hơn nữa, ta cần sống một cuộc đời với sự suy nghĩ thấu đáo, thiện xảo.
Lần trước, sư đã nói về việc trong cuộc sống, ta phải phụ thuộc vào việc sử dụng năng lượng điện. Khi sử dụng bóng đèn điện, chúng ta phải chú ý, chánh niệm (vì điện có thể nguy hiểm). Nếu được sử dụng với sự cẩn trọng, chánh niệm thì năng lượng điện rất tiện ích cho ta. Nhờ có điện, ta có thể được hạnh phúc, thoải mái, nhưng điều đó tùy thuộc vào việc sử dụng đúng cách.
* Thưa sư, con muốn hỏi về việc phát triển mettā (tâm từ) như là một phương pháp hành thiền đặc biệt. Theo con biết thì phương pháp đó không được các ngài thiền sư ở Thái Lan nhắc đến nhiều, nhưng nó lại rất phổ biến ở Tây phương. Thưa quan điểm của sư là như thế nào ạ?
Lý do mà các bậc đại sư ở Thái Lan không coi việc hành tâm từ là một phương cách hành thiền đặc biệt là do họ quan niệm rằng khi giới được giữ một cách vẹn toàn, trong sạch thì tâm từ sẽ tự nhiên phát khởi. Tâm từ thường đi với giới vì khi ta đã biết giữ giới là ta đang đi trên con đường của hòa bình, không xung đột.
Tâm từ cũng cần đi với tâm xả (upekkhā). Nếu thiếu tâm xả thì tâm từ đó chưa hoàn hảo, nó có thể không đưa đến sự tiến bộ nào trên đường thực hành.
Lòng từ cũng chính là tình thương yêu, có phải không? Và tình thương yêu cũng đi đôi với tâm từ. Quý vị có nhớ chuyện một vị Tăng sĩ người Tây phương đã vì “lòng từ” đối với cô bạn gái khuyết tật, mà cởi áo tu để cưới cô. Nhưng rồi họ lại chia tay nhau, phải không?
* Thưa, sư có thể chỉ cho con phương cách để giảm thiểu các dục vọng?
Nói một cách đơn giản thì thực phẩm, thứ ta ăn là cái kích thích dục vọng. Nếu ta có thể giảm thiểu yếu tố này, thì ham muốn sẽ giảm cường độ, chứ chưa thể hoàn toàn biến mất. Nhưng ít nhất là nó đã giảm xuống tới mức độ mà ta có thể quán sát nó một chút. Nếu sư tiếp tục nói theo hướng này, chắc sẽ gây xung đột với các công ty thực phẩm lớn mất… (Luang Por cười…).
* Thưa sư, có phải đồ ăn Thái Lan đặc biệt nguy hại?
Đồ ăn nào cũng thế, nếu ta ăn nhiều cũng nguy hại. Nguyên tắc Đức Phật đưa ra cho chúng ta là biết đủ, với số lượng vừa phải. Đây được gọi là bhojane mattaññutā (biết đủ trong ăn uống).
* Thưa sư, có phải việc quán chiếu về vô thường, khổ, vô ngã để đạt được trí tuệ khác với sự hiểu biết thông thường của ta về chúng?
Rất khác. Nếu sự quán tưởng đủ sâu sắc, mọi thứ sẽ dừng lại. Nếu chưa được sâu sắc, sự thực hành đó cũng là một phương cách ích lợi để thúc đẩy, kích hoạt trí nhớ (saññā) của ta. Phương cách đó thích hợp (cho trí tuệ thực sự hay paññā).
…nếu ta chỉ biết do nghĩ tưởng, thực sự thì…
Điều đó cũng ích lợi, giống như khi ta biết rõ bản đồ trên đường đi. Biết được bản đồ cũng ích lợi.
* Thưa sư, con muốn hỏi về các hành phát khởi và hoại diệt trong tâm, thí dụ như sân hận. Như khi nhìn thấy một người nào đó, con phát khởi tâm sân. Khi người đó đi khỏi, tâm sân biến mất. Nhưng sau này, dầu sau nhiều năm, nếu con lại gặp người đó, sân hận lại trỗi lên. Rồi nó lại qua đi. Như thế con phải ứng xử như thế nào trong những trường hợp đó khi sân hận cứ tiếp tục sinh khởi? Suy cho cùng, có vẻ như sân vẫn có mặt trong tâm…
Thực sự ta không cần phải đối phó hay cố gắng ngăn cản việc gì đó đừng xảy ra. Chúng ta chỉ cần ý thức về bản thân một cách cẩn thận, không dừng dứt.
Các trạng thái tình cảm đó giống như các vị khách. Chúng chỉ ghé qua, thăm viếng ta. Tuy nhiên, chúng có thể nguy hiểm, nên ta cần phải cẩn thận một chút. Vì theo lời Đức Phật dạy, mọi thứ ở đời, sinh rồi cũng phải diệt.
* Thưa sư, như thế ta không cần quán xét xem tại sao ta nổi sân, hay suy nghĩ nhiều về nó? Hay ta chỉ cần quán sát tâm sân, một khi phát sinh, sẽ lại diệt…?
… À, chúng ta vẫn cần thực hành thiền định một chút chứ!
Giống như khi làm việc, thỉnh thoảng ta cũng cần nghỉ tay. Nếu công việc đi kèm với nghỉ ngơi, thì có sự cân bằng. Ta không nên bất chấp trong các hoạt động của mình. Ta cần tập thỉnh thoảng để tâm được an ổn, như thế ta mới có thể thư giãn nhiều hơn. Nhưng chớ có hành thiền dựa trên ước muốn được điều này, điều kia. Chỉ cần tiếp tục hành thiền cho đến khi nó trở thành một thói quen của mình.
* Thưa sư, thỉnh thoảng con có những giấc mơ về một số sự việc trong tương lai, như tai nạn hay tin xấu về một điều gì đó. Con có cần quan tâm đến chúng, đi báo tin cho người khác về chúng, hay con chỉ giữ kín cho riêng mình?
Những việc như thế con nên giữ kín. Nếu nó có liên quan đến người khác, cũng không nên nói với họ, một phần vì đôi khi điều con thấy có thể rất rõ ràng, nhưng cũng có khi chúng mập mờ.
Các giấc mơ thuộc về hành uẩn (cittasaṅkhāras). Chúng có thể về chuyện tương lai. Đôi khi đúng, đôi khi sai. Ta có thể coi chúng như là một cái biết để quán sát chúng, nhưng không nên bám víu vào chúng.
* Thưa sư, con thường nghe người khác nói về các thiền tưởng (nimittas) của chư thiên và nhiều thứ khác khi họ hành thiền. Đối với người mới hành thiền, không có nhiều trải nghiệm trong thiền định, việc tin vào các hình tướng này có quan trọng không ạ?
Chúng là chướng ngại cho sự phát triển thiền định. Con cần biết rõ điều đó.
Dĩ nhiên, phương cách thực hành đúng đắn là thực hành thiền chỉ ở bất cứ nơi nào có thể, nhưng đừng quá đà. Ta cũng cần tiếp nhận một số cảnh trần và thực hành để tạo thói quen thu thúc các căn.
Sự thực hành cần được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Đức Phật gọi chúng là các phẩm trợ đạo (guṇasamāpatti).
Yếu tố hỗ trợ thứ nhất là giữ giới và thứ hai là sự chủ tâm hay động lực.
Sự chủ tâm hay động lực trong ý nghĩa là sở hữu tâm trong sạch, chân thành với nguyện vọng, quyết tâm không lay chuyển.
Yếu tố thứ nhất, thu thúc trong giới, liên quan đến các căn. Các căn là nơi ái dục phát khởi - và cũng là nơi chúng tan hoại. Ái dục phát khởi do những thứ mang đến khoái lạc, thích thú qua mắt thấy vật, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị và thân xúc chạm. Chúng ta thực hành kiềm chế các trạng thái tâm lý phát khởi trong tâm để không cho phép các tình cảm ưa, ghét làm chủ tâm ta.
Trong lãnh vực này ta cần thêm nhiều quyết tâm vì một khi sự ưa, ghét đã phát khởi trong tâm thì chúng đã có mặt, ta khó thể ngăn chúng lại. Chúng có quyền đó vì chúng là các trạng thái tâm. Nếu chúng đã phát khởi, ta cần quán sát sự tàn phai của chúng. Cảm giác ưa thích điều gì đó là một hình thức của kāmataṇhā (ái dục) và sự không ưa thích là một hình thức của sự không muốn có (vibhavataṇhā). Chúng ta phải quán sát quá trình khi các tình cảm này chế ngự ta. Những điều ta ưa thích chỉ là ảo tưởng, có tính cách dối gạt, nhưng ta bị chúng dẫn dắt do các trải nghiệm về sự vui thích mà chúng mang đến. Chúng kích thích ham muốn, ước ao, nhưng ta có thể chế ngự chúng khi ta có thể kiềm chế, thu thúc các thân hành. Ta có thể gạt chúng qua một bên.
Yếu tố thứ hai cũng có một số bất lợi. Động lực và sự quyết tâm thực hành có thể trở nên khá chướng ngại. Đầu tiên tất cả chúng ta đều muốn thực hành với tín tâm và với cảm giác rằng sự mong đợi của ta sẽ được thành tựu. Nhưng với thời gian, sự thỏa mãn ngày càng ít đi và cảm giác thất vọng tất nhiên sẽ tăng thêm. Dần dần ta trở nên thất vọng, mệt mỏi và chán nản. Thực ra trong khi thực hành đôi khi ta có thất vọng, cũng là điều bình thường. Những khi thực hành tốt, ta nghĩ mình có thể làm bất cứ chuyện gì, nhưng những khi không được như ý thì ta nghĩ mình không thể chịu đựng nữa. Đó là chuyện tự nhiên thôi.
Chúng ta phải luôn tỉnh thức, luôn quán sát và tự vấn trong khi thực hành: “Tại sao các trạng thái tâm này phát sinh?” Có thể chúng ta không cản trở được việc chúng phát sinh, nhưng ta có thể giữ cho tâm tập trung. Ít nhất ta biết cẩn trọng với các yếu tố đưa đến ảo tưởng và nguy hại. Làm như thế, cảm giác bị áp lực, cạn kiệt hay gò bó vào một số những thước đo giới hạn khiến ta không còn có tự do sẽ trở nên ít nghiêm trọng và ta sẽ buông thư, thu thúc.
Yếu tố hỗ trợ thứ ba trong pháp hành là sự biết đủ trong ăn uống (bhojane mattaññutā). Trong cuộc sống, ta luôn cần có khả năng biết đủ. Nếu trước đây ta sống trong những hoàn cảnh mà ta luôn có thể thỏa mãn mọi ước muốn, thì giờ trong hoàn cảnh tu tập ta sẽ thấy khá bị hạn chế. Ta sẽ trải nghiệm nhiều trạng thái tâm khó chịu kể cả đói, khát. Khi trải nghiệm những điều như thế, ta cần phải biết và hiểu chúng. Trong một số trường hợp, có thể điều ta trải nghiệm rất đỗi bình thường đối với cơ thể sinh học của ta. Thân ta có những hoạt động sinh lý như tiểu tiện, nên nó cũng phải phản ứng theo các cảm giác đói khát của ta. Không có gì phải lo lắng về điều đó. Tuy nhiên, đối với bất cứ thứ gì ta chưa quen thuộc, ta cần điều chỉnh chúng. Dĩ nhiên, điều đó phải cần thời gian, nhưng có thể thực hiện. Khi dần dần về mặt vật lý, ta đã trở nên quen thuộc với các điều kiện sống mới, thì ta không còn phải lo lắng về cách sống của mình nữa.
Dầu vậy, những sự lo lắng, hoài nghi về các điều kiện sống thường là vấn đề lớn đối với các vị mới xuất gia. Đó là lý do tại sao trong “bốn hiểm nguy đối với một vị mới xuất gia”, Đức Phật đã khuyên ta không nên là người bị choáng ngợp khi chỉ nghĩ đến cái bụng của mình, cũng không nên là người không thể chịu đựng được những khó khăn.
Yếu tố hỗ trợ thứ tư trong pháp hành là sự dốc lòng tỉnh thức (jāgariyānuyoga). Yếu tố này liên quan đến việc giữ tâm tỉnh thức, theo dõi tâm và giữ cho tâm sáng suốt. Có nghĩa là ta phải cẩn trọng, không được để các khuynh hướng xấu ác phát khởi trong tâm. Từ ngữ “xấu ác” (evil) ám chỉ các uế nhiễm, các tì vết của bản tánh mà tất cả chúng ta đều biết quá rõ. Đức Phật dạy về quy cách luôn dốc lòng tỉnh thức để ta có thể nhận biết các đặc tính bất thiện của tâm. Tức là cũng dốc lòng hỗ trợ các đặc tính thiện lành của tâm. Điều gì là “thiện lành” chắc ai cũng phải rõ.
Các đặc tính thiện lành của tâm cần được hỗ trợ bằng nhiều cách để cảm giác mệt mỏi, nản lòng và buông bỏ không phát sinh. Tuy nhiên, điều đó cũng vẫn có thể phát sinh. Khi ta thiếu động lực và sự nản chí phát sinh, ta cần phải đối mặt, quán sát và để nó qua đi. Ta phải bảo vệ bản thân khỏi điều này. Không chỉ các thiền sinh - chính sư cũng từng trải qua các kinh nghiệm như thế. Nói gọn là sư cũng xém buông tay. Nhưng, biết rằng mình đang ở trong thời kỳ tu tập, vẫn còn cần nhiều thực hành, ta cần nhắc nhở bản thân rằng quá trình này dài lâu. Không phải chỉ trong vài phút giây là ta có thể điều chỉnh được theo môi trường mới lạ. Mọi thứ đều cần có thời gian.
Hai yếu tố cuối cùng của “bốn điều nguy hại đối với người mới xuất gia” là: đắm chìm trong ái dục hay muốn trải nghiệm hạnh phúc ngày càng nhiều, và, cuối cùng là mối nguy hại mà tất cả chúng ta, những người cùng thuộc một nhóm giới tính phải nắm rõ: đó là sự nguy hiểm của mối liên hệ giữa nam và nữ.
* Thưa sư, có lần sư nói về các dục lạc và so sánh chúng với lửa bên trong ta. Nếu quán sát với chánh niệm ta có thể thấy sự tai hại, sự vô thường của chúng, do không có gì là bền vững, là thực trong các dục lạc. Nếu ta thường quán chiếu dựa trên các chân lý này, có phải là ta có thể thấy được sự nguy hiểm ngay giây phút một điều gì đó vừa ý, khả ái (iṭṭhārammaṇā dhammā) phát sinh?
Nếu có đủ chánh niệm, ta có thể thấy được chúng. Điều vừa ý, khả ái là một phần của cái mà Đức Phật gọi là pháp thế gian (lokadhammā). Các pháp đó chế ngự thế gian. Những điều vừa ý được coi là hạnh phúc theo thế gian, trong khi những gì nghịch ý được coi là khổ. Nhưng đối với người trí, thấy được mối nguy hại trong các pháp thế gian, thì không có gì ngoài khổ xuất hiện. Không có gì được coi là hạnh phúc. Không có gì ngoài khổ phát sinh, không có gì ngoài khổ hoại diệt. Ai thấy được điều này, có thể hiểu thế gian theo cách khiến các sự thật của hiện hữu trở nên rõ ràng. Người này luôn nhận thức được sự vô thường của hiện hữu và phát triển trạng thái tâm nhàm chán với thế gian. “Nhàm chán” ở đây có ý chỉ việc không có gì là thường hằng, bền vững, đáng tin cậy trên thế gian.
Tám ngọn gió đời, được nhắc tới trong kinh điển Phật giáo, bao gồm những gì? Quý vị chắc ai cũng rõ. Chúng nói về tài sản và sở hữu, mà khi ta có, gọi là “được”. Cái “được” đó sẽ thành “mất” khi ta không còn sở hữu chúng. Trong xã hội, khi ta làm vừa lòng người khác ta được họ khen ngợi, ngược lại ta sẽ bị họ oán trách. Như thế tám pháp thế gian đó là: được và mất tài sản, có chức tước, địa vị hay danh tiếng và sự mất chúng đi, lời khen hay tiếng chê, hạnh phúc và khổ đau.
Thực ra, ta có thể rút gọn tất cả tám pháp thế gian đó vào hai thứ: khổ và lạc. Nhưng vị dự lưu, sống dựa trên các chân lý của hiện hữu, và có sở kiến dựa theo đó, sẽ nói rằng:
Không có gì ngoài khổ phát sinh, và cũng không có gì ngoài khổ hoại diệt. Không có gì bền vững, thường hằng, chắc chắn hay đáng tin cậy trên thế gian này. Do đó, vị dự lưu sẽ trải nghiệm cảm giác nhàm chán với mọi thứ. Chỉ có thế, đó là cách phải sống ở đời.
* Thưa sư, vậy nếu ta thực hành cho đến bước cuối của giác ngộ, có phải là tâm xả (upekkhā) sẽ phát sinh - dầu ta có trong hoàn cảnh nào, như ý hay bất toại?
Nếu ta đã đến cuối con đường đạo, sẽ không còn có cảm giác thích hay không thích nữa, dầu là về các căn trần hay việc chung sống với người. Nam và nữ - chỉ là các khía cạnh của thực tại chế định, sẽ không còn các tình cảm đưa đến đối tượng của ái dục. Kết quả là, tất cả những thứ ta ưa, ghét không còn hiện hữu nữa.
Có rất nhiều sự việc khác nhau có thể xảy đến cho ta. Thí dụ, hệ thần kinh trên não cảm thấy mát mẻ. Sự trải nghiệm của các căn thức không khiến tâm ta thay đổi. Rồi sẽ xuất hiện một đặc tính có thể được gọi là không ưa thích mà cũng không không ưa thích (phi hữu ái).
Đó là thực tại của một bản chất rất thuần khiết. Có nghĩa là, dầu chính mắt ta nhìn thấy cái được gọi là “vẻ đẹp”, không có gì đẹp ở đó. Ở đây ta không nói với ý nghĩa tiêu cực - chỉ là không có gì cả.
Đó là sự trải nghiệm của tánh không - tất cả trống rỗng. Hay một thứ gì giống như thế. Nó trống không theo cách khiến ta có cảm giác không bị ảnh hưởng, không liên quan. Giống như không còn gì mà ta phải đáp ứng hay ngăn cản nó khỏi xảy ra. Những gì còn lại chỉ là cảm giác tột cùng của trống rỗng.
Nhưng đó không phải là sự bàng quan, lãnh đạm trong ý nghĩa là ta hoàn toàn mù tịt, không biết việc gì đang xảy ra. Đó là sự lãnh đạm trong ý nghĩa rằng mọi thứ đã đủ. Ta đã vừa lòng. Ta đã có đủ. Không còn có thể thêm thứ gì.
Điều còn lại chỉ là việc xoay chuyển thân hay các uy nghi, thí dụ, như khi ta tạm nghỉ. Ta không nghỉ do bất cứ tham ái nào. Nghỉ ngơi chỉ là một cách để thư giãn các căng thẳng sinh lý nơi thân. Khi đến lúc nghỉ ngơi, ta nghỉ mà không phải trải nghiệm nīvaraṇas (chướng ngại nào trong năm chướng ngại).
Đến lúc ta tỉnh thức cũng thế. Khi đến lúc tỉnh thức, ta thực sự biết phải tỉnh thức. Khi ngủ ta biết rằng mình đang ngủ. Ngủ là một phương cách mà thân sử dụng, nhưng (đối với tâm) sự tỉnh thức vẫn có mặt. Giống như câu nói “ngủ khi đang thức (và thức khi đang ngủ)”. (Luang Por cười nhẹ).
Diệu Liên Lý Thu Linh
________________________
(1) Thường được dịch là công đức, hay nghiệp thiện.