Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 về Phật giáo & Khoa học

Giác Ngộ - Tiếp nối thành công của hai kỳ Hội nghị Quốc tế về Phật giáo và Khoa học đã được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2007 và 2009, năm nay, Thái Lan lại tiếp tục tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ ba. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 1 và 2-12-2010, vẫn với chủ đề "Phật giáo và Khoa học".

Hội nghị lần này do khoa Tôn giáo học, Đại học Mahidol, Thái Lan tổ chức, với sự cộng tác của Viện Công nghệ y - sinh học thuộc Đại học Hoàng gia Vương quốc Anh; Văn phòng Ban Phật giáo Quốc gia, Thái Lan; Công ty Nghiên cứu và Sản xuất PPT, Thái Lan; Viện Nghiên cứu ý thức Santa Barbara, Hoa Kỳ; và Viện Chính sách Kinh tế Xã hội, Thái Lan. Hội nghị diễn ra tại khoa Tôn giáo học, Đại học Mahidol, Salaya, Phutthamonthon, Nakhon Pathom, Thái Lan.

quocte-1.gif

Hội nghị Quốc tế về Phật giáo và Khoa học lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 8-2007, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Đức vua Bhumibol Adulyadej. Hội nghị Quốc tế về Phật giáo và Khoa học lần thứ hai được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 8-2009, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Trường Đại học Mahidol, được nhà vua ban tặng tên "Mahidol" cho trường.

Hội nghị Quốc tế về Phật giáo và Khoa học là cơ hội để các tu sĩ, các nhà nghiên cứu, các học giả, nhà khoa học đến với nhau, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau khám phá về Phật giáo và khoa học, cũng như sự liên kết, tác động hỗ tương lẫn nhau giữa Phật giáo và khoa học.

Hội nghị Quốc tế về Phật giáo và Khoa học lần thứ nhất nhắm vào 3 mục đích chính, đó là:

1. Hỗ trợ việc nghiên cứu những cách tiếp cận khoa học đối với lĩnh vực ý thức, sức khỏe tinh thần, và mối liên hệ giữa giáo lý đạo Phật và thực tiễn.

2. Nghiên cứu Phật pháp, đặc biệt là những giáo lý có tính chất định hướng, đi đôi với những nền tảng của sự tham vấn khoa học để hạn chế bớt các nguyên nhân gây khổ đau từ trong tâm, giải quyết những mâu thuẫn có tính toàn cầu nhằm đạt đến sự bình an trong xã hội.

3. Đem đến cho người tham gia cơ hội trải nghiệm về thiền của Phật giáo thông qua các cuộc hội thảo về phương pháp giữ cho tâm được điềm tĩnh, làm cho khả năng giữ tâm điềm tĩnh được phát huy tác dụng khi đối diện với những thăng trầm của cuộc sống.

Hội nghị Quốc tế về Phật giáo và Khoa học lần thứ hai nhấn mạnh vào các lĩnh vực khoa học nghiên cứu về tâm thức, cụ thể là về tâm lý học lâm sàng và tâm thần học. Trong đó, vấn đề quan trọng là nghiên cứu và vận dụng những lời dạy của Đức Phật vào trong các khoa học về tâm thức, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cũng như phạm vi áp dụng của các ngành khoa học này, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của con người.

Từ hai hội nghị trước cho thấy Phật giáo và khoa học luôn liên hệ mật thiết với nhau trong hành trình tìm kiếm tri thức để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Những khám phá của khoa học và tuệ giác của Phật giáo, mặc dù đạt được thông qua những phương thức khác nhau, nhưng chúng luôn bổ sung cho nhau chứ không phải chống đối nhau.

quocte-2.gif

Hoàng gia Thái Lan cùng các quan chức Chính phủ chụp hình lưu niệm tại hội nghị

Vì thế, sự kết hợp giữa Phật giáo và khoa học là một sự kết hợp có thể đem đến nhiều thành quả tốt đẹp. Hội nghị quốc tế về Phật giáo và Khoa học lần thứ ba này khám phá sâu hơn nữa về những lĩnh vực đầy hứa hẹn trong việc nghiên cứu Phật giáo và khoa học, cụ thể là về những lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên, khoa học nhận thức và khoa học xã hội. Thông qua những khám phá này, hy vọng khoảng cách giữa Phật giáo và khoa học sẽ được rút ngắn, và giúp cho các nhà khoa học, các học giả Phật giáo và các hành giả liên kết với nhau chặt chẽ hơn, cùng hợp tác trên hành trình theo đuổi một mục đích tốt đẹp hơn cho nhân loại. Mối liên hệ giữa Phật giáo và khoa học cũng sẽ giúp cho những người Phật tử đánh giá đạo Phật đúng đắn hơn, và làm lợi ích cho cộng đồng khoa học bằng cách sử dụng kiến thức trọng yếu của Vật lý học Phật giáo như là một phần của việc xây dựng những giả thuyết khoa học cho việc quan sát và thử nghiệm sâu sắc hơn.

Hội nghị lần này được chia làm 3 phần:

1. Trình bày những bài diễn văn chính của hội nghị.

2. Trình bày các khám phá mới về những vấn đề đặc biệt trong các lĩnh vực như: Phật giáo và khoa học tự nhiên, Phật giáo và khoa học nhận thức, Phật giáo và khoa học xã hội.

3. Những hội thảo thiết thực về phương pháp thực tập chánh niệm thông qua hơi thở và sự trau dồi tâm từ bi.

Ngày nay, thiền được nhiều người chấp nhận, được xem như là một nhân tố quan trọng cho sức khỏe tinh thần và niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Trong đạo Phật có nhiều phương pháp hành thiền khác nhau, mỗi phương pháp được đưa ra để đối trị với một vấn đề cụ thể và để phát triển một trạng thái tinh thần nhất định. Nhưng phổ biến và hữu dụng nhất trong số đó là: 1. Phép quán hơi thở - thực tập chánh niệm thông qua việc theo dõi hơi thở - phương pháp này làm cho tâm được điềm tĩnh và an bình; 2. Phép quán từ bi - phương pháp này nuôi lớn tâm bao dung, tha thứ và lòng thương yêu. Mọi người tham gia tích cực trong suốt hội thảo vì hội thảo đáp ứng được những nhu cầu cũng như sự quan tâm của họ.

quocte-3.gif
 

Hội nghị lần này có hơn 300 người tham dự, gồm có chư Tăng, các học giả và các vị đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới. Bên phía hoàng gia và chính quyền Thái Lan cũng cử đại diện đến tham dự hội nghị. Trong số các diễn giả tham gia trình bày các bài phát biểu, tham luận tại hội nghị, có các vị diễn giả nổi tiếng trên trường quốc tế đến từ những đại học lừng danh trên thế giới, như:

- Giáo sư Denis Noble, sinh ngày 16-11-1936 tại Luân Đôn. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng và nhiều bằng danh dự trong lĩnh vực nghiên cứu sinh lý học trong nước cũng như quốc tế. Giáo sư Denis hiện đang làm Chủ tịch của Hiệp hội quốc tế về những khoa học thuộc về sinh lý (IUPS) tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh. Đến với hội nghị lần này, Giáo sư Denis trình bày về vấn đề: "Sự hội tụ giữa Phật giáo và khoa học trong âm nhạc của cuộc sống".

- Giáo sư Christofer Toumazou, sinh ngày 5-7-1961. Ông là nhà lãnh đạo cấp cao và nhà khoa học hàng đầu của Viện Công nghệ y-sinh học thuộc Đại học Hoàng gia Vương quốc Anh. Christofer đã nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Oxford-Brookes, trong sự liên kết đào tạo với Viện Đại học Khoa học và Công nghệ Manchester vào năm 1986, và được phong hàm Giáo sư tại Đại học Hoàng gia Anh ở tuổi 33, trở thành một trong những vị giáo sư trẻ tuổi nhất từ trước đến giờ. Tại hội nghị lần này, Giáo sư Christofer trình bày vấn đề: "Người mô phỏng sinh học và vấn đề đạo đức".

- Tiến sĩ Alan Wallace, đến từ Viện Nghiên cứu ý thức ở Santa Barbara, Hoa Kỳ. Ông lấy bằng tiến sĩ về tôn giáo học tại Đại học Stanford vào năm 1995. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, nhiều bài báo viết về Phật giáo và khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo Tây Tạng. Đến với hội nghị này, ông trình bày đề tài: "Phật giáo và khoa học: Điều gì làm cho chúng ta có tính người?".

- Giáo sư Mario Beauregard, đến từ Đại học Montreal, Canada. Ông là giáo sư cộng tác nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học thần kinh, Đại học Montreal, Canada. Trong nhiều quyển sách và nhiều bài nghiên cứu, bài báo đã xuất bản của ông, thì khoa học thần kinh, ý thức và tâm linh cũng như bộ não tâm linh có thể được xem là những ví dụ điển hình cho các tác phẩm nổi tiếng của ông. Tại hội nghị lần này, Giáo sư Mario trình bày đề tài: "Tâm thức, não bộ và sự trải nghiệm tâm linh".

- Tiến sĩ Surakiart Sathirathai, người Thái Lan, là thành viên cấp cao của Trường John F. Kennedy của chính phủ, thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông còn là Giáo sư danh dự và Chủ nhiệm khoa Luật tại Đại học Chulalongkorn, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đối ngoại của chính quyền Thái Lan. Đến tham dự hội nghị lần này, ông trình bày về đề tài: "Phật giáo và sự phát triển bền vững".

- Tiến sĩ Adam Frank, là chuyên gia về vật lý thiên văn tại Đại học Rochester, Hoa Kỳ. Ông đã viết hơn 150 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí nghiên cứu trên thế giới và đã nhận nhiều giải thưởng, nhiều bằng khen danh dự. Tại hội nghị lần này, ông Adam trình bày về vấn đề: "Nguồn gốc và sự kết thúc của vũ trụ".

- Giáo sư Pier Luigi Luisi, Chủ nhiệm Khoa hóa sinh tại Đại học Rome 3, Italia. Nghiên cứu chính của ông là về nguồn gốc của sự sống và sinh vật nhân tạo. Đến với hội nghị này, ông trình bày vấn đề: "Bản đồ gien và số phận của con người".

quocte-4.gif

Tại hội nghị, những vấn đề thuộc các lĩnh vực Phật giáo và khoa học tự nhiên, Phật giáo và khoa học nhận thức, Phật giáo và khoa học xã hội đã được các diễn giả trình bày một cách khoa học, đầy tính thuyết phục. Các bài thuyết trình, các bài tham luận tại hội nghị đã làm cho người tham gia thấy được vai trò định hướng và khơi nguồn sáng tạo của Phật giáo cho quá trình nghiên cứu khoa học, cũng như khả năng vận dụng của Phật pháp vào trong các ngành khoa học và trong việc giải quyết các vấn nạn xã hội, các vấn đề đạo đức, môi sinh và chất lượng của cuộc sống. Hội nghị đã góp phần củng cố niềm tin, của người con Phật nói riêng và của nhân loại nói chung, vào giá trị thực tiễn của giáo lý đạo Phật, vào khả năng chuyển hóa khổ đau, tạo dựng an lạc, hạnh phúc khi con người biết thực tập những lời dạy của Đức Phật trong đời sống hàng ngày.

Hội nghị về Phật giáo và Khoa học là một mô hình sinh hoạt rất có ý nghĩa, là sự hợp tác cần thiết giữa các hành giả Phật giáo với các học giả, các nhà khoa học trong quá trình tìm cầu hạnh phúc và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân loại. Mô hình hội nghị này cần được duy trì và nhân rộng nhiều hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày