Huế là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng của cả nước, với bề dày lịch sử hơn 800 năm kể từ khi hai châu Ô - Rí chính thức được xác nhập vào bản đồ Đại Việt năm 1306. Trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một thành tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Huế.
Chính vì thế, hội nghị đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa Phật giáo Huế nói riêng và văn hóa Huế nói chung.
Quang cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, Thượng tọa Thích Không Nhiên đã trình bày tham luận "Tổng quan về di sản mộc bản Phật giáo Huế". Ngoài ra, hội nghị còn đã lắng nghe những tham luận khác về các đề tài như: Văn bia chùa Huế; Mỹ thuật Phật giáo; Hệ thống tượng và pháp khí, kiến trúc chùa Huế; Âm nhạc Phật giáo; Báo chí Phật giáo ở Huế, xuất bản các ấn phẩm về Phật giáo... được các nhà nghiên cứu Phan Đăng, Phan Thanh Bình, Lê Đình Hùng, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Nguyễn Duy Tờ, Nguyễn Ngọc Tùng, Lê Thọ Quốc, Hoàng Văn Hiển… trình bày.
Thượng tọa Thích Không Nhiên trình bày tham luận |
Dịp này, các nhà nghiên cứu đề xuất cần có những nghiên cứu cụ thể chuyên sâu từng lĩnh vực và sự hợp tác của các cơ quan nhằm số hóa các tư liệu, hiện vật hiện tồn, thiết lập bản đồ hệ thống các chùa, và cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn ngôn ngữ Hán Nôm nhằm tiếp cận nghiên cứu tư liệu cổ…
Nhà nghiên cứu Phan Đăng trình bày đề tài "Văn bia chùa Huế" |
Phát biểu tại hội nghị, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Trưởng ban Điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán cho biết: “Trong dự hướng sắp đến, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực như: lễ nhạc Phật giáo, tân nhạc Phật giáo, báo chí Phật giáo, giáo dục Phật giáo, đặc biệt là các tổ chức, sinh hoạt của Phật giáo Huế trong giai đoạn cận hiện đại”.
Tiến sĩ Phan Tiến Dũng phát biểu đúc kết tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Hội nghị là bước khởi đầu chuẩn bị cho những hoạt động mang tính khoa học ở mức độ cao hơn. Để có những nghiên cứu chuyên sâu về các chủ đề thảo luận trong hội nghị, cần nghiên cứu đầy đủ về đặc trưng của văn hóa Phật giáo trên đất Huế. Đây cũng là nội dung sẽ được tập trung trong các hội thảo, chương trình nghiên cứu tiếp theo”.