GNO - Sáng nay, 6-12, tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa” trong khuôn khổ Đại lễ kỷ niệm 760 năm ngày Sơ tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông Đản sinh và tưởng niệm 710 năm nhập Niết-bàn của Ngài.
Toàn cảnh đại lễ
Chứng minh hội thảo có HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS cùng chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa Phó Chủ tịch HĐTS, chư tôn đức Tăng Ni đến từ các tỉnh thành trong cả nước.
Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN
Về phía quan khách có ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo - UBTƯ MTTQVN; bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư, tỉnh Quảng Ninh và TP.Uông Bí.
Đại diện chính quyền, các ban ngành, quan khách
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS.Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cùng quý vị lãnh đạo ĐHQG Hà Nội và các đơn vị thành viên, trực thuộc.
Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà khoa học đại diện cho các đơn vị học thuật trong và ngoài nước.
GS.Lê Mạnh Thát cùng các học giả
Học giả, nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia tham dự
Mở đầu buổi hội thảo là diễn văn khai mạc của lãnh đạo ĐHQG Hà Nội. Theo đó, PGS.TS.Nguyễn Kim Sơn phát biểu, nhận định, hội thảo lần này mang nhiều ý nghĩa học thuật, văn hóa và tâm linh đặc biệt - nhằm gia tăng và làm sâu rộng thêm những hiểu biết và khám phá về Phật giáo Trần Nhân Tông và Trúc Lâm Việt Nam, làm cho những giá trị sâu bền, tinh hoa của những tư tưởng đó tiếp tục tỏa chiếu vô lượng hào quang cho nhân quần và chúng sinh.
"Đặc biệt, đây là một trong những chuỗi các hoạt động học thuật trong năm 2018 để kỷ niệm 760 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông Đản sinh và 710 năm Ngài nhập Niết-bàn”, PGS.TS.Nguyễn Kim Sơn cho biết.
PGS.TS.Nguyễn Kim Sơn phát biểu
HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu
Tiếp đến, HT.Thích Thiện Nhơn thay mặt TƯGH phát biểu, nhắc về những giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm.
Theo Hòa thượng, hội thảo còn có ý nghĩa tưởng nhớ và ghi nhận những đóng góp to lớn về mặt tư tưởng và văn hóa của một bậc tiền nhân xuất chúng của dân tộc, một bậc chân tu liễu ngộ của Phật giáo Việt Nam. Qua đó phát huy những giá trị nhân bản, nhân văn cao quý, giúp cho hàng Tăng sĩ hậu học ứng dụng những tinh hoa tư tưởng Phật học của Ngài vào đời sống thực tiễn, nâng cao Phật chất trong các hoạt động Phật sự, góp phần phát triển bền vững GHPGVN trong tương lai.
HT.Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh: “Phật giáo Trúc Lâm là Phật giáo bản địa đầu tiên của người Việt, đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông Việt hóa nhằm nêu cao ý chí tự lực tự cường và thống nhất các tổ chức hệ phái của Phật giáo thành một giáo hội độc lập, thuần túy của dân Việt, theo nguyện vọng của người Việt, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước Đại Việt và bản sắc văn hóa Việt, có thể nói đây là nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.
Phật giáo Trúc Lâm dưới sự lãnh đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã phát huy một cách toàn diện tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ, tư tưởng Phật học của Phật hoàng Trần Nhân Tông được kế thừa và phát huy từ nguồn tuệ giác của các bậc thiền sư lỗi lạc đương thời, Ngài đã giản lược phương pháp tu hành không câu nệ vào hình thức hay chấp trước vào văn tự, phát huy nội lực và định hướng cho người học Phật quay về tánh giác vốn thường hằng nơi mỗi con người, đó là “Bụt ở trong nhà, chẳng phải xa”, “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; óc đã là tính sáng soi, mựa phải nhọc nhằn tìm về Cực lạc”, đó là “Biết Chân như, tin Bát-nhã, chớ cầu tìm Phật Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, tỏ vô vi, nào nhọc công kinh thiên Nam Bắc”.
Chư tôn đức Phật giáo VN tham dự
Trong buổi sáng làm việc này, hội chúng đã được nghe những bài tham luận của các học giả, tu sĩ, các nhà nghiên cứu, các nhà trí thức, góp thêm tư liệu quý báu phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm.
Nhiều vị Giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu đã có những phát biểu, nhận định quan trọng
Như Giác Ngộ đã đưa tin, Đại lễ tưởng niệm 710 năm Ngài nhập Niết-bàn tại Di tích Yên Tử có nhiều hoạt động nghi lễ trang nghiêm gồm: lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông và Đại lễ cầu siêu tại chùa Ngọa Vân (Đông Triều) - nơi Đức vua hóa Phật; Lễ truyền đăng tưởng niệm Phật hoàng; Lễ cúng Phật, cúng Tổ và nhiễu tháp Phật hoàng; Đại lễ tưởng niệm 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn.
Dịp này, Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có 3 sự kiện, công trình chào mừng gồm lễ khánh thành chùa Trung Tiết (xã An Sinh, thị xã Đông Triều); lễ khánh thành công viên chữ Tâm trong khuôn viên trụ sở GHPGVN tỉnh Quảng Ninh - chùa Trình (P.Phương Đông, TP.Uông Bí) và lễ khánh thành giai đoạn I cung Trúc Lâm Yên Tử.
Được biết, hôm nay và ngày mai, 7-12-2018 - thời gian diễn ra Đại lễ - khách du lịch, đại biểu, Phật tử và nhân dân sẽ được miễn phí tham quan Khu di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh); đồng thời được miễn, giảm phí sử dụng cáp treo lên Yên Tử, chùa Ngọa Vân.
Hội thảo một lần nữa làm sáng tỏ thêm tư tưởng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nhóm CTV Giác Ngộ đang có mặt tại sự kiện, sẽ tường thuật các hoạt động trong khuôn khổ đại lễ đến bạn đọc quan tâm...