Hơi thở sâu giúp tăng hiệu quả điều trị ung thư

GNO - Khả năng duy trì hơi thở vốn rất quan trọng trong thể thao, ở các bộ môn như bơi lội và lặn tự do. Kỹ năng này cũng rất cần thiết và có lợi cho bệnh nhân ung thư vú trong tiếp nhận xạ trị, đây là khẳng định của một nghiên cứu mới phát hành trên Tạp chí Xạ trị học của Anh quốc.

Một trong những giải pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh nhân ung thư vú là xạ trị, được sử dụng để loại bỏ những tế bào bị bệnh còn sót lại trong phần ngực hoặc phần dưới nách của bệnh nhân sau phẫu thuật - theo Tổ chức Ung thư vú Quốc gia Anh quốc.

Trong suốt thời gian trị liệu khoảng 2 phút, các tia xạ được chiếu vào nhiều ngõ ngách (của vùng bệnh) để phân cắt và tiêu diệt tế bào khối u. Bệnh nhân thường được yêu cầu duy trì hơi thở dài trong quá trình này để ngăn chặn các tế bào lân cận bị phá hủy trong quá trình chiếu xạ này.

Tuy nhiên, hầu hết các tiến hành xạ trị đều được thực hiện khi các bệnh nhân đang thở (hít vào và thở ra liên lục) vì nhiều người không thể giữ (duy trì) hơi thở trong thời gian lâu như vậy. Các chuyên gia Đại học Birmingham muốn tìm hiểu xem liệu có thể huấn luyện các bệnh nhân có thể duy trì một hơi thở trong vòng 5 phút hay không.

“Đối với các bệnh nhân, toàn bộ quá trình điều trị dường như thụ động. Đây là lần đầu tiên chúng tôi huấn luyện các bệnh nhân làm điều này để giúp việc điều trị hiệu quả hơn và cũng giúp họ được hồi phục tốt hơn”, chia sẻ của bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu Michael Parkes.

Tác giả và các đồng sự chọn ra 15 bệnh nhân ung thư vú đang được xạ trị và không mắc các bệnh khác như bệnh hô hấp, tim mạch, thần kinh, tiểu đường hay béo phì. Tất cả các bệnh nhân là người không hút thuốc lá và chưa từng trải nghiệm kéo dài hơi thở trong thời gian dài.

hoitho.jpg


Thực tập thiền, kiểm soát hơi thở để khỏe, nhẹ, an - Ảnh minh họa

Việc kéo dài hơi thở giúp các bệnh nhân nâng mức oxy máu và giảm mức carbon dioxide một cách tự nhiên, các chuyên gia huấn luyện bệnh nhân duy trì tư thế thư giãn nhất và thực hành hít vào, thở ra để đạt được hiệu quả mong muốn cao nhất. Các bệnh nhân được cho đeo mặt nạ để các bác sĩ có thể kiểm tra xem họ có đang thở hay không.

Sau huấn luyện, các chuyên gia phát hiện ra rằng hơi thở trung bình được duy trì của người tham gia nghiên cứu là 5,3 phút, vượt mục tiêu mong đợi đến 2 phút.

Qua thực nghiệm trên người khỏe mạnh tự nguyện (các đồng nghiệp và sinh viên của tác giả), duy trì hơi thở an toàn trong 7 phút là điều khả thi. “Chúng tôi dự đoán rằng do bệnh tật, do tuổi tác nên các bệnh nhân ung thư không thể duy trì hơi thở dài hơn. Miễn là các bệnh nhân có thể giữ hơi thở trong khoảng 2 phút là chúng tôi đã thấy vui mừng rồi. Ngày thực hành và tập luyện đầu tiên, các bệnh nhân giữ được hơi thở trong hơn 3 phút và mấy ngày sau, khả năng duy trì được kéo dài hơn và các bệnh nhân tập luyện ngày tốt hơn” - chuyên gia phấn khởi chia sẻ.

Kỹ thuật này cũng giúp ích cho các bệnh nhân có khối u vùng phổi, thực quản, dạ dày, gan và các mô khác ở ngực, vùng bụng vì “mỗi tế bào ở vùng ngực và vùng bụng cùng chuyển động với hơi thở”; do vậy kéo dài hơi thở giúp giảm sự phá hủy đối với các tế bào khỏe mạnh.

Kéo dài hơi thở có thể đối diện với vài nguy cơ sức khỏe. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, kéo dài hơi thở có thể làm huyết áp tăng lên và gây co rút cơ (chuột rút hay vọp bẻ). Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu này cũng biết rõ điều này và điều chỉnh mức huyết áp và mức oxy cho các bệnh nhân.

Kết quả nghiên cứu này giúp quá trình tiếp nhận điều trị bằng tia xạ dễ dàng hơn cho các bệnh nhân và cải thiện đáng kể sự sống và chất lượng sống của bệnh nhân về lâu dài. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để biết tác dụng của kỹ thuật ở các bệnh nhân lo lắng quá mức và các bệnh nhân bị tổn thương chức năng phổi.

Huệ Trần
(theo Medical Daily)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày