GNO - Những ngày cuối tháng Sáu (âm lịch), Sài Gòn chiều nào cũng mưa y như thể mưa ngâu của tháng Bảy.
Bạn nhắn: “Vu lan - viết cho mùa Hiếu hạnh”, tôi nghe, nước mắt chực trào. Qua bao mùa Vu lan, có mùa nào mình nói được trực tiếp với Má lời thương nào đâu. Một chút động lực, tôi muốn nhờ Giác Ngộ gửi mấy dòng tâm tư đến Ba Má. Nhiều năm trước, nghe tới mùa Báo hiếu tôi ít lưu tâm, bởi hình như Ba Má tôi không chờ con báo hiếu. Nay tôi muốn học và thực hành Hạnh “Hiểu để mà thương”.
Sống nửa đời người, tôi mới bắt đầu hiểu Má - Ảnh minh họa
Làm mẹ mười sáu năm rồi tôi mới lờ mờ nhận ra và biết thương Má mình. Thương đó mà chưa có lần nào nói với Má lời nào. Tôi kiệm lời bày tỏ và nói lời biết ơn với Má. Tôi biết “bức tường” đó nhưng khó vượt qua.
Hồi đó, có nhiều khi tôi hét lên mỗi khi thấy Má không kiểm soát được “cơn lửa giận”. Lúc đó, chỉ nghĩ đến việc so sánh “Má nhà người ta”. Sống nửa đời người, tôi mới bắt đầu hiểu Má.
Thương Má phải chịu nhiều vết thương hằn trong tâm trí, cả lần hồi nhỏ bị tai nạn nho nhỏ mà cũng tổn thương đến trí não. Bao biến cố đã qua, từ khi còn là một đứa trẻ mười tuổi đã phải gánh chịu nỗi đau thiếu tình thương của cha, cùng mẹ gánh vác, coi sóc các em.
Thương Má những lần làm ăn thất bại, mất hết tiền của, vừa trả nợ vừa nuôi con. Bao phen như vậy, cũng mạnh mẽ lắm mới còn sống sót chớ nhiều khi cũng nghĩ tới đường cùng.
Hồi trước, tôi hay trách Má cứ nóng giận, tính khí gì mà “thẳng ruột ngựa”, chuyện gì cũng la ào ào, ầm ầm. Lớn dần, tôi mới hiểu và thấu cảm với “căn bệnh trầm kha”, nỗi đau quá khứ làm tổn hại đến thần kinh của Má rồi. Vậy nên, những lúc sau tôi thấy thương chớ không trách Má nữa. Mình đâu đổi được cha mẹ.
Khi các con lớn, Má lo đi học lớp “Tịnh khẩu”, cũng tìm cách sửa mình để bớt “Khẩu nghiệp”, vậy mà không phải lúc nào cũng quản lý được cảm xúc, cũng nhiều lần bùng nổ. Những lúc như vầy tôi thấy Má khổ quá.
Tôi ước mong, nếu nhận được ơn phước dù mỏng, cũng xin hồi hướng để hóa giải bớt những nỗi khổ của Ba Má. Ba tôi cũng gánh nghiệp nặng, mà “nghiệp sát sinh” đó phần nhiều cũng bởi cơm áo, gạo tiền lo cho bầy con.
Cha Mẹ cũng không chờ con trả ơn, trả hiếu nhưng tôi chỉ mong các em, các cháu của mình, hiểu Ba Má, hiểu ông bà mà thêm thương mà đừng trách mỗi khi có chuyện. Bởi công lao sinh thành và giáo dưỡng của Cha Mẹ thiệt dày. Không biết khi nào mình đáp đền nổi.
Mùa Vu lan lại về, cầu mong mỗi người cha, người mẹ đều được an yên được nhiều phút, nhiều giây.
(Hội quán Các Bà Mẹ)
Mời bạn đọc viết "Vu lan trong tim con" Tòa soạn |