Hơn ba mươi năm chăm hai con liệt giường

GN - Vậy mà, ông bà bảo chưa bao giờ hết thương con. Hàng xóm nói, hai vợ chồng ông thiệt giỏi, nhưng ông bà tâm niệm “hông phải giỏi mà vì mình thương con mình quá nên khó mấy cũng vượt qua được, chú à...”.

IMG_0055.JPG
Ông Tịnh và bà Điều bên hai người con không lành lặn suốt gần 35 năm qua - Ảnh: T.Khôi

Chết lặng khi biết con không lành lặn

Ông bà là Võ Tịnh (sinh năm 1950) và Hà Thị Điều (sinh năm 1952) ở xóm 1, thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam. Về Nông Sơn, hỏi hai vợ chồng có hai con sinh đôi nằm liệt thì ai cũng biết “ông Tịnh ở chân đèo Le” cả, vì hoàn cảnh của hai ông bà quá đặc biệt.

Có năm người con, trong đó có hai người sinh đôi thì người con đầu (sinh năm 1974) bị tâm thần nhẹ, còn hai anh sinh đôi Võ Văn Anh, Võ Văn Em (sinh năm 1981) bị liệt từ nhỏ, không nói năng được, suốt ngày la hét trong vô thức. Ông Tịnh kể, hồi mới sinh hai anh em Anh-Em ra thì thấy bình thường, nhưng nuôi miết không thấy phát triển, cứ nằm cúm một chỗ. Dù nghèo nhưng hai vợ chồng ông cũng lo chạy chữa khắp nơi, bác sĩ bảo cả hai người con của ông bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nên có biểu hiện như vậy.

“Nghe thì hay vậy, hai vợ chồng tôi nghĩ thương con quá, rồi hy vọng còn nước còn tát, cứ chạy chữa hoài, đến nỗi bác sĩ thấy tội nên đã khuyên vợ chồng tôi đừng chạy nữa chứ chạy chữa hoài thì cả nhà không còn gạo nấu...” - bà Hà Thị Điều chia sẻ. Nghe vậy, hai ông bà như chết lặng vì biết, con mình phải mang thân tật bệnh, sống vô thức như vậy suốt đời.

Thời gian trôi, mỗi ngày hai anh em Anh và Em lớn lên nhưng vẫn nằm một chỗ. Hôm chúng tôi đến, chỉ mới tới đầu ngõ thôi đã nghe tiếng hai anh đập tay vào thanh giường gỗ và la hét như có ai đang đánh mình. Ông Tịnh cho biết, hai anh em cứ sống trong biểu hiện đó suốt ngày này qua tháng khác, từ 8-9g sáng đến 23-24g mỗi ngày và đã mấy chục năm rồi.

Hai vợ chồng ông càng ngày càng yếu, sống cùng hai người con tội nghiệp và người con lớn bị tâm thần. Hai người con khác đã có gia đình, ở riêng và cũng nghèo nên không giúp được gì. Bà được cắt cử ở nhà để lo tắm rửa, đút cơm cho anh Anh-Em ăn, còn ông thì mỗi ngày ruộng cạn đồng sâu đến vào rừng phát chồi, trồng cây cho người ta, kiếm ăn từng bữa. Ở cái tuổi ngoài 60, cận kề 70 nhưng ông bà chưa bao giờ có ý định ngơi nghỉ, dưỡng già gì cả bởi vẫn còn đó hai người con đáng thương, suốt 34 năm chưa trưởng thành...

Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng núi cao

Nhìn cách bà chăm hai người con ai cũng thương. Bà cứ nhỏ nhẹ, cứ cặm cụi với việc của mình, hết tắm tới giặt, hết nấu ăn tới đút cơm cho con ăn. “Hai đứa nó như con nít vậy”, bà nói mà rưng rưng khi chúng tôi hỏi về việc ăn uống, đi vệ sinh của hai anh. Rồi ông chia sẻ, ai nghe hai vợ chồng tôi kể chuyện nuôi con cũng... kinh ngạc, vì nó quá hy hữu. Có một người bệnh, bệnh trong thời gian ngắn đã mệt, đã đuối - huống hồ hai người mà những ba mươi mấy năm ròng rã.

Thế nhưng, đối với hai ông bà, việc chăm con là trách nhiệm, là tình thương... nên không có chi đáng nói, đáng kể và không mệt mỏi gì hết. Ông bà ít học, làm nông, quanh năm quanh quẩn trong khuôn viên nhà mình - ngôi nhà nép sát chân núi hoang vu, nhưng tình thương thì vô bờ. Chúng tôi cảm được điều đó khi nghe ông nói: “Con mình mà không thương thì thương ai. Nó bệnh thì càng đáng thương hơn, đáng lo hơn...”.

Quả thật, nỗi lo của ông bà lớn lắm, đó cũng là niềm trăn trở mà theo bà là “không nguôi”, rằng, chỉ sợ mai mốt ông bà già thêm nữa, sức yếu, không còn đủ lực nuôi con, chăm con... Nói rồi, ông nghèn nghẹn, nước mắt ép ra trong khóe mắt đầy chân chim: “Chừ chỉ biết... được ngày mô hay ngày nớ chứ biết răng chừ”.

Hỏi ông, có ai chia sẻ gì để ông bà vượt qua khó khăn này? Ông bà thành thật cho biết Nhà nước có hỗ trợ tháng được mấy trăm, thi thoảng còn có vài người hảo tâm tìm tới thăm hỏi, động viên rồi giúp ông bà chút chút. Tất nhiên, đấy là những món quà tinh thần quý báu, động viên ông bà trong những lúc mỏi tay chèo - vượt dốc nuôi con.

Chia tay hai vợ chồng ông Tịnh - bà Điều, vẳng phía sau là tiếng hét la của hai người con đáng thương của ông bà giữa cái trầm lặng, đắng cay của hai con người tóc bạc phơ. Âm thanh và khung cảnh quạnh quẽ của một chiều se se bên núi rừng cận đèo Le trong cơn mưa chực tới khiến lòng bỗng dâng lên niềm thương lẫn sự mến phục về tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng, cao ngất mà ông bà đã vun đắp gần 35 năm qua...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày