Hungary: Đào tạo thạc sĩ Phật học mang tầm quốc tế

GN - Sau một thời gian liên hệ và đàm phán, Trường đại học uy tín Mahachulongkornrajavidyalaya của Thái Lan và Trường Đại học Phật giáo Pháp Môn (Dharma Gate Buddhist College) ở Hungary đã phối hợp để thành lập một viện đào tạo ở Hungary với tên gọi: Trung tâm đào tạo Phật giáo ở châu Âu (European Buddhist Training Center - EBTC).

Hungary-550x189.jpg


Không gian tâm linh tại Trường ĐH Phật giáo Pháp Môn (Hungary)

Kể từ tháng 9 năm nay, Trung tâm sẽ bắt đầu đào tạo chương trình thạc sĩ Phật học mang tầm quốc tế. Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình giảng dạy là tiếng Anh. Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ được nhận bằng thạc sĩ do Đại học Mahachulongkornrajavidyalaya cấp.

EBTC là một viện đào tạo đặc thù, ở đấy quá trình thực tập về tôn giáo và chương trình nghiên cứu mang tính hàn lâm về Phật giáo được thực hiện song song trong một viện đào tạo trình độ đại học được nhà nước công nhận ở châu Âu.

Trong chương trình đào tạo thạc sĩ Phật học tại EBTC, ngoài việc hoàn thành các môn học bao quát nhiều lĩnh vực, nhiều trường phái khác nhau của Phật giáo, các sinh viên bắt buộc phải tham gia các hoạt động ngoại khóa và một khóa tu kéo dài một tháng ở trong rừng tại Thái Lan.  

Tại EBTC, các giảng viên và sinh viên đều được xem là những người đệ tử Phật bình đẳng, không có sự coi trọng hay khinh thị bất kỳ trường phái nào. Thay vào đó, EBTC nhìn nhận các trường phái Phật giáo đều có giá trị như nhau và đều có hiệu quả đối với những người có khả năng khác nhau. EBTC nỗ lực để nghiên cứu tất cả các truyền thống Phật giáo và tạo điều kiện cho sự phát triển của một truyền thống đặc trưng châu Âu. Trung tâm tạo thuận duyên cho các giảng viên Phật học và các học giả thuộc tất cả các truyền thống Phật giáo đến làm việc và nghiên cứu, không phân biệt thứ bậc.

Đại học Phật giáo Pháp Môn khởi đầu là Hội Phật giáo Pháp Môn (Dharma Gate Buddhist Church), được thành lập vào ngày trăng tròn tháng 5 năm 1991. Hội được xem như là một tổ chức đỡ đầu cho những cộng đồng Phật tử khác nhau ở Hungary, là nơi nối kết những nỗ lực trong nghiên cứu, thực hành và truyền bá giáo pháp và hướng đến việc thành lập một viện giáo dục Phật giáo. Vào thời điểm đăng ký thành lập, hội chỉ có 108 người Phật tử. Không lâu sau đó, hội đã phát triển mạnh và con số hội viên tăng lên đến 2.000 người. Hội hoạt động như là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng, thường tổ chức các buổi hội họp, các khóa lễ, khóa tu thiền, các nghi lễ, các buổi giảng pháp, các buổi hội thảo và các cuộc triển lãm Phật giáo. 

Cũng trong năm 1991, Ban Điều hành Hội đã quyết định thành lập Trường Đại học Phật giáo Pháp Môn và thu hút nhiều học giả, triết gia, nhiều nhà nhân chủng học… từ các viện hàn lâm trên thế giới đến tham gia đào tạo và nghiên cứu. Nhờ vậy, chương trình học của trường không chỉ bao quát các chủ về Phật giáo mà còn có cả những khóa học về triết học phương Tây, tôn giáo và các ngôn ngữ như Sanskrit, Tây Tạng, Hoa ngữ, Pali, Nhật ngữ và cả tiếng Mông Cổ.

Đến năm 1999, trường được nhà nước công nhận và trở thành viện giáo dục đại học Phật giáo đầu tiên ở châu Âu được nhà nước thừa nhận và ủng hộ. Trường đào tạo chương trình giáo dục đại học và thạc sĩ Phật giáo chất lượng cao.

Năm nay là lần đầu tiên nhà trường đào tạo chương trình thạc sĩ Phật học bằng cấp quốc tế với sự hợp tác cùng Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya dưới sự điều hành trực tiếp của Trung tâm đào tạo Phật giáo ở châu Âu. 

Chương trình học tập trung và kéo dài trong hai năm. Để biết thêm thông tin về khóa học, mời ghé thăm website của trường tại địa chỉ: ebtc.hu.

Minh Phú giới thiệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày