Hương đức hạnh thơm ngát Xuân kinh

Bài đăng trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão 2023 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/ Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão 2023 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/ Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đoan Huy Hoàng Thái hậu, còn gọi Đức Từ Cung, được biết đến là vị Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Ngài đồng thời là một Phật tử thuần thành, nhiệt tâm trong việc hộ đạo bằng những hành động vô cùng đáng quý, cũng như sống cuộc đời mẫu mực của một vị cư sĩ tại gia.

Dưới triều Nguyễn, các vị vua thường giữ sự trung dung về tôn giáo, tôn trọng Nho giáo với vai trò học thuật. Về mặt gia đình, các bà trong nội cung thường chủ động về mặt tín ngưỡng. Ngay sau khi thống nhất đất nước dưới thời vua Gia Long, các bà đã chủ trương trong việc xây dựng lại các ngôi chùa bị tàn phá trong chiến cuộc cũng như xây dựng mới nhiều ngôi chùa. Ngay ở miền Nam có thể kể một số chùa như: Từ Ân, Kim Chương hay Khải Tường – đánh dấu nơi vua Minh Mạng chào đời. Việc này, trước hết thỏa mãn tín tâm của họ về truyền thống tin Phật của hoàng tộc Nguyễn.

Sau khi định đô ở Phú Xuân, Hiếu Khương Hoàng Thái hậu - sinh mẫu của vua Gia Long đã đứng ra trùng tu lại chùa Báo Quốc, cũng như bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu đã tu sửa chùa Thiền Lâm. Từ đó, trở thành nếp, qua nhiều đời vua, các bà trong nội cung luôn hết lòng hộ trì Phật giáo gìn giữ truyền thống tin Phật, thờ Phật của hoàng tộc.

Đoan Huy Hoàng Thái hậu, còn gọi Đức Từ Cung, là vợ vua Khải Định, sinh mẫu của vua Bảo Đại. Bà là Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Mặc dù có xuất thân bình dân, tuy nhiên, theo di chiếu của vua Khải Định rằng “tử quý mẫu vinh”, vì là sinh mẫu của trữ quân nên đã trở thành Hoàng Thái hậu sau khi vua Bảo Đại đăng cơ.

Trên cương vị Hoàng Thái hậu, đồng thời cũng là vị Phật tử thuần thành, đã có công đức lớn, có đóng góp rất nhiều trong phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Trước hết, bà đã góp phần rất lớn trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản rất long trọng tại Quốc tự Diệu Đế, sau đó tổ chức cuộc rước Phật lên chùa Báo Quốc do Hội An Nam Phật học chủ trương. Ngay trong việc thành lập Hội An Nam Phật học do cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Hội trưởng, thông qua sự thuyết phục của Sư bà Diệu Không với hai bà Thánh Cung và Từ Cung, tức bà nội và mẹ của vua Bảo Đại đã tác động với Nam triều cho phép thành lập Hội An Nam Phật học và tổ chức Đại lễ Phật đản long trọng như thế.

Năm 1947, sau khi thực dân Pháp tái chiếm Huế, chùa Linh Mụ, cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Huế bị Pháp đánh phá và chiếm đóng. Hòa thượng Thích Đôn Hậu bị Pháp bắt, tra tấn và sắp bị mang ra bắn chết. May nhờ có người thông báo cho Sư bà Diệu Không biết để tức tốc chạy vào cung thông báo cho bà Từ Cung. Nhờ sự can thiệp tức tốc của bà, Pháp đã đồng ý thả ngài Đôn Hậu, một vị cao tăng đã có đóng góp rất lớn với sự phát triển của Phật giáo Trung Việt.

Năm 1953, khi ngài Trưởng lão Narada mang 3 viên xá-lợi Phật sang Việt Nam, một trong số đó đã được trao cho bà Từ Cung. Hai năm sau, Hoàng Thái hậu Từ Cung đã hiến cúng Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đang là Hội chủ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam để trao lại Hội Phật học Nam Việt, tôn thờ vĩnh viễn tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn.

Đến khi triều Nguyễn đã cáo chung, vua Bảo Đại sang Pháp và sống tại đó cho đến cuối đời, Đức Từ Cung vẫn tiếp tục ở lại Huế, góp công trùng tu nhiều ngôi chùa lớn như Thánh Duyên, Diệu Đế, Từ Ân, Phổ Quang… hưng công xây dựng chùa Khải Đoan (Đắk Lắk) và ủng hộ rất nhiều trong việc phát triển các Ni viện tại Huế như: Diệu Đức, Hồng Ân, Diệu Viên.

Đồng thời, một công lao không thể không nhắc đến đó chính là việc Đức Từ Cung đã bỏ tư sản của mình ra bảo tồn cổ nhạc, để bây giờ, chúng ta có cơ sở để phục hồi các vũ điệu Phật giáo, thông qua việc duy trì hoạt động của đội Ba Vũ trong suốt nhiều năm, khoảng từ năm 1957 đến 1968.

Đến sau năm 1968 cho đến năm 1975, nhờ uy tín của ngài, ông Mai Thọ Truyền bấy giờ là Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa của chính quyền Sài Gòn (1965-1973) đã đồng thuận tài trợ ngân quỹ để chi trả lương bổng cho nhân sự của đội Ba Vũ. Đó là những hoạt động có tính cách bảo tồn lễ nhạc truyền thống, mà cho đến nay di sản đáng quý này vẫn còn được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo quan trọng tại cố đô.

Khoảng những năm 1978-1979, sau khi Bắc-Nam thống nhất, trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu đi, lo sợ thất lạc bộ Đại tạng kinh được in ấn dưới thời chúa Nguyễn, vốn được phụng thờ tại cung An Định, Đức Từ Cung đã cho người mang lên tiến cúng vào chùa Báo Quốc. Bộ kinh này vẫn còn lưu giữ tại đây cho đến ngày nay. Hay có những đồ thờ tự được tiến cúng vào các chùa; các loại gấm vóc cung đình cũng được ngài cúng dường để làm thành những bộ tràng phan, bảo cái, may các bộ y pháp, mũ mão cho các vị cao tăng đương thời.

Có thể thấy dù thời kỳ nào, ở vị trí cao quý là một bà mẹ vua, hay thời thế thay đổi, trở về sinh hoạt bình thường như bao nhiêu người khác, Đức Từ Cung vẫn luôn giữ tấm lòng thành của một người Phật tử, hướng về Phật, ăn chay niệm Phật, tĩnh tâm vào mỗi mùa an cư, một lòng hộ trì đạo pháp trong gần trọn đời mình.

Những ngày đầu xuân, bên chén trà thơm, kể chuyện người xưa, nhắc nhớ hạnh đức của tiền nhân, âu cũng là để chúng ta tự răn mình phải luôn ý thức gìn giữ vốn liếng đã được thừa hưởng, phát huy thêm giá trị tinh thần để giúp đời sống thêm phong phú. Như thế cũng là cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà thêm phần tốt đẹp vậy.

Lương Hoàng ghi theo lời kể của Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày