Hương Tết chùa xưa

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thế hệ của chúng tôi, lớn lên trong thời kỳ đất nước chia cắt, khoảng những thập niên 50 - 60 là giai đoạn tương đối yên bình giữa chiến cuộc, nên tuổi thơ tôi trôi qua trong sự nhẹ nhàng, yên ả.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, từ sớm, tôi đã có dịp thân cận với chốn thiền môn. Thưở nhỏ, tôi được gia đình cho theo học Trường Bồ Đề Thành Nội, một trong những ngôi trường Bồ Đề đầu tiên do Phật giáo thành lập tại Huế. Tại đây, tôi được theo học giáo lý đạo Phật với các sư cô mà sau này, nhiều vị trở thành các Ni trưởng rất nổi tiếng trong Ni giới như: Sư cô Mạn Đà La, Sư cô Diệu Lý, Sư cô Diệu Tấn. Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia đoàn Oanh vũ của Gia đình Phật tử Tịnh Bình. Cho nên, đời sống của tôi khi còn bé được vui trong niềm vui rất tốt đẹp với sự dạy dỗ trong môi trường thuần hậu của đạo Phật.

Lên cấp 2, tôi vẫn theo học Trường Bồ Đề. Bấy giờ, tôi bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về mọi thứ diễn ra xung quanh, có thể tự mình cùng bạn bè đạp xe lên chùa chơi. Cũng bởi sinh ra trong một gia đình chánh tín Tam bảo, tôi có được mối thân cận với các ngôi chùa, nơi mà ông bà cha mẹ mình có công đức hay quy y ở đó, trong đó có chùa Vạn Phước và Diệu Đức, hai nơi mà tôi thường lui tới trong những dịp quan trọng.

Huế là một thành phố nhỏ, người dân phần nhiều theo đạo Phật, vì vậy những dịp Tết hay lễ lạt như Phật đản, Vu lan, những ngày rằm, mồng một là những dịp rất vui. Người ta lui tới chùa trước là để lễ Phật, sau dùng cơm chay thân mật với nhau. Cũng cần nói thêm, những kỳ lễ ấy, các chùa ở Huế đều nấu cơm chay để thiết đãi bá tánh, ai đến chùa cũng có thể ngồi vào chung bàn ăn, bất kể là những người lao động nghèo hay các gia đình quyền quý, giàu sang. Điều đó thể hiện được một cách sinh động nhất tinh thần bình đẳng trong đạo Phật.

Lên trung học, có mùa an cư, tôi và 2 người bạn xin lên ở chùa Vạn Phước để hiểu thêm về nếp sống của nhà chùa. Ở Vạn Phước, tôi có vài người bạn đồng song là các chú Sa-di như chú Phước Tịnh, Phước Toàn, Phước Trí,… giờ đều đã là các vị Hòa thượng. Cũng trong lần đầu tiếp xúc trực tiếp với nếp sống nhà chùa, tôi không khỏi có nhiều điều bất ngờ. Là bạn bè với các chú Sa-di, thỉnh thoảng ghé chùa chơi, giữa tôi và các chú không hề có nhiều khoảng cách. Thế nhưng, trong lúc an cư, ở chùa, chúng tôi buộc phải tuân theo phép tắc của thiền môn.

Có một lần, khi đang ngồi ăn nhẹ bữa chiều cùng các chú, Ôn Vạn Phước (tức Hòa thượng Giác Hạnh, khai sơn chùa Vạn Phước, Huế) đi từ liêu xuống, nhìn một lượt rồi dạy: “Mai mốt dọn cho mấy trò này ăn riêng. Quạ đen với quạ trắng không nên ngồi chung ăn với nhau được!”. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên và buồn lòng về lời dạy của Ôn.

Đến tối, Ôn Tâm Hướng, bấy giờ là trụ trì chùa, mới gọi chúng tôi lên và nói rằng Ôn nói quạ đen với quạ trắng vậy là có ý ví von người tu khác với người đời ở chỗ… trên đầu có tóc với không có tóc, chứ không phải chê trách gì chúng tôi. Quý Ôn xưa luôn tin rằng người tu, sống trong chốn già-lam, thường hay có thiện thần, Hộ pháp theo hộ trì, nếu người đời như chúng tôi không giữ phép tắc, khoảng cách, sợ “họ” sẽ phiền lòng mà quở phạt. Vậy mới thấy, tấm lòng từ bi của quý Trưởng lão đối với hàng hậu học thể hiện ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Hay như cũng trong mùa an cư đó, mỗi buổi sáng, chúng tôi đều phải thức dậy từ sớm để cùng với quý thầy và các chú lên chánh điện để công phu khuya. Có lần, anh em học trò chúng tôi, theo lời mách của một chú, cũng dậy thu vén mùng mền gọn gàng xong… chui xuống gầm giường ngủ tiếp. Chẳng biết sao, sáng hôm ấy, có chú điệu nào đi mách lại, Ôn Vạn Phước tìm xuống khu chúng tôi ở.

Nằm dưới gầm giường, chúng tôi nghe tiếng dép Ôn đi lẹt xẹt, cứ tưởng Ôn lên chánh điện, ngờ đâu một lúc sau Ôn đã ở trong phòng, lấy gậy quậy xuống gầm giường làm chúng tôi phải lồm cồm chui ra. Ôn quở: “Mấy trò muốn ở chùa, thì phải dậy sớm lên công phu với quý thầy, chớ không kiếp sau đọa làm rắn đó nghe!”. Từ đó, chúng tôi đâm sợ, bỏ được tật ngủ trốn đó. Nếp đó ăn vào trong mình, đến bây giờ, tôi vẫn có thói quen dậy sớm công phu hàng ngày.

Ngày nay, sự quan tâm kỹ lưỡng đến nội chúng ở các chùa như các ngài xưa hình như đã vơi đi ít nhiều. Năm tôi ở chùa mùa an cư ấy, Ôn Vạn Phước đã độ tám mươi, vậy mà vẫn còn giữ sự quan tâm, gần gũi đến mọi người trong nội chúng, xem thử các chú, các thầy ăn ở thế nào. Điều đó góp phần nào vào sự kỹ lưỡng trong nếp sống chùa xưa.

Chùa Huế vào dịp Tết rất vui, và với riêng tôi, cũng gắn bó nhiều kỷ niệm. Ở Huế, dịp tháng Chạp thường có chợ hoa Tết với đủ loại hoa màu được nông dân từ các làng quanh thành phố chở về bán, tạo nên một không gian đầy màu sắc, vui vẻ. Những dịp ấy, các chú, các thầy trẻ cũng rủ nhau ra chợ Tết để xem.

Một năm nọ, vào tháng Chạp, tôi cùng một vài người bạn lên chùa Vạn Phước để phụ với các thầy, các chú dọn dẹp, đánh bóng lư đồng, lau chùi đồ thờ,… Nhưng lần đó, đến tận 29 Tết, mọi việc vẫn chưa làm xong. Khi đó đã gần chiều, ai cũng sợ chợ Tết dẹp mất, vì thời ấy, trừ những người nghèo cố bán thêm đến 30 Tết, còn lại đến chiều 29, ai cũng lo dọn hàng để về lo công chuyện Tết ở nhà mình.

Thấy các chú xôn xao, Ôn Tâm Hướng mới lên bảo: “Thôi mấy đứa con vô sửa soạn rồi đi xem chợ Tết đi chớ để người ta dẹp mất”. Thầy Phước Tịnh mới thưa: “Bạch Ôn, vậy rồi ai sẽ thỉnh chuông chiều?”. Ôn mới nói: “Thôi cứ đi đi, để đó thầy thỉnh cho”. Vậy là các chú cùng chúng tôi kéo nhau đi xem chợ Tết, còn Ôn ở nhà thỉnh chuông chiều hôm đó, xếp đặt lại vài thứ để tối các chú về làm tiếp.

Vậy nên, bên cạnh những quy củ nhiệm nhặt, mối liên hệ thầy trò trong chốn thiền môn ngày trước cũng chứa đầy tình cảm. Vị thầy không chỉ quản chúng, mà còn quan tâm đến tình cảm, suy nghĩ của các thành viên trong chúng, chứ không quá cách biệt. Thế hệ bây giờ, trong xã hội hiện đại, giữa cha mẹ và con cái đôi khi còn có sự xa cách với nhau, tình cảm nhạt nhẽo đi nhiều phần, thiếu sự thấu hiểu nhau. Tết nay, ngồi ngẫm lại đôi ba chuyện xưa, mới thấy rõ tình thầy trò trong cửa chùa như đã kể mới thật đáng quý biết bao nhiêu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày