Hương sắc chùa Huế

Hương sắc chùa Huế
Vườn chùa và kiến trúc chùa Huế là một kiệt tác mẫu mực giữa tâm và cảnh. Tâm cảnh viên dung thì thế giới mới tròn đầy và mùa Xuân thường tại khắp cả thế gian. Cảnh quan của danh lam cổ tự tuy không đồ sộ mà e ấp kín đáo, không lộng lẫy tân thời mà uy nghi trầm mặc như tính cách của chính Huế vậy. Xuân kinh cũng là Thiền kinh, tuy hai mà một, ẩn hiện dưới những tàng lá xanh, giao hưởng giữa Thiên – Địa – Nhân, không mấy khi ồn ào, sôi động mà đã sưởi ấm lòng người.


Một không gian mà tâm – tình – cảnh – đạo quyện lẫn vào nhau, ở đó Xuân đạo tiệm cận với Xuân đời:

“Chầm chậm Xuân về lòng đất chuyển
Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương
Tâm linh một thoáng bừng giao cảm
Lặng hết bao nhiêu lớp sóng còn”.

(Giao cảm – N.H.)

Đầu năm mới, dạo quanh vườn chùa là cái thú tiêu dao của người sành điệu. Du khách có dịp thưởng thức sự giao hòa tuyệt diệu giữa mùa Xuân đất trời và mùa Xuân lòng người, đưa hồn vào với làn hương hoa cỏ, lắng nghe âm thanh rì rào như cung đàn muôn điệu của suối khe và tiếng ca rộn rã trầm bổng của chim muông đang hát mừng ánh dương mới:

“Xuân về trước ngõ
Mai nở vàng sân
Sư ung dung bước
Chim hót trên cành”.

(Xuân – Nhuận Thường)

Xuân trong chùa Huế do vậy mà ấm tình đạo vị, khoảng cách giữa người với người, giữa thầy với trò gần gũi nhau hơn. Ngoài thế gian, quý nhất là gia đình sum họp của nhiều thế hệ cháu con, còn trong chùa thì đầm ấm thiêng liêng là tình cảm đôn hậu, khiêm cung tâm-tâm ấn-ấn giữa thầy và trò.

Sau ba hồi chuông trống Bát nhã đón giao thừa, xông lên một lò trầm, chế một bình trà thật thơm, dâng một đĩa mứt gừng ngọt ngọt cay cay, vị đệ tử đầu cùng pháp đệ của mình y áo chỉnh tề đảnh lễ chúc thọ sư phụ và các vị cao niên trong chùa, để xin lời giáo huấn đầu năm.

images10950_hue24_b.jpg

Mùi trầm hương thơm ngát, lời giáo huấn từ từ thấm sâu vào tâm khảm mọi người:

“Xuân khứ xuân lai nghi xuân tận
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân”

(Chân Quang)

Ngày mùng một Tết là ngày nhộn nhịp nhất của nhà chùa. Bổn đạo Phật tử gần xa và người dân xứ Huế có tập tục lên chùa lễ Phật sớm:

“Trong vườn hoa vừa nở
Cô em đến đúng mùa
Đọc xong bài thơ cổ
A nh đưa em viếng chùa”

(Vô đê – Phương xích-lô)

Không hẹn trước mà ai nấy đều trang nghiêm, liên nghĩ đến quá khứ, hiện tại và tương lai, để mong cầu cho tâm hồn được sáng trong, không còn vương vấn với bụi trần.

Thiết tưởng, đã đến chùa thì tuyệt nhiên không có chuyện đi hái lộc và xin lộc, coi xăm bói quẻ đầu năm. Tâm tư đi chùa của người Huế thật dung dị, nhẹ nhàng, sâu lắng và kín đáo, không khoe khoang mốt này mốt nọ, tinh tế tự nhận ra nơi mình một tình cảm chung thủy với nếp xưa, thiết tha gìn giữ hương vị mùa Xuân truyền thống. Lên chùa lễ Phật mà đồng thời cũng là dâng nén hương lòng với người thân được ký tự, quanh năm suốt tháng có thiện duyên thấm nhập hương thiền:

“Chắp tay cầu nguyện thanh bình
Buồm xuôi gió thuận gập ghềnh qua nhanh
Đêm nay Nguyên đán tâm thành
Nghe hương trầm thoảng về quanh mái nhà”.

(Xuân cầu nguyện – Huyền Không)

Từ bao giờ cho đến bây giờ, nhà chùa là nơi che chở ôm ấp cho tâm hồn con người chuộng đức tin mà không sa vào hình thức phô trương phù phiếm. Đến chùa là để thắp nén hương lòng, dâng lên thành hương đạo, tuyệt nhiên không có cảnh ai ai cũng dâng hương một cách ngút ngàn. Khách đến chùa, trước lễ Phật, sau thăm hỏi chuyện trò vui vẻ với quý Ôn quý thầy, cầu chúc tốt lành:

“Xuân đa cát khánh
Hạ bảo bình an
Thu tống tam tai
Đông nghinh bách phước”.

Ảnh hưởng của đạo vào đời thật là sâu lắng. Mọi người hiểu và thấm nhuần được tinh thần Phật giáo “Tâm thanh thế giới thanh” cho nên họ hiểu Xuân lòng mới là Xuân miên viễn, mà phấn chấn tinh thần gạn đục khơi trong. Đẹp gì bằng lánh xa những tác hại đua đòi, sa ngã vào chốn bùn nhơ, để hướng đến xây dựng một xã hội phú xuân phú cường. Vì thế mà cảnh sắc chùa Huế rất tĩnh mà cũng rất tịnh so với các nơi khác.

Tình Xuân, tình đạo, tình người hòa quyện là một thì đạo pháp mới trường tồn và vẻ vang. Ngày xưa, mỗi khi Xuân về, quý Ôn thường đi thăm hỏi và tặng quà cho bà con làng xóm mà bất luận là bổn đạo hay quần chúng chưa là Phật tử, quà thì chẳng có là bao, lạng trà, gói bánh hay một nhành mai... nhưng dường như đã gợi lên một tình cảm ưu ái và cảm hóa khó tả nên lời.

Cố Hòa thượng Hải Đức (1875-1963), người lớn tuổi thì gọi là Phật sống, trẻ thơ thì kêu là ông Bụt. Ôn thường chỉ hỏi chuyện làm ăm, mùa màng thất bát của bà con làng xóm. Đặc biệt trong những năm chiến tranh ác liệt, Ôn đã che chở và cho đất những người gặp phải hoạn nạn dựng nhà, sớm hôm nương náu cảnh Phâốt chí thú làm ăn hướng thiện... Cảm nhận được tình thương của một vị Phật sống, chủ nhà như đã hít vào một làn hương Xuân đạo vị rồi.

Lạ thường, có một Ôn Trúc (1907-1992) cương nghị rắn rỏi như bản chất của cây tùng vạn niên trong rừng Thiền Trúc Lâm. Nét thiền đăm chiêu của đại lão Hòa thượng như soi rọi tận đáy lòng của những người một thời quyền quý cao sang, văn hoa chữ nghĩa, kiều diễm kiêu sa mà bỗng chốc vô thường chín đến khiến họ rơi xuống bên bờ vực thẳm. Nhờ cái nhìn tế độ của Ôn mà họ có thể vực dậy để đi lên, trụ vững giữa đời với một phong cách mới, bắt kịp hơi thở của thế đạo nhân tình, để tìm về cảnh Xuân trong quỹ thời gian còn lại ngắn ngủi của đời người.

Ôn Báo Quốc (1919-1984), Ôn Từ Đàm (1921-2001)... Quý Ôn đều rất thương người cô đơn cô quả, nghèo xác nghèo xơ, sa cơ lỡ vận, nên năm nào cũng vậy, sai phái quý thầy lớn tuổi đến tận từng nhà cấp phát gạo nếp, bánh trái và mừng thêm một số tiền ít ỏi, để họ đón một cái Tết vui vẻ, khỏi tủi phận nghèo:

“Cỏ hoa tươi tốt, gió Từ bi thổi mát sinh linh
Mây núi chập chùng, trăng Bát nhã lồng soi vũ trụ”

(Câu đối – HT.Thiện Siêu)

Nhiều cụ già râu tóc bạc phơ ở vùng đất Bồi Thành ngay giữa dòng sông Hương kể rằng: Mỗi năm đầu Xuân, ngày mùng một Tết, Hòa thượng Pháp Hải (1928-1988) cùng bổn đạo Phật tử ra trươỏc tượng đài Mẹ hiền Quán Thế Âm làm lễ và thả ba con bồ cầu trắng để cầu nguyện an lạc khắp cả tám hướng mười phương.

Và còn rất nhiều những hương sắc lung linh huyền nhiệm khác nữa khắp chốn Thiền môn mà trước chẳng biết sau, sau chẳng biết trước, làm sao kể hết.

Tình Xuân ấy đã truyền thừa từ ngàn xưa, vì thế mà rất nhiều ngôi chùa ở Huế mang tên Xuân, tên An, tên Lạc. Phải chăng người dân Thuận Hóa ngày xưa đã nhìn thấu được sự sinh động đầy sắc Xuân trong chùa mà đặt tên?!

Như đến chùa Trường Xuân thì “bốn mùa trông có vẻ Xuân”, chùa Diên Xuân quanh năm cỏ đồng đưa thoảng mùi hương, chùa Phú Xuân, chùa Xuân Phú trong chùa dồi dào sắc Xuân, chùa Dương Xuân, chùa Xuân Dương lung linh giọng đồng ngân xa, tràn ngập ánh Xuân. Mỗi ngôi chùa là một nét đặc trưng của nàng Xuân kiều diễm ở chốn đế kinh. Đến chùa tức gặp được Xuân, cầu mong người người luôn sống như Xuân vui tươi hướng thiện.

Nào là chùa Xuân An, chùa Kim An, chùa Hòa An... đến chùa chắc gặp bình an, an bình, cầu mong quanh năm sống khỏe dài lâu. An là an tâm, có an tâm mới lạc nghiệp.

Như vậy Xuân trong chùa Huế là Xuân an lạc. Phật tử Huế đi chùa là để cầu được thường lạc. Cho nên bất kể ở đâu có chùa có Phật có tháp là mọi người đều đến chiêm bái, nương náu...

Ngang qua đầu múi Nam cầu Trường Tiền gặp Đài kỷ niệm Thánh tử đạo, người Huế ngả nón sập dù (ô) nguyện cầu thánh thiện... Đến Trung tâm Văn hóa Phật giáo, vào dâng nén hương đảnh lễ và chiêm bái Tổ sư Liễu Quán rồi mới tỏa ra muôn nơi.

Sắc Xuân chùa Huế là sự hòa quyện hương lam từ chốn thiền môn lan tỏa khắp núi rừng của miền sông Hương núi Ngự, cùng với tiếng chuông chùa vang vọng đến tận hư không...

Xuân năm nay, Xuân của năm Thân, cầu mong mọi người nhận diện cuộc đời bằng con đường chính trực, thì tin chắc rằng mùa Xuân sẽ trở lại mãi cùng bên chúng ta:

“Hỏi ai, ai nhớ Xuân muôn thuở
Xuân tại lòng ta mới thật là”.

(Xuân đạo – Thích nữ Diệu Không)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.

Thông tin hàng ngày