GN - Tiếp tục loạt bài này, chúng tôi xin được giới thiệu ĐĐ.Thích Trí Dũng - vị thầy đem đến cho người nghèo những phần cơm tuy nhỏ nhưng đã làm ấm lòng biết bao nhiêu trái tim…
Hoa lòng từ tuổi thơ
Là người gắn bó tuổi thơ cho đến ngày khôn lớn với mảnh đất Cần Đước, tỉnh Long An, sinh trưởng trong một gia đình có bảy anh chị em (bốn trai, ba gái), thầy là con trai út trong số bốn người con trai. Năm lên 8 tuổi thầy quy y, rồi sau đó xuất gia tại chùa Quang Minh (tọa lạc tại số 1B, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), nối gót hạnh nguyện tu hành từ gia đình khi mà ông, cha và anh trai của thầy trước đó đã xuất gia đầu Phật.
Góc chùa Quang Minh, nơi trở về nương tựa tâm linh của nhiều người -
cũng là nơi chia sẻ những phần cơm mang hương vị từ bi - Ảnh: L.Đ.L
Sống trong ánh sáng từ bi của Phật, tấm lòng chan chứa yêu thương như một đóa hoa chớm nở, thầy đã nghĩ ra ý tưởng phát cơm cho người nghèo. Nhưng do tuổi nhỏ, thấy sức mình chưa lo nổi công việc phát cơm nên thầy đã đưa ý kiến này đề xuất lên TT.Thích Đức Hảo - một vị sư mà thầy rất yêu quý và kính trọng. TT.Đức Hảo cho đây là một ý tưởng hay, mang tính nhân văn cao nên công việc phát cơm có từ đó - từ ý tưởng của chú tiểu còn nhỏ tuổi nhưng luôn hướng tâm đến người nghèo.
Khi trưởng thành, thấm nhuần lời dạy của Đức Phật và truyền thống quý báu của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, thầy cảm nhận mình đã đầy đủ duyên lành và khả năng thực hiện ước mơ phát cơm cho người nghèo mà lúc nhỏ thầy chưa làm được.
Năm 2010, được sự tin tưởng và nhất trí cao của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Long An, thầy chính thức được bổ nhiệm về trụ trì chùa Quang Minh. Tại đây, thầy đã lập ra ban cơm chay “Hương vị Từ Bi”, vận động quý Phật tử cùng bà con, hàng xóm chung tay giúp đỡ bữa cơm cho người nghèo với phương châm “lá lành đùm lá rách”. Bếp cơm nhỏ lúc mới hình thành chỉ tặng 50 phần mỗi ngày, nhưng tiếng lành đồn xa nên mọi người đều cảm thấy công việc và hạnh nguyện của thầy thật sự đáng ủng hộ. Từ đó, mọi người chung tay giúp sức, mỗi người một ít, từ rau củ, gạo, đường, dầu…, còn ai có sức lực, tinh thần thì cũng chung một tay nhằm xây dựng quán cơm giống như tên gọi của nó để hương vị từ bi lan tỏa khắp nơi nơi - đến với những con người đang ngày đêm phải lo lắng về miếng ăn túng thiếu.
Với nụ cười luôn nở trên môi, dù mệt, những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt…, thầy vẫn nói vậy mà vui, sau những giờ phút tất bật với công việc phát cơm, công việc Phật sự. Đôi lúc thầy không giấu được nỗi buồn lo, lo cho những con người khó nhọc, có nhiều người đối với họ miếng ăn là chuyện bình thường, nhưng cũng có không ít người miếng ăn hàng ngày là cả một nỗi lo toan.
Lãnh đạo chính quyền địa phương vô cùng phấn khởi trước việc làm của một vị thầy trẻ luôn mang đến tình cảm ấm áp… Từ sinh viên đến cô bán rau và nhà doanh nghiệp gần đó nghe đến tên của thầy đều không ngớt lời khen ngợi. Có những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thầy đã cấp phiếu ăn trong vòng một năm cho họ, để họ yên tâm lo chi phí khác trong gia đình.
Hiện tại thầy phát một ngày khoảng 300 phần cơm, vị chi mỗi phần 8.000 đồng, tổng chi phí cho một ngày vào khoảng 2,4 triệu đồng. Với số lượng phát nhiều như thế, thầy đã vô cùng lo lắng cho nhân sự trong việc nấu nướng, dọn dẹp vì Phật tử đa phần ở xa chùa, điều kiện đi lại cũng như công việc có nhiều khó khăn. Khi nào có đông nhân sự thì tầm 3g sáng, thầy cùng mọi người đã tất bật chuẩn bị cho kịp giờ phát cơm; còn khi ít người thì khoảng 12g đêm thầy chuẩn bị những gì cần trước, kéo dài khoảng thời gian trong giai đoạn không có đủ người… Khi nào thiếu thợ nấu thầy cũng thử trổ tài, “ai có ngờ thầy nấu cũng tàm tạm” (thầy cười, hoan hỷ chia sẻ - PV).
Tuy là phát cơm từ thiện nhưng món ăn có đầy đủ, từ canh, xào, kho chiên…, rất hấp dẫn. Thời gian đầu phát cơm không ai biết, thầy phải nhờ trưởng khu phố thông báo đến từng nhà, không thì các em tình nguyện viên đi phát tờ rơi để mọi người cùng biết.
Ngoài ra, tháng nào thầy cũng mời giảng sư của GHPGVN tỉnh về thuyết pháp trong Khóa tu một ngày, giúp cho quý Phật tử được học hỏi Phật pháp, nhất là ở nơi mà điều kiện tu học vẫn còn khó khăn, cách trở. Đồng thời, vào các Chủ nhật, thầy còn tổ chức tụng kinh, trong đó có nhiều bạn học sinh, sinh viên đều đến tham gia nhiệt tình.
Ước mơ cho đời, hiếu đạo với mẹ
Với tấm bằng Thạc sĩ Kinh tế, đối với nhiều người, họ có thể đi theo chuyên môn của mình, một con đường rộng mở phía trước có cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng thầy đã từ bỏ. Ý nguyện của thầy là được làm một bông hoa trong ngàn vạn bông hoa, một giọt nước giữa đại dương vô tận góp phần nhỏ yêu thương, tô điểm cho đời thêm ý nghĩa.
"Đem miếng cơm chia sẻ với cuộc đời cũng chính là
đem giáo pháp yêu thương Phật dạy sẻ chia tới mọi người..." - Ảnh: H.Vân
Được HT.Thích Hoằng Chánh chỉ định làm trụ trì của chùa, bao năm qua trên cương vị là người đứng đầu bổn tự Quang Minh, thầy luôn trăn trở về cuộc sống, cách nào có thể giúp đỡ được hết tất cả mọi người dù biết điều đó là không thể. Nhưng với tình yêu thương và trân quý giá trị cuộc sống, thầy luôn muốn nuôi dưỡng những điều tốt đẹp đó bằng cách làm những công việc thiết thực, những ý định sáng tạo từ việc dọn dẹp các ngôi miếu hoang ở ngoài đường cho sạch đẹp, đến ý định phát cơm đi xa hơn nữa cho người dân bằng cách liên kết với các chùa cho tiện việc chế biến và nấu nướng, thầy sẽ cung cấp nguyên liệu và nếu cần thầy sẻ chia Phật tử qua chùa để phụ giúp...
Thầy mong muốn có được điều kiện vật chất tốt hơn, thường xuyên tổ chức nhiều khóa tu hơn nữa cho mọi người, ước mơ có điều kiện để in ấn kinh sách tặng cho mọi người. Hiện tại, nếu chùa nào cần, thầy sẽ liên hệ với chùa Phổ Quang xin ấn tống.
Lo cho đời là vậy nhưng với phận làm con, thầy vẫn luôn chu toàn. Hiện nay, thầy còn một người mẹ già đã ngoài 80, cụ bà không còn minh mẫn như trước. Ban ngày thầy lo việc ở chùa, ban đêm thức canh mẹ vì sợ cụ tuổi cao sức yếu… Hỏi thầy có cảm thấy mệt không, làm sao thầy có thể chịu đựng nổi với quỹ thời gian ngắn để nghỉ ngơi; thầy lại cười, ngủ một ngày vài tiếng cũng xong, thầy không ăn cũng vẫn sống được. Chính nụ cười này đã giúp thầy xua tan bao nỗi buồn phiền trong cuộc sống, chính nụ cười an lạc này đã nuôi dưỡng tâm hồn thầy, nuôi dưỡng một cây cao luôn đem bóng cả từ bi của nhà Phật đến với mọi người.
Cô Phùng Quần Ái (đường Bà Hom, Q.6, TP.HCM) biết đến chùa nhờ vào một khóa tu học, thấy việc làm của thầy rất thích. “Bây giờ thật, giả khó phân biệt, ai cũng nói là từ thiện nhưng chưa chắc đã được như vậy, nhưng khi đến chùa thấy thầy tất tả ngược xuôi, dốc lòng dốc sức lo từng bữa cơm cho người nghèo, bản thân tôi rất nể phục thầy”, cô Ái bộc bạch.
_____________
Đọc bài kỳ 1: Vị Tăng trẻ chuyên phát cơm cho bệnh nhân ||
Bài 3: Nhóm Tự Tâm và câu chuyện thiện nguyện ấm lòng (đăng Giác Ngộ số 741, ra vào ngày mai, 24-4)