Như chúng ta đã biết qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trong số các kênh trong hệ thống truyền hình AVG mới vừa lên sóng vào ngày 11-11-2011 vừa qua, có một kênh được giới thiệu là kênh An Viên, với nội dung chủ yếu là văn hóa phương Đông, đạo đức dưới ảnh hưởng của Phật giáo. Kênh An Viên có logo là một hoa sen trắng.
Một kênh truyền hình văn hóa, đạo đức dành cho mọi lứa tuổi (tức là phải phù hợp với các em thiếu niên, nhi đồng, cho đến các khán giả cao tuổi) là niềm mơ ước lớn lao của khán giả truyền hình.
Để làm được một kênh truyền hình như thế, đòi hỏi trước hết sự hy sinh của nhà sản xuất.
Hiện nay, làm một kênh truyền hình không khó, làm một kênh hấp dẫn, nhưng có bạo lực (dù chỉ là đánh kiếm, đánh phép), tình yêu, ghen tuông… cũng không khó. Những thứ đó dễ thu hút khán giả. Xem phim Đài Loan, Hồng Công, Đài Loan…, chúng ta thấy những thứ đó với những liều lượng khác nhau.
Trong truyền hình, đạo đức, mẫu mực… có vẻ dường như mâu thuẫn với sự hấp dẫn. Đánh đấm một cách dữ dội, người chết la liệt, máu phun có vòi, hay giải quyết ghen tuông bằng đủ các phương án, hay những cảnh khỏa thân, ôm ấp càng gay cấn hay càng éo le… thì khán giả càng quan tâm.
Làm những thứ đó dễ, làm ngược lại mà vẫn có người xem mới khó. Điều này, đòi hỏi một ê kíp tài năng, trong một giới hạn khắt khe.
Qua truyền hình cáp, một số kênh nói là chỉ dành cho thiếu nhi (phần lớn là hoạt hình) đôi khi không hiếm những cảnh bạo lực, đánh nhau bằng cả công nghệ hiện đại và bằng tay chân. Phụ huynh cũng không hoàn toàn yên tâm với những kênh phục vụ thiếu nhi như vậy, huống nữa là những kênh dành chung cho cả người lớn và trẻ em.
Như vậy, kênh đạo đức, giáo dục hướng thượng, lành mạnh làm riêng cho thiếu nhi đã khó, thì làm một kênh truyền hình đạo đức cho mọi đối tượng càng là một gánh nặng bội phần.
Trong giáo khoa điện ảnh, vấn đề đạo đức và đối tượng xem là một hệ thống tiêu chuẩn khắt khe.
Ở Mỹ, vấn đề được giải quyết từ hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association of America - MPAA).
Cơ quan này đưa ra một hệ thống đánh giá hình ảnh chuyển động (motion picture rating system), được coi là áp dụng cho cả truyền hình và trò chơi điện tử. Các vấn đề được quan tâm là: quan hệ tình dục, bạo lực, lạm dụng chất gây nghiện, các hành vi tục tĩu, khiếm nhã…
Tiếp theo đó, nhiều nước cũng có những bước tiến tương tự, nhưng có phần nghiêm ngặt hơn, vì những đánh giá do các cơ quan chính phủ tiến hành, thay vì một hiệp hội như ở Mỹ.
Nhìn chung, đó là những tiêu chuẩn khá cụ thể và cẩn thận để từ đó đưa ra khuyến cáo cho phụ huynh.
Miêu tả sơ lược tiêu chuẩn đánh giá Mỹ, chúng ta có các bậc sau:
- G (có màu ký hiệu thông báo là màu xanh lá cây), viết tắc từ từ “General” phù hợp cho mọi lứa tuổi.
- PG (có màu ký hiệu thông báo là vàng vàng tươi), viết tắt từ từ “Parental Guidance”, trẻ em được xem nhưng phải có cha mẹ hướng dẫn, ứng với giới hạn tuổi tuổi 10, 11, 12.
- PG - 13, màu ký hiệu thông báo là vàng đậm (màu đậu phộng), vẫn viết tắt từ chữ màu Parental Guidance, số 13 biểu thị cho việc lưu ý cẩn nếu trẻ em được 13 tuổi, được xem nếu bên cạnh có cha mẹ hướng dẫn.
- R, màu ký hiệu thông báo là đỏ, viết tắt từ từ “Restricted”, cho loại sản phẩm hình ảnh chuyển động 17 tuổi trở xuống phải có người lớn xem kèm, hướng dẫn.
- NC - 17, màu ký hiệu thông báo là đen, viết tắt từ từ (No one 17 and Under Admitted), cấm người khán giả từ 17 tuổi trở xuống.
Ngoài những bậc trên còn có 1 loại sản phẩm hình ảnh chuyển động được đánh màu ký hiệu thông báo là màu tím, là loại không có đánh giá, nhưng bị cấm trình chiếu nơi công cộng, không được bày bán nơi công cộng (can be bought if not in a public store).
Một số quốc gia khác cũng đưa những thang bậc đánh giá tương tự, thí dụ Pháp:
- U (Universal), xanh lá cây, phù hợp cho mọi lứa tuổi.
- -10, vàng, cấm trẻ em dưới 10 tuổi, chỉ áp dụng cho truyền hình.
- -12, vàng sẫm, cấm trẻ em dưới 12 tuổi.
- -16, đỏ cấm trẻ em dưới 16 tuổi.
- -18, đen, cấm trẻ em dưới 18 tuổi.
Như vậy, kênh An Viên là kênh chỉ toàn những chương trình xanh lá cây, tức G (General), 3,4 tuổi cũng phải xem được.
Và từ đó, có thể rút ra kết luận các bậc phụ huynh chỉ nên cho con em mình với mọi lứa tuổi, xem kênh An Viên, nếu đưa ra những yêu cầu tuyệt đối về mặt đạo đức, giáo dục.
Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia hướng tới kênh truyền hình đạo đức, chuẩn xanh lá cây. Riêng Phật giáo, có các kênh Đại Ái, Cuộc sống tươi đẹp - Beautiful Life TV…
Với kênh An Viên, đã đến lúc các chương trình truyền hình tại Việt Nam phải qua một màng lọc đạo đức để chỉ mang đến những món ăn tinh thần tuyệt đối tinh khiết, miễn nhiễm mọi yếu tố độc hại, làm yên lòng tất cả các bậc làm cha mẹ (1).