Khái quát về giáo lý Ngũ uẩn

Khái quát về giáo lý Ngũ uẩn

GN - Con người và cuộc đời là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi lĩnh vực tôn giáo, triết học, xã hội học… Đó cũng là vấn đề mà nhân loại luôn trầm tư bao đời nay. Với Phật giáo, con người và cuộc đời đề cập một cách tổng quát qua giáo lý Ngũ uẩn, một trong những giáo lý căn bản có tầm quan trọng được Đức Phật thuyết giảng sau khi Ngài chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội bồ-đề.

1. Khái niệm về Ngũ uẩn

Cụ thể bằng chính cuộc đời và bằng những lời dạy mà Đức Phật đã trình bày qua giáo lý Ngũ uẩn đã cho chúng ta một nhân sinh quan toàn diện; và qua đó có thể khẳng định Phật giáo rất thực tiễn trong quan niệm về nhân sinh và vũ trụ. Phật giáo chủ trương con người và thế giới là một hợp thể của năm yếu tố: Sắc (Rùpa), Thọ (Vedana), Tưởng (Samjnà), Hành (Samkàra), Thức (Vijnàna). Đây chính là phần kết cấu căn bản đặc thù, là cơ sở hình thành nhân sinh quan, vũ trụ quan và giải thoát quan của Phật giáo, đặc biệt cho những ai liễu ngộ và thực thi trọn vẹn để thấu triệt về tính Không, Vô ngã tính của Ngũ uẩn.

Như Thế Tôn đã dạy : “Này các Tỳ-kheo, khi nào Ta chưa thực liễu tri năm uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỳ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng, Ta đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng này các Tỳ-kheo, khi nào Ta đã liễu tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỳ-kheo đối với chư Thiên, Ma Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng, Ta đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. (1)

2. Định nghĩa về Ngũ uẩn

Ngũ uẩn, Phạn ngữ là Pãncãkhandhà (Anh ngữ là Five Aggregates tức Matter or Form, Sensation or Feeling, Recognition or Conception, Volition or Mental Formation and Consciousness) (2).  Trung Hoa phiên âm là Tắc-kiền-đà, cựu dịch là Ấm hoặc Chúng, tân dịch là Uẩn (3).  Có nghĩa là năm thành phần tạo nên con người và thế giới. Tùy theo quan niệm của mỗi dịch giả hoặc tùy ngôn ngữ từng thời kỳ mà có tên gọi khác nhau.

Ngài Huyền Trang dịch là “Ngũ uẩn” (4),  nghĩa là một sự tập hợp theo từng loại, từng nhóm cùng tính chất. Trong các sự vật hiện tượng, mỗi loại đều có một chủng tử hiện hành tùy theo chủng loại đó mà kết hợp lại và không ngoài năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm thứ này nơi chúng sanh thì gọi là “hữu lậu ngũ uẩn”, nơi chư Phật thì gọi là “vô lậu ngũ uẩn”. Ấm có nghĩa là ngăn che chướng ngại, cả “năm ấm” này ngăn che Phật tánh bình đẳng nơi mỗi chúng sanh làm chướng ngại tu tập giải thoát khổ đau nơi mỗi con người.

Trong Kinh tạng Nikàya, chữ Uẩn còn có tên khác là Trọng đởm cũng là Sanh y tức do nghiệp lực của năm uẩn mà có tái sanh. Trọng đởm là gánh nặng, những ai chưa bỏ gánh nặng xuống là còn khổ đau luân hồi. Sanh y, có nghĩa là căn cứ cho mỗi đời sống khác. Nội dung thiết thực của Ngũ uẩn là đề cập đến sự tồn tại của mọi hiện hữu gồm hai phần Danh (tâm lý) và Sắc (vật lý). Chính năm uẩn này là chỗ y cứ cho một cuộc đời, cho một sự sống của chúng sanh.

3. Ý nghĩa và tính thiết thực của Ngũ uẩn

Ngũ uẩn là vấn đề then chốt của đạo Phật, được đề cập phổ biến trong Kinh tạng và Luật tạng cả Nam truyền lẫn Bắc truyền. Điểm nổi bật của phân tích ngũ uẩn là chú trọng về con người và nhấn mạnh phần tâm lý hơn vật lý qua cái nhìn của năm yếu tố:

Sắc uẩn (Rùpa Khandha) là vật chất của vũ trụ quan, thế giới của nhân sinh quan (vật lý) được tạo nên bởi bốn yếu tố Địa, Thủy, Hỏa, Phong.

Thọ uẩn (Vedana Khandha) là những hoạt động của cảm giác vui buồn thuộc về phần tâm lý, thọ uẩn hình thành bởi bản năng do tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mà sinh ra.

Tưởng uẩn (Sãnnã Khandhà) gồm những hình ảnh và âm thanh đã qua mà con người có thể hình dung ra hoặc là nghĩ đến.

Hành uẩn (Sankhàra Khandha) chính là sản phẩm của thọ và tưởng, hành chính là nguyên nhân để nảy sinh ra nghiệp, có năng lực đưa đến quả báo của nghiệp.

Thức uẩn (Vinnna Khandha) là năng dụng rõ biết, phân biệt mọi trạng thái của tâm linh với vũ trụ vạn hữu. Thức nhận biết sự hiện diện của đối tượng, giống như tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó.

Trong tính thiết thực của Ngũ uẩn, Thức là phân biệt rõ ràng các cảnh sở duyên. Hành tướng của thức là triển chuyển liên tục tạo ra dòng lưu chuyển sanh tử luân hồi. Nó cũng là hợp thể của bốn uẩn kia chúng được kết hợp, hình thành theo lý Vô ngã và Duyên sinh. Cũng chính nhờ tính thiết thực ấy mà đạo Phật đã triển khai thành hệ thống Duy thức học đồ sộ, trở thành môn tâm lý học, triết học Phật giáo giúp cho con người hiểu được mọi sự hoạt động của tâm lý, nhận thức được sự vật đúng như thật, giải thoát tâm trí ra khỏi sự vô minh phiền não và khổ đau.

Tóm lại, ngũ uẩn là hợp thể của sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, là một kết hợp giữa tâm lý và vật lý để tạo nên một chúng sanh (con người) mà điểm trọng yếu khi phân tích một con người toàn diện thì ta thấy gồm hai yếu tố chính, đó là thân và tâm hay vật chất và tinh thần.

Trong năm uẩn sắc là thể chất, thọ là cảm tính cảm giác, tưởng là tri giác là so sánh, hành là chọn lựa là quyết định, thức là nhận biết phân biệt. Như vậy, con người chúng ta hiện hữu không có gì khác ngoài năm yếu tố này mà danh từ chuyên môn của Phật học được gọi là Ngũ uẩn. Tu tập theo giáo lý Ngũ uẩn sẽ thành tựu giải thoát nếu quán chiếu thâm sâu thấu triệt được chúng đều là Không, Duyên sinh-Vô ngã.

Phan Thị Tương

____________________________

1 HT.Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận,VNCPHVN, tr.215.

2  Trần Phương Lan, Buddhism though English reading, tập II, 2002.

3 丁福保佛学大词典,中的“旧译为阴,又译为众,新译为蕴”。

4 大正新修大藏经,第26册No.1536阿毘达磨集异门足论。

Tài liệu tham khảo:

1. HT.Thích Minh Châu, Tương ưng III, VNCPHVN,1995.

2. HT.Thích Chơn Thiện, Sđd

3. Trần Phương Lan,Sđd.

4. 丁福保佛学大词典,Đài Loan,2006.

5.大正新修大藏经, 第26册No.1536 阿毘达磨集异门足论, Đài Loan, 2010.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày