GN - 1.
Đường trưa.
Nhà sư khất thực. Áo tu hành đẫm mồ hôi. Đầu đội nắng, chân trần bỏng rát. Nhẫn nại bước đều khoan thai.
Một gã nhe răng cười hềnh hệch. Đầu trần, mình trần, chân trần. Song hành nhà sư.
Cả hai cùng bước. Người vô ưu im lặng. Kẻ vô thức cười.
Kẻ bước đi bất định.
Người bước đi mà đã thấy cuối con đường.
Ảnh minh họa
2.
Chú tiểu đang quét vườn chùa, dừng chổi hỏi thầy:
- Thưa thầy, khi nào con trọn vẹn đường tu?
- Khi trong tâm con không còn câu hỏi đó.
Gió trở mùa thốc mạnh qua vườn. Lá khô bay tung. Thầy khẽ túm vạt áo níu chặt vào mình.
3.
Cùng sư phụ tụng xong bài kinh chiều, tiểu Sinh chợt hỏi:
- Thưa thầy, từ ngày vào nhà chùa con chưa khi nào thấy thầy cười?
- Bể khổ mênh mông, niềm vui chỉ thoáng chốc con ạ.
- Vậy sao con chưa bao giờ thấy thầy khóc? Tiểu băn khoăn.
- Đã hiểu nghiệp rồi, khóc có ích gì không con?
Tiểu Sinh đưa mắt nhìn gác chuông. Quả chuông đồng đã ở đó ngót trăm năm nay. Dù gác chuông đã nhiều lần tu sửa, quả chuông vẫn thế. Vẫn đều đều ngân những âm dài. Không vội vã.
4.
Mùa an cư, thầy và chú tiểu rời chùa vào trong thất. Thất nằm khuất trong núi.
Cách chùa vài con suối.
Mưa mùa hạ. Đường trơn. Nước trên núi đổ xuống làm cho con suối sâu và rộng hẳn ra.
Chú tiểu theo sau, vấp ngã nhiều lần. Chú phụng phịu:
- Sao thầy không đỡ con?
- Bây giờ thầy đỡ con, đến khi thầy nhập Niết-bàn, con kêu ai đỡ?
Tiểu lặng lẽ đứng dậy. Vững chãi bước lên hòn đá xù xì. Nhanh chân theo thầy.
5.
Hôm nay, tiểu lại cùng sư phụ rời chùa xuống phố khất thực. Hai người đi từ lúc mờ sương.
Chú tiểu đeo tay nải trên vai. Lẽo đẽo sau thầy. Vẫn cái vẻ ngạc nhiên như mọi lần, chú hỏi:
- Con thấy nhà chùa cũng đủ, sao thầy cứ phải đi khất thực?
- Phúc phận của người xuất gia là gieo mầm từ bi. Thầy chậm rãi trả lời.
- Con chẳng thấy mấy ai cho cả. Có người còn nhiếc thầy, mà thầy cứ im lặng không nói lại gì.
- Mắc tam độc đã là đáng thương lắm rồi, con không thấy sao?
Chú tiểu xốc lại tay nải. Rảo chân nhanh theo thầy.
Bình minh đã hé. Xuyên ánh hồng qua màn sương phủ dày.
6.
Mặt trời đã xế bóng. Khép lại một ngày khất thực. Thầy và tiểu Sinh quay về chùa. Điểm dừng chân cuối cùng bao giờ cũng là ở quán bún phở nơi đầu phố chợ.
Chủ quán là một phụ nữ trung niên. Có căn tu và thiện tâm với nhà chùa. Mỗi lần khất thực về, thầy đều ghé qua để nhận phần cơm chay chiều mà chị đã chuẩn bị chu tất cho hai thầy trò.
Trong lúc đợi chị đặt ngay ngắn phần cơm vào túi vải, tiểu Sinh cứ chăm chăm nhìn vào nồi nước dùng thơm phức, nghi ngút khói trên bếp lò. Cái tủ kính để những khay thịt thái sẵn xếp ngay ngắn ở bên cạnh.
- Đi thôi con. Sư phụ khẽ giục.
Hai thầy trò đa tạ chủ quán rồi đi ra.
Gió chiều đưa hơi thơm của nồi nước phở theo tiểu Sinh một đoạn.
Chợt thầy hỏi tiểu Sinh: Khi ăn cơm chay, người tu hành cần chuẩn bị gì con biết rõ không?
Tiểu Sinh ấp úng.
- Khi thụ hưởng cơm chay, tâm phải tịnh.
Tiểu Sinh liền nhớ ra vì sao có đôi lần thầy từ chối một vài món chay được làm theo hình tôm, mực, cá mà Phật tử dâng lên nhà chùa.
Một vài ngôi nhà đã lên đèn. Tiểu Sinh không còn ngửi thấy hơi thơm của vị phở trong gió nữa.
7.
Đã lâu lắm rồi thầy và tiểu Sinh mới xuống phố khất thực. Trời lại mưa. Từ sáng sớm.
Xuống hết dốc nhà chùa, hai thầy trò thấy có bà cụ già tất tả đi chợ sớm, trượt chân ngã.
- Con chạy nhanh hơn ta, lại đỡ bà cụ đi, con... Sư phụ giục tiểu Sinh.
Tiểu Sinh lại đỡ cụ. Thầy đến bên dọn giúp cụ cái thúng đã tung tóe mấy thứ vặt vãnh mang theo. Gói xôi rơi ra đất. Lấm bẩn.
Thầy lấy trong túi vải vài quả táo xanh lặng lẽ bỏ vào thúng.
Đến góc phố. Chị bán xôi ân cần mời hai thầy trò nán lại nhận phần xôi trắng chị biếu để ăn cho ấm lòng sáng mùa đông. Chị cẩn thận trở đầu đũa khẽ đơm xôi lên đĩa. Xôi nếp trắng, dẻo và thơm.
Từ trong quán, lão chồng lao ra, giằng lấy đĩa xôi hằn học.
- Cái dạng siêng ăn nhác làm, suốt ngày đi xin ấy ra gì mà cho.
Lão ném đĩa xôi ra sân, bạt tai chị vợ gục xuống. Tiểu Sinh thấy thế liền chạy lại. Thầy níu ngay tay tiểu Sinh.
- Sao thầy...?
- Ta không muốn ngọn lửa sân hận của con lại bùng lên.
Cả hai người lặng lẽ quay đi. Tiểu Sinh ngoái nhìn, day dứt mãi.
Lần đầu tiên, tiểu Sinh rùng mình dưới mưa. Và lạnh.
8.
Thầy chọn lập thất an cư rất sâu trong núi. Lối vào phải đi qua hẻm đá mà dân gọi là hang Luồn. Vì khi đi qua, người ta phải khom lưng xuống và lội bì bõm dưới nước. Đó là một dòng suối nhỏ, nước lúc nào cũng ở chừng bắp chân người lớn.
Thất nằm trên cao, tựa vào vách núi. Lối đi lắt léo, chông chênh.
Đã ba năm tiểu Sinh theo thầy vào trong thất. Năm nay, khi gần hết mùa an cư, thầy nói với tiểu Sinh rằng sẽ chuyển chùa vào trong núi, chỗ thất an cư bây giờ.
Tiểu Sinh băn khoăn lắm, vì chùa ở bên ngoài thuận tiện hơn. Tiểu liền hỏi thầy:
- Con thấy chùa ở ngoài kia vui hơn. Trong này đi lại khó khăn lắm thầy ạ.
Sư thầy từ tốn hỏi tiểu Sinh:
- Đường đến với Phật có dễ dàng không con?
Tiểu Sinh im lặng. Nhìn về phía cửa hang Luồn. Ngoài kia dễ đi hơn.
9.
Hết mùa mưa cũng là hết mùa an cư kiết hạ. Thầy và tiểu Sinh chuẩn bị trở lại chùa. Không biết thầy thế nào, còn tiểu Sinh thì nhớ chùa lắm, Sinh nhớ nhất là tụi trẻ trong xóm với những trò đánh khăng đánh đáo ven cửa chùa. Khi thầy thu dọn để về, tiểu Sinh thấy thầy gói ghém cuốn sổ viết trong những ngày ở trong thất rất kỹ.
Như chợt nhớ ra điều gì, tiểu Sinh hỏi thầy:
- Thưa thầy, con với thầy cứ vào thất được một mùa, dọn dẹp ở đây gọn gàng sạch sẽ lại đến lúc trở về. Thất lại bỏ không, mùa sau vào phải dọn nữa. Giờ về còn phải dọn chùa.
Thầy dừng tay, từ tốn:
- Một trong những điều người tu hành phải làm đầu tiên là rèn đức nhẫn. An cư là để tinh chuyên tu hành và cũng để rèn nhẫn. Tu hành là luôn luôn rèn luyện, tu tập.
Sinh khẽ gật đầu. Dù chẳng hiểu hết ý tứ thầy. Sinh chỉ băn khoăn sao chú hỏi một đằng, thầy lại nói một nẻo. Rồi hai thầy trò cất bước rời thất. Tiểu Sinh đưa mắt luyến tiếc.
Về đến chùa, giúp thầy dọn xong chính điện, tiểu Sinh trở vào dọn căn phòng nhỏ của mình. Chú khẽ tay nhấc bức tượng Phật bằng đồng lên để lau bụi. Đây là bức tượng tiểu Sinh được thầy tặng ngày chú vào chùa. Bàn tay tiểu Sinh chợt chững lại. Trên bờ vai tượng Phật, tiểu Sinh thấy có những sợi trắng nhỏ li ti, đầu mỗi sợi có đốm trắng bé xíu. Sinh đếm tất cả được mười ba sợi trắng li ti, xếp thành một hàng thẳng, đều nhau.
Sinh đem tượng Phật đi tìm thầy.
- Thưa thầy, đây có phải là hoa ưu đàm như người ta nay thường nói?
Xem xong, thầy nhỏ nhẹ: Đây không phải là hoa ưu đàm. Gọi thế chỉ là một ngộ nhận thôi con.
Lời của thầy làm Sinh băn khoăn lắm. Vì thầy chưa bao giờ nói với Sinh về hoa ưu đàm cả. Sinh chỉ nhớ láng máng đã đọc và thấy người ta đăng ảnh mấy bông li ti, trắng muốt giống y thế này ở đâu đó. Họ gọi là hoa ưu đàm. Sinh liền vội hỏi:
- Vậy như thế nào mới đúng là hoa ưu đàm, thưa thầy?
Thầy ôm tượng Phật vào lòng rồi giảng cho tiểu Sinh một chút về hoa ưu đàm. Hoa ưu đàm, tiếng Phạn là Udumbara, có nghĩa là loài hoa linh thiêng mang điềm lành. Cây ưu đàm thường mọc nơi núi cao, là cây thân gỗ, hoa rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Tương truyền ba nghìn năm hoa ưu đàm mới nở một lần. Ưu đàm nở ở đâu thì nơi đó có điềm lành vì hoa chỉ nở khi Đức Phật xuất hiện. Kể rằng khi Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời, có hoa ưu đàm nở.
Tiểu Sinh chăm chú vào lời thầy. Ánh mắt Sinh như nuốt từng lời thầy giảng, trong đầu Sinh hình dung ra một dáng cây cao lớn, cành lá xanh tốt, đang tỏa bóng che mát cho Đức Phật.
Sinh chợt nghĩ ai mà trông thấy hoa ưu đàm chắc hẳn phải có nhân duyên với Phật, Sinh đem điều vừa nghĩ thổ lộ với thầy.
Vẫn khuôn mặt bình thản, trao tượng Phật cho Sinh, thầy chậm rãi:
- Nhân duyên không tự nhiên mà có, không tự nhiên mà tới. Không biết dưỡng duyên thì nhân lành cũng mất. Như hạt không được chăm sóc, tưới bón chẳng thể nảy thành cây. Hạt là nhân, nước, khí trời, công sức chăm bón là duyên vậy.
Tiểu Sinh khẽ vâng rồi đưa tượng Phật trở lại đặt ngay ngắn trên kệ phía đầu giường chú.
Đêm ấy, tiểu Sinh ngủ say. Sinh mơ thấy Đức Phật mặc áo cà-sa vàng rực, ngồi dưới gốc cổ thụ, tán cao và rộng, xòe bóng mát che cho Ngài. Ánh hào quang lấp lánh bảy sắc xung quanh. Rồi Đức Phật có đọc Sinh nghe một bài thơ. Khi tỉnh dậy Sinh cố nhớ lại cũng chỉ được hai câu đầu:
Ưu đàm nở giữa cơn mưa,
Cái duyên hạnh ngộ ngàn xưa gửi về…
Sáng hôm sau, khi vào quét dọn thư phòng cho thầy, tiểu Sinh thấy cuốn sổ mà thầy ghi chép cẩn thận, nâng niu suốt mùa an cư đặt ngay ngắn trên bàn. Sinh lén mở trang đầu tiên, thấy ghi bốn câu thơ:
Ưu đàm nở giữa cơn mưa,
Cái duyên hạnh ngộ ngàn xưa gửi về.
Dắt tay ra khỏi cơn mê,
Tàn y xếp lại, nương về cánh sen.
Tiểu giật thót mình nhớ lại giấc mơ đêm qua.
Ai đã đọc cho Sinh nghe bài thơ? Sinh đã gặp Đức Phật trong mơ hay đời thực?
Tiểu Sinh quay trở vào phòng. Bức tượng Phật bằng đồng vẫn ở đó. An nhiên, tĩnh tại. Những bông trắng li ti trên vai bức tượng đã biến mất. Còn bài thơ thì suốt cả cuộc đời, Sinh không hề quên. Cũng như Sinh không thể quên hình dung về cây ưu đàm cùng giấc mơ Đức Phật đêm hôm ấy.
10.
Từ ngày vào chùa, tiểu Sinh chẳng có bạn. Suốt ngày chỉ quét chùa đánh chuông gõ mõ tụng kinh... làm Sinh đôi lúc thấy chán chán. Thi thoảng được chơi với lũ trẻ gần chùa, Sinh vui lắm. Mặt tươi tỉnh hẳn lên. Những lúc như thế rất hiếm.
Chiều hôm nay Sinh buồn. Tiểu ôm chổi ngồi dưới mái hiên. Gió lạnh và sương của ngày trở mùa cuối xuân kéo về. Tiểu không ra quét. Nước đọng từng vũng trên sân gạch. Lá ướt dính chặt dưới sân.
Thầy từ bên trong đi ra, tiểu Sinh tỏ:
- Con vào chùa không có bạn chơi, buồn lắm thầy ạ.
Thầy hiểu cái tuổi ham chơi, hiếu động của Sinh. Nhưng thầy lảng đi, nhân tiện nhắc nhở:
- Đã theo nghiệp tu hành thì phải thôi những ham muốn.
Sinh nghe liền ỉ eo:
- Thầy răn con mãi rồi.
Chừng như chợt nghĩ ra điều gì, Sinh hỏi:
- Thầy và con ở đây để được gì hả thầy?
- Để được giác ngộ và đạt đến Niết-bàn. Thầy ôn tồn đáp.
Sinh liền bảo:
- Đó là ham muốn của người tu hành, thầy nhỉ?
Thầy giật mình. Vầng trán nhíu lại một thoáng. Thầy im lặng không nói. Tay lần theo tràng hạt.
Tiểu Sinh trở vào khêu thêm ngọn đèn dầu.