Khi ma quỷ lộng hành

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1270 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1270 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chuyện người tu hành bị ma quỷ nhiễu hại xưa nay không phải là hiếm. Những bậc Thánh tăng còn bị làm hại huống gì phàm tăng. Tôn giả Xá-lợi-phất là bậc Thánh A-la-hán, vị Tướng quân Chánh pháp mà còn bị quỷ ma nhiễu hại thì chúng ta đang tập tu nếu có kẻ phá hoại cũng là chuyện thường tình.

“Một thời Phật trú tại Ca-lan-đà, Trúc viên, thành La-duyệt, cùng chúng 500 Đại Tỳ-kheo. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang vá y trong một hang vắng trong núi Kỳ-xà-quật, nhập Kim cang tam-muội.

Khi ấy có hai con quỷ, một tên là Già-la, và một tên là Ưu-bà-già-la. Chúng được Tỳ-sa-môn Thiên vương sai đi đến Tỳ-lâu-lặc-xoa Thiên vương để luận bàn việc người và trời. Khi hai con quỷ bay ngang qua hư không, chúng từ xa thấy Xá-lợi-phất ngồi kiết-già, buộc niệm trước mặt, tâm ý tịch nhiên định. Quỷ Già-la nói với quỷ Ưu-bà-già-la:

- Bây giờ ta có thể nắm tay đấm lên đầu Sa-môn này.

Quỷ Ưu-bà-già-la nói với con quỷ Già-la:

- Ngươi chớ có khởi ý nghĩ đánh lên đầu Sa-môn. Vì sao? Sa-môn này có thần đức, có oai lực rất lớn. Vị Tôn giả này tên là Xá-lợi-phất. Trong hàng đệ tử của Thế Tôn, ngài là vị thông minh tài cao không ai hơn, là đệ nhất trí tuệ trong các đệ tử. Nếu không, ngươi sẽ chịu khổ vô lượng lâu dài.

Nhưng quỷ Già-la lặp lại ba lần, nói:

- Ta có thể đánh lên đầu Sa-môn này.

Quỷ Ưu-bà-già-la nói:

- Ngươi không nghe lời ta, thì ngươi cứ ở lại đây. Ta sẽ bỏ ngươi mà đi.

Con ác quỷ kia nói:

- Ngươi sợ Sa-môn sao?

Quỷ Ưu-ba-già-la nói:

- Ta sợ thật. Nếu ngươi lấy tay đánh Sa-môn này, đất này sẽ nứt làm hai. Ngay lúc đó mưa to gió lớn sẽ nổi lên. Đất cũng rung động, chư thiên kinh sợ. Khi đất rung động, Tứ thiên vương cũng kinh sợ. Tứ thiên vương mà kinh sợ, chúng ta không ở yên được đâu.

Khi ấy, con ác quỷ Già-la nói:

- Ta có thể làm nhục Sa-môn này.

Quỷ Ưu-ba-già-la nghe thế liền bỏ đi. Con quỷ ác Già-la bèn lấy tay đánh vào đầu Xá-lợi-phất. Tức thì, trời đất bị chấn động. Bốn phía mưa to gió lớn kéo đến. Đất liền nứt làm hai. Con quỷ ác này rơi xuống địa ngục.

Sau đó, Tôn giả Xá-lợi-phất từ tam-muội dậy, sửa lại y phục, và bước xuống núi Kỳ-xà-quật, đi đến Thế Tôn tại vườn Trúc, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên.

Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi-phất:

- Thân thể ông nay không có bệnh tật gì chăng?

Xá-lợi-phất đáp:

- Thân thể con nguyên chẳng bệnh hoạn gì. Duy chỉ có nhức đầu.

Thế Tôn nói:

- Quỷ Già-la lấy tay đánh vào đầu ông. Nếu nó lấy tay đánh vào núi Tu-di, núi ấy cũng bị vỡ làm đôi. Vì sao? Con quỷ ấy có sức mạnh to lớn. Nay nó đã chịu tội báo, toàn thân rơi vào địa ngục A-tỳ”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương 10 pháp, phẩm Bất thiện, kinh số 6 [trích])

Chuyện đời là vậy, tu hành mà có những lầm lỡ, khiếm khuyết, sai phạm bị người khinh chê, phỉ báng là chuyện thường. Nếu có bậc tu cao, phạm hạnh, thậm chí đã chứng Thánh cũng chưa chắc đã yên, vẫn bị người ta chống phá, nhiễu hại.

Nhìn vào sự đánh phá Phật giáo bất chấp thủ đoạn với nhiều mục đích khác nhau đang diễn ra trên mạng xã hội hiện nay thì sẽ thấy rõ hiện tượng quỷ ma lộng hành. Sự thật luôn được tôn trọng, nhân quả phân minh, ai làm sai những việc gì thì bị xử phạt, sám hối, phục thiện. Còn lại là “giậu đổ bìm leo”, họ tha hồ gán ghép, suy diễn vô căn cứ nhằm phỉ báng nhiều người tu hành.

Chuyện Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi nhập định bị quỷ Già-la ngang nhiên vô cớ đánh bổ vào đầu khiến chúng ta nghiệm ra nhiều điều. Tôn giả nhờ nhập định Kim cang tam-muội nên cú đánh có sức mạnh vỡ đôi núi Tu-di cũng chỉ bị nhức đầu. Nhờ sự an tĩnh nội tâm tuyệt đối nên ngài không bị ảnh hưởng và cũng chẳng để ý đến. Thế nhưng vì xúc phạm bậc Thánh nên ngay lập tức quỷ Già-la bị đọa xuống địa ngục.

Tôn giả Xá-lợi-phất tuy chẳng oán giận hay đáp trả nhưng quỷ Già-la vì xúc phạm đến bậc Thánh nên mất hết phước đức, tự sa vào cõi khổ. Quả báo xấu này cũng sẽ đến với những ai manh tâm tìm cách bôi nhọ, xúc phạm đến những người tu hành chân chính.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày