Khổ đau có gì tốt?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Yongey Mingyur Rinpoche là một vị thầy đáng kính và là bậc thầy của dòng Karma Kagyu và Nyingma của Phật giáo Tây Tạng.

Thầy nổi bật về khả năng trình bày việc hành thiền theo những cách đơn giản và dễ dàng tiếp cận, đặc biệt liên hệ sự thực tập đó với kinh nghiệm cá nhân của thầy và cả nghiên cứu khoa học hiện đại.

Thầy là người sáng lập Cộng đồng Thiền định Tergar, với các trung tâm và nhóm thực hành trên khắp thế giới, đồng thời là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất như Sống một đời vui: Khám phá mật và khoa học về hạnh phúc (2007), Trí tuệ hoan hỷ: Thay đổi và tìm kiếm tự do (2009) và Biến sự nhầm lẫn thành tỏ ngộ: Hướng dẫn về các phương pháp nền tảng của Phật giáo Tây Tạng (2014).

Dưới đây là cuộc trò chuyện với thầy Yongey Mingyur Rinpoche về Tứ Thánh đế:

Tại sao các Phật tử đều cho rằng cuộc đời là khổ?

- Một số người nghĩ rằng trong Tứ Thánh đế, tất cả đều nói về khổ. Nhưng thực sự, giáo lý ấy không chỉ trình bày về khổ đau mà thôi. Mở đầu của Tứ Thánh đế dạy về khổ. Đó là sự thật. Nhưng nếu như không hiểu sự thật thì chúng ta càng đau khổ hơn nữa.

Tôi có một người bạn, mặc dù anh ấy có nghề nghiệp ổn định, đã đạt được một số thành công và thậm chí đã trở thành một giám đốc điều hành nhưng anh ta vẫn cảm thấy mình khổ. Một ngày nọ, anh ta đến một hiệu sách và bắt gặp một cuốn sách. Anh giở trang đầu tiên và đọc được câu nói: “Cuộc đời là đau khổ”. Ngay lúc đó, anh ấy rất hạnh phúc vì phát hiện ra mình hoàn toàn không đơn độc: “Hóa ra, không có gì là ngạc nhiên khi tôi cảm thấy đau khổ!”. Từ đó, anh tìm hiểu sâu hơn về giáo lý Tứ diệu đế và biết được rằng thực ra cuộc sống không chỉ có khổ đau. Ở mức độ cạn thì ta chỉ thấy khổ đau, nhưng nếu ở mức độ sâu hơn, ta sẽ nhận ra những thứ vượt trên cả đau khổ. Tôi phát hiện ra rằng bên trong chúng ta có những phẩm chất vô cùng tuyệt vời chúng ta và chúng vốn có sẵn trong bản chất thực sự của mỗi người.

Vì vậy, không phải những người theo Phật giáo chỉ nói về khổ mà thôi. Nếu cuộc đời chỉ toàn là khổ đau thì thật sự quá đáng sợ và nhàm chán. Nhưng may mắn là không phải như vậy.

Thực ra, khi biết khổ là ta đã bắt đầu thoát khổ. Còn nhiều phẩm chất tốt đẹp mà ta có thể khơi dậy trong tâm như lòng từ bi, sự trong sáng, chánh niệm và trí tuệ, tất cả những điều này đều vượt thoát sự đau khổ. Thậm chí ta có thể khiến chúng có mặt mà không cần bất kỳ một điều kiện nào từ bên ngoài.

Vì vậy, sự thật về khổ đau là một tin tốt lành có thể giúp chúng ta giải thoát. Chỉ là đôi khi tin tốt thường bắt đầu với những điều không mấy tốt đẹp.

Thầy Yongey Mingyur Rinpoche

Thầy Yongey Mingyur Rinpoche

Nhưng có người không đau khổ. Họ có một gia đình hạnh phúc, một công việc ổn định và những người bạn tốt. Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Làm thế nào họ mới nhận biết được đau khổ?

- Một số người sẽ cảm thấy như vậy. Nhưng có rất nhiều cấp độ của khổ đau. Khổ được dịch từ thuật ngữ tiếng Phạn là duhkha. Nghĩa của thuật ngữ này gần giống với bất toại nguyện, nghĩa là bạn cảm thấy không hài lòng, không trân trọng những gì bạn có và bạn luôn muốn nhiều hơn nữa. Đó là cảm giác không đầy đủ và cảm thấy thiếu thốn một thứ gì đó. Khi nghe đến từ “khổ” thì ngay lập tức bạn liên tưởng đến sự đau đớn, chướng ngại, rắc rối hay thời điểm gian khổ nào đó. Nhưng ở đây, khổ có nghĩa là bất toại nguyện, một cảm giác không sung mãn.

Nếu hiện tại bạn cảm thấy cuộc đời rất ổn thì tốt. Nhưng bạn vẫn nên mở rộng, phát triển và khai thác nhiều hơn nữa. Có những đức tính rất tuyệt vời về bản thân mà thậm chí bạn chưa bao giờ nghĩ đến. Bạn có thể khám phá những phẩm chất đó thông qua việc tu tập Tứ Thánh đế.

Hay nói cách khác, dường như ta cảm thấy rằng cuộc sống rất tốt đẹp, thậm chí ta không thể thấy được vấn đề nằm ở đâu. Nhưng những gì chúng ta làm giống như đang uống một loại thuốc độc ngọt ngào. Thuốc độc thì rất ngọt, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ tự làm hại chính mình. Chúng ta muốn ngưng uống thuốc độc, và sự giải thoát đó phải đến từ sự hiểu biết Tứ Thánh đế.

Ngoài ra, điều quan trọng là chúng ta phải biết rằng tâm mình chính là kẻ gắn nhãn hiệu và quyết định sự khổ đau và hạnh phúc. Tốt hay xấu là tùy vào mỗi người. Bạn không thể tìm thấy điều gì mà tất cả mọi người đều cho là xấu, và ngược lại.

Khi tôi còn nhỏ, tôi đã có những cơn hoảng loạn, sợ hãi. Lúc đầu, tôi rất ghét chúng. Nhưng sau đó tôi đã cố gắng làm quen và kết bạn với chúng. Muốn được như vậy, đầu tiên bạn chấp nhận sự hoảng sợ. Sau đó, để làm quen với chúng, bạn phải biết kỹ thuật và phương pháp để biến sự hoảng sợ thành điều kiện của hạnh phúc. Tôi đã học được điều đó, và cuối cùng tôi không còn ghét sự hoảng sợ nữa. Khi nó ập đến, tôi thấy nó khá thú vị và không tồi tệ như lúc trước tôi từng nghĩ. Sợ trở thành người bạn và người thầy của tôi. Tôi đã học được rất nhiều điều từ nó. Tôi nghĩ rằng phương pháp này cũng có thể áp dụng trong tất cả mọi trường hợp.

Với những người ưa thích thực hành thiền, thì họ có thể chỉ tu tập thiền mà không tìm hiểu về khổ được không?

- Nếu bạn chỉ muốn hành thiền để tĩnh tâm và có được chút bình yên tạm thời thì thiền có thể giúp bạn. Trong trường hợp đó, hành thiền sẽ tốt hơn là uống cà-phê hay trúng số, như thế cũng rất tốt. Nhưng nếu bạn muốn đạt được sự hỷ lạc vô điều kiện, tâm trong sáng và tuệ giác thì bạn phải đào sâu hơn nữa. Chỉ thực hành thiền đơn thuần thôi thì chưa đủ.

Thầy có thể cho biết những mặt tốt đẹp của khổ đau không?

- Thứ nhất, khổ đau, chướng ngại và sai lầm thực sự rất hữu ích đối với cuộc sống của chúng ta, bởi vì chúng ta có thể học hỏi từ chúng rất nhiều và nếu không có chúng thì sẽ không có thành công. Dĩ nhiên, lặp lại nhiều lần cùng một sai lầm cũng không đưa đến thành công. Bên trong mỗi chúng ta có rất nhiều tiềm năng và sức mạnh nhưng chúng đều đang ngủ yên. Điều gì có khả năng đánh thức những nguồn năng lượng này? Đó chính là các vấn đề rắc rối trong cuộc sống. Khi gặp khó khăn và cố gắng để tìm ra hướng giải quyết thì ngay lúc ấy, bạn sẽ khám phá ra năng lực và sức mạnh bên trong bạn. Vì vậy, chỉ khi nào trải qua đau khổ, bạn mới có thể trưởng thành thực sự.

Thứ hai, hiểu biết về khổ đau là cửa ngõ dẫn đến sự chấm dứt khổ. Tại sao vậy? Bởi vì khi bạn thực sự hiểu được khổ đau, khi bạn nhìn thấy, quan sát và soi sáng khổ đau bằng chánh niệm thì khi đó, nó sẽ biến mất. Cuối cùng, bạn nhận ra khổ đau là do bạn tạo ra. Cũng giống như bạn xây nên một cái nhà tù và tự nhốt mình trong đó. Vì vậy, chỉ cần biết khổ thôi đã có thể giúp bạn thoát khỏi khổ đau.

Thứ ba, đối với các hành giả, khổ đau thực sự hữu ích trong việc phát triển chánh niệm, lòng từ bi và tuệ giác. Khổ đau cũng có thể trở thành con đường của tự do và giải thoát.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày