Khó đi, thầy dắt con đi...

GN - Chùa tôi nằm bên cạnh một nhánh sông gần nơi tiếp giáp với dòng sông Hậu (sông cái), đi lâu xa xa lại nhớ đám lục bình, kèo nèo, mọc hai bên sông. Chùa Hưng Thiền (Đồng Tháp) là nơi mà tôi đã được ươm mầm cho những hạnh lành hôm nay và mai sau, cũng là nơi tôi được khoác lên mình chiếc áo giải thoát, là nơi đã làm cả cuộc đời tôi đổi thay.
Anh 1, Trang PGTT GN 774.jpg
Khó đi thầy... cõng con đi - Ảnh: Th.Đông

1 Dù thời gian trôi qua thật nhanh, dù có đi bất cứ nơi nào tôi cũng không quên nơi đây có bóng dáng của người thầy khả kính trong lòng. Những khi mỏi mệt, tôi lại muốn quay về bên thầy, cùng thầy đi thả cá phóng sanh, có khi lại đi hái đám rau trai, rau muống ở mé sông. Chiếc ghe được neo lại giữa dòng, tôi nghe râm ran tiếng niệm Phật của thầy như lời tự sự cùng cá, chúng vui mừng khi được thả, chúng tung tăng bơi theo dòng nước chảy, có con còn nhảy lên khỏi mặt nước như bày tỏ lời cảm ơn.

Vì hạnh nguyện dấn thân trong cuộc đời, chúng tôi là những tu sĩ trẻ sớm rời xa vòng tay của thầy, để rồi bản thân chạy theo tiếng gọi mà mình cho là đã đủ sức mạnh để bơi ngược dòng đời. Cũng như những đứa trẻ sớm rời xa mẹ, chúng tôi không lường trước được những chông gai nguy hiểm đang rình rập trên con đường lợi tha.

Với tôi, thầy là người cha giản dị, chiếc áo bạc màu được vá không ít lỗ, thầy vẫn mặc hàng ngày. Tình thương của thầy dành cho anh em chúng tôi nhẹ nhàng, dịu mát, chỉ cần nhìn thầy và nghe thầy nói thì bao điều muộn phiền lo âu trong lòng chợt tan biến.

Không phải là người thích ồn ào nên thầy thường ở những nơi vắng lặng, thầy dạy chúng tôi cách sống phạm hạnh của một người xuất gia, không tiêu pha lãng phí của Tam bảo mà tổn phước. Thầy sống cuộc đời đơn giản thanh bần, một cái đơn gỗ tạp nứt nẻ ngang dọc, một chiếc võng cũ kỹ treo trong phòng, một cái quạt điện nhỏ xíu như đồ chơi cho đám con nít. Thầy luôn dạy chúng tôi về nhân cách của vị Sa-môn, lấy việc giải thoát giác ngộ làm đạo nghiệp, biết nhớ ơn của sư trưởng, của đàn na tín thí để chăm lo tu học.

Thầy ít cười và luôn cúi đầu lắng nghe người khác nói, thầy hỏi thăm từng người mỗi khi mấy anh em tôi đi đâu xa về, “con khỏe không, mọi chuyện ổn không con”… Bữa cơm, thầy không bao giờ ngồi ăn một mình, phải có thêm cái chén đôi đũa, rồi thầy trò cùng ăn, bát cơm chưa vơi thầy lại gắp thức ăn cho từng người, ít rau luộc, ít đậu kho tương.

2 Nhớ lại duyên lành mà tôi đã gặp thầy cách đây 7 năm trước, khi tôi vẫn là cậu thanh niên với biết bao niềm khát khao của tuổi trẻ. Trên mảnh đất Đồng Tháp Mười ngát hương sen, tôi đến với nơi này bởi những chuyến từ thiện do nhóm bạn tổ chức. Trong các chuyến từ thiện tôi học được cách đi chùa, lễ Phật và biết cúng dường. Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi gặp thầy là hôm chùa Thọ Quang (huyện Cao Lãnh) tổ chức lễ Vu lan Báo hiếu. Tôi cùng các bạn của mình học cách quỳ sát đất, tay dâng tứ sự cúng dường, vài lời thầy hướng dẫn lớp thanh niên chúng tôi về con đường hiếu hạnh, về lòng biết ơn, biết yêu thương của người con Phật.

Sau chuyến đi, chúng tôi trở về thành phố, tôi đã để cho đời mình trôi giạt trong biển nghiệp bất tận, biết bao đau thương, biết bao vết sẹo mà mình đã tạo tác khắp tâm hồn. Khi tôi loay hoay chưa biết đúng sai của thế sự thì cũng là lúc tôi gặp lại thầy, kể từ đó ánh bình minh ló dạng trong tôi. Tôi hiểu ra một điều rằng con đường mang tên hạnh phúc tôi đi tìm bao lâu nay không dành cho người chỉ biết sống cho riêng mình.

3 Mấy hôm nay chiều nào trời cũng mưa, sau bữa cơm chiều tôi nằm đung đưa trên chiếc võng sau nhà, ngày tháng thật dài nhưng cũng thật ngắn ngủi, thấm thoát trên đầu đã lắm sợi bạc. Nghe chú điệu 5 tuổi ru em bằng mấy câu thơ tôi hay hát ru chú ngủ khi còn nhỏ, cái giọng ngọng nghịu nghe mà thương sao là thương:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi"

Rồi chú chạy đến ôm tôi mà hỏi “khó đi sư phụ dắt con đi phải không ?”. Tôi mỉm cười với chú mà lòng thầm nghĩ, dẫu rằng cuộc đời này có thế nào thì bản thân con phải nỗ lực trước những đau thương, những vấp ngã trên lộ trình của kiếp sống này. Đó là bài học quý giá để con trưởng thành theo năm tháng, đó cũng là cách vun đắp cho cây bồ-đề trong con tươi tốt, vững chãi trước bão đời nghiệt ngã...

Thích Đức Minh


_________________

* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày