Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) do sư tổ Thiền phái Trúc Lâm là Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông xây dựng thành thiền viện, đào luyện tăng đồ từ cuối thế kỷ XIII. Ngoài công trình kiến trúc, một trong những di sản văn hoá đặc biệt quý giá ở chùa Vĩnh Nghiêm là kho mộc bản kinh phật do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm cho san khắc còn lưu giữ đến ngày nay.
Theo lịch sử Thiền phái Trúc lâm, để phục vụ việc truyền giảng và lưu hành giáo lý, tư tưởng của dòng phái phật pháp, từ những năm đầu thế kỷ XIV, sư tổ đệ nhị của Thiền phái đã cho san khắc các bộ kinh luật tại chùa Vĩnh Nghiêm như: Đại tạng kinh, Tứ phần luật, Kim cương tràng đà la ni kinh khoa chú, Tuệ trung thượng sĩ, Tham thiền chí yếu, Niết bàn đại kinh khoa sớ, Pháp hoa kinh khoa sớ… Tuy nhiên, do chính sách "hoại thư" của nhà Minh nên đầu thế kỷ XV các mộc bản này bị huỷ hoại. Vào cuối thế kỷ XVI, các sư tổ chùa Vĩnh Nghiêm tiếp tục cho san khắc một số mộc kinh song hầu hết cũng bị thất lạc, chỉ còn lưu giữ một số ít. Phải đến những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX, các bản mộc kinh mới được san khắc nhiều, trên chất liệu gỗ thị, được bảo quản chu đáo đến ngày nay.
Qua công tác kiểm kê của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, kho mộc kinh hiện còn hơn 3.000 bản lẻ thuộc các thể loại: kinh, luật giới, trước tác nhà phật, sách thuốc… được san khắc nhiều đợt. Về mặt khoa học, lịch sử, đây là bộ sưu tập mộc bản kinh sách Phật duy nhất hiện còn được lưu giữ về Thiền phái Trúc lâm - một trong những thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Ông Ngô Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết: "Qua lược thuật bước đầu cho thấy, kho mộc bản kinh phật được các nghệ nhân san khắc vào nhiều thời điểm khác nhau, cụ thể: Vua Tự Đức các năm thứ 26, 34, 37, 39 (1873, 1881, 1884, 1886); Vua Thành Thái (nhà Nguyễn, 1907); vua Bảo Đại năm thứ 7 và thứ 10 (1932, 1935)… Từ kết quả kiểm kê, lược thuật, phân loại có thể khẳng định, kho mộc kinh được coi như bảo vật quốc gia và là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực. Qua kho bảo vật này, các nhà nghiên cứu có thể khai thác lượng thông tin đa dạng như: lịch sử phật giáo, tư tưởng văn hoá hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế sự nghiệp của một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc. Đan xen là các bản khắc về luật giới, sách thuốc… qua đó răn dạy tăng ni phật tử, giáo dục người đời sống khoan dung độ lượng, nhân ái vị tha theo giáo lý nhà Phật. Ngoài ra các bài phú, kệ, nhật ký trong kho bảo vật này còn là trước tác của vị minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hoá của đất nước mà người dân nước Việt đời đời tôn vinh…".
Chùa Vĩnh Nghiêm từ xa xưa có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, trong dân gian gọi là chùa La, hay chùa Đức La, vì chùa tọa lạc trên phần đất thuộc xã Đức La, huyện Phượng Nhãn xưa, nay là thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Đây một đại danh lam cổ tự, một Thiền viện - Trung tâm đào tạo tăng đồ trong suốt thời gian gần tám thế kỷ hình thành và phát triển của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa Vĩnh Nghiêm đã được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa xem như một bảo tàng văn hoá Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam.
Di vật cổ kính ở chùa Vĩnh Nghiêm rất phong phú, đa dạng, mỗi nhóm hiện vật đều xứng đáng xếp thành một bộ sưu tập khá hoàn chỉnh, gồm: Sưu tập tượng thờ, có hơn một trăm pho được bài trí ở toà Tam bảo, Tổ đệ nhất,Tổ đệ nhị, Khách đường. Hệ thống văn bia (8 tấm) cơ bản soạn khắc ở thế kỷ 17, 18 và tấm soạn khắc muộn nhất năm 1932 ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm; Hệ thống hoành phi- câu đối, đồ thờ, kho kinh sách nhà Phật, mộc bản... tất cả đều xứng đáng là những bảo vật quốc gia.
Qua khảo sát các nhà nghiên cứu cho thấy các mộc bản này do các nghệ nhân ở Bắc Giang, Bắc Ninh và chủ yếu là Hải Dương khắc thành nhiều đợt, vật liệu là gỗ thị hầu hết được khai thác tại vườn chùa. Đây là loại gỗ rất phù hợp với việc chạm khắc, như mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong, vênh, khó nứt vỡ. Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm, chữ khắc ngược (âm bản), khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi và được đóng, sử dụng theo truyền thống người phương Đông (đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). Kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất chiều dài hơn 1m, rộng 40 - 50 cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20 cm. Do đã qua nhiều lần in ấn nên các ván in đều ngả màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực thấm vào gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt. Phần lớn ván in được khắc trên 2 mặt, kiểu chữ chân phương, sắc nét. Đặc biệt, dưới đôi tay tài hoa của các nghệ nhân xưa, mỗi ván khắc còn được xem như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bởi những nét hoa văn độc đáo. Ngoài giá trị trên phương diện hiện vật bảo tàng, qua các mộc kinh còn giúp các nhà nghiên cứu có nguồn sử liệu quý giá về sự phát triển của ngôn ngữ Việt, chữ Nôm trong lịch sử; quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm. Từ chỗ chỉ được sử dụng số ít thời kỳ trước đó, chữ Nôm bắt đầu hình thành có hệ thống, điển hình là trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc lâm khi viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, thơ hoặc các bài diễn giải tư tưởng phật học…
Như vậy, về tổng thể nội dung các mộc bản kinh phật Thiền phái Trúc lâm chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn trên các phương diện: triết lý nhân sinh và giáo dục nhân cách công dân, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ văn tự, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… Với tầm quan trọng và ý nghĩa đó nên từ nhiều năm qua, ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng kho mộc bản kinh phật; kiểm kê, vệ sinh phân loại mộc bản. Cùng đó sắp xếp theo thứ tự hợp lý, khoa học để thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn. Ngoài ra ngành cũng đã in nhân bản ra giấy dó nhằm lược thuật toàn bộ kho ván… Tiếp theo các phần việc trên, hiện ngành văn hoá đã kiện toàn Ban quản lý di tích và tổ bảo vệ an ninh ở chùa Vĩnh Nghiêm. Đồng thời tiến hành phục chế một số mộc kinh bằng chất liệu phù hợp, có hình thức tương đồng bản gốc để phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách và các nhà nghiên cứu. Đặc biệt, để được ghi nhận, đánh giá trên bình diện quốc tế, mới đây ngành đã tham mưu với tỉnh và phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch và các nhà khoa học nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ mộc kinh trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thời gian thế giới.
Tuyên truyền, quảng bá giá trị kho mộc bản kinh Phật
Ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang
Có thể nói, kho mộc kinh chùa Vĩnh Nghiêm là bảo vật vô giá của quốc gia. Vì vậy, nếu được UNESCO công nhận là di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thời gian thế giới sẽ mở ra một triển vọng mới không chỉ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của kho mộc kinh. Trước hết, chúng ta có điều kiện quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến bạn bè thế giới hình ảnh đất nước, quê hương Bắc Giang nói chung, Chùa Vĩnh Nghiêm mà trực tiếp là kho mộc kinh nói riêng. Qua đó lượng du khách trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu những giá trị độc đáo của kho mộc kinh cũng nhiều hơn. Ngoài ra, một vấn đề đáng lưu tâm là trong quá trình kiểm kê, nghiên cứu cho thấy trong tổng số hơn ba nghìn mộc bản, một số đã xuất hiện hiện tượng bị cong, vênh, nứt, mục; với những mộc bản ít được in ấn, bề mặt của nhiều mảnh ván xuất hiện hiện tượng bị nấm mốc xâm hại rất dễ bị tổn hại, mất chữ. Vì vậy khi được công nhận là di sản tư liệu của thế giới, chúng ta sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc kêu gọi các nguồn đầu tư kinh phí, thậm chí là cả các chuyên gia quốc tế hỗ trợ cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị vô giá của kho mộc kinh. |