Khoảnh khắc đời người

GN - Con không biết bắt đầu từ đâu khi nghĩ về người ba. Ba là người thầy, tri âm, đôi khi là đạo hữu, là những gì tôn nghiêm và gần gũi nhất trong con! Ba vừa xa vừa gần, vừa hiện hữu nhưng cũng đã nhòe sau làn nhang khói, chỉ còn lại nét cười in mãi trong đời con và những lời dạy sống động đi cùng năm tháng...

Ta từng kể, đã chết hụt hai lần trong đời. Những lúc đó, ba chắp tay thầm niệm Nam-mô Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát. Vậy là vượt qua. Tinh thần an lắng, suy xét đúng việc. Từ đó ba có lòng tin nơi Tam bảo.

Lúc sự nghiệp giáo dục ba đang vào độ tươi rói, mọi chuyện đang sắp vào mùa bội thu của chữ, của những nốt nhạc thăng hoa thì ba ngã bệnh. Ba bị tai biến mạch máu não, sau chuyển sang đủ thứ bệnh, trong đó có cả tiểu đường, huyết áp không ổn định. Những năm tháng bệnh, ba luôn mạnh mẽ vượt qua thân đau đớn, ý chí muốn khỏi căn bệnh nằm một chỗ bằng cách tập vật lý trị liệu rất chuyên cần. Thế rồi ba đi lại được, buồn vui cuộc đời trỗi lên. Ba đã nghỉ dạy từ đó. Rồi ba cùng căn bệnh đồng hành suốt mười ba năm cho tới giây phút cuối lìa đời trong tinh thần hướng về Phật.

Anh (5).JPG


Chân dung cha tôi - Ảnh do TGCC

Từ ngày ba bệnh, ba có dịp soi lại nội tâm, sống lại chính mình và chọn con đường tâm linh để nương tựa vào, để còn sống tốt, được thấy mình hữu dụng. Thế là ba đã tìm hiểu từ những trang kinh mà ông nội để lại, ba thấy lẽ vô thường của đời người. Công danh chỉ là màn sương sớm mai. Con đường khổ đau mà nhân sinh phải vượt qua trong bệnh, già và chết là lẽ hẳn nhiên. Ba chọn pháp môn Tịnh độ làm kim chỉ nam cho đời mình. Ba nghe pháp, ba đọc sách, nghiền ngẫm suy xét về bệnh và nghiệp bệnh. Bạn đời ngày một vắng, bạn đạo dần hiện ra, thiện tri thức có mặt cùng dìu dắt nhau trên những bước sen vàng. Ba hoan hỷ trong đạo pháp.

Lúc mới học Phật, ba đã tìm hiểu và thực hành nhiều pháp môn. Ba tìm hiểu lời dạy của Phật qua từng trang kinh mà con gửi, bạn đạo tặng. Ba đọc, gạch chân những câu chữ chưa rõ để suy tầm rồi nghe pháp, nghe thiện tri thức chia sẻ. Ba không muốn sự hiểu biết qua loa, máy móc. Do bệnh nên ba không thể ngồi thiền, có chăng chỉ ngồi năm mười phút, sau này thì bỏ hẳn. Trì chú Đại bi, chú Vãng sanh (Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ đà-la-ni) và tâm chú Lăng nghiêm được một thời gian khá lâu, rồi ba không theo nữa. Lúc đó chỉ trong vòng ba, bốn ngày mà ba đã thuộc lòng chú Đại bi, đọc to rõ. Sau này do sức khỏe ngày một tệ hơn, mắt nhìn kém hẳn, gần như không thấy rõ chữ, tai đã lãng, phải nói to ba mới nghe. Chính vì vậy nên ba chỉ còn lần chuỗi niệm hồng danh Phật A Di Đà. Vì niệm sáu chữ sẽ lâu hơn, ít hơn, cho nên ba chọn niệm hồng danh Giáo chủ Tây phương Cực Lạc Tiếp dẫn chỉ còn bốn chữ: A Di Đà Phật. Về sau ba bỏ chuỗi, chỉ thầm niệm trong tâm, lúc khỏe niệm ra tiếng, lúc niệm to, khi niệm vừa. Khi đi đứng lúc nằm ngồi, ba đều niệm Phật.

Mỗi lần tôi đi xa về, hai cha con có dịp gần nhau cà-phê, trà thì ba nói mãi: “Nhớ giữ thân, miệng, ý một niềm chắc thật về Tam bảo. Phải có Tín - Nguyện - Hạnh thì mới niệm Phật A Di Đà một cách trọn vẹn như lời giới thiệu của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni về Phật A Di Đà và cảnh giới Tây phương thù thắng của Ngài. Bốn mươi tám nguyện của Giáo chủ cõi Cực lạc là sống động, là Tịnh độ bước ra cuộc đời chứ không phải chúng ta tu hành niệm Phật một cách mê tín. Miệng niệm mà tâm đi chơi, thân lần chuỗi mà vọng niệm đầy ma chướng. Như vậy thì cách Phật xa lắm. Ba biết trí huệ ba kém, căn cơ ba hợp với pháp môn niệm Phật. Thường xuyên nhớ nghĩ Phật để cho Phật trong lòng mở mắt cười với mình với tha nhân. Niệm Phật chớ suy tính số lượng, thời gian. Mình đi tính toán với Phật thì mình thành con buôn mất rồi. Niệm Phật không phải là réo gọi tên Ngài. Con còn trẻ, có thể còn nhiều thời gian nghiên cứu, học tập kinh điển, chọn lựa pháp môn thích hợp với căn cơ con. Nhưng nhớ rằng đừng có tự cho pháp môn mình cao, con đường mình đi là hơn người. Khen mình chê người thì họa tới ngay, con ạ! Đức Phật Thích Ca là một bậc Thầy siêu việt, Ngài đã biết rõ mỗi học trò của mình giỏi dở, thông minh dốt nát thế nào, cho nên Ngài đã dùng vô số phương tiện để mà độ muôn loài chúng sanh qua sông mê đến bến bờ giác ngộ. Niệm Phật thì không còn niệm chúng sanh. Nghĩ tới Phật thì không còn nghĩ tới chuyện tham, sân, si. Làm việc Phật thì không còn làm những chuyện trái đạo lý, sai luân thường. Thành thật sám hối nghiệp chướng, vượt qua mê lầm, buông bản ngã thì mới niệm Phật trọn vẹn con ơi!”.

Những ngày cuối của cuộc đời, ba và tôi trong bệnh viện đã làm những gì cần kíp trong cuộc hành trình sắp hết. Thời gian tính từng giây. Ba đang mệt dần, đau tim, nhức chân, rêm thân, tôi đã dùng phương pháp cảm ơn và xin lỗi xoa dịu thân đau cho ba. Tôi xoa vuốt nhẹ nhàng trên thân thể ba và nói: “Cảm ơn từng bộ phận tim, gan, dạ dày, mắt, tai, mũi, lưỡi,… bên trong và bên ngoài của thân thể, tất cả bộ phận của cơ thể (….) đã đồng hành với thiện nam tử này 61 năm qua không ngăn ngại, chẳng kêu ca. Xin lỗi tất cả bộ phận trong và ngoài cơ thể của thiện nam tử… đã có nhiều lúc thờ ơ, chẳng quan tâm, không biết nghĩ đến thân thể này, làm cho các bạn đã mệt mỏi, có bộ phận ngừng hoạt động, có bộ phận đã suy sụp. Tất cả đều vì vô minh, tham, sân, si, bản ngã mà ra. Nay thiện nam tử…. thành tâm xin lỗi và cảm ơn, sám hối tất cả nghiệp chướng đã làm cho thân đau, làm cho các bộ phận không hòa kết. Nếu chúng ta kình chống nhau sẽ làm cho thân tứ đại này mau hoại diệt, chẳng tỏ tường, không làm được những điều tốt đẹp cho cuộc sống, không ra khỏi vô minh điên đảo. Chi bằng chúng ta cùng nhau nương gá vì đạo pháp, vì mục đích hướng thượng thiện lành làm cho thân không đau đớn, tâm không phiền não, trí sáng suốt, tâm từ khởi lên. Điều này vừa có ích lợi cho chúng ta (thân và tâm) và ích lợi cho những ai nghe, thấy, biết và gặp gỡ với chúng ta. Hãy buông xuống hiềm hận. Hãy cùng nhau niệm Phật và chí thành sám hối sáu căn ba nghiệp, làm cho trong sạch, thanh lương trở lại!”. Vậy mà ba nhoẻn cười, nói là nhẹ nhàng rồi con, ba cảm ơn con, thân ba không nặng nề nữa, ba tiếp tục niệm Phật đây. Con niệm cùng ba nghen!

Thế là tôi niệm A Di Đà Phật chậm, rõ, ba niệm theo. Lúc sau, ba mệt dần, tôi niệm Phật thì ba co ngón tay trỏ theo từng nhịp niệm, ngón chân cái cũng làm y vậy, sau chỉ còn cái chớp mắt nheo theo, sau nữa thì ba im lặng và về với những gì tốt đẹp hay xấu ác mà nhiều đời kiếp cho tới đời hiện tại huân tập.

Thực hiện theo lời căn dặn lúc ba còn mạnh, tôi cùng với một vài đạo hữu đã tiến hành hộ niệm cho ba suốt tám giờ đồng hồ tại nhà. Gương mặt ba hồng hào, thân thể mềm nhẹ. Khi đạo hữu đi rồi, tôi ngồi đó bên ba và nói nhấn thêm: “Này đạo hữu thiện nam tử Trần Hữu Định, pháp danh Minh Kiến. Thường ngày niệm Phật cầu vãng sanh, đây là tới lúc đi, chớ nắm níu tấm thân da hôi thúi giả tạm này nữa. Đừng chấp vào một cảnh sắc gì, hãy niệm Phật và sống trong ánh sáng của Như Lai, đi tiếp con đường tu học cho tới ngày viên thành đạo pháp. A Di Đà Phật!”.

Ngày ngày niệm Phật, nhìn di ảnh ba và nhớ về lời người dạy, thương yêu neo mãi. Ơn ba không gì sánh, chẳng thể đong đo cân lường. Nguyện ba sống trong ánh sáng Phật.

* Tin, video liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày