GN - Khi đề cập đến các mối quan hệ tại khu vực Nam Á, người ta thường hình dung ngay đến Ấn Độ - Pakistan, hoặc Ấn Độ - Nepal.
Đó không phải là một điều đáng ngạc nhiên, khi Ấn Độ đã phủ sóng toàn bộ khu vực từ trước đến nay. Sự ảnh hưởng không cân xứng này tác động đến việc đổi mới về nguồn tin Phật giáo trên tiểu lục địa Ấn Độ, gây nhiều sự chú ý đến các phong trào của Ấn Độ liên quan đến chính trị với tầng lớp Dalit và những mối quan hệ với các nước Đông Á. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một sự hòa hoãn (détente) Phật giáo liên quan đến Hồi giáo của Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của truyền thông Anh.
Đoàn đại biểu Sri Lanka tại bảo tàng Taxila
Vào ngày Vesak - Kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập diệt, Đại sứ Nepal tại Pakistan, bà Sewa Lamsal Adhikari, đã tổ chức một cuộc diễu hành vì hòa bình tại công viên Fatima Jinnah xanh của thủ đô Islamabad, cùng ngài Thị trưởng, ông Sheikh Ansar Aziz. Các nhà ngoại giao và nhiều người dân thành phố cũng đã tham dự vào cuộc diễu hành này. Đại sứ Adhikari quan niệm, nhiệm vụ hòa bình là một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại cơ bản của Nepal. Trong khi đó, Aziz lưu ý rằng quan hệ ngoại giao Pakistan - Sri Lanka có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thủ đô Islamabad, trong các lĩnh vực như môi trường, giáo dục và sức khỏe. Đồng thời, ông hy vọng Tổng Công ty Metropolitan của Islamabad và Đoàn ngoại giao sẽ tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực này và nhiều hơn nữa (theo quan sát viên Pakistan).
Thật đáng ngạc nhiên, khi năm nay, Đại lễ Vesak được cử hành tại thủ đô của trung tâm Hồi giáo Pakistan, thuộc khu vực Nam Á. Theo đó, Pakistan đã chính thức tổ chức Đại lễ Vesak lần đầu tiên vào tháng 5-2016, khi Bộ Di sản và Văn hóa quốc gia thuộc Bộ Thông tin-Truyền hình và Di sản quốc gia Pakistan chủ trì tổ chức lễ hội ở Islamabad, dẫn đầu phái đoàn 43 thành viên từ Sri Lanka tham dự lễ hội và viếng thăm di tích Phật giáo Taxila. Phái đoàn bao gồm các bộ trưởng, tu sĩ cấp cao, các học giả tôn giáo và đông đảo giới truyền thông. Trước đó, trong một chuyến thăm chính thức vào tháng 1-2016, cựu Thủ tướng Pakistan, ông Nawaz Sharif, đã đến thăm ngôi chùa Phật giáo linh thiêng nhất ở Sri Lanka, chùa Sacred Tooth Relic ở Kandy.
Vào năm 2017, Pakistan lần đầu tiên tham dự Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc tại Colombo. Nhân dịp này, Pakistan đã gửi đến Sri Lanka hai xá-lợi xương của Đức Phật, trong một chiếc hộp nhỏ bằng vàng, từ một bộ sưu tập tại Bảo tàng Taxila của Pakistan. Những bảo vật này sau đó đã được trưng bày trong một loạt các cuộc triển lãm công cộng, tại các ngôi chùa trên khắp nước Sri Lanka.
Những năm gần đây, Chính phủ Pakistan đã có một số nỗ lực đáng chú ý trong việc gợi nhắc lại nền Phật giáo cổ đại tại đất nước này, thời kỳ trước khi xuất hiện Hồi giáo, như là một yếu tố quan trọng để trẻ hóa quốc gia. Đây có thể xem là một động thái thân thiện, để tiếp cận với các quốc gia có đông đảo Phật tử, bao gồm: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka và Thái Lan. Song, Đại lễ Vesak ở Pakistan chỉ nhằm thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa Sri Lanka và Pakistan. Được biết, cả hai quốc gia này đã âm thầm xây dựng mối quan hệ Phật giáo từ những năm 2000, và giờ đây, với sự tham gia của Nepal vào khối “quốc gia mới” chưa chính thức này, dự kiến ngoại giao Phật giáo Nam Á sẽ trở nên nổi bật hơn.
Phật giáo đã từng là một tôn giáo thống trị tại Pakistan. Tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, cùng với thung lũng Swat, Taxila, Buner và Bajaur, từng thuộc vương quốc Gandhara cổ đại. Ở đây, văn hóa Phật giáo phát triển từ thế kỷ thứ II TCN cho đến thế kỷ thứ X. Gandhara đặc biệt nổi tiếng khi tiên phong cho trường phái nghệ thuật Phật giáo đầu tiên.
Tượng đá tôn dung Đức Phật theo trường phái Gandhara
Phật tử Pakistan sống chủ yếu ở Sindh và các khu vực như vùng Rohi, phía Nam Punjab. Đáng tiếc là có quá ít dữ liệu để tính chính xác số lượng Phật tử ở Pakistan. Nhiều Phật tử tại đây đã có những tường trình về việc bị phân biệt đối xử, bạo hành và phá hủy tài sản. Họ bị xã hội coi thường như một dân tộc thiểu số cuồng tín.
Lala Rajoo Raam, một đại diện địa phương của Phật giáo Baori, đã bày tỏ sự lo lắng cho cộng đồng của mình. Ông là người duy nhất tại ngôi làng nơi mình sinh sống, có trình độ học vấn cao.
“Hầu hết mọi người trong cộng đồng của chúng tôi không có chứng minh thư. Vậy làm cách nào bạn có thể trông đợi bất cứ quyền công dân nào? Dân số ở đây là hơn 16.000 người, nhưng trong các văn bản thì ghi nhận ít đi nhiều ”, theo tờ The Friday Times.
Lala Rajoo Raam cũng cho biết, cuộc tấn công của người Hindu vào một nhà thờ Hồi giáo ở Babri, Ấn Độ, đã dẫn đến cuộc phản công của những người Hồi giáo cực đoan vào ngôi chùa Phật giáo địa phương của mình.
“Như bạn đã biết, ở đây, tại thành phố Bahawalpur, nhiều ngôi đền Hindu trở thành mục tiêu trong cuộc phản công của Hồi giáo, và ngôi chùa của chúng tôi cũng không ngoại lệ. Sau đó, chúng tôi không bao giờ xây dựng lại ngôi chùa của mình nữa, vì việc dựng lại một ngôi chùa có thể gây xung đột và khuyến khích thế lực thù hận chống lại chúng tôi, trong khi chúng tôi có quan hệ khá thân thiện với người Hồi giáo của các làng lân cận. Tuy nhiên, trong mỗi ngôi nhà, chúng tôi đều có những biểu tượng của Đức Phật và chúng tôi cũng ăn mừng Holi và Dewali mỗi năm. Hàng năm, chúng tôi tập trung tại Baba Ghoosai, để thực hiện các lễ hội tôn giáo của riêng mình”, theo The Friday Times.
Trong mối lo ngại về những khu vực có cộng đồng Phật giáo (và những thực trạng này cần phải được theo dõi), quan hệ ngoại giao giữa Pakistan và các nước Phật giáo chiếm đa số, vẫn đang từng bước được cải thiện. Một số bản dịch của các nghiên cứu học thuật đã được Ủy ban Cao cấp Pakistan xác tín: Bản dịch tiếng Sinhala năm 2006 về nghệ thuật Gandhara, của Ahmed Hassan Dani ở Pakistan (1992), Bản dịch tiếng Sinhala năm 2007 của Ihsan H. Nadiem về Lịch sử, Nghệ thuật và Kiến trúc ( 2003), và một dự án tái khám phá các liên kết cổ đại của Pakistan đối với Phật giáo vào năm 2009. Vị tiên tri, Muhammad Daud Ehtisham, thuộc Ủy ban Cao cấp, cũng được cho là lưu tâm đến việc thúc đẩy quan hệ văn hóa Phật giáo giữa Pakistan và Sri Lanka từ năm 2010 - 2016.
Ngày nay, tuy không có truyền thống sống động và mạnh mẽ về Phật giáo ở Pakistan, song, hy vọng rằng Phật giáo có thể giúp mang lại cho vùng đất này một bản sắc rõ nét hơn, cũng như một kênh để củng cố mối quan hệ với các quốc gia Phật giáo. Một vấn đề đáng quan tâm là tình hình của bộ phận thiểu số Phật giáo trong nước. Chính phủ cần phải đảm bảo rằng họ được tự do, tránh xa khỏi bất kỳ phần tử thuộc chủ nghĩa tôn giáo cực đoan nào. Nếu cam kết mới của Chính phủ Pakistan tại Vesak có thể mang lại lợi ích cho các cộng đồng thiểu số này, thì việc tiếp cận Phật giáo của họ sẽ có triển vọng và được củng cố một cách hợp pháp hơn.
Diệu Tạng (theo Buddhistdoor)