Không phóng dật

GN - Ở đời có năm món hấp dẫn, khiến người ta đắm say, vui thích là tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ (ngũ dục). Cùng với ngũ dục là ngũ trần, năm khoái lạc của giác quan, mắt thích sắc đẹp, tai say tiếng hay, mũi mê hương thơm, lưỡi đắm vị ngon, thân ưa xúc chạm êm ái. Chính sức hấp dẫn của ngũ dục và ngũ trần đã khiến cho chúng sanh say đắm, dính mắc, kẹt cứng, bị lệ thuộc, từ đó tạo ra vô vàn phiền lụy, đau khổ.

suy nghiem loi phat 2.jpg
Nhờ giới luật che chắn và giữ gìn khiến cho người tu không buông lung, sa ngã - Ảnh minh họa

Theo Thế Tôn, ngũ dục và ngũ trần là sức mạnh của ma vương. Không chỉ trói buộc người đời, mà ngay cả hàng xuất gia mang chí nguyện thoát tục cũng khó vượt ra khỏi uy lực và kềm tỏa của ma Ba-tuần. Nên thay vì thẳng đến chỗ vô vi, lần hồi lại quay về hữu vi, “rơi vào sanh già bệnh chết, không qua được các nạn đáng sợ, lọt vào cảnh giới của ma”. Nhưng không phải là mọi chúng sanh đều bó tay chịu chết chìm trong ngũ dục và ngũ trần, theo Thế Tôn, không phóng dật chính là thuốc hay để giúp trị liệu căn bệnh trầm kha này.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Đàn bà có năm thế lực coi thường chồng. Thế nào là năm? Sắc lực, thế lực của thân tộc, sức mạnh của ruộng vườn gia nghiệp, sức mạnh của con cái, sức mạnh của tự thủ mà coi thường người chồng.

Người chồng lại cũng dùng một thế lực để che phủ người vợ kia. Thế nào là một thế lực? Nghĩa là sức phú quý. Người chồng vì phú quý, sức mạnh của sắc chẳng bằng, thân tộc, ruộng vườn, con cái, tự thủ đều chẳng bằng. Đó là do một thế lực mà thắng bấy nhiêu thế lực.

Nay tệ ma Ba-tuần cũng có năm thế lực. Thế nào là năm? Nghĩa là: sắc lực, thanh lực, hương lực, vị lực, xúc lực. Phàm người ngu si đắm trước các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc chẳng thể qua được cảnh giới của ma Ba-tuần. Nếu đệ tử Thánh thành tựu một thế lực thì thắng bao nhiêu sức đó. Thế nào là một thế lực? Nghĩa là sức không phóng dật. Nếu các đệ tử bậc Hiền Thánh thành tựu không phóng dật, thì chẳng bị sắc, thanh, hương, vị, xúc trói buộc. Vì không bị ngũ dục trói buộc, nên có thể phân biệt pháp sanh già bệnh chết, thắng năm thế lực của ma, không rơi vào cảnh giới ma, qua được các nạn đáng sợ, đến chỗ vô vi.

Thế Tôn liền nói kệ này:

Giới là đạo cam lồ 

Phóng dật là đường chết 

Không tham thì không chết 

Mất đạo là mất mình.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nên nhớ tự hành, chớ phóng dật. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tà tư, 

VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.361)

Thế Tôn đã đưa ra một ví dụ với hình ảnh cụ thể và sống động để chúng ta dễ hình dung vấn đề. Như người vợ quá khéo léo, giỏi giang (theo quan niệm xưa) có nhan sắc, thân tộc có nhiều thế lực, ruộng vườn gia nghiệp dồi dào, sinh con đẻ cái đông đúc, biết gìn giữ và phát huy sản nghiệp gia đình nên hay coi thường, lấn lướt người chồng. Nếu người chồng thực sự giàu sang phú quý thì chỉ một sức mạnh này thôi có thể nhiếp phục được, che phủ được năm ưu điểm của người vợ giỏi giang kia.

Cũng vậy, ma Ba-tuần giăng bẫy ngũ dục, ngũ trần ở khắp mọi nơi nhưng nếu những người tu Phật quyết không phóng dật thì đủ sức mạnh vượt qua. Phóng dật là buông thả tâm tham ái chạy theo ngũ dục, ngũ trần nên bị trói buộc, bị mất mình. Không phóng dật là giữ tâm chánh niệm khi đối duyên xúc cảnh, quán thấu vô thường-khổ-không của các pháp nên không khởi tham đắm, dính mắc, không bị cảnh trần trói buộc.

Để hỗ trợ cho hạnh không phóng dật được mạnh mẽ và tinh chuyên, vâng giữ giới luật là căn bản nhất. Nhờ giới luật che chắn và giữ gìn khiến cho người tu không buông lung, sa ngã. Nhờ không phóng dật nên làm chủ tham ái. Khi tham ái được kiểm soát thì đạo lộ giải thoát càng hiện rõ dần. Cho đến một ngày tham ái được xả ly và đoạn tận thì vượt ra khỏi tầm với của ác ma, thành tựu đại giải thoát. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày