Khứ lai vô ngại...

Khứ lai vô ngại...

GN - Trong suốt những năm tháng xuôi ngược khắp các tỉnh thành nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong thời kỳ đầu thống nhất Phật giáo, tôi có duyên được nhiều lần tháp tùng HT.Thích Thiện Hào trên hầu hết vùng miền phía Nam đất nước, từ cố đô Huế lịch sử đến mũi Cà Mau. Đặc biệt nhất, sự hiện diện của Hòa thượng ở nơi nào cũng đem lại sự bình an, ổn định; ranh giới của mọi dị biệt, bất đồng đều được xóa bỏ. Điều này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi về hình ảnh vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Việt Nam trong những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập niên 90.

Cùng với phong thái và đạo hạnh của một nhà sư - chiến sĩ dày dạn trước những trận phong ba bão táp của Đạo pháp và Dân tộc đã tạo nên khối gắn kết trong nội tình Phật giáo miền Nam, Hòa thượng còn là người có tầm nhìn hoạch định chủ chốt về nhân sự cho Giáo hội, thể hiện trong suốt thời gian ngài đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TƯGH, Trưởng ban Trị sự THPG TP.Hồ Chí Minh. Ngài luôn theo đuổi tâm nguyện tìm tòi, lựa chọn, sàng lọc số đối tượng Tăng Ni trẻ, có năng lực nhằm đào tạo làm hạt nhân nòng cốt cho sự nghiệp kế vãng khai lai, bởi theo Hòa thượng, đấy chính là nền tảng chủ yếu thúc đẩy công cuộc hoằng truyền Chánh pháp tại thế gian.

Nhớ những lần thầy trò đi về miền Tây trên chiếc xe Peugeot 305 cũ kỹ cùng vị thị giả của ngài, suốt dọc đường Hòa thượng kể nhiều mẩu chuyện vui trong thời kỳ chiến tranh lúc còn thoát ly ở chiến khu, rồi việc Phật sự của Giáo hội trong bối cảnh còn nhiều mới mẻ buổi giao thời… Những lúc đó, tôi bắt gặp nét lo lắng ưu tư về những con người mà Hòa thượng muốn trao lại quyền kế nhiệm, ngay cả trong Ban Thừa kế môn phong Thiên Thai Thiền Giáo tông, nơi Hòa thượng được nuôi dưỡng, trưởng thành dưới mái chùa do Tổ sư Huệ Đăng sáng lập. Hòa thượng rất hiếm khi phát biểu mà cứ âm thầm, lặng lẽ thực hiện cho kỳ được những hoài vọng mang lại lợi ích chung. Ngay cả khi bệnh duyên trở nặng, Hòa thượng vẫn thực hiện tròn vẹn, chu đáo nhiệm vụ thiêng liêng đầy cao cả trong buổi gặp mặt cuối cùng với toàn Ban Trị sự THPG tại căn phòng nhỏ trên tầng một của chùa Xá Lợi - trú xứ của Hòa thượng trước lúc viên tịch.

Một trường hợp khác mà tôi được chứng kiến vào năm 1986 tại trường hạ chùa Xá Lợi, Q.3, Hòa thượng đích thân đề bạt một vị Thượng tọa làm Chánh na (thời kỳ đó TT.Thích Từ Hạnh làm Chánh Văn phòng II). Mặc dù có những lời ra tiếng vào, nhưng Hòa thượng vẫn cương quyết giữ ý kiến, và vị này sau đó đã trở thành giáo phẩm lãnh đạo TƯGH. Hòa thượng cũng đã nhất quyết đề bạt một Thượng tọa còn trẻ so với các vị tôn túc, mà trong cuộc họp bất thường Ban Trị sự, Hòa thượng trực tiếp vận động từng thành viên để ủng hộ cho công việc cơ cấu nhân sự kế thừa mà Hòa thượng tin tưởng giao phó, dù gặp một số phản ứng bất lợi từ quý tôn đức không hài lòng do vị Thượng tọa này còn… quá trẻ (!). Nhưng với sự cương quyết của Hòa thượng, phiên họp đã thành tựu, giải tỏa được nỗi lo lắng, ưu tư của ngài trước đó. Rất tiếc, bấy giờ tôi vẫn còn quá trẻ để có thể nhìn nhận đúng thực chất vấn đề mà Hòa thượng đang kề vai gánh vác cho sự nghiệp kế thừa quan trọng của tổ chức Phật giáo ở một thành phố lớn.

15 năm đã qua đi kể từ ngày HT.Thích Thiện Hào viên dung công hạnh, trở về với thế giới an lành của chư Phật. Tưởng niệm về ngài, gợi nhắc lại đạo phong khả kính, từ hòa, dung nghi tự tại, hàng hậu học chúng ta có cơ hội tự chiêm nghiệm, soi rọi chính mình trên lộ trình kế tục sự nghiệp người xưa…l

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Điều xấu của một tu sĩ: Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày