GNO - Thừa cân, béo phì đang là vấn nạn sức khỏe nghiêm trọng của người dân Hoa Kỳ. Nguyên nhân gây ra vấn nạn này được các chuyên gia cho là có liên quan các yếu tố về gene, lối sống ít vận động thể chất. Ngoài ra, ăn quá nhiều (ăn quá mức) cũng là một nguyên nhân quan trọng của hiện trạng này.
Ăn nhiều quá mức là một rối loạn nghiêm trọng. Cảm giác no được tạo ra do nhiều hormone di chuyển trong đường tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Thomas Jefferson đã phát hiện ra rằng việc ăn quá nhiều kéo dài có thể làm ngăn chặn cảm giác no và hoạt động của các hormone này.
Một em bé bị béo phì - Ảnh chỉ mang tính minh hoạ
Ăn quá nhiều làm “tê liệt” hormone “báo no”
Trong nhiều nghiên cứu trước đây, các nhà nghiên cứu lưu ý đến một loại hormone có tên là uroguanylin, được cho là có liên quan đến béo phì. Các thử nghiệm trên vật thử cho thấy rằng ở các đối tượng không bị béo phì, hormone uroguanylin sẽ di chuyển đến não bộ để giúp tạo ra cảm giác no sau khi cơ thể hấp thu ăn.
Nhóm nghiên cứu cho các vật thử ăn thật nhiều (quá mức nhu cầu) rồi sau đó quan sát hoạt động của hormone uroguanylin. Kết quả cho thấy rằng, hoạt động của nội tiết tố này bị đình đốn. Cụ thể là các chuyên gia không thấy sự di chuyển của hormone này trong ruột non của vật thử. Và não không thể ra tín hiệu “báo no” cho cơ thể.
Sau khi quan sát sâu hơn diễn tiến trong ruột non, các chuyên gia phát hiện ra rằng mạng lưới nội bộ các tế bào ER (Endoplasmic Reticulum) chịu trách nhiệm tạo ra các protein và hormone chính là nguyên nhân gây ra bất ổn này. Nếu các ER quá “căng thẳng” hay “bị áp lực” quá nhiều thì không thể thực hiện chức năng của mình.
Nghiên cứu đi đến khẳng định rằng, hấp thu quá mức calori từ chất béo hay từ carbohydrate đều gây áp lực và căng thẳng cho ruột non, dẫn đến sự ngưng sản xuất ra hormone giúp tạo cảm giác no uroguanylin sau khi ăn.
Theo Waldman, cũng giống như ung thư, có nhiều nhân tố gây ra béo phì và một vài trong số các nhân tố đó là không thể thay đổi được. Ví dụ, hormone leptin giúp não ra tín hiệu báo cho cơ thể rằng đã nạp đủ mức năng lượng cho hoạt động trong ngày. Sự kháng đối lại hormone này sẽ gây ra tình trạng ăn quá mức, kết quả là dẫn đến béo phì.
Từ nghiên cứu này, hormone uroguanylin đang là trọng tâm được lưu ý đến và các chuyên gia đang xem xét liệu có thể kết hợp liệu pháp thay thế hormone trong tiếp cận và điều trị béo phì hay không, khi mà béo phì đang trở thành một vấn nạn sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng đe dọa cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc và tuổi thọ của con người hiện nay.
Trần Trọng Hiếu
(theo Medical Daily)