Kiên nhẫn

NSGN - Kiên nhẫn, tiếng Pāli là khanti, là một trong mười cách thực hành (theo Phật giáo Nguyên thủy, còn theo truyền thống Phát triển thì sáu) để đạt đến sự hoàn thiện giác ngộ, thường được gọi là các pháp ba-la-mật. Kiên nhẫn thật ra xuất phát tự sự ưa chuộng con đường hòa bình bên trong cũng như bên ngoài và tin rằng, chúng ta có đủ khả năng chấp nhận sự thật như nó đang là. Đối với người bình thường ở đời, kiên nhẫn là một đức tính cần thiết. Kiên nhẫn có ba phương diện: kiên trì chịu đựng một cách nhẹ nhàng, âm thầm chịu đựng khó khăn và chấp nhận sự thật.
anh ns 2.jpg
Tha thứ là kiên nhẫn để chờ đợi người và mình tiến bộ hơn, vững chãi hơn.
Tha thứ không chỉ là biểu hiện của tâm kiên nhẫn mà còn là biểu hiện của tâm từ - Ảnh minh họa

Chịu đựng nhẹ nhàng

Phương diện đầu tiên, dễ nhất của kiên nhẫn là ‘chịu đựng nhẹ nhàng’. “Chịu” là đồng ý, chấp nhận. “Đựng” là khả năng dung chứa. “Chịu đựng nhẹ nhàng” là khi đối trước một sự kiện không như ý, thay vì phản ứng mạnh mẽ theo đúng cường độ bất bình trong tâm thì người học cách kiên nhẫn sẽ tìm cách phân luồng, chuyển hướng dòng năng lượng này với một chút lực nén nhẹ nhàng của sự chịu đựng.

Khi gặp phải những cảnh không vui lòng đẹp ý, phản ứng thông thường là chúng ta muốn nói vài câu cho hả dạ. Thế nhưng, người tập cho mình tính kiên nhẫn thì hãy nhớ thủ khẩu như thủ bình, phòng hộ ý như giữ thành và giải pháp tốt nhất lúc này là làm thinh, thay vì nói ra những lời có khả năng làm tổn thương tâm mình và đau lòng người khác. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa đủ nội lực để có thể thinh lặng từ trong nguồn tâm.

‘Chịu đựng nhẹ nhàng’ chỉ có tác dụng nén cảm xúc một cách có phương pháp để không làm mích lòng người trong giao tiếp cuộc sống. Đây là giải pháp tạm thời vì chúng ta vẫn chưa thật sự chấp nhận được sự thật mà mình cho là vô lý. Tuy nhiên, nhờ giai đoạn này, tâm chúng ta có đủ thời gian để quyết định nên làm gì để giải quyết tình huống một cách êm đẹp nhất và hiệu quả cao nhất. Nói cách khác, ‘chịu đựng nhẹ nhàng’ có tác dụng trì hoãn phản ứng của chúng ta chậm đi một vài nhịp trước sự tác động của môi trường bên ngoài.

Cách tốt nhất để thực hành giai đoạn chịu đựng nhẹ nhàng là dùng năng lượng nén vì bực bội ấy để hướng tâm về hơi thở. Liệu chúng ta bực đến mức không dành cho mình được một hơi thở hay sao? Đối với người thực hành cách trở về với hơi thở mỗi khi cần đến sự ‘chịu đựng nhẹ nhàng’ sẽ tìm thấy chính hơi thở là vị cứu tinh cho mình để tâm không bị tổn thương nhiều hơn nữa và hạn chế mức độ làm mích lòng người ta đến mức thấp nhất và giữ được hình ảnh của mình với những người xung quanh.

Nếu chúng ta có thể gom tâm, trong những tình huống có tính thử thách cao như vậy, gom và dán tâm vào hơi thở, từ vị trí ngay trên lỗ mũi khi luồng hơi bắt đầu chạm phớt đi vào tiếp xúc với lỗ mũi, và dõi theo hành trình của hơi thở cho đến khi nó lại chạm nhẹ vào làn da ở môi trên trước khi đi ra ngoài. Trong khi tâm dõi theo hơi thở thì nó không phải chịu đựng, đau đớn và bất an. Với sự chú tâm vào hơi thở vô và ra, tâm lắng dịu. Nhờ đó, các tâm lý tiêu cực cũng đến rồi đi một cách nhẹ nhàng.

Cũng lắm khi ta muốn cuộc sống mình khác hơn hiện tại, đó là lúc sự kiên nhẫn của ta gặp nhiều thử thách. Trong những lúc đó, ta thấy cuộc sống mình thật nhàm chán, đơn điệu. Chúng ta mất đi sự hài hước, vui vẻ thường ngày. Thay vào đó, tự ái, chán nản, tự khổ vì ‘phản ứng nguội’ khi nhớ lại những việc đã xảy ra, suy diễn theo ý mình, tự ái, và đổ thừa cho người khác và ngoại cảnh. Để không bế tắc, ta cần thực hành ‘chịu đựng nhẹ nhàng’ trong tinh thần tha thứ. Khi đụng chuyện với người khác, hiểu được nỗi khổ mà người ấy đang chịu đựng là bước đầu tiên để nối lại truyền thông, tha thứ và bắt đầu xây dựng lại những gì vừa đổ nát. Học cách tha thứ cũng đồng nghĩa với việc nuôi dưỡng tâm kiên nhẫn. Tha thứ có nghĩa là chấp nhận được sự không hoàn thiện ở người và ở mình. Tha thứ là kiên nhẫn với những vụng về, khiếm khuyết và chưa hoàn hảo ở người và ở mình.

Tha thứ là kiên nhẫn để chờ đợi người và mình tiến bộ hơn, vững chãi hơn. Tha thứ không chỉ là biểu hiện của tâm kiên nhẫn mà còn là biểu hiện của tâm từ. Trong phương pháp tu tập tâm từ, một phương pháp thiền định Phật giáo, có nội dung là “tôi tha thứ tất cả những lỗi lầm của người khác, dù vô tình hay cố ý, gây đau khổ cho tôi. Tôi cũng tha thứ tất cả lỗi lầm mà tôi tự tạo khổ đau cho mình.” Sự an tịnh sẽ được thiết lập trong tâm khi ta học được cách thực hành kiên nhẫn bằng phương pháp tha thứ.

Chịu đựng gian khó

Phương diện thứ hai của kiên nhẫn là âm thầm chịu đựng gian khó. Đức Phật dạy rằng, thế giới này là khổ. Đã sống trong đời, chúng ta phải có cách chịu đựng khổ. Thế nhưng, chịu đựng khổ không có nghĩa là cứ nhắm mắt đưa chân mà không có cách gì làm vơi dịu nỗi khổ niềm đau mà mình đang gánh chịu. Kiên nhẫn không có nghĩa là thụ động. Kiên nhẫn xuất phát từ sự chấp nhận và lòng thương với nỗi khổ đau chung mà ai cũng gánh chịu để rồi mở tâm dung chứa khổ đau ấy, hóa giải chúng chứ không phải để tiêu trừ khổ đau.

Đôi khi chúng ta cảm thấy không chịu đựng được với các mối quan hệ mình có, với công việc hiện tại hay nản lòng, bực bội vì chúng ta gia công thực hành pháp môn tu nào đó mà chẳng thấy tiến bộ. Chúng ta cần nhận ra rằng, những lúc không thể kiên nhẫn là lúc chúng ta chống đối lại những gì đang diễn ra. Chúng ta không cần và không nên làm như vậy. Hãy tập chấp nhận và thay đổi thái độ của mình trước những gì đang diễn ra trong cuộc sống có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mình.

Trong những tình huống không như ý, chúng ta có cơ hội để tự hỏi mình “trong tình huống này, kiên nhẫn là làm gì đây?” Điều cần thiết để chịu đựng khổ đúng cách là kiên nhẫn tìm hiểu những gì xảy ra trong mối quan hệ của ta với người nào đó đang bị trục trặc và nhìn lại những gì tâm lý mình đang trải nghiệm hơn là để tâm chạy vòng quanh, bất an lo lắng cho giây phút sắp tới, sự kiện sắp tới. Càng thực hành kiên nhẫn, chúng ta càng có thời gian nhiều đủ để chọn lựa cách phản ứng hợp lý khi các phương diện của tình huống đủ thời gian để ‘thấm’ vào nhận thức của mình. Ví dụ, khi ăn quá nhanh, ta không đủ thời gian để cảm nhận mùi vị thức ăn.

Cũng như vậy, khi phản ứng quá nhanh, ta không có đủ thời gian để cảm nhận mùi vị cuộc sống. Giải pháp chúng ta chọn để giải quyết vấn đề trong quá trình kiên nhẫn ấy sẽ tạo cho ta có tâm lý tích cực như biết ơn và hài lòng. Cần có những khoảng lặng cần thiết để cho tâm trở về tĩnh lặng như bản chất vốn có của nó. Đừng tham lam làm nhiều việc cùng một lúc vì như thế, tâm lăng xăng mệt mỏi, không có khoảng trống để lặng dừng, không có năng lượng để nuôi dưỡng sự kiên nhẫn vốn cần thiết trong từng bước đi trong cuộc sống.

Chấp nhận sự thật

Phương diện thứ ba của kiên nhẫn là chấp nhận sự thật. Có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự vật, hiện tượng diễn ra theo quy luật, chấp nhận những gì mình đang trải nghiệm mà không che đậy giấu giếm, với tất cả những khổ đau mình đang trải qua hơn là muốn nó theo ý mình. Theo dõi sự thăng trầm của tâm thức, chúng ta biết những gì mình đang trải nghiệm đang luôn luôn thay đổi, nên chúng ta không cần nó phải khác; nó vốn luôn đổi khác. Chấp nhận sự thật của cuộc đời không hề dễ dàng chút nào dù chúng ta tiếp xúc với nó trong từng giây, từng phút. Cần phải có trí tuệ sâu rộng và tâm từ rộng lớn mới có thể quán sát được bản chất thật của cuộc đời và con người. Cần sự nỗ lực đúng hướng và đúng mức trong một thời gian, chúng ta mới huấn luyện con tim và khối óc để có kỹ năng nhận thức thuận theo các quy luật cuộc sống.

Trong quá trình huấn luyện này, kiên nhẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng để điều chỉnh hướng nhìn nếu hướng nhìn cũ đem lại nhiều khổ đau và bất an. Kiên nhẫn sẽ nuôi lớn nội lực để chúng ta đủ sức chuyển hướng mà vẫn vững chãi không bị các tâm lý tiêu cực như bực mình, chán nản, thất vọng kéo lôi.

Kiên nhẫn tạo nên một sức mạnh đến không ngờ vì chính kiên nhẫn đã cắt đứt tâm lý kiêu ngạo và vô ơn của chúng ta. Trong kiên nhẫn, ta nhận ra mình là một phần tử nhỏ, một bộ phận không thể tách rời trong mối quan hệ duyên sinh của một thực thể lớn hơn. Khi nhận rõ sự thật này, chúng ta khởi tâm khiêm nhường và biết ơn. Nhờ đó, chúng ta biết chọn cho mình giải pháp thích hợp mà không phải để chuyển tải niềm bất mãn, phóng thích tâm sân giận và gieo rắc tâm trách móc người.

Đừng phán xét người cũng không quán xét mình, vì phán xét là nguyên nhân trực tiếp của tâm lý mất kiên nhẫn. Hãy nhẹ nhàng nhắc mình, nhẫn nhịn đúng cách giúp chúng ta an toàn trên đường đời dù lắm lúc, giống như trên đường ta đi, con đường tâm linh cũng có những chặng gồ ghề và lắm lúc cũng bị kẹt xe. Khôn ngoan làm chủ ‘tay lái’ một chút với tâm kiên nhẫn, chúng ta sẽ có lối đi an toàn và không phải hao phí quá nhiều thời gian và năng lượng.

Hãy vui vẻ chấp nhận trong kiên nhẫn cả phương diện như ý và không như ý của cuộc sống như là hai mặt không thể tách rời của một đồng xu. Hãy chấp nhận con người, trong đó có bản thân mình, và cả cuộc sống quanh ta đều chưa hoàn thiện và mỗi một nỗ lực của ta trong kiên nhẫn là hướng đến đích ngày càng hoàn thiện mình.

Kiên nhẫn cần thiết trên từng bước đi trong đời!

Liên Trí

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày