Kính lễ thâm ân

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Niềm vui rộn ràng được vào đảnh lễ thăm Thầy, khi cánh cổng mở rộng, cùng nhau bước vào không gian quý kính, cùng lụm cụm quỳ xuống đứng lên, huynh này đỡ huynh kia, không còn vẻ lanh lẹ như thời nhỏ tuổi.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1184 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1184 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Nhưng tất cả vẫn như trẻ thơ bên cha, một chút hồn nhiên, một chút mừng vui vì vẫn được nhìn Thầy ngồi yên lặng qua tuổi một trăm, một chút trân trọng không khí tĩnh mặc, không dám khua mạnh tay chân, sợ những gì hiện tại sẽ chợt không còn. Sau khi đảnh lễ xong lui ra khỏi trượng thất, nhường lại các Phật tử được vào thăm tiếp theo hoặc các vị thị giả đưa Thầy nghỉ ngơi. Không gian thanh tịnh ấm áp này là niềm vui vô lượng của chúng đệ tử.

Trong chúng tôi, có những vị đã theo Thầy rất sớm. Còn học tiểu học trường làng, rủ nhau đi chùa khi có quý thầy về giảng pháp. Quê xa, tâm hồn bình dị chơn chất, được ngồi bên Thầy nghe kể sự tích Phật, được rụt rè cúng Thầy trái chuối củ khoai. Những ngày lễ vía, sân chùa vui như hội, tiếng hát Phật tử vang vang.

Một chiều xuân qua em với mẹ vui mừng đi

Đem hương với trầm vào chùa lễ Phật

Ngày nào em biết Đức Thế Tôn là ai

Nhưng mẹ bảo rằng ấy Phật muôn đời.

Thầy khi ấy là vị giảng sư của Ấn Quang, rất trẻ rất đơn giản, đem niềm vui Phật pháp về chốn quê xa. Khi các bé thơ lớn lên, theo Thầy xuất gia, được hướng dẫn từng bước một cho đến khi trưởng thành, làm Phật sự. Giờ đây có người trên 80, xếp hàng cùng huynh đệ, quy ngưỡng thăm sức khỏe Thầy, trong một niềm vui không thể nào lớn hơn.

Cũng có những vị, làm sinh viên học Phật pháp, theo dự các buổi dạy thiền Lý-Trần của Thầy nơi đại học. Và rồi theo Thầy lên Chân Không xuất gia, cất thất bốn năm người, nguyện tu học đến cuối đời. Những ngày tháng bình lặng, buổi chiều men theo đường núi ngồi bên thất nơi thầy uống sữa, nhịp võng đều bình yên đến lạ. Dường như mọi thứ đã phủi sạch. Bây giờ thì tuổi 90, cùng quỳ chung trong hàng Trưởng lão, lời vô ngôn không đủ để thưa trình.

Rồi đến lớp nhỏ tuổi hơn, được theo Thầy sau khi dự học các khóa thiền ở Chân Không, Thường Chiếu, Linh Chiếu… Gần 50 năm trải dài theo chân Thầy, cảm nhận sự kỳ diệu của Phật pháp, đời sống xuất gia thật có giá trị, thật đáng quý theo từng lời khích lệ sách tấn của Thầy. Và bây giờ cùng quỳ đảnh lễ chung với nhau, chia sẻ niềm hoan hỷ, Thầy ngồi nhìn xuống, đôi lúc chợt dừng như muốn hỏi. Ánh mắt quan tâm chăm chú, và thời gian không đi.

Cho tới bây giờ, được xếp hàng quỳ trong chúng, được đảnh lễ bên trong thất thầy. Cổng thất mở là hy vọng mở ra, bước vào với niềm vui vô cùng. Mấy huynh đệ già nhìn nhau, quỳ xuống dâng lên Thầy lòng kính lễ. Một lòng kính lễ ân sâu vô lượng làm sống mãi nét xanh tươi trong tâm chúng con.

Trên Pháp Lạc thất ở Vũng Tàu, khi Thầy mở cánh cửa Không, biển vẫn lặng yên xanh ngát. Gió đại dương thổi hạt muối mặn len qua bờ đá, rừng tre, gốc cây rừng. Ở đó còn thưa vắng chân người. Dấu tích con dốc mòn từ hang Ông Hổ lên cổng tu viện vẫn là đất và đá chênh vênh. Thầy khoác áo đà xuống núi, dáng gầy cao, không thị giả.

Đi một mình, bước một mình

Người đạt đạo cùng đi đường Niết-bàn.

(Chứng đạo ca)

Buổi đầu khôi phục Thiền, Thầy làm việc thầm lặng, thất lá ẩn cư, niềm vui quá lớn tràn đầy hông ngực, Thầy quay nhìn con đường dạy học đã qua, thương các lớp học trò - gần nhất là Huệ Nghiêm - vẫn còn mênh mông bơi trong biển chữ nghĩa. Muốn nắm tay dẫn về quê cũ, dấu tích Tổ sư rõ ràng như thế kia. Một cái nhìn của bậc Đại sĩ chấn động muôn vì sao.

Kinh Hoa nghiêm diễn tả, khi Thế Tôn kết tập đại chúng nơi rừng Thệ Đa (rừng Kỳ Đà), vườn rừng trở nên trang nghiêm rộng lớn. Hai vị Bồ-tát Phổ Hiền và Văn Thù vì đại chúng tuyên dương giáo nghĩa, trợ giúp Đức Phật khai mở cảnh giới tâm vốn sẵn có thênh thang nơi mỗi người. Pháp hội nói xong, Bồ-tát Văn Thù dẫn đại chúng về phương Nam thực hiện chương trình hóa đạo. Ngài Xá-lợi-phất cũng dẫn sáu ngàn vị Tỳ-kheo đi theo về phương Nam, khuyến khích phát Bồ-đề tâm. Trên đường đi, ngài Văn Thù dừng lại quay nhìn các Tỳ-kheo, khuyến khích an trụ hạnh Phổ Hiền. Đoạn này được xưng tán qua hai câu thơ của Thiền sư Phật Quốc:

Sư tử hống thời phương thảo lục

Tượng vương hồi thị lạc hoa hồng.

Ý diễn tả tiếng thuyết pháp như sư tử rống làm tất cả cỏ cây nảy mầm xanh mướt. Và cái ngoái nhìn của voi chúa khiến những cánh hoa đã rụng bỗng trở lại tươi hồng. Quả thật, Thầy là bậc dẫn đạo thấu rõ tâm chúng con, một lần nhìn lại khiến cỏ hoa rực rỡ. Lời dạy của Thầy khơi nguồn sống nơi mỗi chúng con, những nghi ngại héo úa chuyển thành niềm tịnh lạc.

Có lẽ ta về ai biết đâu

Trồng vàng hoa trên núi xương hao

Có lẽ trăm rừng xanh trở lại

Gọi đàn chim xa mãi phương nào…

(Hoàng Quốc Bảo)

“Có lẽ” là một từ đột khởi, không ai nói trước được. Nhưng sớm mai nào đó ta quỳ dưới chân Thầy thưa thỉnh nỗi niềm tu học và được nhận vào chúng. Và giấc mộng trồng hoa vàng trên núi khô, trồng những bờ cây xanh rực rỡ khiến nhân gian tươi tỉnh sau từng cơn mưa pháp.

Cho tới bây giờ, được xếp hàng quỳ trong chúng, được đảnh lễ bên trong thất thầy. Cổng thất mở là hy vọng mở ra, bước vào với niềm vui vô cùng. Mấy huynh đệ già nhìn nhau, quỳ xuống dâng lên Thầy lòng kính lễ. Một lòng kính lễ ân sâu vô lượng làm sống mãi nét xanh tươi trong tâm chúng con.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày